cộng bất cộng

Phật Quang Đại Từ Điển

(共不共) Là Cộng và Bất cộng nói gộp lại. Cộng là cùng chung, cùng thông. Cộng và Bất cộng có những loại như sau: 1. Nói về giáo pháp: giáo pháp nói chung cho các thừa, gọi là Cộng giáo – trái lại, giáo pháp không chung cho các thừa thì gọi là Bất cộng giáo. Chẳng hạn như tông Hoa nghiêm cho rằng kinh Bát nhã là giáo pháp chung cho cả ba thừa, vì thế gọi là Cộng giáo – còn kinh Hoa nghiêm thì chỉ dạy riêng cho hàng Bồ tát vì thế gọi là Bất cộng giáo. 2. Nói về chỗ nương (sở y): chỗ nương chung cho hai thức trở lên, gọi là Cộng y, nếu chỉ là chỗ nương cho một thức duy nhất, thì gọi là Bất cộng y. Chẳng hạn như thức A lại da là chỗ nương gốc của các thức, cho nên gọi là Cộng y – còn như căn mắt thì chỉ là chỗ nương cho riêng thức mắt, nên gọi là Bất cộng y. 3. Nói về công đức: trong vô lượng công đức mà đức Phật có, cũng có những pháp công đức chung cho các bậc Thánh khác hoặc phàm phu, gọi là Cộng pháp, cũng gọi Cộng công đức – còn những công đức mà chỉ riêng Phật mới có, thì gọi là Bất cộng pháp, cũng gọi Bất cộng Phật pháp. Ngoài ra, những phép tắc phổ thông chung cho tất cả, cũng gọi là Cộng pháp – trái lại, những phép tắc đặc biệt, không chung, thì gọi là Bất cộng pháp. Lại cái nghiệp dẫn sinh quả báo riêng của mình, gọi là Bất cộng nghiệp – còn nghiệp đưa đến hoàn cảnh mà mọi người cùng thụ dụng,thì gọi là Cộng nghiệp. Chẳng hạn như hoàn cảnh núi sông, đất liền v.v… là do nghiệp chung tạo thành, mọi người cùng chung thụ dụng, đó là cộng tướng – còn tự thân mỗi cá nhân là do nghiệp riêng tạo nên, đó là Bất cộng tướng. Trong Cộng tướng, như núi sông, đất liền v.v… mọi người cùng thụ hưởng, gọi là Cộng trung cộng (chung trong chung) – còn như vườn nhà của mỗi cá nhân, thì chỉ cá nhân ấy dùng, chứ không chung cho người khác, gọi là Cộng trung bất cộng (cái riêng trong cái chung). Lại trong Bất cộng tướng, tự thân mình tuy do nghiệp riêng mà thành, nhưng mọi người cũng có thể thụ dụng (như cảnh mà năm căn duyên theo, người khác cũng có thể duyên theo mà thụ dụng), gọi là Bất cộng trung cộng (cái chung trong cái riêng) – còn như tinh thần và nhân cách của mỗi người thì chẳng phải là những cái mà mọi người có thể cùng chung thụ dụng, gọi là Bất cộng trung bất cộng (cái riêng trong cái riêng).