cộng bất cộng tứ biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(共不共四變) Cứ theo Tông kính lục quyển 49 chép, thì thức A lại da biến hiện các tướng căn thân, thế giới do nương vào nghiệp chung, nghiệp riêng mà cảm được, có thể chia làm bốn thứ là: 1. Bất cộng trung bất cộng biến (trong riêng biến riêng), căn thắng nghĩa của năm căn như thần kinh mắt v.v… là do một niệm đầu tiên trong thức A lại da biến hiện khi thác sinh, gọi là bất cộng biến (biến riêng). Nhưng sau khi sinh ra rồi, các căn này chỉ thụ dụng riêng biệt, và thức nào nương vào căn ấy, không lẫn lộn,cho nên gọi là Bất cộng trung bất cộng biến. 2. Bất cộng trung cộng biến (trong riêng biến chung), như căn phù trần của năm căn, lúc đầu chỉ do thức thứ tám biến hiện ra, gọi là Bất cộng biến (biến riêng) – nhưng sau khi sinh ra rồi, thì người khác cũng có thể duyên theo mà thụ dụng, cho nên gọi là cộng (chung), đó là Bất cộng trung cộng biến.3. Cộng trung cộng biến (trong chung biến chung), như núi sông, đất đai v.v… do thức của nhiều người cùng chung biến hiện, gọi là cộng biến (biến chung) – mình và hết thảy mọi người cùng chung thụ dụng, đó là Cộng trung cộng biến. 4. Cộng trung bất cộng biến (trong chung biến riêng), như trong núi sông, đất đai biến chung, mà ruộng vườn, nhà cửa của riêng mình, những người khác không cùng thụ dụng – lại như cùng một con sông, người thấy thì là nước, nhưng loài quỉ đói thấy thì lại là lửa nóng và máu mủ… đó là Cộng trung bất cộng biến.