cù ma di

Phật Quang Đại Từ Điển

(瞿摩夷) Phạm, Pàli: Gomaya. Còn gọi là Cự ma. Chỉ phân bò. Từ ngàn xưa, người Ấn độ coi con bò là vật tượng trưng cho Thần thánh, và cho phân bò là sạch sẽ nhất, nên thường trát phân bò lên đàn tế cho sạch đàn. Phong tục này sau được Mật giáo thu dụng, khi đắp đàn tu pháp, hứng lấy Cù ma di và Cù mô đát la (Phạm: Gomùtra, nước đái bò) chưa rơi xuống đất, trộn lẫn với nhau rồi trát lên đàn. Hoặc bỏ Cù ma di vào lò hương để làm vật cúng Hộ ma. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 4 chép, nói theo ý nghĩa nông cạn, thì lấy phân và nước giải của bò là thuận theo phong tục của phương ấy cho là sạch sẽ – còn theo ý nghĩa sâu xa bí mật, thì Cù chỉ cho hành, vì vào cửa chữ A, là các pháp vô hành – Ma chỉ cho ngã – Di chỉ cho thừa. Tức là các pháp vô hành, là vì hết thảy pháp ngã đều không thể được, nếu đã không có ngã thì chẳng có thừa và người thừa, đó tức là Đại thừa. Nếu người tu hành có thể giữ được tâm thanh tịnh như thế, thì có thể rốt ráo thanh tịnh, xa lìa các chướng ngại. Lại theo kinh Đà la ni tập quyển 9, thì lấy phân bò sạch đốt lên có thể trừ khử mùi hôi hám. Kinh Thiên thủ thiên nhãn quan thế âm bồ tát trị bệnh hợp dược cũng ghi, Cù ma di có thể chữa các bệnh ngoài da và bệnh bí tiện. [X. kinh Kim cương thọ mệnh đà la ni – Kiến lập mạn đồ la hộ ma nghi quĩ – Tuệ lâm âm nghĩa Q.36].