CÔNG DỤNG ĐEO CHÚ LĂNG NGHIÊM
Tác giả: Tưởng Quả Quân
 Hạnh Đoan lược dịch

 

Tôi thấy trong Kinh Lăng Nghiêm có tả về oai lực của Chú Lăng Nghiêm khi ta đeo trên người. Trong kinh Phật có nói rõ:

Nếu chúng ta đeo chú trên người hoặc treo trên tường nhà, nhờ thần chú gia bị, có thể đến hết cuộc đời tất cả độc hại đều không thể hãm hại.

NẾU CUNG KÍNH ĐỌC TỤNG, hoặc cung kính biên chép, mang trong người, hoặc thờ cúng trong thôn trang nhà cửa mình cư trú… thì nghiệp chướng từ nhiều kiếp tích tụ đến nay sẽ tan chảy như tuyết gặp nước sôi. Nghiệp chướng tiêu, chánh định hiện tiền, sau đó không lâu, sẽ chứng đắc Pháp Vô Sanh.

Nếu từng phạm tội Ngũ Nghịch, nhờ uy lực của chú, tất cả tội nặng cũng sẽ tiêu diệt hết. Cũng không bị tất cả yêu ma quỷ quái, cho đến oan gia, tai bay vạ gió, nghiệp chướng xưa cũ, tai ương, nợ cũ từ vô thỉ kiếp đến nay đến quấy phá xâm hại v.v… Có được năng lực miễn dịch với các loại rau bị nhiễm thuốc trừ sâu, các loại vi rút…

Bằng chứng rõ rệt nhất là sau khi tôi trì chú liên tục chuyên tâm rồi, thì thân thể mạnh khỏe hơn trước, không còn cảm cúm, khinh an tự tại.

Tiếc là tôi phải viết hạn chế, nên không thể kể tỉ mỉ chi tiết hết được, nếu quý vị muốn biết tường tận thì nên tìm xem trong Kinh Lăng Nghiêm sẽ hiểu hết sự thù thắng tuyệt diệu này.

Từ khi tôi hiểu được nhiều điều hay quý tuyệt vời của “vương chú” này rồi, thì sáng đó, tôi đã chép chú ra để treo trên tường trong nhà lẫn ngoài sân, để gia tăng thêm sự hộ trì bình an, tôi còn cho người nhà đều đeo chú, cảm thấy lợi ích rất lớn. Lúc nào tâm cũng cảm thấy vững vàng vô úy không còn hay sợ hãi như trước đây.

Nhớ lại hồi chưa trì chú, tôi luôn thấy lo lắng, hốt hoảng, bồn chồn. Bây giờ tôi hiểu ra rằng: Không phải cứ ngồi Thiền mới có được sự an định, MÀ NHƯ LAI ĐỊNH CHÍNH LÀ ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI… ĐỀU LUÔN Ở TRONG ĐỊNH, ĐẠI ĐỊNH và ĐỊNH LỰC THỦ LĂNG NGHIÊM quả THẬT THÂM SÂU THÙ THẮNG vô cùng!

Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “HOẶC ĐỌC, HOẶC TỤNG, HOẶC CHÉP, HOẶC ĐEO, HOẶC CẤT GIỮ, CÁC KIỂU CÚNG DƯỜNG, THÌ KIẾP KIẾP KHÔNG PHẢI SANH RA Ở NƠI NGHÈO CÙNG, HẠ TIỆN, KHÔNG AN VUI.”

Nhớ hôm đưa tang cha, tôi photo bản Chú Lăng Nghiêm mình chép tay phát cho người nhà đeo. Riêng bên Nhà tang lễ họ cũng phát chư khách tham dự một lá bùa vẽ trên giấy đỏ. Em gái út của tôi vì gấp quá, nó không tìm được bao đựng Chú Lăng Nghiêm chép tay của tôi, nên chỉ đeo bùa do nhà tang lễ phát.

Không ngờ sau khi từ nơi hỏa thiêu trở về nhà, thì sáng hôm sau em tôi không thể dậy được, vì toàn thân xương cốt nhức nhối, bị đau đầu, đau lưng…
Lúc đó tôi nghĩ là em chỉ cần ngủ một giấc thì sẽ khỏi, nào ngờ em ngủ đến ngày thứ ba thì bịnh càng tăng nặng nề nghiêm trọng hơn.

Tôi cảm thấy quái dị, bèn tháo Chú Lăng Nghiêm đang đeo trên người ra đeo cho em, không ngờ hay ngoài sức tưởng: Em lập tức khỏe ngay, có thể ngồi dậy được! Sau này tôi tìm được nơi in ra quyển Chú Lăng Nghiêm nhỏ xíu rất tinh xảo, thế là tôi bèn thỉnh về và đưa em để đổi lại cho em (vì thấy bản in chú Lăng Nghiêm này vừa nhỏ gọn lại nhẹ nhàng, tiện lợi hơn bản chép tay mấy trang vừa dày vừa nặng, rất bất tiện của tôi), nhưng em kiên quyết không chịu đổi; tôi phải giải thích với em là nội dung đều giống nhau, em mới an tâm chịu đổi, đủ biết em tin tưởng chú mà em đang đeo biết dường nào!

Vào tháng ba năm 1985, trưởng nữ của tôi thì đến Nam Phi tham quan cùng các bạn, ghé thăm nhiều danh lam thắng cảnh, đến khi về đến nhà thì đã khuya.

Tôi đang ngủ cũng bị cháu đánh thức mình dậy kể rằng: Do con nằm mơ thấy có nhiều cảnh đáng sợ nên quá hãi hùng không ngủ tiếp được nữa.

Tôi nói: Sao trên cổ con không có đeo chú Lăng Nghiêm?

Thế là tôi vội đi lục tìm, may là còn một bản, liền đeo vào cho cô con gái.

Con tôi quay về phòng mình và sau đó ngủ một giấc an lành đến sáng không đến tìm tôi nữa, xem như cháu đã bình yên vô sự.

Đầu tháng mười năm 1986, sau khi con gái út của tôi tận mắt nhìn thấy cảnh người da trắng qua đời trong ngôi Giáo đường nằm kế trường, lúc về nhà nó bị chóng mặt… cảm thấy trong người rất kỳ lạ.

Tôi điều tra phát hiện do nó không đeo Chú Lăng Nghiêm. Nó nói: Trường học quy định không choc đeo đồ trang sức như dây chuyền hay bất kỳ thứ gì khác…

Thế là tôi bèn dùng kim băng đính Chú Lăng Nghiêm ghim vào bên trong cổ áo cho con, Vừa đeo vào, cháu liền cảm thấy đầu mát dịu, toàn thân dễ chịu trở lại, thế là bây giờ con út tôi tuyệt đối không dám quên đeo nữa.

Tháng 4 năm 1984, con trai lớn của tôi bệnh nặng. Suốt ba tháng, nó bị sốt cao 41 độ, tôi đeo Chú Lăng Nghiêm chép tay cho con, do tâm bị chướng ngại nặng nề, nhưng nó nhất quyết từ chối không chịu đeo, tôi cũng đành chìu ý vì không nên miễn cưỡng ép cháu đeo.

Đến tháng 7 năm 1984, con trai tôi qua đời , tôi niệm hồng danh A Di Đà Phật suốt, nên sau khi mất khoảng chín tiếng đồng hồ, toàn thân cháu lạnh ngắt, nhưng đầu vẫn còn ấm, mà trán chỉ cách đó một chút lại lạnh như băng; cách nhau như thế mà lại có sự khác biệt trời vựcnhư vậy, mặt cháu còn lộ nét tươi cười, gương mặt hiện tướng lành.

Đây là kinh nghiệm đeo chú Lăng Nghiêm của gia đình tôi, xin viết ra chia sẻ. hi vọng mọi người đều có thể thọ trì những kinh điển Phật dạy, gieo nhân thành Phật – hành trì Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm, tu viên mãn, sớm đạt thành Phật Quả!

XIN MẠN PHÉP TRÍCH KÈM ĐOẠN VĂN GIẢI ĐÁP VỀ VIỆC ĐEO CHÚ:

Hỏi: tôi hiện đang đeo thần chú Lăng nghiêm trong người. Tôi nghe có người nói, đeo thần chú này là hễ vào nhà tiêu, nhà tắm thì phải tháo ra. Nhưng cũng có vị nói là chỉ khi đi tắm mới phải tháo ra còn khi đi vệ sinh thì vẫn đeo bình thường. Xin giải đáp giúp tôi về vấn đề này – QUẢNG PHÚ

ĐÁP: Bạn Quảng Phú thân mến!

Hiện nay, các Phật tử thường đeo thần chú Lăng nghiêm được gấp nhỏ và ép nhựa cứng, phổ biến ở hai dạng: Một là nguyên văn cả năm đệ của thần chú Lăng nghiêm, hai là câu “Nam-mô Đại Phật đảnh ma-ha-tất-đát-đa-bát-đát-ra” (ảnh), tức tinh túy hay chóp đỉnh của năm đệ thần chú này.

Chúng tôi nghĩ rằng, lời khuyên khi đi tắm phải tháo thần chú ra khỏi người, đơn giản là tránh bị ướt hay thấm nước (do thần chú được ép nhựa nên không chắc chắn lắm). Còn khuyến cáo khi vào nhà vệ sinh phải tháo thần chú ra là vì sợ kinh chú (hay tượng Phật) bị “uế”, sẽ thất kính đối với Tam bảo.

Là những người con Phật, kính trọng Tam bảo là điều tối cần. Nhưng cứ mỗi lần vào nhà vệ sinh lại phải tháo thần chú (hay tượng Phật) ra khỏi người thì thật bất tiện và gần như không ai có thể thực hiện chu toàn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vả lại, nếu bình tâm quán sát thì đâu cần vào nhà vệ sinh mới “uế”, khi đeo thần chú lên người dù ta có sạch sẽ cách mấy cũng “uế” như thường, vì Đức Phật đã dạy thân thể là túi da bao bọc các vật nhơ uế bên trong.

Do vậy thiết nghĩ, trừ khi với tâm xấu ác cố tình làm dơ uế thần chú và tượng Phật thì mới đắc tội. Còn trong đời sống hàng ngày, với tinh thần phương tiện, người Phật tử có thể đeo thần chú, tượng Phật trên người trong mọi lúc, mọi nơi.

Thầy Quảng Tánh
Chúc bạn tinh tấn!