cung kính

Phật Quang Đại Từ Điển

(恭敬) Phạm: Satkàsa, Pàli: Sakkàra. Mình tự khiêm nhường mà tôn trọng lễ kính người khác. Cung kính thông cả ba nghiệp thân khẩu ý. Luận Thập trụ tì bà sa quyển 2 (Đại 26, 19 thượng), nói: Cung kính, nghĩa là nhớ đến công đức và tôn trọng người ấy. Trên đây là nói về ý nghiệp. Cũng luận đã dẫn quyển 2 còn nói (Đại 26, 30 trung): Cung kính, nghĩa là tôn trọng lễ bái, đón đến đưa đi, chắp tay đứng hầu ở gần. Đây là nói về thân nghiệp. Cũng luận trên quyển 2 (Đại 26, 30 trung), nói: Đem pháp Tiểu thừa giáo hóa chúng sinh, gọi là cúng dường – đem pháp Bích chi phật giáo hóa chúng sinh, gọi là phụng cấp – đem pháp Đại thừa giáo hóa chúng sinh, gọi là cung kính. Đây gọi khẩu nghiệp nói pháp giáo hóa là cung kính. Còn cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 2 chép, thì người Ấn độ xưa biểu hiện lòng tôn kính bằng chín cách: 1. Nói lời thăm hỏi. 2. Cúi đầu. 3. Dơ tay cao mà vái. 4. Chắp tay cúi mình. 5. Xuống gối. 6. Quì gối. 7. Đầu gối và tay đặt sát đất. 8. Năm ngón tay đều co lại. 9. Đầu, hai khuỷu tay, hai đầu gối đều đặt sát đất. Tây phương yếu quyết quyển hạ chủ trương, người tu Tịnh độ, phải tu năm thứ cung kính: 1. Cung kính bậc thánh có duyên. 2. Cung kính tượng giáo có duyên. 3. Cung kính thiện tri thức có duyên. 4. Cung kính bạn đồng duyên. 5. Cung kính Tam bảo. [X. luận Phật tính Q.1 phần Duyên khởi – luận Đại trí độ Q.30].