công đức

Phật Quang Đại Từ Điển

(功德) Phạm: Guịa. Dịch âm là Cụ nẵng, Ngu nẵng, Cầu na. Hàm ý công năng phúc đức. Cũng nói về quả báo do làm việc thiện mà được. Cảnh đức truyền đăng lục quyển 3 có chép việc vua Vũ đế nhà Lương hỏi tổ Bồ đề đạt ma như sau (Đại 51, 219 thượng): Từ ngày trẫm lên ngôi đến nay, trẫm đã làm chùa, viết kinh, độ tăng rất nhiều không thể kể hết, như thế có công đức gì không? Tổ đáp: Chẳng có công đức gì cả. Bởi vì những việc thiện mà nhà vua làm đó chỉ là cái nhân hữu lậu sẽ được quả nhỏ ở cõi người, cõi trời, tuy có mà chẳng thực. Còn cái công đức chân thực thì là tịnh trí tròn sáng, thể tự vắng lặng, không cầu gì ở đời. Vãng sinh luận chú quyển thượng cũng nói rõ hai thứ công đức hư dối và chân thực. Đại thừa nghĩa chương quyển 9 (Đại 44, 649 hạ), nói: Công đức – công, có nghĩa là công năng, có cái công giúp cho điều phúc lợi, cho nên gọi là Công – công ấy khiến làm được những việc tốt lành có đức, gọi là công đức. Thắng man bảo quật quyển thượng phần đầu (Đại 37, 11 trung), nói: Ác diệt sạch gọi là công, thiện tròn đầy gọi là đức. Lại đức là được – do công tu mà được, cho nên gọi là công đức. Lại nữa, sự sâu rộng của đức thí dụ như biển, gọi là biển công đức (Phạm: Guịa-sàgara) – nó quí trọng như của báu nên gọi là công đức bảo (Phạm: Guịa-ratna). Ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác như: công đức tạng, công đức tụ, công đức trang nghiêm, công đức lâu v.v… [X. Duy ma nghĩa kí Q.1 (Tuệ viễn), Nhân vương bát nhã kinh sớ Q.thượng phần 1 (Cát tạng)]. (xt. Lợi Ích).