cộng hữu pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(共有法) I. Cộng hữu pháp. Cũng gọi là Câu hữu pháp, Câu hữu. Tức là pháp tồn tại đồng thời. Luận Câu xá quyển 6 (Đại 29, 30 trung), nói: Nếu pháp là quả sĩ dụng của nhau, thì pháp ấy cũng là nhân câu hữu của nhau. Tướng nó như thế nào? Như bốn đại chủng, cùng trông nhau làm nhân câu hữu. Nói một cách cụ thể, thì như bốn đại đất,nước, lửa, gió, hoặc như bản pháp với bản tướng, tâm vương với tâm sở v.v… là những thứ đồng thời cùng tồn tại mà thành một tổ chức, không tách rời nhau, gọi là Cộng hữu pháp. Hết thẩy nhân câu hữu đều là Cộng hữu pháp. [X. Câu xá luận quang kí Q.6 – Câu xá luận bảo sớ Q.6]. (xt. Câu Hữu Nhân). II. Cộng hữu pháp. Tiếng dùng trong Nhân minh. Trong lập luận Nhân minh, Nhân (lí do) được lập ra phải được người lập luận và người vấn nạn đều cùng thừa nhận là có thật, thì đó gọi là Cộng hữu pháp. (xt. Cực Thành).