cư sĩ

Phật Quang Đại Từ Điển

(居士) Phạm: Gfha-pati, Pàli: Gaha pati. Dịch âm: Ca la việt, Già la việt. Dịch ý: Trưởng giả, gia chủ, gia trưởng. Chỉ người giàu có thuộc giai cấp Phệ xá (Phạm: Vaizya) trong bốn giai cấp tại Ấn độ, hoặc chỉ người tại gia có đạo tâm. Trong các kinh, luật, người giàu có thuộc giai cấp Phệ xá thường được gọi là Cư sĩ, như: Trung a hàm quyển 1 kinh Thủy dụ, rường a hàm quyển 22 phẩm Thế bản duyên, kinh Đại phẩm bát nhã quyển 1, kinh Phóng quang Bát nhã quyển 1 v.v… đã chép. Còn luận Đại trí độ quyển 98 thì gọi người ở nhà có tâm đạo là Cư sĩ. Từ Cư sĩ trong Phật giáo xưa nay thường được gọi lẫn lộn với từ Trưởng giả, như Duy ma nghĩa kí của ngài Tuệ viễn, quyển 1 phần cuối (Đại 38, 441 trung), nói: Cư sĩ có hai: Một là người giàu có, nhiều của cải, gọi là cư sĩ, hai là người tu đạo ở nhà, gọi là Cư sĩ. Loại sau tức là cư sĩ trong Phật giáo. Như Duy ma, Hiền hộ của Ấn độ là các Bồ tát tại gia thường tu Phật đạo, và Phó đại sĩ đời Lương, Lưu khiêm đời Bắc Ngụy, Lí thông huyền đời Đường của Trung quốc là những người tại gia rất thông hiểu đạo Phật. Nay thì gọi chung những người đàn ông tại gia tu đạo là Cư sĩ, cũng có nơi gọi những người đàn bà tại gia tu đạo là Cư sĩ. Tại Trung quốc, danh từ Cư sĩ nguyên có xuất xứ từ thiên Ngọc tảo trong sách Lễ kí, trong sách Hàn phi tử cũng có nói đến các Cư sĩ Nhâm duật, Hoa sĩ, đều chỉ các xử sĩ có đạo nghệ tức có tài mà không cầu làm quan. Về sau, Trung quốc và Nhật bản chẳng theo ý chính của kinh, luật, mà gọi bừa những xử sĩ có đạo là cư sĩ, như Thủ lăng nghiêm kinh nghĩa sớ chú quyển 1, Pháp hoa kinh diễn nghĩa quyển 7 đoạn 1, Tổ đình sự uyển quyển 3 v.v… đã chép [X. kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.6 – luật Thập tụng Q.6 – Duy ma kinh văn sớ Q.9].