cửu địa

Phật Quang Đại Từ Điển

(九地) Chín chỗ ở. Cũng gọi là Cửu hữu…… Thế giới của các loài hữu tình ở có thể chia làm ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Căn cứ vào trình độ tam muội thiền định sâu hay nông mà Sắc giới và Vô sắc giới lại được chia làm bốn thiền Sắc giới và bốn thiền Vô sắc giới, cộng thêm Dục giới nữa mà thành là chín chỗ ở của chín loài hữu tình, gọi là Cửu địa hoặc Cửu hữu (chín loại sinh tồn). 1. Dục giới ngũ thú địa, cũng gọi là Ngũ thú tạp cư địa (hoặc tạp trụ địa). Là nơi năm loài hữu tình ở chung đụng lẫn nhau: địa ngục, quỉ đói, súc sinh, người, trời (sáu trời Dục giới kể chung). 2. Li sinh hỉ lạc địa: thuộc Trời sơ thiền cõi Sắc. Người sinh vào cõi này có được sự mừng vui (hỉ lạc) là vì đã xa lìa các pháp dục, ác ở cõi Dục. 3. Định sinh hỉ lạc địa: thuộc Trời thiền thứ hai của cõi sắc. Người sinh vào cõi này nhờ thiền định mà có được niềm mừng vui thù thắng. 4. Li hỉ diệu lạc địa: thuộc Trời thiền thứ ba của cõi Sắc. Người sinh vào cõi này được niềm yên vui thù thắng vi diệu sau khi lìa trạng thái vui mừng thô trọng ở Trời thiền thứ hai. 5. Xả niệm thanh tịnh địa: thuộc Trời thiền thứ tư của cõi Sắc. Người sinh vào cõi này tâm đạt đến trạng thái tĩnh lặng thanh tịnh bình đẳng do lìa bỏ trạng thái mừng vui ở các cõi trước. 6. Không vô biên xứ địa: thuộc tầng trời thứ nhất của cõi Vô sắc. Người sinh vào cảnh giới này chứng được tính hư không vô biên tự tại do đã lìa tính vật chất của cõi Sắc. 7. Thức vô biên xứ địa: thuộc tầng Trời thứ hai của cõi Vô sắc. Người sinh vào cảnh giới này, thức đạt được tính rộng rãi mông mênh không có giới hạn. 8. Vô sở hữu xứ địa: thuộc tầng trời thứ ba của cõi Vô sắc. Người sinh vào cảnh giới này, tư tưởng tĩnh lặng chìm trong trạng thái dứt bặt do đã lìa tính động của Không vô biên xứ địa và Thức vô biên xứ địa. 9. Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa: thuộc tầng Trời thứ tư (Hữu đính thiên, tức tầng trời cao nhất) của cõi Vô sắc. Người sinh vào cảnh giới này, tâm đạt đến trạng thái vắng lặng bình đẳng do lìa tưởng và không tưởng, dứt cả chấp có, không. Ngoài ra, định Vị chí, định Trung gian, bốn định Căn bản trong bốn trời Thiền của cõi Sắc và Không vô biên xứ,Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ trong bốn định của cõi Vô sắc, tất cả chín định, tuy thuộc định hữu lậu, nhưng là những cảnh giới nhờ đó mà sức mạnh của định vô lậu được phát sinh, cho nên gọi là Vô lậu cửu địa (chín nơi vô lậu). [X. kinh Tạp a hàm Q.17 – luận Đại tì bà sa Q.31 – Q.141 – luận Câu xá Q.28 – luận A tì đạt ma thuận chính lí Q.77].