cung dưỡng

Phật Quang Đại Từ Điển

(供養) Hay cúng dường, Phạm: Pàli: Pùjanà. Còn gọi là Cung, Cung thí, Cung cấp, Đả cung. Nghĩa là dâng các thức ăn uống, quần áo v.v… cúng dường Tam bảo, sư trưởng, cha mẹ và vong linh v.v… Lúc đầu, sự cúng dường lấy hành vi thân thể làm chính, sau cũng bao hàm sự cúng dường thuần túy tinh thần, cho nên mới chia làm Thân phần cúng dường và Tâm phần cúng dường. Cứ theo Di giáo kinh luận chép, thì thức ăn, quần áo, thuốc thang, thuộc thân phần cúng dường – tâm cúng dường hơn hết, tâm cúng dường không nhàm chán, tâm cúng dường bình đẳng, thuộc Tâm phần cúng dường. Ở thời kí đầu, giáo đoàn lấy việc cúng dường thức ăn, quần áo, đồ nằm, thuốc thang làm chính yếu, gọi là Tứ sự cúng dường. Các vật cúng dường Phật, chùa tháp, tượng Phật, giáo pháp, tỉ khưu, tỉ khưu ni, và phòng xá, đất đai của Tăng đoàn là nguồn kinh tế trọng yếu của tăng đoàn. Ngoài sự cúng dường tài vật ra, còn có sự cúng dường Pháp, như đem tinh thần sùng kính mà cúng dường cung kính, cúng dường tán thán, cúng dường lễ bái, cũng gọi là Cung dưỡng. Đến đời sau, đối với những người chết cũng làm Tháp cúng dường. Nói tổng quát về các vật cúng dường, phương pháp và đối tượng cúng dường, có thể chia ra các loại như sau: I. Nhị chủng cung dưỡng(hai loại cúng dường). * Cứ theo Thập trụ tì bà sa quyển 1: 1. Pháp cung dưỡng, khéo nghe chính pháp Đại thừa, hoặc nhiều hoặc ít. 2. Tài cung dưỡng, bốn thứ cúng dường như cơm ăn, ào mặc v.v… * Cứ theo Đại nhật kinh cúng dường pháp sớ nói: 1. Lí cúng dường, nghĩa là lấy sự chứng vào lí chân thực làm vật cúng dường. 2. Sự cúng dường, tức là cúng dường hương hoa. II. Tam chủng cúng dường (ba loại cúng dường). * Theo Phổ hiền hành nguyện phẩm sớ: 1. Tài cúng dường, cúng dường của báu, hương hoa của thế gian. 2. Pháp cúng dường, phát tâm Bồ đề làm lợi mình, lợi người. 3. Quán hạnh cúng dường, tu các phép quán Chu biến hàm dung, Sự sự vô ngại của kinh Hoa nghiêm. * Theo Thập địa kinh luận quyển 3: 1. Lợi dưỡng cúng dường, chỉ cho quần áo, đồ nằm v.v… 2. Cung kính cúng dường, chỉ cho hương hoa, cờ lọng. 3. Hạnh cúng dường, cúng dường tín hạnh, giới hạnh. III. Tam nghiệp cúng dường. * Theo Pháp hoa văn cú quyển 3 đoạn 1, ba nghiệp cúng dường là thân, khẩu, ý. 1. Thân nghiệp cúng dường, thân rất mực thành kính lễ bái chư Phật và Bồ tát. 2. Khẩu nghiệp cúng dường, miệng nói lời khen ngợi công đức của chư Phật và Bồ tát. 3. Ý nghiệp cúng dường, tâm ý ngay thẳng, quán tưởng tướng tốt trang nghiêm của chư Phật và Bồ tát. IV. Tứ chủng cúng dường (bốn loại cúng dường). * Cứ theo Đại nhật kinh nghĩa thích quyển 11 thì có bốn loại cúng dường là: hương hoa, chắp tay, từ bi và vận tâm. * Cứ theo Lí thú thích quyển hạ nói, có bốn loại cúng dường của Du già giáo là: tâm Bồ đề cúng dường, tư lương cúng dường, pháp cúng dường, và yết ma cúng dường. V. Tứ sự cúng dường (bốn loại cúng dường). * Theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 13 nói, có bốn loại cúng dường là: áo quần, ăn uống, giường mền và thuốc thang. * Cứ theo kinh Vô lượng thọ quyển hạ nói, thì có bốn thứ cúng dường là: treo phan cờ, thắp đèn nến, rải hoa và thắp hương. * Cứ theo Thiện kiến luật tì bà sa quyển 13 nói, thì bốn thứ cúng dường là: thức ăn, quần áo, thuốc thang và phòng xá. VI. Ngũ chủng cung dưỡng (năm loại cúng dường). * Cứ theo kinh Tô tất địa yết la quyển hạ nói, thì có năm loại cúng dường là: hương thoa (giữ giới), hoa cài tóc (bố thí), hương thắp (tinh tiến), ăn uống (thiền định), đèn nến (trí tuệ), thêm át già (nước trong: nhẫn nhục) nữa mà thành sáu loại cúng dường. VII. Thập chủng cúng dường (mười loại cúng dường). * Theo kinh Pháp hoa phẩm Pháp sư nói, thì có mười loại cúng dường là: hoa, hương, anh lạc, hương bột, hương thoa, hương đốt, phan lọng, cờ phướn, quần áo và âm nhạc. * Theo Đại tạng pháp số thì đem cờ phướn gộp chung vào phan lọng, rồi thêm chắp tay nữa thành là mười cúng dường. * Kinh Bồ tát địa trì quyển 7 liệt kê mười thứ là: thân cúng dường, cúng dường chi đề, cúng dường hiện tiền, cúng dường không hiện tiền, mình cúng dường, người cúng dường, cúng dường tài vật, cúng dường thù thắng, cúng dường không nhiễm ô, cúng dường chí xứ đạo v.v… Ngoài ra, vật cúng trước bàn Phật, gọi là Phật cúng, vật cúng trước Thần gọi là Thần cúng. Cúng dường Phạm thiên, Đế thích thiên, Công đức hoan hỉ thiên v.v… thì gọi là Cúng thiên hoặc Thiên cúng. Cúng vong linh người chết, gọi là Truy thiện cúng dường. Chuyên cúng quỉ đói, gọi là Ngã quỉ cúng dường. Làm lễ khánh thành khai quang tượng Phật, gọi là Khai nhãn cúng dường. Cúng dường kinh, gọi là Khai đề cúng dường, cũng gọi là Kinh cúng dường, Nhất thiết kinh cúng dường, Thư tả cúng dường, như viết chép kinh Duy ma để cúng dường gọi là Duy ma kinh cúng dường. Đúc chuông xong, làm lễ khánh thành để đánh chuông gọi là Chung cúng dường. Còn nói về Tam bảo thì cúng dường Phật, gọi là Phật cúng dường – cúng dường pháp, gọi là Pháp cúng dường, Hạnh cúng dường – cúng dường tăng, gọi là Tăng cúng dường, Tăng cúng. Trong đó, thỉnh trăm vị tăng, thiết trai cúng dường, gọi là Bách tăng cúng dường – thỉnh nghìn vị tăng thiết trai cúng dường, gọi là Thiên tăng cúng dường, hoặc gọi là Thiên tăng trai, Thiên tăng cúng, Thiên tăng hội. Truyền thuyết nói, công đức của loại cúng dường này là vô lượng. Còn người thí chủ cúng dường, gọi là Cúng dường chủ. Cúng dường chúng tăng, cũng gọi là Cúng chúng, Cúng chiêm. Bài văn đọc tụng nói lên ý nghĩa cúng dường, gọi là Cúng dường văn. Tạo tượng Phật cúng dường để cầu phúc, gọi Cúng dường Phật. Thắp đèn sáng cúng dường tượng Phật và tháp, thì gọi là Cúng đăng. Tại Nhật bản, sau khi viết chép kinh điển, đem cúng dường, tuyên giảng, gọi là Cúng giảng. [X. kinh Phật tạng quyển hạ – kinh Vô lượng thọ Q.hạ – kinh Đại phương quảng như lai bất tư nghị cảnh giới – kinh Phật bản hạnh tập Q.1 phẩm Cúng dường – kinh Đại phương đẳng đại tập Q.45 – kinh Đại nhật Q.5 phẩm Bí mật mạn đồ la – Cúng dường nghi thức – luận Đại trí độ Q.93 – Kim cương bát nhã ba la mật kinh phá thủ trước bất hoại giả danh luận Q.thượng – Pháp hoa kinh huyền tán Q.2 phần đầu – Phạm võng Bồ tát giới bản sớ Q.2 – Đại nhật kinh sớ Q.8 – Hoa nghiêm Hành nguyện phẩm sớ sao Q.3 – Thích thị yếu lãm Q.trung – Thiền uyển thanh qui Q.1 Phó chúc phạn pháp, Q.3 Tạng chủ – Đại minh tam tạng pháp số Q.7]. (xt. Tứ Chủng Cung Dưỡng). Cúng dường âm nhạc (Khắc ở Tháp Phật tại Sơn Kì, Ấn Độ)