cộng tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(共相) Phạm: Sàmànya-lakwaịa. I. Cộng tướng. Đối lại với Tự tướng. Chỉ cho tướng chung. Cũng chỉ tướng không phải hạn ở tự tướng, mà còn có nghĩa cộng thông với các pháp khác. Nếu là tự thân chỉ có cái thể tướng đặc thù, thì gọi là Tự tướng. Thực ra thì tự thể của các pháp, chỉ có trí chứng mới có thể biết, không thể dùng lời nói để thí dụ, nên gọi là Tự tướng. Còn đem tâm phân biệt để an lập thi thiết năng thuyên, sở thuyên của các pháp dùng lời nói để diễn tả, tìm hiểu thể nghĩa của các pháp làm chỗ cho trí phân biệt duyên theo, thì là Cộng tướng. Như hết thảy sắc pháp đều có tự tướng riêng biệt, nhưng khi dùng câu hết thảy vạn hữu đều là vô ngã, để nói rõ về tính không của các pháp thì vô ngã ấy tức là Cộng tướng. Như vậy, vô ngã là nghĩa tướng chung của hết thảy vạn hữu, cùng với khổ, không, vô thường v.v… dùng để giải thích thể nghĩa của các pháp, cho nên đều là Cộng tướng. Thông thường phần nhiều cho Cộng tướng có thể giải thích được và coi nó như đối lập với Tự tướng, nhưng Nhân minh nhập chính lí luận sớ quyển thượng phần đầu, thì phản đối luận thuyết tương đối này mà cho rằng trong các pháp có thể giải thích, bao hàm cả Tự tướng và Cộng tướng, hai tướng này có mối quan hệ nhiều lớp với nhau như năm uẩn sắc, thụ v.v… là Tự tướng, còn sự vô thường của năm uẩn là Cộng tướng – lại trong Sắc uẩn, Sắc xứ là Tự tướng, Sắc uẩn là Cộng tướng. Ngoài ra, trong sắc xứ thì các mầu xanh, vàng là Tự tướng, còn sắc xứ là Cộng tướng. Như vậy, cuối cùng, lấy tự tính bản chân do Thánh trí chứng được làm Tự tướng, và lấy tự tính giả khác (vì không lìa trí giả và nói năng) làm Cộng tướng. [X. Phật địa kinh luận Q.6 – luận Câu xá Q.23 – luận Đại tì bà sa Q.42 – Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối – Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.2 phần cuối]. II. Cộng tướng. Đối lại với Bất cộng tướng. Tức là tướng do mọi người cùng chung cảm được, cùng thụ dụng chung, gọi là Cộng tướng. Như núi sông, đất đai v.v… là bởi nghiệp chung của mọi người tạo thành, là nơi nương tựa và thụ dụng chung của mọi người, cho nên là Cộng tướng – còn như thân thể của mỗi cá nhân, là do nghiệp riêng của cá nhân ấy mà có, cũng chỉ do cá nhân ấy thụ dụng, cho nên gọi là Bất cộng tướng. Chủng tử thân nhân duyên của Cộng tướng, gọi là Cộng tướng chủng tử, được chủng tử cộng nghiệp giúp đỡ mà sinh khởi hiện hành. Cộng tướng có thể chia làm hai thứ: 1. Như núi sông, đất đai thuộc y báo, do nghiệp chung mà có, đều do người, thú, sâu, cá, v.v… cùng chung thụ dụng, gọi là Cộng trung cộng (chung trong chung). 2. Như ruộng vườn, nhà cửa của mỗi cá nhân, thì chỉ cá nhân ấy thụ dụng chứ người khác không được dùng chung, thì gọi là Cộng trung bất cộng (riêng trong chung). [X. luận Thành duy thức Q.2 – Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu]. (xt. Bất Cộng Tướng, Cộng Bất Cộng).