củng huyện thạch quật

Phật Quang Đại Từ Điển

(鞏縣石窟) Động đá ở sườn núi Sa nham nằm về mạn tây bắc thành huyện Củng, phía đông Lạc dương (mạn bắc Tung sơn) thuộc tỉnh Hà nam. Động này nhỏ hơn hai động Vân cương và Long môn, nhưng nội dung chạm trổ thì phong phú và tinh xảo không kém. Công trình kiến tạo bắt đầu vào khoảng năm Cảnh minh (500-503) thời Bắc Ngụy, thời ấy động được gọi là chùa Hi huyền. Các đời Đông Ngụy,Tây Ngụy, Bắc Tề kế tiếp, cho mãi đến đời Đường mới làm chùa Tịnh độ. Đời Minh, đời Thanh tiếp tục sửa sang, gọi là chùa Động đá. Hiện nay còn bảo tồn được năm động đá, ba pho tượng lớn khắc vào vách đá, một nghìn cỗ khám thờ Phật và 238 cỗ khám nhỏ. Động thứ tư chia làm hai hang nhỏ, động thứ năm lớn nhất cao khoảng bảy mét, rộng rãi. Đặc trưng chung trong năm động là đều có cột hình vuông to lớn, thủ pháp tương truyền là kế thừa thủ pháp của Vân cương và Long môn, cho nên, những hang đá Vân cương, Long môn và Củng huyện đều là công trình của một đời Bắc Ngụy đã tập trung nhân lực vật lực trong nước để khai tạc, bắt đầu với động Vân cương ở Đại đồng, kế đến là động Tân dương ở Vân môn và sau hết là chùa Thạch quật ở Củng huyện, niên đại liên tiếp, một mạch nối nhau. Thời đại Bắc Ngụy khắc rất ít, đời sau khắc thêm tượng và vẽ nhiều hoa văn tranh vẽ trên vòm nóc và trên mặt vách cũng cực kì tinh xảo mĩ lệ. (xt. Thạch Quật Tự).