CỰC LẠC DU LÃM KÝ
Pháp sư Khoan Tịnh trần thuật
Cư sĩ Lưu Thế Hoa ghi chép
Cố Hòa thượng Thích thượng Thiền Hạ Tâm soạn dịch
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học 
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Từ quang Phật thánh chiếu ta bà,
Hóa hiện kim kiều nối cõi hoa,
Thanh sách cảnh mầu kì đẹp diệu,
Thiên cung lạc khúc quảng huyền sa.

Có người cho thế giới Cực Lạc là huyễn dụ để dẫn người ưa thích cảnh đẹp vui, tiến bước vào cửa Phật pháp, hoặc có kẻ tuy tin cõi Tịnh Độ là hiện hữu nhưng diễn đạt một cách sai lầm, nhóm tu học trên đại khái gồm 3 dạng:

1. Các ngoại phái cho Tịnh Độ là cảnh thiên tiên có lầu các, ao sen, cây báu hoặc Tịnh Độ Cực Lạc là một thế giới ở bầu Kim tinh thuộc phương Tây, cho nên những vị ấy đã đề vịnh:

Trong động bích sa trời đất khác,
Bên cành hồng thọ tháng ngày dài.

Hay

Đạo đức từ bi những bấy chầy,
Thanh nhàn Cực Lạc ở phương Tây.

Nhưng cõi Tây Phương Tịnh Độ cách thế giới ta bà này mười muôn ức Phật sát, số ức ở ấn độ thời xưa trung bình là một triệu, tức một trăm tỉ cõi Phật. Đức Thích-ca mâu ni lấy một tỉ thái dương hệ thuộc cõi ta bà này làm một Phật sát để phân thân hóa độ gọi là đại thiên thế giới, một Phật sát có thể rộng từ một cõi đại thiên. Như trong Kinh Pháp Hoa Đức Thế Tôn thọ ký cho Ngài Phú Lâu Na về sau thành Phật lấy hằng hà sa cõi đại thiên làm một Phật độ, cho nên Kim tinh hay cảnh giới của thiên tiên chỉ là ở trong phạm vi một thái dương hệ, không phải là cõi Cực Lạc.

2. Hàng Thanh Văn không tin có cõi Cực Lạc hoặc chư Bồ-tát nào khác, ngoại trừ Đức Thích-ca và Di Lặc, điều ấy không chi lạ bởi cực quả của Thanh Văn thừa là ngôi A La Hán, đạo nhãn[tầm nhìn] của A La Hán chỉ thấy suốt trong phạm vi một đại thiên thế giới, không thấy được cõi Cực Lạc ngoài mười muôn ức Phật độ, nên họ không tin.

3. Hàng tu học đại thừa nhưng không có căn lành về Tịnh Độ, chưa tham cứu sâu về hoa tạng thế giới, chưa có kiến thức rộng về các kinh điển đại thừa, không tin có cõi Cực Lạc. Các vị ấy lý thuyết hóa cảnh địa ngục, thiên đường, Tịnh Độ, cho đến chư Phật Bồ-tát đều do tâm thức. Đại khái họ bảo tâm tham sân si, khổ não là địa ngục, tâm sáng suốt, lành vui là thiên đường, tâm thanh tịnh là Tịnh Độ, A Di Đà là thể tánh vô lượng quang thọ sáng suốt thường hằng, địa tạng là tâm địa, tánh tạng, chứ không có Đức A Di Đà và địa tạng nào khác. Đồ hoạ cảnh địa ngục có quỷ ngưu đầu, mã diện, lò lửa, vạt dầu là để răn người làm ác, đồ hoạ cõi Cực Lạc có ao sen, cây báu, lầu ngọc, đất vàng là để khuyến tấn dẫn dụ người làm lành. Lối lý thuyết ấy chỉ đưa người học Phật vào cái chấp thiên không tà kiến, bác phá nhân quả, khiến cho hành Phật tử mê mờ lầm lạc, thậm chí họ thấy ai niệm Phật, niệm Quán Âm, tụng kinh điển đại thừa đều dẫn lời chư Tổ xưa tìm cách bác phá. Tổ nói với một ý khác họ lại vin vào đó dẫn giải theo thiên kiến của mình với một ý khác, thật đáng buồn cười thương xót.

Các vị đó đâu biết rằng, Trí Giả Đại sư là bậc khai sáng tông Thiên Thai[Cũng gọi là Pháp Hoa tông, thế kỉ thứ 6.] khi lâm chung niệm Phật và bảo chúng rằng: “Tây Phương Tam Thánh và các đồng bạn đã vãng sanh của ta đã đến, đứng chờ giữa hư không để tiếp dẫn”, vĩnh Minh Đại sư đời nhà Tống, một bậc long tượng bên Thiền tông, mỗi ngày đều niệm mười muôn câu Phật làm thường khóa, và gần đây Hư Vân Đại sư (thế kỉ 19-20) là hàng thiền bá trong tông môn cũng khuyên người niệm Phật, Ấn Quang Đại sư (thế kỉ 19-20) một trong các vị tôn đức thuộc cận đại đã bảo:

Tâm tức Phật, ý hợp thinh,
Như như niệm, vô vô minh,
Điểm trần chẳng nhiễm căn tánh tình,
Ba tạng giáo, mười hai kinh,
Muôn tám công án lộ chân hình
Phật, Tổ dạy, nhiệm mầu linh.

Trở lại vấn đề cõi Cực Lạc có hay không? Theo Phật học, bậc trí thức muốn khám phá điểm này phải căn cứ với 3 điều kiện:

1. Tỉ thẩm lượng: đây là trí lường xét qua sự so sánh, suy gẫm, không phái chờ mắt thấy tai nghe rồi mới xác nhận. Thí dụ như ở thế gian người đức hạnh lành, chí công học hỏi, siêng cần làm việc sẽ được kết quả giàu sang hoặc ít nữa là danh tốt lưu truyền, trái lại, kẻ hung gian, độc hiểm, dốt nát, lười biếng, làm điều trái phép sẽ bị nghèo khổ, tù đày, dù có được no ấm bình an cũng chỉ trong vòng tạm bợ nhất thời. Nếu người công đức lành quá lớn, kẻ tâm hạnh ác quá to tất phải có cảnh Cực Lạc, thiên đường hay ngạ quỷ, địa ngục để trả đền, như thế mới họp với lý nhân quả, chớ không đợi tận mắt trông thấy rồi mới tin. Xin tạm trích ra đây một đoạn vấn đáp trong Phật điển giữa vua Milinda (Di Lan Đà) và tôn giả Nãgasena (Na Tiên):

– Bạch Tôn Đức, Trẫm không thấy cảnh địa ngục thì sao tin được rằng có cõi ấy!

– Thưa Đại vương, Ngài có trông thấy dòng nước rộng, hai bên bờ nhiều kì hoa dị thảo tươi đẹp của con sông U Há trên dãy Hi Mã Lạp Sơn[Himalaya] hay không?

– Bạch Tôn Đức, Trẫm không trông thấy.

– Thưa Đại vương, nếu như vậy thì không có con sông U Há.

Bạch Tôn Đức, Trẫm tuy không thấy nhưng đã có nhiều người chứng kiến về nói lại nên Trẫm tin có con sông U Há.

– Thưa Đại vương, sự hiện hữu của địa ngục cũng như thế, nên lấy trí cân nhắc suy xét, phải tin rằng có cõi địa ngục chứ không cần đợi trông thấy.

2. Hiện thực lượng: từ xưa đến nay có nhiều Phật tử ở Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam tu Tịnh Độ, hiện tiền hay lúc lâm chung họ đã thấy những thắng tướng của cõi Cực Lạc, cho đến Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn vãng sanh. Đây là sự hiện thực rõ ràng có ghi vào sử sách, nếu bảo Cực Lạc là cảnh huyễn dụ làm sao có những tướng trạng ấy.

3. Thánh ngôn lượng: chẳng những trong Tịnh Độ tam kinh Đức Thích-ca đã nói sự trang nghiêm ở Cực Lạc, mà trong các kinh đại thừa khác như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích, Phật cũng từng đề cập đến sự việc này. Và trong nhiều bộ luận chư Tổ đã hằng dẫn giải về môn niệm Phật cùng cõi Cực Lạc, chẳng hạn như trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Tổ Mã Minh, Đại Trí Độ Luận của Tổ Long Thọ, Tịnh Độ Thập Nghi Luận của Tổ Thiên Thai Tri Giả, cho đến Vãng Sanh Luận, Niệm Phật Viên Tông Luận v.v… Người học Phật phải lấy lời của Phật, Tổ làm mực thước mà lượng định, nếu đem chỗ thấy biết cạn hẹp của mình vội bác phá Tịnh Độ đó chính là bác phá Phật và Tổ, kẻ ấy không phải là đệ tử của Phật.

Ấn Quang Đại sư nói: “Phàm phu vì mê mờ không tin có địa ngục nên chư Bồ-tát, Thánh thần thường dùng phương tiện đưa biết bao người đến cõi địa ngục cho thấy biết rồi trở về thuật lại để người đời kinh sợ mà dứt dữ làm lành”. Chẳng hạn như khi xưa đã có truyện Địa Ngục Ký của Sư cô Huệ Hiền tục gọi Cô Ba Cháo Gà ở  tại chọ Vòng Nhỏ, tỉnh Mỹ Tho[Nay là tỉnh Tiền Giang], đây là truyện nơi Việt Nam, còn riêng ở Trung Hoa thì không biết bao nhiêu trường hợp tương tợ như thế. Trong bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ở Trung Quốc vào đời nhà Minh có truyện Viên Tông Đạo được anh là Viên Hoàng Đạo đã vãng sanh đưa hồn sang Cực Lạc để khuyến tấn tu hành, cảnh của Tông Đạo thấy biết chỉ là một phần sự tướng nơi Tịnh Độ, không đầy đủ bằng chuyện gần đây của Khoan Tịnh Pháp sư ở Trung Hoa được Quán Thế Âm Bồ-tát dẫn sang Cực Lạc cho thấy cả chín phẩm vãng sanh, câu chuyện này rất li kì do chính Pháp sư trần thuật lại và đệ tử của Ngài là Cư sĩ Lưu Thế Hoa ghi chép. Cư sĩ cho đây là tiếng vang chấn động xưa nay, tiết lộ ra những điều mà người khác chưa từng nói đến.

Có lẻ Đức Đại bi Quán Thế Âm cùng chư Thánh thương xót chúng sanh cuối thời mạt pháp, chỉ nương pháp môn Tịnh Độ mới hợp thời cơ để tu tiến và đảm bảo được sự giải thoát nên dùng phương tiện khéo mà hoằng hóa cứu độ đó chăng? Điều này nếu suy ngẫm đọc kỉ độc giả sẽ tự hiểu. Thời gian trước Nguyễn Công Trứ đã nói:

Lỡ duyên với rượu khôn từ chén,
Trót nợ cùng thi phải chuốc bài.

Nhưng lời ông chỉ nêu lên cái nghiệp dĩ về thơ rưọu của mình mà thôi, riêng bút giả thấy người đời có lắm nổi khổ, già, bệnh, chết, lần lượt diễn tiễn mà phần đông hãy còn ướ mơ tham vọng, cố hái hoa hạnh phúc trong vườn trần mộng huyễn, nên bỗng động lòng từ bi mẫn thế, muốn nhắc gọi đồng nhân thức tỉnh mới phiên dịch ra quyển này, xin tạm mượn hai câu sau để biểu lộ mối cảm hoài ấy:

Mắt lệ đã mờ sầu biển lụy,
Hoa tươi còn luyến bóng xuân trần.

Và tiếp theo xin nhường lời lại cho Lưu Thế Hoa Cư sỉ.

Tệ nạp
Vô Nhất