cứu cánh đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(究竟道) Phạm: Paràyaịa. Hàm ý hướng tới mục đích cao nhất, hoặc là đạo cùng tột. Cũng gọi Cứu cánh địa, Cứu cánh vị. Đây là giai vị thứ năm trong năm giai vị (năm đạo) Đại thừa, tức là quả Phật tột cùng mà Bồ tát tu hành chứng được. Cũng tức là Diệu quả nhị chuyển y mà vị tu tập chứng được, là giai vị từ sau Kim cương dụ định của đạo Vô gián tiến vào đạo Giải thoát cho đến tận vị lai tế. Luận Đại thừa a tì đạt ma tập quyển 5 (Đại 31, 685 trung), nói: Cứu cánh đạo là những gì? Nghĩa là y vào định Kim cương dụ, thì hết thảy sự thô nặng đã được dứt bặt, hết thảy trói buộc đã bị diệt trừ, chứng được giải thoát hoàn toàn. Từ đó lần lượt không ngừng chuyển y, chứng được tận trí và vô sinh trí và mười pháp vô học v.v… Mười pháp vô học là những gì? Đó là Chính kiến vô học, cho đến Chính định vô học, Chính giải thoát vô học, Chính trí vô học. Các pháp này gọi là Cứu cánh đạo. Luận Thành duy thức quyển 10 thuật rõ về tướng của giai vị cứu cánh này như sau (Đại 31, 57 thượng): Đây tức là pháp vô lậu, giới, bất tư nghị, thiện, thường, an lạc, giải thoát thân, Đại mâu ni. Trong đó, Vô lậu, có nghĩa là quả của hai thứ chuyển y đã dứt hết các lậu, tính trong sạch tròn sáng. Giới, có nghĩa là chứa, tức là quả của hai thứ chuyển y hàm chứa vô biên công đức hiếm có. Bất tư nghị, nghĩa là quả của hai thứ chuyển y dứt hết suy nghĩ, nói năng là chỗ nội chứng sâu xa mầu nhiệm không thể dùng thí dụ của thế gian mà so sánh giải bày được. Thiện, nghĩa là quả của hai chuyển y lấy pháp trắng, sạch làm tính. Vì đây là pháp giới thanh tịnh xa lìa sinh tử, rất là an ổn, bốn trí diệu dụng cả hai đều có tướng thuận ích, tức là trái với bất thiện và vô kí. Thường nghĩa là quả của hai chuyển y không có cùng tận. Vì đây là pháp giới thanh tịnh không sinh không diệt, không biến đổi, chỗ sở y của bốn trí là thường, không bao giờ dứt. An lạc, nghĩa là quả của hai chuyển y không bị phiền não bức bách, đó là vì mọi tướng trong pháp thanh tịnh vắng lặng, bốn trí đã vĩnh viễn xa lìa sự não hại. Giải thoát thân, nghĩa là quả của hai chuyển y mà Nhị thừa chứng được, tuy đã xa lìa phiền não chướng ngại, nhưng chưa phải là pháp thù thắng. Đại mâu ni, nghĩa là đức Thế tôn đại giác đã thành tựu pháp tịch lặng không gì hơn – đây là hai quả mà đứcThế tôn Mâu ni chứng được, đã vĩnh viễn xa lìa hai chướng, cho nên cũng gọi là Pháp thân. [X. luận Hiển dươngthánh giáo Q.12 – Nhiếp đại thừa luận thích Q.9 – Thành duy thức luận thuật kí Q.9 phần cuối]. (xt. Nhị Chuyển Diệu Quả, Ngũ Vị).