cùng tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(窮子) Người con khốn cùng. Phạm: Daridrapuruwa. Một trong bảy thí dụ của kinh Pháp hoa. Chúng sinh sống chết trong ba cõi, ví như người Cùng tử không có công đức pháp tài (như các vị Thanh văn Tu bồ đề), đức Phật được ví như người Trưởng giả giàu có. Đem trường hợp người Cùng tử do sự chỉ bảo của vị Trưởng giả giàu có mà được kho báu, thí dụ đức Như lai từ bi dùng mọi phương tiện khéo léo để dẫn dắt hàng Nhị thừa cùng về một Phật thừa. Cứ theo kinh Pháp hoa phẩm tín giải nói, có đứa Cùng tử từ nhỏ đã bỏ cha trốn đi, lâu ngày lưu lạc nơi nước người. Đến năm mươi tuổi thì đã già, lại thêm nghèo cùng khốn khổ, phải rong ruổi bốn phương để kiếm sống, lần hồi về đến chỗ cha ở, lúc ấy cha đã là một trưởng giả đại phú trong thành. Bấy giờ người cùng tử đi làm thuê làm mướn, một hôm được thuê về làm việc trong nhà cha mình, đứng tựa nơi cửa, xa thấy cha ngồi trên giường sư tử, các Bà la môn, Sát đế lợi, cư sĩ cung kính vây chung quanh, trân châu anh lạc trang sức khắp mình, người cùng tử thấy cha có thế lực lớn, lòng sinh sợ hãi, liền bỏ chạy. Khi ấy, ông trưởng giả đã nhận ra con mình, liền sai người đuổi theo – người con sợ quá đến nỗi ngất xỉu. Người cha từ đằng xa thấy thế, biết rằng ý chí con mình hèn kém, nên thả cho đi. Người con lại tiếp tục cuộc sống nghèo cùng khốn khổ. Bấy giờ ông trưởng giả mới bày phương tiện để dụ dẫn con. Trước hết, ông ngầm sai hai người hình dáng tiều tụy, áo quần dơ dáy, giả làm người hốt phân để gần gũi Cùng tử – sau đến đích thân trưởng giả cũng ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, tay cầm đồ hốt phân, hệt như Cùng tử, nhờ thế được gần con mình, thấy con chịu khó lại trả thêm tiền, rồi khuyên Cùng tử ở lại làm việc. Ngày tháng trôi qua, lâu dần Cùng tử cảm thấy không còn sợ sệt – trưởng giả khen Cùng tử trẻ khỏe, chịu khó, không gian dối, không sầu hận, và nhận Cùng tử làm con. Cùng tử tuy rất mừng đã gặp cảnh may mắn, nhưng vẫn tự cho mình là người hèn hạ và cứ như thế làm việc dọn phân suốt hai mươi năm.Khi trưởng giả lâm bệnh, tự biết chẳng sống được bao lâu nữa, mới đem kho tàng vàng bạc trân bảo giao hết cho Cùng tử, Cùng tử tuy nhận sự ủythác, nhưng không mong cầu giữ lấy các kho tàng trân bảo. Sau đó, trưởng giả biết ý Cùng tử dần dần thông suốt, thành tựu được chí lớn, nên lúc sắp chết mới tuyên bố Cùng tử chính là con mình, và kể lại việc Cùng tử bỏ cha bỏ nhà mà đi đã hơn năm mươi năm. Cùng tử lúc đó mới tỉnh ngộ, tâm rất vui mừng và nói rằng mình vốn không có lòng mong cầu mà nay kho báu tự nhiên đến. Tông Thiên thai chia thí dụ này làm năm khoa: Người đuổi theo, Hai lần dụ dỗ, Gây lòng tin, Nhận ra, Giao phó cơ nghiệp, và phối với năm thời: Hoa nghiêm, Lộc uyển, Phương đẳng, Bát nhã và Pháp hoa, đối lại với năm vị nói trong kinh Niết bàn, để hiển bày rõ ý của Phật thuyết pháp giáo hóa trong một đời. [X. kinh Đại bi Q.4 – Pháp hoa kinh nghĩa kí Q.5 – Pháp hoa huyền nghĩa Q.10 phần trên – Pháp hoa huyền luận Q.7 – Pháp hoa kinh huyền tán Q.6].