cửu viễn thật thành

Phật Quang Đại Từ Điển

(久遠實成) Thực đã thành Phật từ lâu xa rồi. Cũng gọi Cửu thành, Cửu viễn cổ thành, Cửu viễn bản Phật, Vô thủy cổ Phật. Nghĩa là đức Phật Thích ca đã thành Phật và hóa độ chúng sinh từ vô thủy đến nay. Còn đức Thích ca khai ngộ mới thành Phật (cận thành) dưới gốc cây bồ đề tại Bồ đề dà gia nước Ma yết đàtrung Ấn độ chỉ là một thứ giả tướng phương tiện thị hiện mà thôi. Trên thực tế, đức Thích ca đã thành Phật từ lâu xa và, trong vô hạn thời gian, Ngài đã giáo hóa cứu độ chúng sinh rồi. Phẩm Như lai thọ lượng trong kinh Pháp hoa quyển 5 đã lấy đó làm cơ sở để khai triển tư tưởng cửu viễn thực thành. Pháp mà đức Thích ca ngộ được là vĩnh viễn thường trụ, tư tưởng Cửu viễn thực thành đã lấy đó làm căn bản để khai diễn. Lòng quí mến thương nhớ của các vị đệ tử đối với đức Thế tôn quá thiết tha nên đã nảy sinh tư tưởng này. Phật giáo vốn là tín ngưỡng chân lí (pháp), đức Thế tôn đã từng căn dặn sau khi Ngài viên tịch, các đệ tử phải lấy Pháp làm nơi nương tựa. Nhưng, các đệ tử vốn vì ngưỡng mộ nhân cách của đức Thế tôn mà tin theo Phật pháp, nên sau khi đức Thế tôn diệt độ, các đệ tử cảm thấy giáo pháp của Ngài để lại chưa đủ. Vì nhớ mến nhân cách của Ngài nên các đệ tử muốn mưu cầu đức Phật khác có thể thay thế đức Thế tôn, do đó mới triển khai các thuyết về đức Phật. Đến thời kinh Pháp hoa thì chư Phật được qui về một đức Thích tôn và chủ trương Ngài là bậc vĩnh viễn bất diệt. Ngoài ra, tư tưởng cửu viễn thực thành cũng đã ảnh hưởng và phát sinh quan niệm Thập kiếp Di đà để ứng đối với Cửu viễn Di đà. [X. Pháp hoa kinh luận Q.hạ – Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.1 phần trên – Pháp hoa kinh văn cú Q.9 phần dưới].