côn lôn quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(崑崙國) Tên gọi chung các nước ở vùng biển phía nam Trung quốc. Phạm: Dvìpatala. Cũng gọi Quật luân quốc, Cốt luân quốc. Vốn chỉ các đảo quốc ở phía đông nam bán đảoTrung nam. Đến thời Tùy, Đường thì côn lôn quốc là chỉ chung cho châu Bà la, đảo Java, đảo Sumatra và các đảo phụ cận, rồi bao gồm luôn cả Miến điện và bán đảo Mã lai, cứ tùy theo sự di cư của người côn lôn mà phạm vi nước côn lôn được nới rộng ra. Vùng này là đường hàng hải quan trọng giữa Quảng châu của Trung quốc với các nước Ấn độ và Ba tư. Nam hải kí qui nội pháp truyện quyển 1 (Đại 54, 205 trung), nói: Vùng biển Nam có hơn 10 nước, (…). Các nước này chu vi khoảng 100 dặm, hoặc vài trăm dặm, hoặc chỉ 100 trạm nối nhau, tuy biển cả bao la khó tính được chiều dài, nhưng nhờ thuyền buôn qua lại mà đoán biết được. Vì người Quật luân đến Giao châu, Quảng châu trước tiên, nên người ta gọi chung vùng này là côn lôn quốc. Người côn lôn da đen, đầu quấn khăn. Còn các nước khác, giống với Thần châu. Về chủng tộc thì giống người côn lôn tương đương với giống người Mã lai ngày nay. Theo truyền thuyết, quan đại thần của nước này gọi là côn lôn. Nước Phù nam cũng có ông Vua tên là côn lôn. [X. Tống cao tăng truyện Q.1 – Tục cao tăng truyện Q.2. Tùy ngạn tông truyện – Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện Q.thượng Vận kì truyện].