công quá cách

Phật Quang Đại Từ Điển

(功過格) Cuốn sổ hàng ngày ghi chép những việc làm tốt hay xấu để kiểm tra công lao hay tội lỗi của mình, gọi là Công quá cách. Sau căn cứ vào đó để phân loại những hành vi thiện, ác và làm tiêu chuẩn để quỉ thần ban phúc hay giáng họa: đó là loại sách khuyên người làm thiện. Tư tưởng dựa theo thiện, ác nhiều hay ít mà quyết định quỉ thần ban phúc giáng họa, đã thấy sớm nhất vào thời Đông Tấn khi Cát hồng làm sách Bão phác tử, là tư tưởng căn bản của Đạo giáo. Thời gần đây rất nhiều người thừa kế tư tưởng này. Tức đem những hành vi thiện, ác đã thực hiện một cách cụ thể mà tính toán tường tận về số điểm để nói rõ nhân tốt quả đẹp, nhân xấu quả xấu, đó là đặc sắc của Công quá cách. Cách thức chế định các điều mục và nội dung cụ thể của Công quá cách xưa nhất là vào năm Đại định 11 (1171) đời Kim, Đạo sĩ Tịnh minh đạo làm sách Thái vi tiên quân công quá cách, lập ba mươi sáu điều công cách, ba mươi chín điều quá luật, qui định chữa bệnh cho người, cứu tính mệnh người, trao truyền kinh giáo, cầu đảo cho người, khuyên người làm thiện v.v… đều có ghi công – trái lại, làm những việc bất nhân, bất thiện, bất nghĩa, phi pháp v.v… thì đều ghi quá (tội lỗi), ngày ngày ghi chép, hết tháng, hết năm, hễ người nhiều thiện được phúc, người nhiều ác bị tội. Cứ theo Truyền gia bảo của Thạch thành kim đời Thanh chép, thì Phạm trọng yêm, Tô tuân đời Tống cũng đều có làm công quá cách, nổi tiếng một thời. Nhưng phải đến năm Vạn lịch 32 (1604) đời Minh, sau khi ngài Chu hoành ở núi Vân thê viết Tự tri lục, Thiền sư Vân cốc trao công quá cách, thì công quá cách mới phổ cập đến dân chúng nói chung.