Công Đức Cúng Đèn

Thích Thiện Phước

 

Đức Phật thường dạy chúng ta rằng: “Là đệ tử của Phật thì phải thường phát ra những lời nguyện cao thượng, thấy người khác làm việc cao thượng thì trong lòng phải vui theo, lại nguyện đem những công đức của mình làm hồi hướng cho khắp tất cả chúng sanh”.

Nếu có phát ra những lời nguyện cao thượng thì nhân cách và tâm trí của chúng ta sẽ có sự hỗ trợ rất lớn. Muốn rõ suốt được vấn đề này thì chúng ta nên tìm hiểu qua câu chuyện“Bà lão nghèo thí đèn” trong quyển “A Xà Thế Vương Thọ Quyết kinh”:

Thuở xưa, tại nước Ma Kiệt Đà, vua A Xà Thế đem dâng cúng Phật một trăm chong dầu mè, thắp từ hoàng cung thẳng đến nơi Đức Phật đang thuyết pháp tức tịnh xá Kỳ Viên, chạy dọc suốt đến sáu dặm đường. Những ngọn đèn được thắp sáng trong sáu dặm đường ấy đều là đèn dầu của vua A Xà Thế.

Đương thời, có một bà lão nghèo nàn, vì trông thấy quốc vương phát tâm rộng lớn như vậy nên trong lòng bà vô cùng cảm kích. Bà lại than phận mình nghèo hèn, thật không có gì để bố thí cúng dường Đức Phật.

Thế là bà ta cầm hai đồng tiền đi đổi dầu cúng Phật. Thuở giờ, hai đồng tiền chỉ có thể mua được hai chong dầu thôi. Người bán dầu vì trông thấy bà lão có tâm kiền thành cúng dường Phật, nên trong lòng ông cũng rất cảm động. Hơn nữa, vì số tiền của bà lão quá ít nên chỉ mua được hai chong dầu. Thế là người bán hàng lại cho bà thêm ba chong nữa.

Bà lão thầm nghĩ năm chong dầu này quá ít, chắc đốt chẳng tới nửa đêm thì sẽ tắt ngay. Thế là bà tự phát ra lời nguyện rằng: “Nếu như trong tương lai, con cũng thành một bậc thánh hoàn mỹ như Phật thì nguyện cho chong đèn con đốt đây suốt đêm sẽ không bị tắt”.

Thâu đêm hôm ấy, những chong đèn của vua A Xà Thế đốt có ngọn tỏ, có ngọn lu, không đều nhau, chỉ có mấy chong đèn của bà lão bần cùng ấy rực sáng mãi cho đến bình minh hôm sau.

Tôn giả Mục Kiền Liên muốn dùng cà sa để quạt tắt ngọn đèn ấy. Nhưng chẳng hiểu sao, ngọn đèn ấy không tắt mà lại còn rực sáng hơn lên. Đương khi ấy, Đức Phật đã chứng kiến những động tác của tôn giả Mục Kiền Liên làm ngay từ đầu.

Ngài bèn gọi: “Này Mục Liên! Ông không đủ sức để dập tắt được những ngọn đèn đó đâu! Bởi vì những ngọn đèn ấy được thắp lên bằng tất cả niềm tin và trí tuệ. Bà lão cúng ngọn đèn ấy đời quá khứ đã từng thân cận được 180 ức vị thánh có đức hạnh hoàn mỹ. Ba mươi kiếp sau, bà ấy sẽ được thành Phật với danh hiệu là “Tu Di Đăng Quang Như Lai”. Nhân vì đời quá khứ của bà ta ít làm việc bố thí, nên đời nay phải chịu cảnh bần cùng như vậy!

Thế mới biết năng lực bố thí của người nghèo khốn khổ sở cũng thật trọng đại, vì đã bần cùng mà thực hành được việc bố thí là điều vô cùng khó khăn. Thật đáng quý thay!

Tôn giả A Nậu lâu Đà trong tiền tiền kiếp, vào trong tháp thờ xá lợi Phật Ca Diếp, nhân thấy ngọn đèn bị tắc bèn phát tâm lành mòi cho cháy lên. Do công đức nầy mà khi Phật Thích Ca thị hiện Ngài được xuất gia và chứng Thiên Nhãn đệ nhất trong hàng đệ tử Phật.

* Quang minh vô lượng dâng đèn cúng Phật:

Đèn cúng là một hình thức trọng yếu trong nghi lễ cúng Phật. Như nói hương cúng, hoa cúng, thực cúng là để mong cầu phước đức đẹp đẽ. Thế còn cúng đèn là tiêu biểu cho sự mong cầu trí tuệ quang minh.

Kinh Hoa Nghiêm chép: “Đèn trí tuệ có thể chiếu soi các sự tăm tối”. Ngoài ra còn rất nhiều bộ kinh khác đề cập đến, tâm thức của chúng sanh bị vô minh che lấp, nhân thế mà ngu si vô trí. Đức Phật mới dạy chúng sanh cùng tu trí tuệ, khiến mọi người thắp lên ngọn đèn trí tuệ, nhờ ánh sáng trí tuệ này mà có thể phá tan sự mờ tối của chúng sanh, nhân thế cúng đèn trước hình tượng Phật, ý nói cầu mong nhờ ngọn đèn quang minh này chiếu phá thế giới đen tối trong tâm thức.

Trong kinh đức Phật còn dạy: “Đốt 10 ngàn ngọn đèn thì tiêu diệt các tội lỗi”.

Chúng sanh bị chìm đắm trong sáu đường, đem ngọn đèn thắp trước Phật đây là tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ. Chủ yếu là trông mong ánh sáng trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát mà chúng sanh tiêu trừ tội chướng, phát sanh trí tuệ giải thoát, sớm được giác ngộ. Nói về công đức cúng đèn Phật thì có rất nhiều kinh điển ghi chép như:

Thí Đăng Công Đức Kinh chép: Thường ở trước tượng Phật, tháp Phật, trong tự viện, kiền thành thắp đèn cúng Phật thì sẽ được phước báu: Đôi mắt tứ chi đều tốt đẹp, thân không tật bệnh, tâm địa sáng suốt, không bị ngu si lay chuyển, cuộc sống an ổn, tâm không sợ hãi…

Ngoài ra đèn còn có ý nghĩa truyền bá, tức là một ngọn đèn có thể đem lửa mồi sang qua đèn khác và mồi mãi cho đến vô số ngọn đèn.

Như kinh Duy Ma chép: Đèn vô tận là ví như từ một ngọn đèn mồi ra 100 ngàn ngọn đèn, làm cho chỗ tối tăm đều sáng suốt, ánh sáng tiếp nối nhau không dứt.

Trong kinh Đại Trí Độ Luận chép: Ngươi nên giáo hóa đệ tử, đệ tử lại giáo hóa người khác, triển chuyển giáo hóa ví như một ngọn đèn lại thắp sáng thêm những ngọn đèn khác, ánh sáng càng nhiều. Về sau mọi người đem việc “Truyền đăng” để dụ cho việc đem Phật Pháp đời đời tiếp nối truyền nhau, mãi mãi không bao giờ tắt. Thiền tông Trung Quốc có bộ Truyền Đăng Lục chính là khởi nguyên từ đây. Ngoài ra còn có những bộ lục như: Ngũ Đăng Hội Nguyên, Liên Đăng Hội Yếu, Kế Đăng Lục, Truyền Đăng Lục… cũng không ngoài ý nghĩa này.

Quyển 6, Lục Độ Tập Kinh có một câu chuyện: Có một vị Tỳ kheo già trên con đường tu tập không có thành tựu cho lắm, nhưng mỗi lần đi khất thực được dầu mè, ông đều dâng lên cúng dường Phật, trãi qua thời gian như thế không lười biếng. Có vị Tỳ kheo khác thấy thế không hiểu mới bạch Phật: Tỳ kheo nầy tuy có ít trí huệ nhưng giới luật được đầy đủ, lại thường thắp đèn cúng Phật, về sau được phước báu gì? Phật đáp: Vị Tỳ kheo ấy trãi qua vô số kiếp sau sẽ được làm Phật, có vầng hào quang ngay ót, hay hướng dẫn vô lượng chúng sanh được giải thoát. Do đó có thể biết, vị Tỳ kheo già nầy chỉ đốt đèn cúng Phật để tích lũy âm đức, vô số kiếp sau được thành Phật, như thế thì đốt đèn cúng Phật được phước rất lớn.

Vào thời cổ đại cúng đèn chủ yếu là dùng dầu, do vì đèn dầu dễ tắt cũng dễ phát hỏa, nhân thế mà trong tự viện lập ra một chức chuyên trông coi về nhang đèn gọi là “Hương đăng”. Chức vị này trong tự viện có trách nhiệm rất lớn, vô cùng khổ nhọc. Dâng đèn nhang hoa quả lên cúng Phật. Ngoài ra còn có loại đèn sáp, sau này có đèn điện. Thế nhưng dù là loại đèn nào đi nữa thì ý nghĩa vẫn không hề thay đổi, nó đại biểu cho ánh sáng trí tuệ vô tận trong Phật Pháp không bao giờ bị mất đi.

Tôi còn nhớ câu chuyện về 4 ngọn đèn.

Trong phòng tối có 4 ngọn đèn đang cháy. Xung quanh thật yên tĩnh, người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của chúng:

Ngọn đèn thứ nhất nói: Tôi là hiện thân của hòa bình, các nơi sẽ như thế nào nếu như không có tôi. Tôi thực sự quan trọng cho mọi người.

Ngọn thứ 2 lên tiếng: Tôi là hiện thân của lòng trung thành, tất cả mọi người đều cần đến tôi.

Đến ngọn đèn thứ 3 nói: Tôi là hiện thân của tình yêu. Tôi mới thực sự quan trọng. Hãy thử xem, nếu không có tình yêu thì cuộc sống sẽ ra sao?

Đột nhiên cánh cửa chợt mở toang, một cậu bé chạy ùa vào phòng, cơn gió lùa vào làm tắt cả 3 ngọn đèn. Tại sao 3 ngọn đèn lại tắt? Cậu bé sửng sốt và òa lên khóc.

Lúc này ngọn đèn thứ tư nói: Đừng lo lắng cậu bé, khi tôi còn cháy thì vẫn có thể thắp sáng ba ngọn đèn kia vì tôi chính là niềm hy vọng. Cậu bé lau những giọt nước mắt còn đọng lại và lần lượt thắp sáng những ngọn đèn vừa tắt.

Ngọn đèn cũng còn tiêu biểu cho niềm hy vọng, nó sẽ theo ta cả cuộc đời. Hy vọng giúp chúng ta làm nên tất cả, bạn hãy đứng dậy mà đi sau cơn vấp ngã, đứng lên ngay chỗ vấp ngã ấy bạn sẽ có những bước chân vững chắc, đừng nản lòng bạn nhé, vì còn niềm tin là thắp sáng tất cả cho dù là một tia hi vọng mong manh.

Trong Thiền ngữ cũng có câu chuyện ba vị Thiền sư ước định với nhau về chuyện tu tịnh khẩu. Họ bèn nói chúng ta đốt một ngọn đèn và ngồi xung quanh không ai được nói năng gì. Thế là ngọn đèn được thắp sáng đến khuya, đèn phực làm cháy lan ra gần tới chỗ ngồi của các Thiền sư… không chịu đựng được.

Vị thứ nhất nói: Đèn phực lửa kìa.

Vị thứ hai nói: Chúng ta không được nói kia mà.

Vị thứ ba nghe vậy nói: Vậy là tôi thắng.

Thế là ba người đều nói.

Và đèn cũng biểu tượng cho sự ấm cúng hòa hợp, chăm sóc trong gia đình hoặc những người cùng sống chung, nên có câu nói: “Tối lửa tắt đèn có nhau”, ý muốn nhắn nhủ là không bỏ nhau cho dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong danh hiệu chư Phật có liên quan đến chữ đăng – đèn này rất nhiều như: Phật Nhiên Đăng, Phật Tu Di Đăng… Bên cạnh đó những biển ngạch treo ở trong các tự viện cũng vậy như: Liên Đăng Tục Diễm (mồi đèn nối lửa), Huệ Chúc Trường Minh (đuốc tuệ sáng hoài).

Trong mỗi ngôi Phật tự viện đều có cúng đèn, và có những tự viện tạo thành một sắc thái riêng biệt.

Theo sách “An Sĩ Toàn Thư” chép: Bố thí dầu đèn soi sáng đường đi có rất nhiều phước báo:

Nhân vì có đèn soi sáng mà đường đi trước mắt được thấy rõ ràng, cho nên người bố thí đèn sẽ được quả báo mắt sáng.

Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi trên đường sẽ không lo lắng, thế nên người bố thí đèn sẽ được quả báo luôn gặp chuyện hoan hỉ.

Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi đường sẽ không dẫm bùn nhơ, cho nên người thí đèn sẽ được quả báo thân thể trong sạch.

Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi đường không sợ chó cắn, cho nên người bố thí đèn sẽ được quả báo không có sợ hãi.

Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người đi đường không bị trượt chân té tổn thương, cho nên người thí đèn sẽ được quả báo không có bệnh đau.

Nhân vì có đèn soi sáng mà mọi người không bị rơi vào hầm hố đến nỗi mất mạng, cho nên người thí đèn sẽ được quả báo trường thọ.

(Xem “Âm Chất Văn Quảng Nghĩa Tiết Lục”, quyển hạ)

Trong luật Phật dạy: “Khi tắt đèn phải hỏi người khác có dùng nữa không, nếu không dùng thì mới được tắt, không nên dùng miệng thổi, chẳng được lấy đèn cúng Phật dùng riêng. Nếu đốt đèn phải lấy bóng đèn pha lê hay chụp vải che đậy để tránh các loài côn trùng có cánh bay vào”.

Quán Tâm Luận chép: “Trường đăng minh – đèn sáng mãi – đây là tâm chánh giác vậy. Cũng chính là dùng đèn để tỷ dụ cho sự giác ngộ. Cho nên tất cả chúng sanh tìm cầu giải thoát thì thường lấy thân làm chân đèn, lấy tâm làm chong đèn, lấy lòng tin làm tim đèn, nuôi lớn các giới hạnh là châm thêm dầu, trí huệ sáng là dụ như ánh đèn thường sáng, ngọn đèn tuệ giác như  thế hay chiếu phá tất cả vô minh hắc ám, hay mong cầu được giác ngộ. Dùng đèn cúng Phật, hàm tàng một ý nghĩa dùng đèn để phá tan tăm tối, tượng trưng cho trí huệ thì hay trừ sạch mê mờ”.

Khi thắp đèn thầm tưởng bài kệ:

Nhược điểm đăng thời
Đương nguyện chúng sanh
Phổ chiếu chư Phật
Mãn đường quang minh
Nam mô Nhiên Đăng Vương Bồ tát (3 lần)
Khi thắp ngọn đèn
Nguyện cho chúng sanh
Soi khắp cõi Phật
Cả nhà rạng ngời.

Nam mô Nhiên Đăng Vương Bồ tát (3 lần)

Kinh Pháp Hoa, Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, Tịnh Phạn Vương Bát Niết Bàn… chép: “Trên bàn thờ cần phải để 3 loại để cúng dường Phật: Lư hương, bình hoa, chân đèn, đây gọi làm tam cụ túc”.

Trong Phật giáo, đèn tiêu biểu cho ánh sáng trí tuệ, ý muốn đề tỉnh người đời mong cầu trí tuệ thì phải trừ bỏ ngu si, đốt đèn không chỉ trang nghiêm đạo tràng, mà còn khiến cho chúng sanh khởi lòng kính ngưỡng, đốt đèn lại tượng trưng cho ánh sáng trí huệ, hay trừ được phiền não tối tăm.

Giáo lý nhà Phật ví như ngọn đèn sáng, người nương vào đây tu tập thì sẽ thoát khỏi vô minh phiền não, như căn nhà tối tăm một khi gặp ánh sáng chiếu vào thì bóng tối sẽ lui tan, vì vậy thắp đèn cúng Phật được phước báu vô lượng vô biên.