cổn khúc tước bảo

Phật Quang Đại Từ Điển

(袞曲爵保) (1034-1102) Tên Tây tạng: Dkon-mchog rgyal-po, hàm ý là vua báu. Tổ khai sáng của phái Tát ca cũ thuộc Phật giáo Tây tạng. Hoặc vì xuất thân từ tộc Cổn (Tạng:Hkhon) nên còn gọi là Cổ cống xác gia bốc (Tạng: Hkhon dkon-mchog rgyal-po). Tương truyền, tộc Cổn là con cháu của trời Quang minh (Tạng: Hod gsal lha), vốn nối tiếp Đát đặc la cũ thuộc hệ thống Liên hoa sinh. Lúc nhỏ, ngài học giáo pháp của phái Ninh mã, sau theo học đại dịch sư Thích ca trí (Tạng: Zà-kya ye-zes), học cả các sách Hiển, Mật – vì được sự mở bày của bồ tát Văn thù, nên ngài học cả Đát đặc la mới và cũ – giáo nghĩa của sư gọi là Thâm giáo (Tạng: Zab-mo-blta, giáo sâu xa), còn nội quán thì gọi là Quả đạo (Tạng: Mgon-pogur). Vào khoảng năm 1071, ngài sáng lập chùa Tát ca, cách Nhật khách tắc về phía tây hơn bốn mươi cây số, thu nhận đồ chúng giảng học, đó là phái Tát ca. Đại cương học thuyết của sư là dung hợp Hiển giáo và Mật giáo, lập luận Trung quán của hệ thống ngài Thanh biện để giải thích nghĩa gốc của Mật thừa. Lại dùng năm thứ tự của đạo Bồ tát thuộc Hiển giáo và bốn bộ (Tác, Tu, Du già, Vô thượng du già) của Mật giáo phối hợp để tu. Trong vị Gia hành, tam muội da Noãn, Đính, Nhẫn đoạn các hoặc sở thủ, tam muội da Thế đệ nhất đoạn các hoặc năng thủ, đồng thời, dùng trí tuệ của Bồ tát soi rọi mà vào định Đại lạc, như thế sẽ đạt đến cảnh giới Hiển, Mật dung hợp. Con của ngài là Khổng ca ninh bảo (Tạng: Kundga# sĩin-po) nối pháp cha, từng được Thái tổ nhà Nguyên phong Vương và giao cho quyền thống trị Tây tạng. Cha con ở tại gia truyền pháp cho nhau: đó là một đặc sắc của phái này. [X. Vệ tạng thông chí Q.6 – Mông Tạng Phật giáo sử Q.thượng – Mông cổ Lạt ma giáo sử]. (xt. Tát Ca Phái).