cửu diệu

Phật Quang Đại Từ Điển

(九曜) Chín thiên thể chiếu sáng. Phạm: Navagraha. Cũng gọi Cửu chấp. Ngày giờ theo nhau không rời, có ý nghĩa nắm giữ nên gọi Cửu chấp. Cửu diệu theo lịch tượng của lịch Phạm (lịch Ấn Độ) là: Nhật diệu (Phạm: Àditya) tức là thái dương, Nguyệt diệu (Phạm: Soma) tức là thái âm, Hỏa diệu (Phạm: Aígàraka) tức là sao Huỳnh hoặc hay Hỏa tinh, Thủy diệu (Phạm:Buddha) thần tinh, Mộc diệu (Phạm: Vfhaspati) Tuế tinh, Kim diệu (Phạm: Zukra) sao Thái bạch, Thổ diệu (Phạm: Zanaizcara) Trấn tinh. Bảy thiên thể vừa kể gọi là Thất diệu. Kế tiếp: La hầu (Phạm: Ràhu) tức là sao Hoàng phan, cũng gọi Thực thần (gây ra hiện tượng nhật thực, nguyệt thực), Kế đô (Phạm: Ketu) tức là Tuệ tinh, cũng gọi Báo vĩ tinh, là cái đuôi của Thực thần (sao chổi). Tân đường thư lịch chí 18 chép, năm Khai nguyên thứ 6 (718) đời Đường huyền tông, Thái sử giám là Cù đàm tất đạt vâng mệnh vua dịch lịch Cửu chấp, một loại lịch Phạm (Ấn độ) tương tự như lịch Hồi hồi và lịch Thái dương. Nếu phối hợp Cửu diệu với phương vị thì Nhật diệu ở phương Sửu Dần, Nguyệt diệu ở phương Tuất Hợi, Hỏa diệu ở phương Nam, Thủy diệu ở phương Bắc, Mộc diệu ở phương Đông, Kim diệu ở phương Tây, Thổ diệu ở phương giữa, La hầu ở phương Thìn Tị (đông bắc). Kế đô ở phương Mùi Thân (tây nam). Còn thuyết Bản địa của Nhật bản thì cho rằng Nhật là Quan âm (hoặc Hư không tạng), Nguyệt là Thế chí (hoặc Thiên thủ Quan âm), Hỏa là Phật Bảo sinh (hoặc A rô ca Quan âm), Thủy là Phật Vi diệu trang nghiêm thân (hoặc Thủy diệu Quan âm), Mộc là Phật Dược sư (hoặc Mã đầu Quan âm), Kim là Phật A di đà (hoặc Bất không quyên sách), Thổ là Phật Tì lô giá na (hoặc Thập nhất diện Quan âm), La hầu là Phật Tì bà thi, Kế đô là Bất không quyên sách. Ngoài ra, phong tục ngày xưa có cách phối Cửu diệu với tuổi của người ta để đoán lành dữ tốt xấu. [X. kinh Ma đăng già Q.thượng – Quảng đại nghi quĩ Q.trung – Đại nhật kinh sớ Q.4 – Thất diệu nhương tai quyết].