cực lạc thế giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(極樂世界) Phạm: Sukhàvatì. Dịch âm là Tô ha phạ đế, Tu ma đề, Tu a đề. Chỉ cho cõi Tịnh độ của Phật A di đà. Cũng gọi là Cực lạc tịnh độ, Cực lạc quốc độ, Tây phương tịnh độ, Tây phương, An dưỡng tịnh độ, An dưỡng thế giới, An lạc quốc. Từ cõi thế gian này đi về hướng tây, trải qua hơn mười muôn ức cõi Phật thì đến cõi Tịnh độ cực lạc. Về tình hình của cõi Tịnh độ, thì trong kinh A di đà nói rất rõ ràng, và đức Phật di đà hiện nay vẫn đang nói pháp tại đấy. Cứ theo kinh Vô lượng thọ, thì những người vãng sinh sang cõi Phật ấy, được hưởng các thứ khoái lạc, như: thân có ba mươi hai tướng như Phật, đầy đủ thần thông, đối tượng của năm giác quan phi thường vi diệu, trong thân khoan khoái nhẹ nhàng, nghe pháp, cúng dường đức Phật liền được tỏ ngộ. Nhưng, trong cõi Tịnh độ ấy, có những nơi gọi là Biên địa, Nghi thành, Thai cung, là những nơi vãng sinh của những người hoài nghi sự cứu độ của Phật A di đà. Về giáo nghĩa vãng sinh Cực lạc và tín ngưỡng Phật A di đà, thì ngay từ Ấn độ xưa kia cũng đã rất hưng thịnh. Trong tạng kinh hiện còn, những trứ tác liên quan đến Phật Di đà và cõi Cực lạc có tới hơn hai trăm bộ. Ngoài ra, về những trứ tác và những tranh vẽ Cực lạc thế giới biến tướng của các sư đời sau tại Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc thì con số không thể đếm được. Trong các kinh khác như A súc, Văn thù, Dược sư, Di lặc, tuy cũng có nói về các cõi Tịnh độ, nhưng chỉ có cõi Tịnh độ của Phật A di đà là được lưu truyền rộng rãi nhất trong nhân gian và là đối tượng khát ngưỡng nội tâm của nhân loại. Nhất là nói về Phật giáo Bắc truyền, thì có thể bảo thế giới Cực lạc là nơi qui hướng phổ biến của tín ngưỡng dân gian. Đối với nguyên ngữ của danh từ Cực lạc, phương hướng và khoảng cách của cõi Tịnh độ, về khởi nguồn của tư tưởng này v.v… thì các học giả cận đại có đưa ra nhiều thuyết. [X. kinh Vô lượng thọ Q.thượng – kinh Pháp hoa Q.6 – Di đà kinh sớ (Khuy cơ) – luận Thích tịnh độ quần nghi – Vô lượng thọ kinh nghĩa sớ (Tuệ viễn) – Quán vô thượng thọ Phật kinh sớ (Trí khải) – A di đà Phật chi nghiên cứu – Tịnh độ giáo chi khởi nguyên cập phát đạt].