cửu kết

Phật Quang Đại Từ Điển

(九結) Chín cái trói buộc. Tức là chín thứ phiền não trói buộc chúng sinh trong vòng sống chết. Đó là: ái, khuể (giận tức), mạn (ngạo mạn), vô minh, kiến (tà kiến), thủ (chấp trước), nghi, tật (ghen), xan (bỏn xẻn). Tức là sáu phiền não căn bản (Tham, Sân, Mạn, Vô minh, Kiến, Nghi, hoặc Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi) cộng thêm thủ, tật,xan. Nhưng trong Ngũ kiến, chỉ lập thân kiến, biên kiến, tà kiến làm Kiến kết, và trong Tứ thủ, chỉ lập kiến thủ, giới cấm thủ làm Thủ kết. Vấn đề này có hai nghĩa: 1. Thể của ba kiến, hai thủ đều là 18 việc, tức do sự vật nên gọi là kết. 2. Ba kiến là sở thủ, hai thủ là năng thủ, sở thủ, năng thủ tuy khác, nhưng cùng mang ý nghĩa bám dính nên gọi là kết. Ngoài ra, trong Thập triền, chỉ lập tật, xan làm kết, có 7 lí do: 1. Đều tự lực phát sinh. 2. Tật (ghen ghét) là nhân của sự thấp hèn, xan (bỏn xẻn) là nhân của sự nghèo khó. 3. Tật và ưu (lo) tương ứng, là tùy phiền não biểu thị sự lo lắng,xan và hỉ (mừng) tương ứng, là tùy phiền não biểu thị sự vui mừng. 4. Người xuất gia đối với giáo pháp, người tại gia đối với của báu đều do ghen ghét và bỏn xẻn não loạn. 5. Trời Đế thích có vị cam lộ, sẻn tiếc vị, ghen ghét sắc. A tu la có nữ sắc, sẻn tiếc sắc, ghen ghét vị, do đó, thường đánh nhau để tranh giành. 6. Tính ghen ghét và bỏn xẻn hay não loạn trời và người. 7. Vì hai phiền não này não loạn mình và người. Luận Đại tì bà sa quyển 10 lấy 100 việc làm tự tính của cửu kết. [X. luận Thành thực Q.10 – luận Câu xá Q.21]. (xt. Kết).