cửu sơn bát hải

Phật Quang Đại Từ Điển

(九山八海) Chín núi tám biển. Tổng số núi và biển trong thế giới quan của Ấn độ đời xưa. Cứ theo kinh Khởi thế quyển 1 và kinh Trường a hàm quyển 18 nói, thì núi Tu di ở chính giữa, chung quanh có tám núi bao bọc là các núi: Khư đề la, Y sa đà la, Du càn đà la, Tô đạt lê xá na, An thấp phược khiết noa, Ni dân đà la, Tì na đa ca và Chước ca la. Lại giữa khoảng núi này và núi kia mỗi khoảng là một biển nước thành là tám biển. 1. Tu di sơn (Phạm: Sumera), cũng gọi Tô mê lư, Tu mê lâu, Hán dịch là Diệu cao hoặc Hảo quang. Núi này đứng chót vót ở trung tâm thế giới, cao tám vạn bốn nghìn do tuần, trên chóp núi cũng rộng như thế, trong đó có cung điện của trời Đế thích. 2. Khư đề la (Phạm: Khadiraka) cũng gọi Khiết địa lạc ca, Khư đắc la kha, Hán dịch Đảm mộc hoặc Không phá. Núi này cao bốn vạn hai nghìn do tuần, đỉnh núi cũng rộng như thế, được cấu tạo bằng bảy thứ quí báu bao quanh phía ngoài núi Tu di, giữa hai núi có một biển lớn, rộng tới tám vạn bốn nghìn do tuần, mặt nước phủ đầy hoa có mùi thơm vi diệu như hoa ưu bát la, hoa bát ma, hoa câu mâu đà, hoa hủy đồ lợi ca v.v… Trong biển này có bốn châu lục lớn là: Phất bà đề ở phương đông, Diêm phù đề ở phương nam, Cù đà ni ở phương tây và Uất đơn việt ở phương bắc. 3. Y sa đà la (Phạm: Ìwàdhara), cũng gọi Y sa đa, Hán dịch Trì trục hoặc Tự tại trì. Núi này cao hai vạn một nghìn do tuần, trên chóp núi cũng rộng như thế, được cấu tạo bằng bảy thứ quí báu, bao quanh phía ngoài núi Khư đề la, giữa hai núi có một biển lớn, rộng bốn vạn hai nghìn do tuần, mặt nước phủ đầy các thứ hoa có mùi thơm vi diệu như hoa Ưu bát la v.v… 4. Du càn đà la (Phạm: Yugaôdhara) cũng gọi Du kiện đà la, Du kiện đạt la, Hán dịch Song trì. Núi này cao một vạn hai nghìn do tuần, đỉnh núi cũng rộng như thế, bao quanh phía ngoài núi Y sa đà la, giữa hai núi có biển lớn, rộng hai vạn một nghìn do tuần. 5. Tô đạt lê xá na (Phạm: Sudarzana), cũng gọi Tu đằng sa la, Hán dịch Thiện kiến. Núi này cao sáu nghìn do tuần, chóp núi cũng rộng như thế, bao quanh phía ngoài núi Du càn đà la, giữa hai núi có biển lớn, rộng một vạn hai nghìn do tuần. 6. An thấp phược khiết noa (Phạm: Awvakarịa), cũng gọi A thâu cát na, Hán dịch Mã bá đầu hoặc Mã nhĩ. Núi này cao ba nghìn do tuần, đỉnh núi cũng rộng bằng ấy, bao quanh núi Tô đạt lê xá na, giữa hai núi có biển lớn, rộng sáu nghìn do tuần. 7. Ni dân đà la (Phạm: Nimimdhara), cũng gọi là Ni dân đạt la, Hán dịch Trì biên hoặc Trì địa. Núi này cao một nghìn hai trăm do tuần, đỉnh núi cũng rộng như thế, bao quanh núi An thấp phược khiết, giữa hai núi có biển lớn, rộng hai nghìn bốn trăm do tuần. 8. Tì na đa ca (Phạm: Vinataka), cũng gọi Tì na da ca, Tì nê đát ca na, Hán dịch Chướng ngại hoặc Kiện dữ, cũng gọi Tượng tị (mũi voi). Núi này bao quanh phía ngoài núi Ni dân đà la, cao sáu trăm do tuần, chóp núi cũng rộng như thế, giữa hai núi có biển lớn, rộng một nghìn hai trăm do tuần, trên mặt biển phủ đầy các thứ hoa có hương thơm vi diệu như hoa ưu bát la v.v.. 9. Chước ca la (Phạm: Cakravàđa), cũng gọi Chước ngật la, Giá ca hòa, Hán dịch Luân vi hoặc Thiết vi. Núi này cao ba trăm do tuần, đỉnh núi rộng cũng bằng ấy, bao quanh núi Tì na đa ca. Đây là bức tường thành vòng ngoài cùng của thế giới, bên ngoài bức tường này là hư không. Giữa hai núi có biển nước rộng sáu trăm do tuần. Thuyết Cửu sơn bát hải này có hơi khác với thuyết được miêu tả trong luận Câu xá quyển 11 và luận Đại tì bà sa quyển 133. [X. luận Du già sư địa Q.2 – luận Thuận chính lí Q.31 – Câu xá luận quang kí Q.11 – Câu xá luận tụng sớ Q.11].