cù đàm tiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(瞿曇仙) Cù đàm, Phạm: Gautama hoặc Gotama, Pàli: Gotama. Người tiên ở thời đại thái cổ tại Ấn độ. Còn gọi là Cù đàm đại tiên, Kiều đáp ma tiên. Một trong bảy đại tiên, một trong mười Bát la xà bát để. Người tiên này giỏi chú thuật, từng viết luận Nhật minh. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 16 chép, thì tiên Cù đàm hành dâm giữa hư không, hai giọt nước bẩn rơi xuống mặt đất, từ đó mọc lên cây mía, nhờ ánh quang hợp của mặt trời sinh ra hai con, một người trong đó làm vua họ Thích ca, và dòng giống Thích ca nhân đó cũng được gọi là giống mía. Về sự tích của vị tiên này, kinh Đại ban niết bàn (bản Bắc) quyển 39, kinh Bồ tát bản duyên quyển trung chép, tiên Cù đàm hiện đại thần thông biến làm thân Đế thích trong mười hai năm, rồi biến thân Đế thích thành hình con dê với một nghìn nữ căn trên mình. Truyện tích này rất giống với truyền thuyết trong thần thoại Bà la môn nói rằng, vợ Cù đàm tư thông với trời Đế thích, Cù đàm nổi giận, đuổi vợ vào rừng, đồng thời thêm một nghìn nữ căn trên thân Đế thích. Trong Mật giáo, tiên Cù đàm là một trong năm vị tiên họ hàng của Hỏa thiên, được đặt ở phương nam trong viện Kim cương bộ ngoài của Thai tạng giới, ở sau tiên A chi la (Phạm: Aígiras). Chủng tử là (yaư), hình tượng màu đỏ, tay trái cầm cái bình, tay phải dơ thẳng, ngón tay cái đặt vào đốt giữa của ngón vô danh – đặt ở trước ngực. [X. kinh Đại khổng tước chú vương Q.hạ – Thích ca phổ Q.1 – Thai tạng giới thất tập Q.hạ].