cửu chủng tướng giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(九種相戒) Chín thứ tướng giới của Đại thừa. 1. Tự tính giới có bốn: a. Nhận giới từ người khác. b. Khéo giữ được ý thanh tịnh yên vui (không do thầy trao). c. Phạm rồi được trong sạch trở lại. d. Thành kính ghi nhớ không trái phạm. Hai pháp sau là do hai pháp trước dẫn khởi, là tự tính giới của Bồ tát đầy đủ bốn công đức. 2. Nhất thiết giới có hai: a. Phần giới tại gia. b. Phần giới xuất gia. Dựa vào hai phần tịnh giới tại gia, xuất gia mà nói tóm lược làm ba tụ tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. 3. Nan hành giới có ba: a. Bồ tát ở vào địa vị giàu sang và dòng giõi cao quí, nhưng có thể xả bỏ một cách thanh thản để nhận giữ tịnh giới luật nghi của Bồ tát. b. Dù có gặp nạn nguy cấp cho đến mất mạng, Bồ tát cũng không vi phạm tịnh giới đã nhận giữ. c. Trong mọi hành vi đi đứng ngồi nằm, Bồ tát thường giữ chính niệm không hề buông lơi, cho đến trọn đời cũng không phạm giới. 4. Nhất thiết môn giới có bốn: a. Chính thụ giới: trước hết, Bồ tát nhận ba tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. b. Bản tính giới: Bồ tát trụ ở ngôi vị chủng tính, bản tính nhân từ hiền hậu, cho nên thân nghiệp, ngữ nghiệp thường trong sạch. c. Quán tập giới: trong các kiếp xa xưa, Bồ tát đã từng tu tập ba tụ tịnh giới, nhờ sức nhân ở kiếp trước vẫn còn, nên ở đời hiện tại, thâm tâm nhàm chán mà xa lìa tất cả pháp ác, thích tu hành và làm các việc thiện. d. Phương tiện tương ứng giới: Bồ tát nhờ tu bốn Nhiếp pháp, nên luôn luôn làm những việc tốt và nói những lời thương mến hòa nhã đối với các hữu tình chúng sinh. 5. Thiện sĩ giới có năm: a. Bồ tát tự nhận đủ giới luật. b. Khuyên người khác nhận giới. c. Khen ngợi công đức giữ giới. d. Thấy người cùng giữ giới pháp trong lòng vui mừng. e. Giả sử có hủy phạm thì theo đúng pháp mà sám hối để đoạn trừ tội lỗi. 6. Nhất thiết chủng giới có sáu, bảy, cho đến 13 loại. Sáu loại: a. Hồi hướng giới: hồi hướng đại bồ đề. b. Quảng bác giới: thu nhiếp hết thảy giới luật. c. Vô tội hoan hỉ xứ giới: xa lìa sự đắm trước các món dục lạc, nhưng cũng không tự làm khổ mình. d. Hằng thường giới: dù có chết cũng không bỏ giới. e. Kiên cố giới: giữ giới kiên cố, tất cả lợi dưỡng, sự cung kính, các luận thuyết khác và các phiền não đều không thể lay chuyển, không thể phá vỡ. f. Thi la trang nghiêm cụ tương ứng giới: trang nghiêm đầy đủ hết thảy giới. Bảy loại là: a. Chỉ tức giới: xa lìa tất cả sự giết hại. b. Chuyển tác giới: làm hết thảy việc thiện để lợi ích hữu tình. c. Phòng hộ giới: phòng ngừa theo chỉ tức giới và chuyển tác giới. d. Đại sĩ tướng dị thục giới. e. Tăng thượng tâm dị thục giới. f. Khả ái thú dị thục giới. g. Lợi hữu tình dị thục giới. 7. Toại cầu giới: Bồ tát mong cầu chúng sinh đừng dùng những thứ chẳng ai ưa thích như: giết hại, trộm cắp, gian dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói thô ác, nói li gián, tay cầm gạch đá gậy gộc v.v… để gia hại mình. Bồ tát cũng không dùng những việc xấu ác trên đây để gia hại chúng sinh làm cho điều mong cầu của họ không được thỏa lòng đẹp ý. 8. Thử thế tha thế nhạo giới (đời này đời khác ưa thích giới). Tức là Bồ tát vì các chúng sinh mà có bốn thứ tịnh giới chia làm chín loại: a. Chỗ đáng ngăn cấm phải ngăn cấm. b. Chỗ nên cho phép thì cho phép. c. Đáng nhiếp thụ thì nên nhiếp thụ. d. Đáng điều phục thì phải điều phục. e. Bố thí. f. Nhịn nhục. g. Tinh tiến. h.Thiền định. i. Trí tuệ bát nhã. Chín pháp này có thể làm cho mình và người ở đời này và đời sau đều được yên vui. 9. Thanh tịnh giới có 10 loại: a. Sơ thiện thụ giới: tức là chỉ vì cầu giác ngộ mà làm sa môn (xuất gia). b. Có hai thứ: Bất thái trầm giới (khi trái phạm sinh tâm ăn năn hổ thẹn mà xa lìa việc xấu ác) và Bất thái cử giới (sinh tâm ăn năn hổ thẹn mà xa lìa việc sai trái). c. Li giải đãi giới: không tham đắm sự ngủ nghỉ, ngồi tựa lưng và nằm dài, mà ngày đêm siêng năng tu các pháp lành. d. Li chư phóng dật sở nhiếp thụ giới: không phóng túng buông thả. e. Chính nguyện giới: tự tu phạm hạnh, xa lìa danh lợi, cung kính, tham lam, sân hận, si mê và không mong cầu sinh lên cõi trời. f. Quĩ tắc sở nhiếp thụ giới: trong cung cách làm các việc thiện, phải cố gắng làm cho được đầy đủ trọn vẹn. g. Tịnh mệnh cụ túc sở nhiếp thụ giới: xa lìa tất cả tội lỗi của cuộc sống không chân chính như: dối trá, lừa gạt v.v… h. Li nhị biên giới: xa lìa hai cực đoan thụ hưởng khoái lạc và tự hành hạ thân xác. i. Vĩnh xuất li giới: xa lìa hết thảy ngoại đạo tà kiến. j. Ư tiên sở thụ vô tổn thất giới: không vi phạm hoặc phá hoại các tịnh giới mà Bồ tát đã nhận giữ. [X. kinh Bồ tát địa trì Q.4, Q.5 – kinh Bồ tát giới Q.4 – luận Du già sư địa Q.40, Q.41, Q.42 ].