cư sĩ phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(居士佛教) Chỉ các tín đồ tại gia của Phật giáo, những người sống cuộc đời thế tục, nhưng vẫn có những sinh hoạt tín ngưỡng. Ở Ấn độ, từ thời đức Phật còn tại thế cho đến nay, trong tín đồ Phật giáo, trừ các tỉ khưu, tỉ khưu ni xuất gia ra, còn có các tín đồ tại gia Ưu bà tắc (nam) và Ưu bà di (nữ). Cứ theo kinh Như thị ngữ văn Ba li 107 nói, chúng xuất gia nhờ chúng tại gia cung cấp những đồ dùng cần thiết, như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, còn chúng tại gia thì nương vào chúng xuất gia mà tiếp nhận giáo pháp và Phạm hạnh, cả hai giúp đỡ lẫn nhau, cùng tu hành chính pháp. Do hình thái sinh hoạt khác nhau giữa xuất gia và tại gia, nên giới hạn của hành vi cũng theo đó mà có khác, tức chúng xuất gia có hai trăm năm mươi giới, hoặc năm trăm giới, chúng tại gia có năm giới, tám giới Quan trai. Thời kì đầu, cư sĩ tại gia lấy các địa điểm ở gần giáo đoàn xuất gia làm trung tâm để theo các sinh hoạt tôn giáo, nhưng rất tiếc là ngày nay không được rõ cái trạng luống tổ chức ở thời bấy giờ như thế nào, tuy nhiên có thể theo sự diễn biến mà biết được là giáo quyền do đoàn thể xuất gia nắm giữ. Một trong những nguyên nhân nảy sinh ra phong trào Phật giáo Đại thừa là: Cư sĩ muốn đóng một vai trò trọng yếu trong giáo đoàn, nên bài bác chúng xuất gia, rồi viết sách, lập thuyết mà mở ra một cục thế mới. Trong các kinh điển, cư sĩ tại gia được coi là những nhân vật chủ não, như cư sĩ Duy ma trong kinh Duy ma cật, phu nhân Thắng man trong kinh Thắng man, đều lấy cư sĩ làm chủ mà tuyên thuyết Phật pháp. Ngoài ra, như Thiện tài đồng tử tại gia trong kinh Hoa nghiêm, lấy Bà la môn, Thuyền sư, Hương thương v.v… làm thiện tri thức và nhận sự chỉ dạy của họ, rồi các bậc đại đệ tử như ngài Ca diếp, Xá lị phất nghe kinh này (tức kinh Hoa nghiêm) thì như câm như điếc – trong các kinh Đại thừa khác cũng nhấn mạnh vai trò của Bồ tát tại gia. Khi tạo tượng, các tỉ khưu đều là hình tượng xuất gia, còn Bồ tát thì phần nhiều là hình tượng tại gia, điều này cho thấy ý thức tín ngưỡng của chúng tại gia được hiển bày một cách tích cực. Nhưng tại Tích lan, Miến điện, Thái lan, giáo quyền vẫn ở trong tay giáo đoàn xuất gia, và như giáo Lạt ma ở Tây tạng, cho đến nay vẫn do nhân vật đại biểu của Tăng đoàn nắm giữ chính quyền, chứ tín chúng tại gia không được tham dự. Tình huống tại Trung quốc khác với các nơi khác. Những nhân vật trọng yếu của thời kì dịch kinh ban đầu, như An huyền ở đời Hậu Hán, Chi khiêm ở đời Tam quốc Ngô, Niếp thừa viễn đời Tây Tấn đều là cư sĩ. Cưu ma la thập đời Hậu Tần, bị quận vương ép buộc, đã phải sống đời tại gia. Về sau, Tạ linh vận đời Lưu Tống, Tiêu tử lương đời Tiêu Tề, Vũ đế nhà Lương, Vương duy và Bạch cư dị đời Đường, Trung ý vương Ngô việt v.v… là những nhân vật đại biểu cho Vương hầu, quí tộc, văn nhân, đối với các công việc làm chùa, nghiên cứu giáo học, văn học đều đã có những cống hiến rất lớn. Về phương diện giáo đoàn cư sĩ thì phải kể đến Bạch liên xã do ngài Tuệ viễn ở Lư sơn sáng lập là trọng yếu nhất, một đoàn thể tăng tục cùng tu – trong đó có Lưu di dân, Chu tục chi, Tông bính, gồm một trăm hai mươi ba người ăn chay lập thệ, phát nguyện vãng sinh Tây phương. Loại kết đoàn niệm Phật như thế, đến đời Đường vẫn còn rất phổ biến, như Cửu phẩm vãng sinh xã ở Cối kê. Đến đời Tống thì thịnh hành nhất, tên các đoàn thể còn lưu truyền đến nay có tới hơn hai mươi đoàn. Trong đó, Tịnh nghiệp xã ở Linh chiếu cả tăng tục có hai vạn người, kết xã ở Nhược quan thì có mười vạn người, gần nửa số những người lãnh đạo là cư sĩ. Lại các nhà Nho đời Tống như Chu hi, Lục cửu uyên cũng tinh thông Phật học, còn như Giáo tổ của Toàn chân giáo thuộc Đạo giáo là Vương triết thì rất tôn sùng Thiền học, tăng lữ Phật giáo cũng đáp lại, cho nên dần dần đã sản sinh tư tưởng và phong tập hợp nhất ba giáo Nho Thích Đạo. Đến triều Minh, sự nghiên cứu của cư sĩ đối với giáo học Phật giáo rất tiến triển, như chú thích kinh Phật, biên tập Thiền tông ngữ lục. Lại bắt đầu từ Phật pháp kim thang biên của Tâm thái, các loại truyện kí của tín đồ tại gia, như Cư sĩ phần đăng lục, Cư sĩ truyện v.v… được lục tục hoàn thành. Từ cuối đời Thanh trở đi, Phật giáo lâm vào tình trạng suy đồi. Sau có các cư sĩ Bành thiệu thăng, Dương văn hội, ấn hành kinh Phật, mở các viện Phật học, thành lập Cư sĩ lâm v.v… thì mệnh mạch của Cư sĩ Phật giáo mới được liên tục. Phật giáo Nhật bản, lấy Thái tử Thánh đức làm đầu mối phát triển, về sau, Hoàng gia, quí tộc hết sức cổ vũ kiến trúc, mỹ thuật, văn học Phật giáo, đặc biệt đáng chú ý là cuộc sống nửa tăng nửa tục rất linh hoạt – như vị tổ khai sáng Tu nghiệm đạo, tiên phong của Sơn nhạc giáo đời xưa cũng là Ưu bà tắc. Từ giữa thời kì Bình an trở về sau, trong các truyện vãng sinh và Pháp hoa nghiệm kí, ghi chép tiểu sử của các Giáo tín sa di (những người tin thờ Phật và không có tư cách giáo đoàn, bèn tự gọi là Sa di và sống cuộc đời tại gia), hoặc một đoàn người tu hành cũng tương tự như thế và gọi là Thánh, Người trì kinh. Trong nền Phật giáo mới ở thời đại Liêm thương, Chân tông, Thời tông, Nhật liên tông đã mang sắc thái nửa tăng nửa tục rất đậm, là do chịu ảnh hưởng của Tín giáo Sa di nói trên. Đến như Thiền tông, lúc đầu giữ được nếp sống xuất gia nghiêm túc, về sau, dần dần cũng chìm đắm vào văn học, đến nỗi tổ khai sơn của chùa Sơn thành thiên long là Mộng song Sơ thạch (1275 – 1351) thuộc tông Lâm tế, đã phải nói họ là những người thế tục trọc đầu. Thời cận đại, trong các hoạt động tín ngưỡng Phật giáo, thông thường người ta tổ chức các buổi giảng xã giao, như Pháp hoa bát giảng, rất phát đạt. Sau thời Minh trị duy tân, các cuộc vận động, cư sĩ Phật giáo lấy việc tân hưng giáo học làm mục đích càng ngày càng thịnh.