công án

Phật Quang Đại Từ Điển

(公案) Nghĩa gốc là cái án lệ do các quan phán quyết phải trái. Thiền tông ghi chép những lời nói và việc làm của các bậc cao tăng qua các đời để làm kim chỉ nam cho người tu Thiền, lâu ngày đã trở thành một loại đối tượng để suy xét, hoặc là bài minh treo bên phải của chỗ Thiền giả ngồi. Loại ngôn hành lục này cũng hệt như một bản thông cáo chính thức của Chính phủ, nó phải đuợc tôn trọng, không ai được xâm phạm, nó có thể mở mang tư tưởng, giúp người nghiên cứu, đồng thời, là phép tắc để đời sau nương tựa, cho nên gọi là Công án. Cái phong khí này được khởi xướng từ đời Đường, đến đời Tống thì rất thịnh hành. Thông thuờng, tổng số Công án là một nghìn bảy trăm tắc, nhưng thực tế thì chưa hẳn đã đúng con số một nghìn bảy trăm, mà được dùng một cách phổ biến thì chỉ độ năm trăm tắc mà thôi, ngoài ra, hoặc là trùng lắp, hoặc chỉ có ít giá trị tham cứu. Lúc đầu, Thiền tông chỉ có Ngữ lục, về sau, sách Ngữ lục mỗi ngày một nhiều, nên các ngữ lục mới được lựa chọn và biên tập thành sách Công án, trong đó, Bích nham lục, Thung dung lục, Vô môn quan, Chính pháp nhãn tạng, Cảnh đức truyền đăng lục, và Nhân thiên nhãn mục, Chỉ nguyệt lục, Tục chỉ nguyệt lục v.v… là nổi bật hơn cả. Ngoài ra, trong các Công án phần nhiều chỉ có một chữ hoặc một câu nói mà người học dùng để tham cứu, gọi là Thoại đầu. Như hỏi: Con chó có tính Phật hay không? Đáp: Không! Một câu đối thoại như vậy tức là một tắc công án, mà tiếng không tức là thoại đầu. Khi tham Thiền, dồn công phu vào tiếng thoại đầu trong Công án gọi là Tham thoại đầu – thầy dùng lời nói để dạy Công án cho học trò, gọi là thoại đầu Công án. Thông thường thì Công án không thể đem suy lí luận lí hoặc là thường thức để mà giải thích được, là vì tinh thần Thiền vốn siêu việt nói năng, suy tư, cho nên thầy phải nhờ đến Công án Phi luận lí tính để khêu dậy cái trực giác nằm sâu dưới lớp ý thức phân biệt của học trò để giúp học trò thể chứng chân tính. Công án có năm nghĩa trọng yếu: 1. Làm công cụ cho sự ngộ Thiền, 2. Làm phương pháp khảo nghiệm, 3. Làm khuôn phép cho đời sau nương tựa, 4. Làm vật tin cho sự ấn chứng, 5. Làm tiêu điểm cùng tột. [X. Thiên mục trung phong hòa thượng quảng lục Q.11 phần trên – Bích nham lục tam giáo lão nhân tự, tắc 1, tắc 4].