cung trúc tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(筇竹寺) Vị trí chùa ở núi Ngọc án, mạn bắc Điền trì, huyện Côn minh, tỉnh Vân nam. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Thiền tông Trung nguyên truyền vào Vân nam. Tương truyền, khoảng năm Trinh quán đời Đường, hai anh em là Cao quang và Cao trí, người nước Nam chiếu, đi săn, đuổi theo một con tê ngưu đến núi Ngọc án thì mất dấu, họ lại thấy trong đám mây có một vị tăng, đến gần, họ thấy vị tăng đang cầm cây gậy trúc cung trồng xuống rừng, họ bèn làm một ngôi chùa ở chỗ ấy và đặt tên chùa là Cung trúc. Khoảng năm Chí nguyên đời Nguyên, Hòa thượng Hùng biện trụ trì chùa này, hoằng dương Thiền tông, khiến cho chùa hưng thịnh một thời. Chính giữa Đại hùng bảo điện thờ tượng Phật tam thế được tạo vào đời Nguyên, ở góc điện có tấm bia Thánh chỉ lập vào năm Diên hựu thứ 3 (1316) đời Nguyên, mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Mông cổ, trên bia ghi lời sắc phong vị trụ trì chùa này là Đầu hòa thượng…….., quan viên quân dân phải hộ trì, và có ban Đại tạng kinh v.v… Năm Quang tự thứ 9 (1883) đời Thanh, Lê quảng tu (Đức sinh) hô hào năm sáu trăm nhà điêu khắc đắp tượng dân gian có tiếng, đến chùa đắp năm trăm pho tượng La hán, hết bảy năm mới xong, là những kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Những pho tượng này không những Một số tượng La Hán ở chùa Cung Trúc chỉ chính xác về kích thước, phù hợp với nguyên lí giải phẫu, mà còn chú trọng điểm đặc trưng biểu hiện dáng vẻ, tính cách của nhân vật và sự biến hóa của tư tưởng, tình cảm. Năm trăm tượng La hán hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc mừng hoặc giận, có những vị đang thì thầm nói chuyện riêng với nhau, có những vị quát tháo to tiếng, có vị ngồi im lặng trầm tư, có vị ngoảnh bên trái, ngó bên phải, diễn tả các tính cách cương nghị dũng cảm, phong thái lạc quan, trang nghiêm cẩn trọng và rất sống động. Tượng các vị La hán ở chùa Cung trúc được so sánh với tác phẩm của Dương huệ, nhà đại điêu khắc đời Đường, và cho là đẹp ngang nhau.