cửu phẩm ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(九品印) Chín loại ấn tướng từ thượng phẩm thượng sinh đến hạ phẩm hạ sinh. Cũng gọi A di đà cửu phẩm vãng sinh ấn, Vãng sinh cửu phẩm ấn, Tam tam phẩm ấn, Tam tam phẩm vãng sinh ấn. Ấn tướng này căn cứ theo nghiệp lực và sự tu hành của người tu niệm Phật mà chia làm chín bậc. Đây là dựa vào thuyết Cửu phẩm vãng sinh trong kinh Quán vô lượng thọ. Chẳng hạn như vãng sanh thì có Cửu phẩm vãng sinh, Cực lạc thì có Cửu phẩm Tịnh độ, Cửu phẩm niệm Phật, cho nên Phật A di đà cũng có Cửu phẩm A di đà khác nhau, và sự biểu hiện cụ thể những bậc ấy là ấn Cửu phẩm. Về ấn tướng của ấn Cửu phẩm có nhiều thuyết. Ấn tướng Thượng phẩm là hai tay chồng lên nhau đặt bên cạnh đan điền (duỗi ba ngón, tay phải để ở dưới tay trái). Ấn này thấy thường hơn. Ấn tướng Trung phẩm là hai tay đặt ở ngang ngực, bàn tay hướng ra ngoài đều nhau. Ấn tướng Hạ phẩm thì bàn tay hướng ra ngoài, tay phải hướng lên, tay trái hướng xuống. Ấn tướng Thượng sinh là ngón cái, đầu ngón trỏ co và hợp lại. Ấn tướng Trung sinh là ngón cái, đầu ngón giữa co và hợp lại. Ấn tướng Hạ sinh là ngón cái, đầu ngón áp út co và hợp lại. Như vậy, ấn tướng của mỗi phẩm mỗi sinh kết hợp lại thì thành ấn Cửu phẩm: Thượng phẩm thượng sinh, Thượng phẩm trung sinh, Thượng phẩm hạ sinh, Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh, Trung phẩm hạ sinh, Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh, Hạ phẩm hạ sinh. Trong đó, ấn Thượng phẩm thượng sinh gọi là Diệu quan sát trí ấn, cũng gọi Định ấn, Di đà định ấn, là ấn tướng mà tượng Phật ngồi thường kết. Ấn tướng Trung phẩm thượng sinh cũng gọi là Thuyết pháp ấn. Còn ấn tướng của Hạ phẩm thượng sinh là ấn Lai nghinh mà tượng Phật đứng kết, loại ấn này phổ biến hơn cả. Ngoài ra, thuyết Cửu phẩm ấn trong các kinh đều chưa thấy ghi chép, chỉ biết thuyết này đã được lưu truyền từ cuối đời Đường, về sau truyền đến Nhật bản, rất thịnh hành trong tông Chân ngôn và tông Tịnh độ.