cửu cú nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(九句因) Chín câu Nhân. Tiếng dùng trong Nhân minh. Chín câu Nhân cho thấy mối quan hệ giữa pháp sở lập (Tông) và pháp năng lập (Nhân). Là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt Chính nhân (nhân chính xác) và Tự nhân (nhân sai). Chín câu Nhân là từ Tông đồng phẩm và Tông dị phẩm mà xác định Nhân có đúng hay không. Có ba trường hợp: 1. Toàn bộ có đồng phẩm. 2. Toàn bộ không có. 3. Một phần có, một phần không có. Ba nhân với ba thành chín thứ (3 x 3=9). Trong chín thứ này, chỉ có hai thứ là Nhân chính xác, còn lại đều là Nhân sai. Chín câu nhân: 1. Đồng phẩm hữu, Dị phẩm hữu: nghĩa là toàn bộ Tông đồng phẩm và Tông dị phẩm đều có. Như khi đối luận với đệ tử Phật, Thanh luận sư lập: Tông: Thanh (tiếng nói) là thường còn (mệnh đề) Nhân: Vì có thể lường được (lí do) Trong luận thức trên, thường là pháp sở lập (Tông), lường được là pháp năng lập (Nhân). Như vậy những cái có tính thường còn, như hư không chẳng hạn, đều là Tông đồng phẩm (cùng một tính chất với Tông) – cái lọ chẳng hạn, đều là Tông dị phẩm (khác tính chất với Tông). Khái niệm lường được là đối tượng của tư tưởng: những sự vật thường còn hay không thường còn đều có thể là đối tượng của tư tưởng. Trong luận thức trên, Nhân này đều có Tông đồng phẩm và Tông dị phẩm nên không chứng minh được Thanh (tiếng nói) là thường còn hay không thường còn, cho nên là Nhân sai. 2. Đồng phẩm hữu, Dị phẩm phi hữu: Nhân có quan hệ toàn phần (toàn bộ) với Tông đồng phẩm, nhưng lại hoàn toàn không dính dáng với Tông dị phẩm. Như đệ tử Phật đối luận với Thanh sinh luận sư mà lập: Tông: Thanh là vô thường Nhân: Vì nó được tạo ra. Trong đây vô thường là pháp sở lập, được tạo ra là pháp năng lập. Những cái vô thường, như cái lọ, là Tông đồng phẩm – những cái không có tính vô thường, như hư không, là Tông dị phẩm. Những vật vô thường như cái lọ đều được tạo ra, cho nên là Đồng phẩm có – những vật không có tính vô thường, như hư không, đều không được tạo ra, bởi thế Dị phẩm không có. Cho nên Nhân này chứng minh được Thanh đúng là vô thường và vì vậy là Nhân chính xác. 3. Đồng phẩm hữu, Dị phẩm hữu phi hữu: Nhân có quan hệ toàn phần với Tông đồng phẩm, nhưng chỉ quan hệ một phần với Tông dị phẩm. Như Thắng luận sư lập luận thức: Tông: Tiếng nói nhờ sự cố gắng không ngừng mà phát ra Nhân: Vì tính vô thường. Trong đây, Cố gắng không ngừng mà phát ra là pháp sở lập, vô thường là pháp năng lập. Bởi thế, những cái có tính cố gắng không ngừng mà phát ra, như cái lọ, là Tông đồng phẩm – những cái không có tính cố gắng không ngừng mà phát ra, như ánh chớp, hư không v.v… là Tông dị phẩm. Những vật do sự cố gắng không ngừng tạo ra, như cái lọ, đều có tính vô thường, cho nên Đồng phẩm có. Hư không thì đã không có tính cố gắng không ngừng tạo ra, cũng lại không có tính vô thường. Còn như ánh chớp, tuy không có tính cố gắng không ngừng tạo ra, nhưng lại có tính vô thường, cho nên dị phẩm chỉ có một phần. Phạm vi của Nhân này quá rộng, không có sức xác minh được Tông, vì thế là Nhân sai. 4. Đồng phẩm phi hữu, Dị phẩm hữu: Nhân hoàn toàn không có quan hệ với Tông đồng phẩm, nhưng lại quan hệ toàn phần với Tông dị phẩm. Như Thanh sinh luận sư lập luận thức: Tông: Thanh là thường còn. Nhân: Vì được tạo ra. Trong đây, Thường còn là pháp sở lập, được tạo ra là pháp năng lập, Bởi vậy, những cái có tính thường còn, như hư không, là Tông đồng phẩm – những cái không có tính thường còn, như cái lọ, là Tông dị phẩm. Hư không là thường còn, không được tạo ra, cho nên Đồng phẩm không có. Những vật vô thường, như cái lọ, đều được tạo ra, vì thế Dị phẩm có. Tông thường và Nhân vô thường hoàn toàn không dính líu gì với nhau, cho nên Nhân chẳng những không chứng minh được Tông mình, trái lại, lại chứng minh tông của đối phương (người vấn nạn), phải trái đảo lộn, vì thế là Nhân sai. 5. Đồng phẩm phi hữu, Dị phẩm phi hữu: Nhân hoàn toàn không có quan hệ với Tông đồng phẩm và Tông dị phẩm. Như khi biện luận với đệ tử Phật, Thanh luận sư lập luận thức: Tông: Thanh là thường còn. Nhân: Vì tính nghe được. Trong đây, Thường còn là pháp sở lập, nghe được là pháp năng lập. Do vậy, những cái có tính thường còn, như hư không, đều là Tông đồng phẩm, những cái có tính không thường còn, như cái lọ, đều là Tông dị phẩm. Hư không là thường còn, không có tính nghe được, cho nên Đồng phẩm không có. Cái lọ là vật không thường còn mà cũng có tính nghe được, cho nên Dị phẩm cũng chẳng có. Tông đồng phẩm cũng như Tông dị phẩm hoàn toàn không có trong Nhân này, bởi thế nó không xác minh được Tông thường còn hay vô thường, cho nên là Nhân sai. 6. Đồng phẩm phi hữu, Dị phẩm hữu phi hữu: Nhân hoàn toàn không có quan hệ với Tông đồng phẩm, nhưng có một phần quan hệ với Tông dị phẩm. Như Thanh luận sư lập luận thức: Tông: Thanh là thường còn. Nhân: Vì do sự cố gắng không ngừng phát ra. Trong đây, Thường còn là pháp sở lập, cố gắng không ngừng phát ra là pháp năng lập. Cho nên, những cái có tính thường còn, như hư không, là Tông đồng phẩm – những cái không có tính thường còn, như ánh chớp, cái lọ v.v… là Tông dị phẩm. Hư không thường còn không có tính cố gắng không ngừng phát ra, cho nên Đồng phẩm không có. Ánh chớp không thường còn, cũng chẳng do sự cố gắng không ngừng phát ra. Cái lọ là vô thường và do sự cố gắng không ngừng tạo ra, cho nên Dị phẩm có một phần. Như vậy, Tông đồng phẩm hoàn toàn không có, Tông dị phẩm một phần có, một phần không có Nhân, cho nên nó không những chẳng chứng minh được Thanh ( tiếng nói ) là vô thường mà, trái lại, lại chứng minh Thanh là thường còn. Đây cũng là trường hợp phải trái đảo lộn, bởi vậy nó là Nhân sai. 7. Đồng phẩm hữu phi hữu, Dị phẩm hữu: Nhân có một phần quan hệ với Tông đồng phẩm, và có toàn phần quan hệ với Tông dị phẩm. Như Thanh sinh luận sư khi tranh luận với Thanh hiển luận sư mà lập uận thức: Tông: Thanh (tiếng nói) chẳng phải do sự cố gắng không ngừng mà phát ra Nhân: Vì tính vô thường. Trong luận thức này, chẳng phải sự cố gắng không ngừng mà phát ra là pháp sở lập, vô thường là pháp năng lập. Bởi vậy, những cái không do sự cố gắng không ngừng phát ra, như ánh chớp, hư không là Tông đồng phẩm – còn những vật do sự cố gắng không ngừng mà tạo ra, như cái lọ, là Tông dị phẩm. Trong Tông đồng phẩm, ánh chớp là vô thường, hư không là thường còn, cho nên Đồng phẩm có một phần. Tông dị phẩm thì như cái lọ là vô thường, vì thế Dị phẩm có. Trong Tông đồng phẩm một phần có, một phần không có, còn Tông dị phẩm thì hoàn toàn có. Như vậy Nhân vô thường không thể chứng minh Tông vô thường, cho nên là Nhân sai. 8. Đồng phẩm hữu phi hữu, Dị phẩm phi hữu: Nhân có một phần quan hệ với Tông đồng phẩm, nhưng hoàn toàn không quan hệ với Tông dị phẩm. Như Thắng luận sư lập luận thức: Tông: Âm thanh là vô thường Nhân: Vì tính cố gắng không ngừng mà phát ra. Trong luận thức này, vô thường là pháp sở lập, cố gắng không ngừng phát ra là pháp năng lập – bởi thế, những cái vô thường như ánh chớp, cái lọ v.v… là Tông đồng phẩm, những cái thường còn, như hư không, là Tông dị phẩm. Trong Tông đồng phẩm, cái lọ v.v… là do sự cố gắng không ngừng tạo ra, ánh chớp v.v… thì không do sự cố gắng không ngừng tạo ra, cho nên Đồng phẩm có một phần. Tông dị phẩm thì không có cái gì do sự cố gắng không ngừng tạo ra cả, cho nên Dị phẩm không có. Tông đồng phẩm một phần có, một phần không có, Tông dị phẩm thì hoàn toàn không có, cho nên chứng minh được Tông và vì thế là Nhân sai. 9. Đồng phẩm hữu phi hữu, Dị phẩm hữu phi hữu: Nhân có một phần quan hệ với cả Tông đồng phẩm và Tông dị phẩm. Như khi tranh luận với Thắng luận sư, Thanh luận sư lập luận thức: Tông: Tiếng nói là thường còn. Nhân: Vì không chất ngại. Trong luận thức này, thường còn là pháp sở lập, không chất ngại là pháp năng lập. Bởi vậy, những cái có tính thường còn, như cực vi, hư không v.v… đều là Tông đồng phẩm, những cái không có tính thường trụ, như khoái lạc, cái lọ v.v… đều là Tông dị phẩm. Trong Tông đồng phẩm, như cực vi v.v… là cái có chất ngại, hư không v.v… là cái không chất ngại, cho nên Tông đồng phẩm một phần có. Tông dị phẩm, như khoái lạc là không chất ngại, như cái lọ là có chất ngại, bởi vậy, Tông dị phẩm cũng có một phần có Nhân. Trong trường hợp này, những cái không chất ngại chưa hẳn đã nghiễm nhiên là thường trụ, cho nên không chứng minh được Tông, vì thế là Nhân sai. Trong chín câu Nhân, chữ Hữu hàm ý có quan hệ toàn phần, Phi hữu hàm ý hoàn toàn không có quan hệ, Hữu phi hữu hàm ý có quan hệ một phần. Trong chín câu trên, năm câu 1, 3, 5, 7, 9 phạm lỗi bất định – hai câu 4, 6, phạm lỗi tương vi (trái nhau), chỉ có câu 2 và 8 là Nhân chính xác.Chín câu Nhân là giềng mối của Nhân minh mới, là nền tảng của Tam tướng, có lẽ đã do ngài Trần na khởi xướng. X. Gtantshigs Kyi #kor-logtan-la-dbab-pa (Hetu-cakra-đamaru) – Phyogs-chosdgu# i #khor-lo (Pakwa-nava-dharmacakra) – Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng phần đầu – Nhân minh luận sớ minh đăng sao Q.2 phần cuối – Nhân minh tam thập tam quá bản tác pháp soạn giải Q.thượng – Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích – Nhân minh đại sớ lê trắc]. (xt. Nhân Minh).