cửu hoa sơn

Phật Quang Đại Từ Điển

(九華山) Núi ở phía tây nam huyện Thanh dương tỉnh An huy, chiếm khoảng đất hơn một trăm cây số vuông. Núi này vốn tên là Cửu tử sơn, cùng với núi Ngũ đài ở tỉnh Sơn tây, núi Nga mi ở tỉnh Tứ xuyên và núi Phổ đà ở tỉnh Chiết giang là bốn núi lớn nổi tiếng của Phật giáo Trung quốc. Núi Cửu hoa có 99 ngọn, trong đó, chín ngọn hùng vĩ nhất là Thiên đài, Liên hoa, Thiên trụ, Thập vương v.v… Chín ngọn núi này trông giống như chín đứa bé đang ngồi quây quần nô đùa với nhau, vì thế mà Cửu hoa vốn có tên là núi Cửu tử (chín đứa bé). Thi hào Lí bạch đời Đường đến đây, thấy chín ngọn núi đứng thẳng như chín bông sen, nên ông mới đổi lại tên là Cửu hoa sơn. Những ngọn núi Cửu hoa quanh co kì vĩ, tráng lệ nguy nga. Trong núi có nhiều khe, suối nước chảy róc rách, những viên đá kì lạ, những hang động cổ kính, hàng tùng cao ngất, rừng trúc xanh rờn – ánh núi sắc nước đan dệt vào nhau tạo nên khung cảnh mờ ảo huyền bí. Núi Cửu hoa được mở mang lần đầu tiên vào năm Long an thứ 5 (401) đời Đông Tấn, tại đây, ngài Bôi độ đã xây dựng chùa Hóa thành. Cứ theo Trì châu Cửu hoa sơn Hóa thành tự Địa tạng truyện kí trong Tống cao tăng truyện quyển 20 ghi chép, thì ngài Địa tạng là người thuộc giòng họ Kim của vương quốc Tân la (nay là nước Triều Tiên), tên là Kim kiều giác, thích cảnh u tịch của núi Cửu hoa, mới lưu lại ở đó. Đầu năm Chí đức (756 – 757), Chư cát tiết đến núi này, thấy ngài Địa tạng tu khổ hạnh, bèn dựng nhà Thiền cúng ngài. Đầu năm Kiến trung (780 – 783), Trương công nghiêm nghe phong cách cao thượng của ngài Địa tạng, mới tâu xin vua làm chùa cúng dường ngài. Năm Trinh nguyên 19 (803), ngài Địa tạng thị tịch. Vị Địa tạng họ Kim này được coi là hóa thân của bồ tát Địa tạng và rất được tôn sùng. Từ đó, núi Cửu hoa được xem là đạo tràng của bồ tát Địa tạng ứng hóa độ sinh là trung tâm của tín ngưỡng Địa tạng. Đồng thời, các chùa viện đại qui mô được xây dựng, trải qua các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh mỗi ngày một hưng thịnh. Vào thời kì thịnh nhất, trên núi có tới hơn ba trăm ngôi chùa với hơn bốn nghìn vị tăng, khói hương nghi ngút quanh năm, nên có biệt hiệu Nước Phật cõi tiên. Hiện nay, trên núi có 78 ngôi chùa cổ như: chùa Hóa thành, chùa Cửu tử, chùa Tuệ cư, Nhục thân bảo điện v.v… hơn 1500 pho tượng Phật và các đồ pháp khí, văn vật như: Sắc chỉ vua ban khoảng năm Vạn lịch đời vua Thần tông nhà Minh, Kinh tạng, ấn ngọc v.v… trong cung Bách tuế, nhờ tượng nhục thân Ứng thân bồ tát ngồi của thiền sư Vô hà. Chùa Cửu tử là một kiến trúc qui mô hoành vĩ, phía trái chùa có bảy dòng suối, nước chảy phát ra âm thanh như tiếng chuông tiếng trống, bên phải chùa có khe Thùy vân, nước chảy phát ra âm thanh như vòng ngọc, đai ngọc chạm vào nhau, vốn có tên là Cửu tử thính tuyền (suối chín chú bé lắng nghe). Chùa Vô tướng được xây dựng vào đầu năm Khai nguyên đời Đường. Chùa này vốn là ngôi nhà cũ của Vương quí hữu được đổi làm chùa, đến khoảng năm Bình trị đời Bắc Tống vua mới ban hiệu là chùa Vô tướng. Thượng thiền đường vốn tên là Cảnh đức đường, vào khoảng năm Khang hi đời Thanh, đệ tử của Quốc sư Ngọc lâm là ngài Tông diễn mở rộng thêm mới đổi tên là Thượng thiền đường như hiện nay. Nhục thân bảo điện trên ngọn Thần quang, thường gọi là tháp Nhục thân, bằng gỗ, bảy tầng, cao 18 mét, mỗi tầng có tám cỗ khám thờ tượng bồ tát Địa tạng mầu vàng ròng, hai bên tháp có tượng 10 vua đứng hầu. Vua Thần tông nhà Minh ban hiệu là Hộ Quốc Nhục Thân Bảo Tháp. Ngôi tháp hiện còn đến nay là tháp được làm lại vào khoảng năm Đồng trị đời Thanh. [X. Cửu hoa nhật lục (Chu thiên độ) – Cửu hoa sơn chí – Chi na văn hóa sử tích giải thuyết Q.10 – K. L. Reichelt: Truth and Tradition in Chinese uddhism].