cụ duyên phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(具緣派) Phạm: Pràsaígika. Nói đủ là Trung quán Cụ duyên phái. (Phạm: Màdhyamikapràsaígika). Một chi nhánh của phái Phật giáo Trung quán tại Ấn độ. Do ngài Phật hộ (Phạm: Buddhapàlita) sáng lập vào khoảng năm 470 đến 540 Tây lịch. Tổ của phái Trung quán là ngài Long thụ dựa theo kinh Bát nhã mà viết ra luận Trung quán, tuyên thuyết nghĩa Duyên sinh tức không. Bài tụng Qui kính trong phần Bản tụng của luận Trung quán nêu ra tám cái chẳng (Bát bất): chẳng sinh (Phạm: Anutpàda), chẳng diệt (Phạm: Anirodha), chẳng thường (Phạm: Azàzvata), chẳng đoạn (Phạm: Anuccheda), chẳng một (Phạm: Anekàrtha), chẳng khác Phạm: Anànàrtha), chẳng đến (Phạm: Anàgama), chẳng đi (Phạm: Anirgama), để bác bỏ kiến giải cho các pháp là có chỗ được mà thuyết minh duyên khởi tức là pháp tương đối. Cho nên có thể nói phái Trung quán là tông phái thông đạt nghĩa các pháp duyên sinh, khiến cái thấy có, không đều dứt bặt, nhường chỗ cho chính quán chân không trung đạo hiện tiền. Trong lịch sử Phật giáo Ấn độ, phái Trung quán và phái Du già là hai giáo phái lớn đối lập nhau trong Phật giáo Đại thừa. Bắt đầu từ ngài Long thụ ở thế kỉ thứ II Tây lịch, qua các ngài Đề bà, La hầu la bạt đà la, Thanh mục v.v… đến các luận sư Hộ pháp, Phật hộ, Thanh biện v.v… ở đầu thế kỉ thứ VI, nối nhau hoằng truyền ý chỉ không quán trung đạo. Trong đó, hai ngài Phật hộ và Thanh biện cùng theo học luận sư Chúng hộ (Phạm: Aôgharakwita), nghiên cứu học tập giáo thuyết của ngài Long thụ, nhưng sự thấy biết của hai vị lại khác nhau, mỗi vị tự viết luận phê bình luận thuyết của đối phương, do đó, phái Trung quán bị chia làm hai: phái Y tự khởi theo học thuyết của ngài Thanh biện và phái Cụ duyên theo học thuyết của ngài Phật hộ. Ngài Phật hộ là người nước Thản bà la (Phạm: Taôbara) thuộc miền nam Ấn độ, sau khi thờ luận sư Chúng hộ làm thầy, ngài đến ở chùa Đàn đa phất lị (Phạm: Dantapuri) soạn bộ Căn bản Trung luận chú, chủ trương thuyết các pháp rốt ráo là không. Vào thế kỉ thứ VII, có luận sư Nguyệt xứng (Phạm: Candrakìrti) ra đời, soạn các bộ Trung luận chú, Lục thập tụng như lí luận thích, Tứ bách luận chú, Nhập Trung quán luận v.v… đề xướng thuyết của phái Cụ duyên, đồng thời, kịch liệt bình phẩm bộ Trung luận chú thích của ngài Thanh biện. Tư tưởng học thuyết của ngài Nguyệt xứng sau đó truyền vào Tây tạng và được truyền bá rất rộng. Về sau, lại có luận sư Tịch thiên (Phạm:Zàntideva) viết Bồ đề hành kinh, Đại thừa tập Bồ tát học luận, tổ thuật chỉ thú Trung quán. Bắt đầu từ thế kỉ thứ VII, thứ VIII, hai phái Trung quán và Du già dần dần có khuynh hướng dung nhiếp lẫn nhau, rồi hình thành phái Trung quán du già, do đó sự đối lập của phái Cụ duyên và phái Y tự khởi, theo tình hình diễn tiến của mỗi phái, cũng tự nhiên tan hòa vào giữa ngọn triều giao lưu của hai phái lớn Trung quán và Du già. [X. Đại đường tây vực kí Q.10 – Nam hải kí qui nội pháp truyện tự – Đa la na tha Ấn độ Phật giáo sử – W. Wassiljew: Der Buddhismus – Th. Stcherbatsky: The Conception of Buddhist Nirvàịa]. (xt. Trung Quán Phái, Y Tự Khởi Phái).