cực thất phản hữu

Phật Quang Đại Từ Điển

(極七返有) Phạm: Prasiddha. Tiếng dùng trong Nhân minh. Là ý rất mực thành tựu, thành tựu tột bậc. Trong luận thức Nhân minh, Tông (mệnh đề) được thành lập phải chính xác, không lầm lẫn, và phải được cả người lập luận và người vấn nạn cùng thừa nhận (cộng hứa) mà không có ý kiến gì khác nữa. Thực hữu (có thực) và Cộng hứa (cùng thừa nhận) là hai điều kiện của sự cực thành. Nhưng trong Nhân minh, mục đích của sự lập Tông là muốn cho đối tượng cùng hiểu rõ, nên Nhân minh đặc biệt xem trọng quan điểm riêng của hai bên. Nếu cả hai bên cùng thừa nhận là có thì dù chẳng phải là cái có đích thực đi nữa, cũng có thể gọi là Cực thành. Trái lại, nếu hai bên không cùng thừa nhận là có, thì dù cái có ấy là chân chính thực có cũng không thể gọi được là cực thành. Cực thành gồm hai nghĩa thực có và cùng thừa nhận, nhưng thực thì nghiêng về sự cùng thừa nhận (cộng hứa) hơn. Do đó, cùng một danh từ, nhưng có là cực thành hay không, thì chưa nhất định, thường do quan điểm của hai bên mà có khác. Như nghĩa Quỉ chẳng hạn, nếu hai bên đều tin có quỉ, thì là cực thành – nhưng khi một người tin có quỉ và một người không tin có quỉ biện luận với nhau, thì nghĩa Quỉ không cực thành. Vì thế, cái gọi là cực thành hoàn toàn tùy thuộc thái độ chủ quan của hai bên làm tiêu chuẩn. Nếu khi dùng danh từ mà hai bên không cùng công nhận thì sẽ rơi vào lỗi không cực thành. Trong đó, nếu đối với Hữu pháp (tiền trần, tức chủ từ của Tông) mà dùng danh từ không được cả hai bên cùng thừa nhận, thì sẽ phạm vào lỗi Sở biệt bất cực thành – nếu đối với Năng biệt (hậu trần, tức khách từ của Tông) mà dùng danh từ không được hai bên cùng thừa nhận, thì sẽ phạm lỗi Năng biệt bất cực thành, nếu Hữu pháp và Năng biệt đều dùng danh từ không được hai bên cùng thừa nhận, thì phạm lỗi Lưỡng câu bất thành (Cả hai đều không thành). Cứ theo luận Nhân minh nhập chính lí quyển thượng chép, thì chẳng hạn như khi biện luận với Thanh luận sư, mà đệ tử Phật lập Tông: Âm thanh là vô thường, trong đó âm thanh là Hữu pháp, Vô thường là Năng biệt, cả hai đều được đôi bên cùng thừa nhận. Như thế, âm thanh gọi là Hữu pháp cực thành, Vô thường gọi là Năng biệt cực thành. Đệ tử Phật mới đem âm thanh và vô thường đã được cả hai bên cùng thừa nhận ấy kết hợp lại thành một mệnh đề hoàn chỉnh: Âm thanh là vô thường. Nhưng, vì Thanh luận sư tuy cũng thừa nhận hai nghĩa âm thanh và vô thường. Nhưng lại không đồng ý với Tông: Âm thanh là vô thường, cho nên hai bên ắt phải triển khai cuộc biện luận. Như vậy, cả tiền trần và hậu trần của Tông đều được hai bên cùng thừa nhận, nhưng về nghĩa thì mình thừa nhận Tông mình mà đối phương không thừa nhận: đó chính là yếu tố cơ bản của sự tranh luận trong Nhân minh. Ngoài tông ra, hai phần Nhân thể và Đồng pháp dụ cũng phải cực thành, còn Dị pháp dụ thì chưa hẳn đã nhất định phải cực thành – nếu trái với điểm này, thì phạm lỗi bất cực thành. [X. luận Nhân minh nhập chính lí – Nhân minh luận sớ Thụy nguyên kí Q.2 – Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)].