cửu duyên sinh thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(九緣生識) Chín duyên sinh thức. Duyên có nghĩa giúp thành. Tức là chín thứ duyên như: ánh sáng, khoảng không, căn, cảnh v.v… giúp làm cho tám thức như: mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… sinh khởi tác dụng nhận biết. Năm thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nương vào Tướng phần (tướng trạng phân biệt – chỉ cho hết thảy hiện tượng trong thế gian) mà được thành lập, do chủng tử (hạt giống) của thức thứ tám sinh ra, lấy ánh sáng, khoảng không làm tướng. Thức thứ sáu duyên theo tướng phần của thức thứ tám mà sinh, lấy năm trần (sắc thanh hương vị xúc) làm đối tượng để phân biệt, nương vào thức thứ bảy mà có khả năng nắm giữ. Thức thứ bảy duyên theo Kiến phần ….. (thức năng kiến – chỉ cho các thức mắt, tai v.v… có khả năng phân biệt rõ ràng các trần cảnh) của thức thứ tám mà sinh khởi, lấy thức thứ sáu làm chỗ nương. Thức thứ tám là gốc của các thức, hàm chứa chủng tử của các pháp, nương vào thức thứ bảy mà chuyển biến thức năm căn làm tướng. Do đó nên biết, thức nhờ duyên mà sinh, duyên do thức mà có, làm chỗ nương lẫn nhau, nên gọi là Cửu duyên sinh thức. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2 đến quyển 5, thì chín duyên là: 1. Minh duyên: minh chỉ cho ánh sáng mặt trời mặt trăng, ánh sáng chiếu soi rõ các sắc tướng. Ánh sáng giúp cho mắt thấy, nếu không có ánh sáng thì thức mắt không thể phát sinh tác dụng nhận biết, bởi thế ánh sáng là duyên của thức mắt. 2. Không duyên: không là khoảng không rỗng rang không bị ngăn ngại, hiển rõ các sắc tướng. Mắt nhờ khoảng không mà thấy được, tai nhờ khoảng không mà nghe được, nếu không có khoảng không thì mắt, tai không thể phát sinh tác dụng nhận biết. Cho nên không làm duyên cho thức mắt và thức tai. 3. Căn duyên: căn chỉ cho năm căm (năm giác quan) mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Thức mắt nương căn mắt mà thấy được, thức tai nương căn tai mà nghe được, thức mũi nương căn mũi mà ngửi được, thức lưỡi nương căn lưỡi mà nếm được, thức thân nương căn thân mà biết được. Nếu không có năm căn thì năm thức không có chỗ nương, cho nên năm căn làm duyên cho năm thức. 4. Cảnh duyên: Cảnh chỉ cho năm trần cảnh (năm đối tượng) là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Năm căn tuy có đủ năm thức thấy, nghe, ngửi, nếm, biết, nhưng nếu không có năm trần cảnh làm đối tượng, thì năm thức không phát khởi được, cho nên cảnh làm duyên cho năm thức. 5. Tác ý duyên: tác ý là tâm sở pháp, có nghĩa là quan sát. Như khi mắt vừa thấy sắc liền biết đối cảnh, khiến thức thứ sáu khởi niệm phân biệt thiện, ác. Tai, mũi, lưỡi, thân lúc mới thấy đối tượng cũng quan sát như thế. Tất cả cảnh, thức đều do tác ý, cho nên tác ý làm duyên cho sáu thức. 6. Căn bản y duyên: căn bản là thức A lại da thứ tám – y là nương tựa. Nghĩa là thức thứ tám là gốc của các thức, sáu thức mắt, tai, mũ, lưỡi, thân, ý nương vào tướng phần của thức thứ tám mà sinh, tướng phần của thức thứ tám nhờ vào sáu thức mà khởi, vì thế căn bản y là duyên của sáu thức và thức thứ tám. 7. Nhiễm tịnh y duyên: Nhiễm tịnh y là thức mạt na thứ bảy. Tất cả pháp nhiễm tịnh đều nương vào thức này mà chuyển. Nghĩa là sáu thức mắt, tai v.v… đối trước sáu trần cảnh sắc, thanh v.v… khởi lên các phiền não hoặc nghiệp, thì thức thứ bảy chuyển các pháp phiền não ô nhiễm này về nơi thức thứ tám mà thành hữu lậu. Nếu sáu thức tu các đạo phẩm thanh tịnh, thì thức thứ bảy chuyển những đạo phẩm thanh tịnh này về nơi thức thứ tám mà thành vô lậu, cho nên gọi là Nhiễm tịnh y. Nhưng thức thứ bảy này cũng phải nương nhờ thức thứ tám mới chuyển được, và thức thứ tám lại nương vào thức thứ bảy mà theo duyên, như vậy tám thức nương tựa lẫn nhau, nhờ cậy lẫn nhau, cho nên Nhiễm tịnh y là duyên của tám thức. 8. Phân biệt y duyên: phân biệt là thức thứ sáu, thức này hay phân biệt các pháp thiện ác, hữu lậu vô lậu, sắc và tâm. Năm căn tuy có thể tiếp xúc với cảnh, nhưng đều nhờ thức thứ sáu mới phân biệt được. Cho nên biết: do phân biệt mà có tốt xấu của năm căn cảnh, do phân biệt mới biết sự nhiễm tịnh của thức thứ bảy, do phân biệt mà rõ tướng phần của thức thứ tám. Cho nên phân biệt y là duyên của tám thức. 9. Chủng tử duyên: chủng tử là hạt giống của tám thức. Nghĩa là thức mắt nương chủng tử của căn mắt mà thấy được sắc, thức tai nhờ chủng tử căn tai mà nghe được tiếng, thức mũi nương chủng tử của căn mũi mà ngửi được mùi (thơm, hôi v.v…), thức lưỡi nhờ chủng tử của căn lưỡi mà nếm được vị (ngọt, cay v.v…), thức thân nương chủng tử của căn thân mà biết được, thức ý nhờ chủng tử của căn ý mà phân biệt được, thức thứ bảy nhờ chủng tử hàm tàng (ngậm chứa) mà có thể sinh ra tất cả các pháp. Vì các thức đều nương vào chủng tử mà sinh khởi nên chủng tử là duyên của các thức.