cửu chủng chuyển biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(九種轉變) Chín thứ chuyển biến. Chuyển có nghĩa vận động – Biến có nghĩa thay đổi. Ngoại đạo không rõ các pháp do duyên sinh, vốn không có tự tính, hết thảy cảnh giới sinh diệt chỉ do tâm, vì không biết lí ấy nên chấp bậy có, không mà thành tà kiến. Theo kinh Lăng già quyển 3, chín thứ chuyển biến là: 1. Hình xứ chuyển biến: hình xứ là hình chất bốn đại (đất nước lửa gió) của các căn (mắt tai mũi lưỡi thân). Ngoại đạo thấy hình chất ấy biến đổi theo thời gian, suy tàn bất thường, chấp là chuyển biến. 2. Tướng chuyển biến: tướng là tướng sinh diệt của các pháp. Ngoại đạo thấy các tướng sinh, trụ, diệt trong từng tích tắc thay đổi không ngừng, chấp là chuyển biến. 3. Nhân chuyển biến: nhân là nguyên nhân được tạo tác. Ngoại đạo thấy tất cả nhân được tạo tác dần dần thành thục, thành thục ắt sinh ra quả, quả lại làm nhân, cứ thế luân chuyển, chấp là chuyển biến. 4. Thành chuyển biến: thành là quả đã thành. Ngoại đạo thấy quả nhờ nhân mà thành, thành thì ắt hoại, hoại lại thành nhân, nối nhau mãi mãi, chấp là chuyển biến. 5. Kiến chuyển biến: kiến là mắt thấy sắc. Ngoại đạo cho cái thấy tùy theo sự vật mà thay đổi không ngừng, chấp là chuyển biến. 6. Tính chuyển biến: tính tức là căn tính. Ngoại đạo chấp tự tính theo nghiệp mà trôi chảy, đời đời không ngừng, không bao giờ hết, chấp là chuyển biến. 7. Duyên phân minh chuyển biến: duyên là tất cả sự duyên – phân minh là thấy một cách rõ ràng. Ngoại đạo thấy hết thảy mọi sự việc của nhân duyên rõ ràng đều biến diệt, chấp là chuyển biến. 8. Sở tác phân minh chuyển biến: sở tác là tất cả sự tạo tác. Ngoại đạo thấy một cách rõ ràng là tất cả sự tạo tác của thế gian đều sinh diệt bất định, chấp là chuyển biến. 9. Sự chuyển biến: sự là thế sự hữu vi. Ngoại đạo thấy thế sự biến đổi vô thường, niệm trước niệm sau tương tục không ngừng, chấp là chuyển biến.