KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

BÀI TỰA

Người biên tập kinh Con Đường Tu Hành là vị Sa-môn Thiên Trúc, tên là Chúng Hộ, qua ở tại khu vực Khánh hưng Trung Quốc. Thuở nhỏ học kinh điển cao thâm trọng yếu, thông hết cả mười hai bộ loại kinh điển thuộc Pháp tạng. Với trí tam đạt, chẳng có gì mà ngài chẳng quán thông uyên bác, nghiên tầm chỗ huyền diệu, thể nhập sâu xa, đem lòng Từ bi rộng lớn hoằng hóa lợi ích chúng sinh, làm thêm sáng ánh đại quang, chiếu soi, khai ngộ kẻ tăm tối. Lời giáo huấn ban ra chư vị cam lồ êm dịu; quyền hiện phàm phu mà thật ra là Bồ-tát, thương nghĩ đến người sau mong cầu học đạo, hoặc vì sức kém chẳng thể tự tiến được, cho nên tổng kết sự so sánh sâu rộng giữa các kinh, lập nên con đường tắt dễ tiến tới: Phân biệt điểm cốt lõi về việc hình thành, hoại diệt của năm uẩn, làm thay đổi nỗi thống khổ của sinh tử vi tế; khuyên bảo người mê muội, nhắc nhở kẻ lầm lạc, cho nên biên soạn kinh này. Tuy văn giản lược mà nghĩa phong phú; chọn lấy những ví dụ đó đây, phòng chế tâm gian. Chỉ dùng số mục thiền định làm chuyên đề, giải bày nghĩa không, quy về sự quán tưởng không tạp loạn làm tông chỉ. Thật có thể gọi là con đường xa lìa họa hoạn đạt đến chỗ tịch tĩnh vô vi.

Phẩm 1: TẬP TÁN

Sự xuất hiện của Ngài
Sáng hơn ánh mặt trời
Đức chứa cao vời vợi
Hơn hẳn hạng đế vương.
Chư Thiên và Thần tiên
Tinh chuyên mau chóng thành
Học nhiều thông các nghĩa
Tối yếu là giữ lễ.
Trời, người, rồng, quỷ, thần
Ở đời mà tinh tấn
Phụng sự Đức Thế Tôn
Ba cõi không ai sánh.
Dùng tuệ tuyệt vời cứu
Trừ hết sợ sinh tử Phật,
Chánh pháp, chúng Tăng
Ba ngôi không gì hơn.
Nên quán đạo nhãn này
Nói đúng pháp bình đẳng
Lấy ý nêu lời Phật
Giống như rưới cam lồ.
Có người chuyên tu hành
Quán sát ở thế gian
Ba nhiêu thứ ồn ào
Nỗi bất an sinh tử.
Chìm đắm trong cuộc đời
Giống xe hư đắm bùn
Chẳng thể tự cứu được
Nên từ cốt lõi kinh.
Cũng như chọn các hoa
Thương đời nên phải nói
Chuyên nghe kinh tu hành
Trừ hữu để đạt vô.

Ngay khi đang giảng kinh Con Đường Tu Hành thì các loại phiền não bất như ý như sinh, tử, già, bệnh, âu lo, trói buộc, khóc than đều có mặt. Người tu hành, tại gia hoặc xuất gia, muốn đạt được pháp cứu cánh thanh tịnh mà chí chẳng chuyển đổi, trái lại bằng lòng với vị ngọt các hoạn cho là tuyệt diệu, thì những kẻ ấy không ai cứu giúp, không chỗ nương tựa trông nhờ, chỉ nên xả bỏ tất cả mong cầu. Vì vậy người muốn xa lìa phiền não, thường nên tinh tấn phụng hành kinh này. Bài tụng rằng:

Đọa vào sinh, già, chết, sầu buồn
Vì có thân tâm nên có khổ
Muốn được cứu độ không còn khổ
Học tu hành đạo chớ có nản.

Sao gọi không hành, sao gọi là hành?

Thế nào là tu hành, thế nào là con đường tu hành?

Kẻ không hành là kẻ nghĩ về tham dâm, giận dữ, nhằm hại thân thuộc, che khuất quốc độ, chư Thiên và pháp hủy giới cấm, quen nói lời thô ác, nghe điều bất thiện, chẳng ưa học hỏi, tự khinh thường, tự kiêu mạn, chấp hữu, khởi tà tưởng thường còn, tham muốn có chỗ ở cho thân, gần gũi nữ sắc, phóng dật, biếng lười, đắm mê tình dục, chẳng kìa nộ si, mong cầu lắm chuyện, người bỏ lánh xa, phóng túng, tự cho là mình đúng, đa nghi phóng tâm, mất đức tinh tấn, lòng luôn sợ sệt, căn môn chẳng định, đuổi theo căn trần, nói nhiều vô độ, ưa nghĩ viễn vông, luận bàn tà thuyết, thích nói việc quanh co, thuận theo điều phi pháp, xa rời đạo nghĩa, gọi đó là không hành. Như vậy, đối với đạo vô vi chẳng thể thực hiện. Bài tụng rằng:

Sân hận, tham dục nghĩ hại mạng
Thường ưa thân thể, tưởng bất tịnh
Tà trí, thuận theo bao tội lỗi
Phật nói kẻ ấy không thể hành.

Sao gọi là có thể hành? Chẳng khởi sân hận, chẳng nghĩ làm hại, gần gũi bạn lành, giữ giới thanh tịnh, nói hợp với đạo, thọ giáo học hỏi, chẳng tự khinh mạn, nghĩ đến vô thường, khổ, không chẳng phải là nơi thân có thể cư trú; chẳng cận kề nữ sắc, trừ bỏ phóng dật, chí phải tinh tấn, diệt trừ trần lao, ăn ít, biết tiết chế, thực hành cứu độ, nhiếp hóa, ngày đêm tỉnh thức, thâu giữ tâm chẳng quên, chẳng có hồ nghi, không ôm sợ sệt, căn môn vắng lặng, loại bỏ các duyên, lời nói hợp với bình đẳng, giải thoát; thích nơi ở vắng vẻ, quán đúng như thật; pháp chưa đạt được thì quan tâm đến; những pháp đang theo đuổi, kiên trì chẳng quên; hoan hỷ thâu thập điều cốt yếu của pháp hóa. Đối với cơm ăn, áo mặc nên biết rõ chỗ dừng đủ; để hết tâm trí vào kinh điển, chẳng chút mệt mỏi, luôn luôn quán tưởng về thức ăn cấu uế của thế gian vô thường, chẳng an lạc; thực hành đạo vô vi là tĩnh lặng.

Những pháp gần với vô vi như vậy gọi là pháp nên hành, mà thực hành là nhằm mong cầu cái gì, đó là Niết-bàn.

Bài tụng rằng:

Giới tịnh, chí vui, tưởng vô ngã
Chỉ nghe kinh nghĩa, theo bạn lành
Xét kỹ điều biết, làm như biết
Phật nói đây là đạo vô vi.
Các chỗ nên đến là niệm pháp
Thiền định bao nhiêu, ý không nản
Đó là đã giảng chỗ chứa đức
Nhiếp định các căn gọi là lành.

Sao gọi là tu hành, thế nào gọi là hành? Nghĩa là, luôn luôn tuân phụng sự tu tập, đó là tu hành; sự tu và tập ấy gọi là hành.

Sao gọi là con đường tu hành? Tinh chuyên theo con đường tịch tĩnh, đó là con đường tu hành. Sự tu hành ấy có ba bậc: Một là phàm phu; hai là học hướng đạo; ba là vô sở học. Đó là đối với hàng phàm phu, hàng mới tu học, hoặc hàng tu học đã lâu mà chưa thành, vì những hàng ấy mà nói kinh Con Đường Tu Hành. Còn những kẻ không học mà thông đạt thì đối với họ có gì mà luận bàn, cho nên gọi là lặng lẽ quán chiếu kinh Con Đường Tu Hành.

Thế nào là lặng lẽ quán chiếu? Hướng đến quả của bốn đức Sa-môn.

Thế nào là bốn đức? Đó là cảnh giới hữu dư Nê-hoàn.

Thế nào là hữu dư? Đó là người đang đạt đến cảnh giới vô vi.

Thế nào là đang đạt đến cảnh giới vô vi? Đó là đã trừ hết gốc rễ của tất cả khổ đau. Vì vậy hành giả muốn xả bỏ sự não hại của tất cả nỗi khổ kịch liệt, thì thường nên tinh chuyên, chẳng khởi lên việc làm nào khác, chẳng làm thương tổn điều răn cấm, tu tập tịch quán. Nếu như hành giả hủy bỏ giới cấm, làm tổn thương giáo pháp, chẳng đạt tịch quán thì uổng phí công phu. Giống như có người chà gỗ lấy lửa nhưng thường dừng nghỉ, chẳng chuyên nhất, kết quả chẳng đến đâu, đã không lấy được lửa mà uổng phí công sức. Người có tâm lười biếng mà muốn cầu vô vi, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Thường được vắng lặng, hành thiền định
Nên bỏ kiêu mạn và khinh, đua
Trân trọng tu hành chớ hủy mất
Ví như đêm tối mở mắt đi.
Như vậy hành giả thấy chỗ đến
Trí tuệ giống như tinh tấn này
Phụng sự chánh hóa chưa từng mỏi
Mới đạt đạo vô vi vắng lặng.
Thấu suốt các việc mầu, vi diệu
Quán thấu lời dạy của đại đức,
Kinh này dạy rộng, tên tịch quán
Tôi chép các kinh để diễn bày.

Phẩm 2: GỐC NĂM ẤM

Từ bao nhiêu kinh chọn cốt lõi
Lập lời cam lồ chẳng già chết
Người mà nghe rõ nên phụng hành
Trí tuệ thanh tịnh trừ tăm tối.
Như ánh mặt trời vào chỗ trống
Giống như mặt trăng chiếu các sao
Đã độ được đời, nên thọ giáo
Tròn đầy hết mức như trăng thu.
Cung phụng La-hán nên cúi đầu
Lạy Đấng Năng Nhân như hư không
Nương đấng cao tộ được cam lồ
Trừ mầm mống các dục ở đời
Bao nhiêu đời sống như là quả
Mừng vui, lo lắng là các cành
Phật dạy năm ấm vốn là không
Nên xem các kinh từ bản gốc.

Các người tu hành đạo nên quán thân là cội gốc của năm ấm. Năm ấm là sắc, thống, tưởng, hành, thức. Ví như một thành, có bao nhiêu gia cư ở Đông, Tây, Nam, Bắc hợp lại mới gọi là thành. Sắc cũng như thế, chẳng phải một sắc là sắc ấm, thống, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, chang phải chỉ một thức gọi là thức ấm; nó có mười nhập; hoặc pháp quán sắc, đó là sắc ấm. Tám trăm thống lạc (thọ lạc) gọi đó là thống ấm; tưởng, hành, thức ấm, mỗi thứ có tám trăm mới gọi là ấm. Hiểu về gốc năm ấm cũng nên như thế. Bài tụng rằng:

Sắc, thống, tưởng, hành, thức
Chỗ khởi của năm ấm
Ví như có thành lớn
Gồm nhiều nhà là Sắc.
Một sắc chẳng phải sắc
Gồm có mười sắc nhập
Thống lạc có tám trăm
Tưởng, hành, thức cũng vậy.
Người trí hiểu pháp này
Bao nhiêu mới gọi ấm
Biết rõ chẳng phải một
Hành giả nên ghi nhớ

Phẩm 3: TƯỚNG NĂM ẤM

Tập hợp các duyên có tương quan
Do lìa tuệ nói, bỏ lời Phật
Quen tánh ngu si, chẳng hiểu rõ
Ví như cây có nhiều cành lá.
Theo năm góc mà phân bố sinh
Không có cách hay cũng như thế
Nên biết năm ấm cũng giống vậy
Người trí thông suốt rõ điều này.
Cho nên sinh trưởng có tánh địa
Lời thuyết giảng pháp như mật thoa
Tỳ-kheo giống ong hút vị hoa
Giống như hoa sen đang nở rộ.
Tuệ Ngài sáng tỏ hơn mặt trời
Phật lại siêu vượt hơn hoa sen
Thanh khiết của Phật không vướng mắc
Cho nên cúi đầu quy phục Ngài.
Tướng Ngài an nhiên đạt vô ngại
Tịch tĩnh vô tưởng, đắc thiền định
Chưa từng thoái chuyển và đọa lạc
Chỉ vì cứu tế đạt vô vi.
Chủ động dẫn đưa mà thị hiện
Giáo huấn quần mê như mình làm
Vì thương chúng ta cho nên nói
Chính là chúng sinh ở đời sau.

Người tu hành phải biết rõ tướng của năm ấm.

Thế nào là biết rõ tướng của năm ấm? Có ánh sáng là sắc, có hình dáng là sắc, tay nắm được cũng gọi là sắc, hoặc biểu thị cho người khác biết cũng gọi là sắc. Quen theo cái vui là thống, chẳng vui chẳng khổ cũng là thống, đó là tướng của thống. Tướng của thức là tưởng, hoặc nam hoặc nữ, và các vật khác là tư tưởng. Hễ có tạo tác thì gọi là hành, hoặc làm việc thiện, hoặc làm việc ác, hoặc chẳng thiện, chẳng ác đều gọi là hành. Hiểu rõ tướng là thức; thiện, bất thiện, cũng chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, hiểu rõ việc ấy là thức. Như vậy là đều hiểu rõ về tướng của năm ấm.

Bài tụng rằng:
Sắc là bất an, nhiều nhơ bẩn
Phật thuyết kinh giáo đúng như thật
Như lời ngài nói thực hanh theo
Phân biệt thành nhiều tướng năm ấm.

Phẩm 4: PHÂN BIỆT NĂM ẤM

Phải dùng cam lồ diệt lửa mạnh
Tiêu trừ gốc khổ của năm ấm
Tuệ Ngài chiếu sáng như mặt trời
Ba cõi quy phụng, con cũng vậy
Phật, Đấng Năng Nhân, sức tuệ sâu
Hiểu rõ, thông tuệ, trí thanh tịnh
Theo điều hiểu biết mà chỉ nghĩa
Chọn giáo pháp Phật tùy cơ nói
Nên phân biệt nghe hiểu bài giảng
Nay đây dẫn dắt theo chủ ý
Phân biệt chỗ khởi goc năm ấm
Dẫn rộng nhiều nghĩa, khéo suy tư.

Người tu hành phải phân biệt rõ nguồn gốc của năm ấm.

Sao gọi là hiểu rõ gốc của năm ấm? Ví như ở ngã tư đường, có xâu trân châu bị đánh rơi, có người thấy, trong lòng vui mừng muốn đến lượm. Người ấy mắt thấy xâu trân châu gọi là sắc ấm; ưa thích vừa ý gọi là thống ấm; vừa thấy mà biết xâu trân châu gọi là tưởng ấm; người ấy sinh tâm muốn lượm xâu trân châu gọi là hành ấm; phân biệt xâu trân châu là thức ấm. Năm ấm như vậy, như xâu trân châu một khi cùng vận hành, tạo ra bao nhiêu sự vận hành khác. Nếu từ tâm xuất hiện, như xâu trân châu, năm ấm cùng lúc cùng hưng khởi và tiêu diệt. Tất cả mọi người cũng giống như thế, khi mắt thấy sắc, năm ấm đều khởi; tai nghe tiếng; mũi ngửi mùi; lưỡi nếm vị; thân cảm thọ; tâm tưởng pháp cũng như vậy. Bốn ấm thuộc tâm, không phải sắc ấm. Như vậy là nguồn gốc của năm ấm riêng biệt.

Bài tụng rằng:

Đấng đức vô cùng phân biệt nói
Như Ngài đã giảng nghĩa trong kinh
Kẻ tham dục mê chẳng thọ giáo
Con nay thuận pháp giảng theo ngài.

Phẩm 5: THÀNH HOẠI CỦA NĂM ẤM

Kẻ minh trí không phiền Thế Tôn
Điều thuận không ngừng, đạt mục đích
Đã vượt cảnh giới, đến vô biên
Đảnh lễ Thế Tôn, khen vô lượng.
Lời giảng như mặt trời
Chiếu đệ tử như thế
Biết rõ cảnh trần lao
Trừ sợ như hoa héo.
Ngài thấy các khởi, diệt
Rõ, năm ấm thành hoại
Nên cúi đầu lễ Phật
Nghe con giảng lời Ngài.

Người tu hành nên biết sự biến đổi thành hoại của năm ấm. Sao gọi là nên biết sự thành hoại của năm ấm? Ví như khi con người sắp chết, vì sự bức bách cho mạng sống chấm dứt, nên trong thân, lần lượt có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh dần dần kéo đến, thấy nhiều mộng mị, toàn điềm quái đản, lòng khiến sợ hãi kinh hoàng.

Mộng thấy ong mật, quạ, chim khách, chim cắt, chim thứu đậu trên đỉnh đầu; thấy chúng đậu trên nhà vui chơi; thân choàng y phục xanh, vàng, trắng, đen, cỡi ngựa chứng, rồi lại kêu lên: Than ôi!

Mộng thấy nằm gối trên con chó lớn, lại gối lên con khỉ, nằm ở trên đất. Mộng thấy cùng với người chết, kẻ đồ tể ăn chung một đồ đựng, cùng cỡi xe dạo chơi; hoặc dùng dầu mè và bơ, đề hồ, tự bôi trên thân rồi lại uống ăn nó, luôn luôn như thế. Thấy rắn quấn quanh thân kéo lộn xuống nước.

Hoặc tự thấy thân vui mừng, nhảy nhót, vỗ đùi cười giỡn. Hoặc tự thấy mình trang sức rồi tự nằm trên giường, dùng tro bôi mình, rồi lại lấy ăn. Hoặc thấy kiến bò trên mình. Hoặc thấy ăn muối, chó, khỉ thấy đuổi theo cắn. Hoặc thấy phụ nữ trong làng cúng tế gia thần, thấy nhà ngã đổ, đền thờ các thần tan nát.

Mộng thấy lưỡi cày cày rụng râu tóc; hoặc có khi răng tự rụng xuống đất, lại mặc năm áo trắng. Hoặc thấy thân mình trần trụi mà đi, dùng dầu mè xoa thân, lăn lộn trong đất.

Mộng thấy mặc ao bằng da, cổ rách rưới. Mộng thấy người khác cỡi xe hư mục đến cửa rước đi. Hoặc thấy các hoa đẹp xông mùi thơm, thân thuộc dùng chúng để làm đẹp thân thể. Tổ tiên vì hiện nhan sắc xanh, đen, nên kêu trước bị bắt. Thường mộng như vậy, dạo chơi trong gò mả lượm xâu chuỗi ngọc đẹp và thấy hoa sen đỏ rơi trên cổ, xô ngã xuống sông lớn bị nước cuốn trôi đi.

Mộng thấy lộn nhào xuống nước năm hồ, chín sông không đáy (chẳng bám vào đâu được). Hoặc thấy đi vào rừng rậm không có hoa quả mà còn bị gai gốc móc rách thân thể, bị các thứ ngói đá đè lên thân. Hoặc mộng thấy cây khô trụi không còn cành lá, đu lên trên ấy vui chơi một mình. Hoặc ở nơi miếu mạo tự nhảy múa. Hoặc thấy rừng cây, thích ở trong đó một mình, vui vẻ cười lớn, bẻ chặt cành khô bó lại ôm đi. Hoặc vào nhà tối chẳng có cửa ra vào. Lại leo lên trong hang núi cao chẳng biết đường ra. Lại thấy núi lẻ đà lên trên mình, khóc lóc kêu la thảm thiết. Hoặc thấy bầy voi đi đến giẫm đạp trên thân. Mộng thấy bụi đất dính khắp thân, đầu hoặc mặc áo rách đi giữa đồng hoang.

Mộng thấy cỡi cọp chạy rất nhanh. Hoặc cỡi lừa, cho đi về hướng Nam, vào trong gò mả thâu nhặt tro than, móng tóc. Tự thấy mình đội hoa khô đi vào núi lớn, Diêm vương thấy hỏi.

Bài tụng rằng:
Ở đời ham vui thú,
Lâm chung đến mới sợ
Bị khốn trong bệnh tật
Bức bách chẳng an ổn.
Lo sầu đốt cháy tâm
Thấy mộng lòng sợ hãi
Như thấy người ác đuổi,
Lo sợ cũng như vậy.

Người ấy biết rồi, ôm lòng sợ sệt, thân thể run rẩy, mạng sống sắp tàn, thấu rõ như vậy, chẳng ngờ gì nữa, điềm mộng của ta hôm nay từ xưa chưa từng có. Vì sợ nên lông trên da dựng ngược, bệnh càng nặng thêm, chấn động bất an. Ví như bầy voi mạnh cùng đến giẫm đạp lên cây chuối, bệnh chuyển nặng nằm mẹp trên giường, cũng giống như vậy. Cùng quẫn, chẳng còn cách nào khác là cầu thầy thuốc. Con cháu thân tộc thấy nguy khốn như thế, sai người mời thầy thuốc. Nơi chốn có thể sai người đi thì thân thể dơ bẩn, áo quần rach rưới, hoặc tóc, móng dài thượt, đội nón rách nát, chân mang guốc bằng gỗ bể, đi khập khểnh, cỡi lên xe mục, sắc mặt đen thui, hai mắt lại xanh, thường dùng tay vuốt râu tóc; xe bò mà nó cỡi, hoặc xanh hoặc đen, lại có màu trắng, gấp rút kêu thầy, bồng bỏ lên xe.

Bài tụng rằng:
Khi người đi xem chơi
Chỉ vui không điều ích
Buông lung theo sở dục
Chưa từng nghĩ đến thuốc
Thân vừa có bệnh tật
Khốn khổ nằm mẹp giường
Vậy sau mới mời thầy
Muốn khiến trị lành bệnh.

Khi ấy, thầy thuốc dùng ý quán xét biết người bệnh ắt chết. Vì sao? Vì thấy hiện tượng quái lạ này: Xem sắc phục, ngôn ngữ của người đến mời, thấy đội nón rách, tóc rối móng dài; lại nhằm ngày xấu, như ngày mồng bốn, ngày mồng sáu, ngày mười hai, ngày mười bốn. Vì đến vào những ngày này, nên thầy thuốc không vui, vì gặp lúc tinh tú mất đi giờ tốt, là những ngày cấm của Thần tiên, Tiên thánh. Vị thầy thuốc nghĩ: “Tuy là gặp điềm kiết hung của tinh tú quái la, nhưng có thể trị liệu được.” Vì sao? Vì tuy người có bệnh hơi thở thoi thóp, nhưng bổn mạng chưa dứt, tưởng nên chữa khỏi. Nếu đối với người bệnh chẳng thể chữa lành được thì nói với người ấy: Bất tất phải nhằm ngày tốt, theo sự kiết hung của tinh tú. Vì vậy người trí tuệ chẳng cần nhật lịch để chọn giờ tốt. Thần tiên thường nói, nên cầu phương tiện hoặc người bị bệnh phong hàn mà nặng chưa dứt, thảng hoặc có hoạnh tử thì có thể chữa trị được; dù cho mạng phải chết, vô phương cứu chữa, tuy vậy, phải đến cứu chữa còn hơn là không đến. Thầy thuốc nghĩ vậy rồi liền đứng dậy ra đi.

Bài tụng rằng:
Ví như có hai người
Đều khởi hành vào biển
Người sang được bờ kia
Kẻ biệt tăm trong ấy.
Rơi vào biển bệnh tật
Dụ ấy cũng như vậy
Do chứng bệnh sai khác
Mà kẻ sống, người chết.

Khi ấy, vị thấy thuốc kia đã đến nhà người bệnh, thì có điềm xấu, liền nghe tiếng hung dữ: Chết rồi, thiêu đốt, nát tan, vĩnh biệt, lột bỏ, kéo ra, sợ chết lôi, đưa đi, đóng lại, nên để xem đã. Chẳng thể cứu chữa, cho la chết rồi. Phương Nam, cáo kêu, hoặc nghe tiếng quạ, cú. Hoặc thấy trẻ nít lấy đất dồn lại, đứng trần lôi kéo tóc nhau, đập bể bình chậu và các dồ vật. Thấy những biến trạng này rồi, tới trước thăm hỏi bệnh nhân nằm liệt trên giường.

Bài tụng rằng:

Thầy thuốc xem tướng của người bệnh
Sợ sệt bàng hoàng, chẳng được yên
Hoặc ngồi, hoặc đứng lại nằm mẹp
Phiền muộn, nóng bức tợ đốt da.

Thầy thuốc thấy như vậy liền nghĩ: “Như ta xem qua gốc ngọn các mạch thì chắc chắn chết, sắc diện hoảng hốt, mắt chớp, thân thể vàng úa, miệng chảy dãi, mắt lờ đờ, lỗ mũi hếch, vàng, sắc diện nhợt nhạt, chẳng nghe tiếng, mùi, môi khô, lưỡi thụt, dung mạo như đất, trăm mạch rối loạn, lông tóc dựng ngược, nắm tóc véo mũi đều chẳng hay biết, hơi thở chẳng đều, hoặc chậm, hoặc nhanh.”

Bài tụng rằng:

Sắc diện thì biến đổi
Tóc lông thì dựng đứng
Xem xét như suy nghĩ
Lưỡi cứng điềm xấu, hiện.
Người bệnh có điềm ấy
Mạng sống thoi thóp thôi
Lửa tật đã bao vây
Như thiêu đốt cỏ khô.

Lại có kinh khác nói về sự biến đổi của các điềm lạ khi người lâm chung: Dù có tắm rửa, lại như chẳng tắm; dù đốt các thứ hương tốt như hương thơm của hoa, hương thơm của rễ cây chiên-đàn, cây mật, các loại hương này mùi thơm rất tốt nhưng người bệnh nghe chúng như ngửi mùi thiêu đốt phân, tủy, mỡ, da, thịt, móng, lông, tóc, xương của người chết.

Lại như ngửi mùi rắn, chuột, chó, hồ ly, chim cắt, cú, tiếng của người bệnh biến đổi như tiếng ngói bể, tình trạng giống như nghẹt cổ, giọng nói hoặc như tiếng chim hạc, nhạn, khổng tước, trâu, bò, ngựa, hổ, chó sói, tiếng trống, tánh ý của người ấy thay đổi bất thường, hoặc hiện thân ngay thẳng mềm mại, hoac thân thể khô cứng, biến đổi luôn luôn; hoặc nhẹ hoặc nặng, chẳng còn biết gì. Đối với các điềm quái lạ này, những người sắp chết, mỗi người gặp một số việc, không cần phải có đủ.

Bài tụng rằng:

Thấy biết bao biến đổi,
Các não đến bức thân
Tâm chí luôn sợ hãi,
Gặp nạn là như thế,
Tánh người tồi như vậy,
Thân biến đổi nhiều thứ
Giống như quả lau, trúc,
Tự sinh, tự nhiên hoại.

Nay theo sự học hỏi, cũng như sự nghe biết của ta thì những điềm quái lạ biến hiện ra khi người sắp chết là miệng chẳng biết vị, tai chẳng nghe tiếng, gân mạch co rút, hơi thở bất định, thân thể đau nhức, rên rỉ, huyết cạn, khí tàn, thân hình gầy yếu, gân cốt lộ ra. Hoặc thân bỗng nhiên phình ra, huyết mạch tăng lên, má, răng trệ xuống, đầu lắc, trông thấy thật đáng chán, cử động yếu ớt, đồng tử trong mắt đen hơn ngày thường, mắt chẳng nhìn thấy, tiều tiện không thông, chân tay rã rời, các căn chẳng định; trong mắt, trong miệng hết thanh khí, hơi thở dồn dập, các điềm quái lạ biến đổi hiện ra như thế.

Bài tụng rằng:

Bệnh tật khổ vô cùng
Huyết mạch tinh khí cạn
Như nước xói gốc cây
Nên thường như nhổ gốc.

Khi ấy, thầy thuốc nghĩ: “Có bệnh như thế này chắc chết, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.” Ngày xưa các lương y sáng tác, kết tập sách thuốc, đối với các bệnh dứt trừ sự sợ hãi, có các vị thuốc tên là Trường nhĩ, Khôi chướng, Dưỡng ngôn, Trưởng dục, Cấp giáo, Đa nhiễm, Thiên hựu, Trường cái, Đại thủ, Thoái chuyển, Tiều tụy, Đại bạch, Tối tôn, Lệ diện, Điều ngưu, Kỳ bá, Y hồi, Biến thước… những vị thuốc ấy đều trị thân bệnh.

Bài tụng rằng:

Với các loại như thế
Pháp quý, Phạm chí, Tiên
Cứu đúng có kết quả,
Và vua lương y khác.
Quyết định sự thành bại,
Biết rộng vượt được nạn
Thương dùng kinh cứu mạng,
Như pháp Phạm chí tạo.

Lại có loại thuốc chủ trị về tai mắt, tên là Nhãn huyền, Động diêu, Hòa đấu, Linh minh, Nguyệt thị, Anh tử, Khiếp tàng, Thiện giác, Điều ngưu, Mục kim, Ngốc kiêu, Lực thị, Lôi minh… những vị thuốc trên chủ trị tai mắt.

Bài tụng rằng:

Những vị thuốc về mắt…
Hòa chế được phân minh
Trừ bệnh hết đui mù
Như mặt trời trừ tối.

Lại có loại thuốc về ghẻ chữa lành các mụt nhọt, ghẻ, tên là Pháp tài, Trĩ đệ, Đoan chánh, Từ ước, Hoàng kim, Ngôn đàm. Đó là các vị thuốc chữa trị về ghẻ.

Bài tụng rằng:

Có loại chuyên trị liệu,
Trăm thứ bệnh ghe lở
Có thể trừ các bệnh
Như dùng chân đạp đất.
Cho nên xuất pháp tài,
Tạo kinh sách cho đời
Chính là trị ghẻ lở
Khiến chúng lìa hoạn nạn.

Lại có thuốc cho trẻ con, tên các vị thuốc ấy là: Tôn-ca-diệp, Kỳ-vức, Phụng man, Tốc tật, đó là thuốc trị bệnh cho trẻ con.

Bài tụng rằng:

Ví như có ghẻ đầu,
Bỏ việc, trừ cao ngạo
Nên sinh ở thế tục
Thương xót trị trẻ con
Tôn-ca-diếp các món…
Làm lành dùng chánh pháp
Thương nghĩ đám trẻ thơ
Nên làm ra sách thuốc.

Lại có thuốc về quỷ thần, tên là “Đái hoa, Bất sự hỏa.” Đó là những vị thuốc trừ diệt quỷ thần đến quấy nhiễu người.

Bài tụng rằng:

Các sao chuyển vần quanh
Đời người cũng như vậy
Có kẻ chủ khủng bố
Mà có nhiều nguy hại.
Tạo lập kinh điển ấy
Vì giải tai hoạn kia
Như Phật dùng chánh pháp
Trừ ngu khiến được sáng.

Chánh là để cùng kết hợp các loại thuốc trên đây và để những loại phù phép, thuốc mê, bói toán, chú thuật, chẳng thể làm cho lành, khiến bệnh nhân khỏi chết.

Bài tụng rằng:

Tạo tác tội ở đời
Khổ sở ôm phiền nao
Bệnh đau loạn tâm chí
Mạng dơ luôn bức xúc.
Bị bệnh làm chìm đắm
Thấy chết mới sợ hãi
Thiên đế và các thần
Chẳng cứu nỗi, huống ta!

Thầy thuốc nghĩ: “Mạng sống kéo dài chưa dứt nên thoái thác tránh đi”, liền nói với mọi người:

–Nay, người bệnh này, nếu có đòi ăn thức ăn ngon thì phải chiều ý cho ăn, không được trái ý. Ta có việc gấp, xin cáo từ; xong viêc sẽ trở lại.

Viện lý do này rồi liền ra đi.

Khi mạng sống sắp dứt
Bị bệnh thật khốn đốn
Lăn lộn với trần lao
Tội đến chẳng tự biết.
Điềm lạ tự nhiên khởi
Bị các ấm thiêu đốt
Dù cầm nắm kim cương
Cũng chẳng cứu được mạng.

Khi ấy, nam, nữ, già, trẻ trong nhà có người bệnh nghe thầy thuốc nói, liền dẹp hết thuốc thang và các chú thuật. Toàn gia quyến thuộc, họ hàng cùng những người gần gũi quen biết đều đến vây quanh người bệnh, buồn rầu khóc lóc quán niệm nỗi thống khổ của bệnh. Ví như người đồ tể bắt heo trong bầy heo, đem ra sắp giết. Những con heo khác đều kinh hãi dồn lại, vểnh tai nghe tiếng, hoảng sợ nhìn chăm chăm. Ví như cọp dữ bắt bò, trong bầy bò, những con bò khác sợ hãi chạy mất, hoặc chạy lên núi hoặc chui vào hang, hoặc vào rừng cây, vọt nhảy kêu rống. Ví như ngư phủ bủa lưới bắt cá. Các con cá khác thấy sợ chạy tứ tán, lặn trốn vào bờ đá, hoặc dưới cỏ. Lại như con chim nhạn vào giữa bay chim mà có con bị bắt thì các chim khác thấy vậy đều bay táo tác.

Người ấy cũng vậy, vô thường đến nơi, thân thể hư hoại, gia đình thân thuộc, nghĩ sắp biệt ly nên buồn đau dường ấy. Mạng sắp chấm dứt, sứ giả của Diêm vương tự nhiên đi đến, tới nơi thấy buộc trói, tên sắt bắn vào, lên thuyền sinh tử, bị tội dẫn dắt, liền muốn dắt đi. Gia đình vây quanh, xõa tóc buồn thương, mặt mắt lem luốc, khóc lóc thở than, nước mắt ràn rụa, cùng nói:

–Đau đớn thay! Tại sao bỏ nhau!

Đấm ngực, cào mặt, ca ngợi bao nhiêu đức hạnh của người bệnh, lòng luôn buồn rầu.

Bài tụng rằng:

Người tật bệnh khốn khổ
Nhiệt tiêu, thân lạnh cóng
Người nhà đều tụ quanh
Cất tiếng khóc thê, thảm.
Tạo nghiệp rồi khổ vui
Như ong chọn vị hoa
Tâm liền nhận buồn bã
Và buồn cả thân tộc.

Người kia bệnh tật như vậy, trong thân phong đao khởi, khiến cho xương cốt chân tay người bệnh rã rời. Có gió làm đứt các chi tiết. Có gió làm chấn động gân mạch giãn ra. Có gió làm khiến phá vỡ xương tiêu tủy bệnh nhân. Có gió làm cho biến đổi sắc mặt, mắt, tai, mũi, miệng, yết hầu đều xanh; các lỗ chân lông đều bít lấp, phá hoại da dẽ trên thân. Lại có một thứ gió tên là Chỉ hiếp khiến cho thịt ở thân và đầu gối, lông mi, hông lưng, xương sống, bụng sụp xuống, ruột già, ruột non, gan, phổi, tim, tỳ và nội tạng đều ngừng hoạt động. Có gió tên là Toàn, khiến mỡ, huyết, cơ quan đại tiểu tiện sinh tạng, thục tạng đều chẳng lưu thông, lạnh, hoặc nóng đều khô. Có gió tên là Tiết gian khiến tay chân hoặc co rút, hoặc duỗi ra, rồi giơ tay chân ra muốn nắm bắt hư không. Ngồi đây bần thần, có lúc cười vu vơ, lại thở ra não nuột, các bộ phận cơ thể rã rời, gân giãn mạch trầm, tủy não tiêu hao, mắt chẳng thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng biết mùi, miệng chẳng biết vị, thân lạnh khí dứt, không còn biết gì, dưới tim còn nóng, thần thức vẫn còn, nhưng người cứng đơ như gỗ, chẳng thể cử động.

Bài tụng rằng:

Khi gió đao khởi lên,
Thân động nhiều chẳng an
Các duyên đều kéo đến,
Chẳng tự hay biết gì
Thân gặp biết bao khổ,
Mạng sống mới kết thúc.
Ví như dây cung nỏ,
Chùng, căng chẳng dùng được.

Bấy giờ, tâm người ấy lẩn quẩn, bốn đại đều suy hoại, mạng yếu ớt đi, tuy tồn tại nhưng như đèn sắp tắt. Trong tâm người này có thân ý căn, lúc còn sống đã làm những việc thiện, ác, tâm liền nghĩ đến cội nguồn của các điều họa phúc, lành, dữ; đời này, đời sau đã và sẽ làm gì, tâm đều tư biết. Người làm điều thiện thì sắc diện khoan hòa, kẻ làm điều ác thì sắc diện chẳng vui. Người mà tâm vui, sắc diện tốt thì nên biết chắc chắn là đi về cõi thiện. Còn người sắc diện xấu, tâm niệm chẳng tốt thì sẽ bị đọa vào nẻo ác. Như có người già soi vào gương trong, tự thấy thân mình đầu bạc mặt nhăn, răng rụng ghẻ chốc, dơ bẩn đen xấu, da dùn, lưng còng, tuổi già run rẩy. Đã thấy như vậy lại tự xấu hổ, nhắm mắt ném gương, tự nhủ ta đã già rồi! Già suy dẫn đến, lòng ôm lo sầu, từ bỏ an ổn, đến với cùng cực. Kẻ chuyên làm ác, khi lâm chung đến, thấy hiện tượng ác, sầu thảm sợ sệt, tự khắc trách mình; ta sa nơi cõi ác chắc chắn vậy rồi. Cũng như người già soi gương thấy hình biết là già nua.

Bài tụng rằng:

Vàng báu làm các thứ
Đẹp xấu thành bất đồng
Nếu có người làm ác
Chìm đắm vào vực sâu
Đã chìm rồi nổi lên
Ngoái nhìn không chỗ tựa
Như bị nước cuốn trôi
Đến chết cũng như vậy.

Người làm thiện thì có ba việc: Nhiếp thân, khẩu, ý tịnh tu các đức; lấy pháp làm tài sản, khi lâm chung, tâm luôn hoan hỷ, nhất định sinh Thiên. Ví như khách buôn đi xa kiếm sống, qua được đường hiểm, thâu nhiều tài lợi, trở về đến nhà, lòng vui vô cùng. Lại như nhà nông cày cấy được mùa, gió thuận mưa hòa, thu nhiều lúa thóc, chứa đầy kho lúa, lòng rất vui mừng. Như bệnh nặng được lành, tra hết nợ nần, trong lòng vui vẻ cũng lại như vậy. Như ong hút hoa cốt để làm mật, tích đức cũng vậy, lòng họ rất vui, nhất định sinh lên cõi trời.

Bài tụng rằng:

Kẻ chánh sĩ có học
Tích lũy hành chân pháp
Để vượt các họa hoạn
Tự đạt được minh đạo
Ví như người nhàn nhã
Lên núi cao nhìn xuống
Người kia khi mạng chung
Thấy đường thiện cũng thế.

Bấy giờ, mạng đã tận, thân căn, thức diệt, liền thọ thân Trung ấm. Như cái cân tùy theo sự nhẹ hay nặng mà lên hoặc xuống, thiện ác cũng như vậy. Thần thức lìa xác, thân trụ ở thân Trung ấm, năm ấm đều đầy đủ không thiếu ấm vào. Khi chết, năm ấm chẳng đến với thân Trung ấm nhưng năm ấm của thân Trung ấm cũng chẳng rời bỏ cội nguồn.

Ví như lấy cái ấn ấn xuống bùn, ấn chẳng dính bùn, bùn cũng chẳng rời ấn. Như trồng ngũ cốc, mầm sinh ra thân quả nhưng thân quả chẳng phải là gốc rễ mà cũng chẳng lìa gốc rễ. Như vậy, tinh thần hồn phách của người chết chẳng cùng ở với năm ấm, nhưng chẳng lìa gốc. Tùy theo sự gieo trồng mà gặt được quả báo. Người làm điều phước đức thì trụ ở thân Trung ấm thiện. Người chỉ làm việc ác thì ở thân Trung ấm tội lỗi, chỉ có đạo nhãn mới thấy mà thôi. Ở thân Trung ấm có ba loại thức ăn: Một là xúc chạm sự mềm mại, hai là tâm thực, ba là ý thức thực. Ở thân Trung ấm hoặc một ngày nhiều nhất là bảy ngày. Đến như cha mẹ cũng tùy theo hạnh nghiệp chính mà hoặc bị đọa vào ba đường ác, hay sinh nơi nhân gian, thiên thượng. Người làm việc ác nhiều, tại thân Trung ấm thấy lửa dữ khởi lên bao quanh thân hình, như lửa đồng hoang thiêu đốt cỏ cây, bụi bặm, phủ khắp thân, thấy các loài quạ, chim cắt, người ác, móng răng đều dài, mặt xấu xí, y phục rách rưới, trên đầu lửa cháy, ai nấy đều cầm đao gậy đánh đập, mâu đâm, kích chém, tâm luôn sợ sệt, muốn cầu cứu hộ, xa thấy rừng cây, đi vào trong ấy, lúc đó rừng cây liền mất. Năm ấm của thân Trung ấm đi vào rừng đao kiếm trong chống địa ngục, người bị đọa vào địa ngục, thần thức thấy như thế.

Bài tụng rằng:

Cuồng mê như voi say
Làm trái Thánh pháp dạy
Nhiễm ô như thấm nước
Tâm mê loạn như thế.
Thường tổn hại chánh đạo
Buông tâm vào đường tà
Người này gặp các khổ
Mạng chung đọa địa ngục.

Người làm ít việc ác thì thấy khói lửa bụi bặm vây quanh khắp thân mình và bị sư tử, hổ, báo, rắn hổ mang, voi rượt đuổi. Lại thấy kên to, nguồn suối, sông sâu, núi lở, khe lớn, tâm luôn sợ sệt, chạy vào trong đó. Khi ay các thứ kia liền mất. Năm ấm của thân Trung ấm bị đọa vào súc sinh. Người thấy những hiện tượng như vậy thì biết là thọ thân súc sinh.

Bài tụng rằng:

Theo si bỏ trí tuệ
Hoặc mê đọa đường tối
Ác khẩu nói lời thô
Thích việc đánh đập người.
Lại bị phạm tội ương
Ưa làm việc bất thiện
Người vô từ như vậy
Sinh vào loài súc sinh.

Nếu người tội nhẹ thì chung quanh bốn bên có sức nóng thổi lên, thân thể nung nấu, tự nhiên đói khát, xa thấy người đến đều cầm đao gậy, mâu kích cung tên, đứng vây chung quanh. Trông thấy thành lớp, ý muốn vào trong, vưa móng ý ấy, thành liền biến mất, năm ấm của thân Trung ấm sinh vào loài quỷ đói, thấy những hiện tượng như vậy biết là bị đọa vào ngạ quỷ.

Bài tụng rằng:

Ương ngạnh ưa gièm pha
Xa giới, chẳng theo pháp
Phạm cấm viec ô uế
Tham lam ăn một mình.
Đọa vào chốn máu mũ
Đói khát phiền não đốt
Nên biết đám người này
Nhất định làm ngạ quỷ.

Người tu đức lành thanh tịnh thì gió mát bốn phía đến, gió đó rất thơm, biết bao loại hương xông bao phủ khắp trên thân, các loại âm thanh, kỹ nhạc cùng hòa âm. Xem thấy vườn cảnh, rừng cảnh hoa quả đều tươi tốt, mới móng ý muốn vào, tức thời biến mất, tinh thần của năm ấm nơi thân Trung ấm tự nhiên sinh lên cõi trời Đaolợi.

Bài tụng rằng:

Theo pháp về Thánh đạo,
Gieo nghiệp phước sinh Tiên
Dùng kỹ nhạc tự vui
Dạo trong vườn cây hoa.
Chúng ngọc nữ đẹp đẽ
Mắt sáng ngời, đoan chánh Thường xem, tâm ưa thích Ở trên đỉnh thái sơn.

Người làm việc thiện hoặc ác không thuần nhất thì sẽ sinh vào loài người. Khi cha mẹ giao hợp, tinh huyết chẳng mất thì đứa con sẽ đầu thai. Cha mẹ cùng nghĩ về đức tốt ngang nhau thì bào thai suông sẻ, không có gì trở ngại, tâm luôn luôn vui vẻ, không nghĩ bậy thì được an ổn, không buồn bực, không có bệnh tật, có thể giữ lấy thai nhi. Nhưng chẳng được xem thường, cũng không làm việc ngang ngược, làm theo chánh pháp chẳng bị nhiễm ô, tức là dứt bỏ tất cả trần cấu, tội lỗi. Còn tinh huyết chẳng trong cũng chẳng đục, vừa phải, chẳng mạnh cũng chẳng hư, cũng không đỏ đen, chẳng bị phong hàn, các độc xen lộn, chẳng lẫn với nước tiểu, thì thần thức của kẻ sắp sinh hướng đến, tâm tự nghĩ. Nếu ta là nam thì chẳng cùng tương hợp với người nữ, ta muốn cùng tương thông thì khởi tâm sân giận. Kẻ nam tử oán giận kia, ý chí mềm yếu, nghĩ đến người nữ thì vừa giận, vừa vui, liền chê người nam, muốn đến người nữ. Nên khi tinh của người cha vọt ra thì thần thức vào của kẻ ấy vui, mừng, gọi là cho ta.

Bấy giờ, năm ấm của thân trung ấm liền biến mất, bèn nhập vào tinh huyết cha mẹ hợp lại thành bào thai. Đã ở trong bào thai thì vui vẻ bội phần, cái chẳng phải là năm ấm của thân Trung ấm, cũng chẳng lìa nó, thì khi vào bào thai gọi là sắc ấm, khi hoan hỷ là thống lạc ấm, khi nghĩ đến tinh huyết là tưởng ấm, do các duyên tội phước sẵn có được vào bào thai là hành ấm, thần thức ở trong bào thai tức là thức ấm. Hòa hợp như vậy gọi là năm ấm.

Khi tìm đến thai liền được hai căn: Ý căn và thân căn.

Tuần đầu ở trong thai chẳng tăng giảm gì.

Tuần thứ hai thai mới biến chuyển chút ít giống như váng sữa mỏng.

Đến tuần thứ ba tương tợ như kem.

Tuần thứ tư ngưng đọng lại như bơ.

Đến tuần thứ năm bào thai biến đổi giống như váng sữa.

Tuần thứ sáu biến thành cục thịt nhỏ.

Tuần thứ bảy chuyển thành như cục thịt lớn.

Qua tuần thứ tám, nó cứng như đất.

Tuần thứ chín biến thành năm khối u, hai cùi chỏ, hai đùi vế và cổ từ trong đó mọc ra.

Đến tuần thứ mười, lại có năm khối u, đó là hai tay, hai chân và đầu.

Tuần thứ mười một, tiếp tục sinh hai mươi bốn khối u, ngón tay, ngón chân, mắt, tai, mũi, miệng từ đây phát sinh.

Tuần thứ mười hai, tướng bào thai lần lần hình thành.

Tuần thứ mười ba, hiện tướng bụng.

Tuần thứ mười bốn sinh gan, phổi, tim và tỳ, thận.

Tuần thứ mười lăm thì sinh ruột già.

Tuần thứ mười sáu thì có ruột non.

Tuần thứ mười bảy thì có dạ dày.

Tuần thứ mười tám thì khởi hai chỗ sinh tạng và thục tạng.

Tuần thứ mười chín, sinh xương đùi vế và xương chân, bàn tay, bàn chân, cánh tay, các bộ phận của chân tay đã liền nhau.

Tuần thứ hai mươi, sinh hình dáng hậu môn, lỗ rún, khuôn mặt.

Tuần thứ hai mươi mốt, xương cộ của các bộ phận theo đó sinh ra; hai xương ở sọ đầu, ba mươi hai răng ở miệng, bảy xương ở cổ, hai xương ở đùi vế, hai xương khuỷu tay, bốn xương cánh tay, mười hai xương ở bụng, mười tám xương ở lưng, hai xương cổ tay, bốn xương đầu gối, bốn mươi xương ở chân, một trăm lẻ tám xương nhỏ dính với thịt, trong đó, mười tám xương ở hai bên hông, hai xương ở trên mi. Như vậy, xương trong thân thể gồm có ba trăm, chúng dính liền nhau, mềm như trái bầu mới ra.

Tuần thứ hai mươi hai, xương cứng dần như trái bầu chưa già.

Tuần thứ hai mươi ba, xương chuyển thành cứng như hồ đào. Ba trăm xương này đều nối liền nhau: Xương chân nối xương chân, xương đầu gối dính xương đầu gối, xương mắt cá dính với xương mắt cá, xương đùi vế dính với xương đùi vế, xương mông dính với xương mông, xương sống dính với xương sống, xương ngực dính với xương ngực, xương hông dính với xương hông, xương vai dính với xương vai; các xương cổ, mặt, cánh tay, cổ tay, chân lần lượt nói dính liền nhau. Các xương kết tụ như vậy giống như huyễn hóa. Lại như dồn xương làm bờ tướng, gân bó lại, máu chảy quanh, da thịt bít lấp bên trong, lớp da mỏng phủ lên. Do cái nhân là tội hay phước mà gặt hái cái quả như thế, nó không có tư tưởng, nương theo cái gốc tâm của nó theo phong đại dắt dẫn mà cử động.

Bài tụng rằng:

Thân do xương dồn lại,
Theo tâm thả buông lung
Thân hiện tại qua nhanh,
Giống như kéo dắt chạy
Hành nghiệp tạo đời trước,
Pháp thiện, ác hưng khởi
Ví như người đi đường,
Bằng phẳng hoặc gai gốc.

Tuần thứ hai mươi bốn, sinh bảy trăm dây gân dính liền với thân.

Tuần thứ hai mươi lăm, sinh bảy ngàn mạch hãy còn chưa đủ.

Tuần thứ hai mươi sáu, tất cả các mạch đều hình thành đầy đủ nhiều như rễ cây hoa sen.

Tuần thứ hai mươi bảy, ba trăm sáu mươi ba dây gân đều hình thành.

Tuần thứ hai mươi tám, thịt bắt đầu sinh.

Tuần thứ hai mươi chín, thịt dày dần.

Tuần thứ ba mươi mới có da.

Tuần thứ ba mươi mốt, da trở nên dày và cứng.
Tuần thứ ba mươi hai, lớp da hình thành.

Tuần thứ ba mươi ba, tai, mũi, môi, ngón tay, đầu gối, các chi tiết hình thành.

Tuần thư ba mươi bốn, sinh chín mươi chín vạn lỗ chân lông, tóc mà vẫn chưa xong.

Tuần thứ ba mươi lăm, lỗ chân lông mới đầy đủ.

Tuần thứ ba mươi sáu, móng hình thành.

Tuần thứ ba mươi bảy, trong bụng mẹ biết bao nhiêu thứ gió nổi dậy: Có gió mở tai, mắt, mũi, miệng đứa bé. Có gió nổi lên nhuộm tóc, lông, hoặc đẹp đẽ hoặc xấu xí. Lại có gió nổi lên hình thành hình sắc của thân thể, hoặc là trắng, đỏ, đen, có đẹp có xấu, đều do hành nghiệp đời trước. Trong bảy ngày này, sinh thứ gió lạnh, nóng làm thông đường đại, tiểu tiện.

Bài tụng rằng:

Trong thân gân buộc lại
Huyết, các mạch hình thành
Chứa đầy đồ bất tịnh
Nước rửa các lỗ rỉ.
Tâm hư dối, khiến vậy
Dối trá mà hợp thành
Cơ quan như người gỗ
Nhưng cầu thật khó được.

Tuần thứ ba mươi tám, ở trong thai mẹ tùy theo hạnh nghiệp sẵn có, tự nhiên gió nổi lên. Hành nghiệp đời trước thiện thì có gió thơm, có thể làm cho thân ý điều hòa, không khuyết tật, gân xương ngay ngắn, khiến thân hình đẹp đẽ, ai cũng thương kính. Hành nghiệp sẵn có là ác thì nổi lên gió thối, khiến thân bất an, chẳng thể vừa ý, thổi gân cốt làm cho cong gù, không đẹp đẽ, chẳng ra vẻ đàn ông, người thấy chẳng ưa. Đó là ba mươi tám tuần – chín tháng thiếu bốn ngày, thân thể gân cốt của đứa trẻ thành một con người.

Bài tụng rằng:

Ở bụng mẹ chín tháng
Thì hình thể đầy đủ
Gân xương đều hình thành
Đầy đủ chẳng thiếu gì.
Trong bụng dần tự thành
Chút xíu rồi thành lớn
Cho đến khi đủ đầy
Như trăng vào ngày rằm.

Thân thể đứa trẻ có hai phần: Một phần của cha, một phần của mẹ. Các thứ tóc, lông, má, mắt, lưỡi, yết hầu, tim gan, đùi vế, thận, ruột, máu, thứ mem mại của thân thể từ mẹ. Còn móng, gân, xương, răng, tủy, não, mạch, các thứ cứng thì từ cha.

Bài tụng rằng:

Thân người nối liền nhau
Đều do cha mẹ sinh
Có biết bao bộ phận
Nhân duyên hóa lập thành.
Nương vào nên thân sắc
Tất phải bị suy hao
Nhiều vật đóng thành xe
Thân thể cũng như vậy.
Làm tên có hai việc
Lập thân giống như thế
Do nương vào cha mẹ
Sau đó mới sinh ra.

buộc ràng, chỗ chứa máu huyết bôi lấm bức bách. Cứ nương ở nơi phần tiểu dơ bẩn như vậy tới chín tháng thiếu bốn ngày. Nếu đời trước có làm việc thiện thì vào ngày đầu, ngày kế nghĩ rằng: Ta ở tại cung điện cũng như trên trời. Còn kẻ làm ác thì cho là ở địa ngục Nê-lê thế gian, đến ngày thứ ba thì buồn rầu chẳng vui, đến ngày thứ tư thì bụng người mẹ nổi gió, hoặc phía trên, hoặc phía dưới, làm chuyển đổi thân hình đứa bé, khiến quay ngược đầu hướng ra cửa mình. Kẻ có đức thì nghĩ rằng: Ta nhảy vào trong ao nước tắm vui chơi như rơi vào chốn hoa thơm ở rừng sâu vậy. Còn kẻ vô phước thì tự nghĩ ta từ trên núi rơi vào trong hầm xí dơ bẩn bên bờ cây, hoặc như trên lưới gai chốn địa ngục, trong tảng đá giữa đồng trống, trong chốn kiếm kích, sầu lo chẳng vui. Quả báo của việc thiện, ác chẳng đồng như vậy.

Bài tụng rằng:

Như rơi vào lửa cháy
Khói mù bao chung quanh
Quả buông lung đã đến
Như ở trong nước sôi.
Nguyên do của khổ, lạc
Đều do tội, phước thành
Việc làm khi còn sống
Thọ thân đều như vậy.

Thân đứa bé đã hướng đến cửa mình, lại khi sinh ra, bị gió bên ngoài thổi. Người mẹ dùng tay thấm nước nóng rửa thì đau đớn bức bách như là bị bệnh ghẻ, vì thế khổ não sợ chết, liền khởi nghi hoặc, cho nên mê muội chẳng biết từ đâu đến đây. Vừa sinh ra đời, nơi máu huyết dính hôi, loài quỷ mị xúm đến vây quanh. Trong chỗ gian tà, loài phi thi xúc chạm, loài độc hại, quỷ điên đều rình rập xâm phạm. Như ở ngã tư đường, làm rơi một cục thịt, các loài quạ, diều, cắt, sói đều đến tranh giành, các loài yêu quỷ tà vạy muốn được đứa bé, bao vây chung quanh, cũng giống như thế. Người đời trước làm thiện thì đám tà vạy chẳng dễ xâm phạm được. Nếu đời trước làm ác thì đám tà vạy liền chụp lấy. Khi đứa bé mới sinh, nhờ vào sữa mẹ mà sống, dần dần lớn lên nhờ ăn uống mà tồn tại.

Bài tụng rằng:

Khi ở trong bào thai
Gặp biết bao khổ não
Đã sinh, được làm người
Khổ ấy gấp trăm ngàn.
Các căn đã thành tựu
Vì thân vốn mong manh
Có sinh phải già chết
Quả thật rất hư dối.

Đứa bé khi đã trưởng thành, làm lụng nuôi thân. Vừa thu hoạch lúa thóc thì thân thể tức thời sinh ra tám mươi loài trùng:

Hai loài ở chân tóc: Một tên là Điềm, hai tên là Trọng điềm.

Ba loài ở trên đầu tên là Kiên cố, Thương tổn, Hủy hại.

Một loài ở não, hai loài ở ngoài não: Một tên là Triết vị, hai là Hao nhiễu, ba tên là Cối loạn.

Hai loài ở trên trán: Một tên là Ty hạ, hai tên là Hủ hủ.

Hai loài ở mắt: Một tên là Thiệt điềm, hai tên là Trọng điềm.

Hai loài ở tai: Một tên là Thức vị, hai tên là Hiện vị anh.

Hai loài ở nhĩ căn: Một tên là Xích, hai tên là Phục xích.

Hai loài ở mũi: Một tên là Phì, hai tên là Phục phì.

Hai loài ở trong miệng: Một tên là Diêu, hai tên là Động diêu.

Hai loài trong răng: Một tên là Ác tệ, hai tên là Hung bạo.

Ba loài ở chân răng tên là Suyển tức, Hưu chỉ, Tốt diệt.

Một loài ở lưỡi tên là Cam mỹ.

Một loài ở căn lưỡi tên là Nhu nhuyến.

Một loài ở lợi tên là Lai vãng.

Một loài ở yết hầu tên là Đạm hầu.

Hai loài ở đồng tử: Một là Thùy, hai là Phục thùy.

Một loài ở cánh tay tên là Trụ lập.

Một loài ở tay tên là Châu triền.

Hai loài ở ngực: Một tên là Ngạch Khanh, hai tên la Quảng phố.

Một loài ở tim tên là Bang báo.

Một loài ở vú tên là Chúng hiện.

Một loài ở rốn tên là Vi nhiễu.

Hai loài ở hông: Một tên là Nguyệt, hai tên là Nguyệt diện.

Hai loài ở xương sống: Một tên là Nguyệt hành, hai tên là Nguyệt mạo.

Một loài ở giữa lưng và ngực tên là An phong.

Một loài ở trong da tên là Hổ trảo.

Hai loài ở thịt: Một tên là Tiêu lự, hai tên là Thiêu thọ.

Bốn loài ở xương là Thậm độc, Tập độc, Tê cốt, Tạp độc.

Năm loài ở tủy tên là: Sát hại, Vô sát, Phá hoại, Ly hài, Bạch cốt.

Hai loài ở ruột già: Một tên là Khương lang, hai tên là Khương lang huề.

Hai loài ở ruột non: Một tên là Nhi tử, hai tên là Phục tử. Một loài ở gan tên là Ngân tử.

Một loài ở sinh tạng tên là Bí thu.

Một loài ở thục tạng tên là Thái tức.

Một loài ở đường tiêu hóa tên là Trọng thân.

Ba loài ở trong phân tên là Cân mục, Kiết mục, Biên phát.

Hai loài ở xương cụt: Một tên là Lưu hạ, hai tên là Trọng lưu.

Năm loài ở nước bọt tên là: Tông tánh, Ác tộc, Ngọa mị, Bất giáo, Hộ trấp.

Một loài ở đùi vế tên là Qua trương.

Một loài ở đầu gối tên là Hiện thượng.

Một loài ở mắt cá tên là Châm huề.

Một loài ở chân tên là Tiêu nhiên.

Một loài ở lòng bàn chân tên là Thực bì.

Đó là tám mươi loài trùng ở nơi thân người, ngày đêm gặm nhấm thân thể.

Bài tụng rằng:

Từ đầu tóc xuống tới chân
Trong khắp thân trùng ăn người
Nghĩ kỹ nó là cấu uế
Ví dụ sánh như nước dơ.
Từ mình sinh lại hại mình
Như đao oán làm hại người
Thường đến ăn mòn thân thể
Như dòng nước xói hai bờ.

Trong thân người, do gió, gây bệnh có một trăm lẻ một chứng; hàn, nhiệt cộng lại mỗi loại có một trăm lẻ một. Gồm chung lại có bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh ở trong thân người. Như gỗ sinh lửa, lại tự đốt cháy, bệnh cũng như vậy, vốn do thân sinh lại làm nguy thân. Và trong, ngoài thân, tám mươi loài trùng, quấy động thân thể, khiến người bất an, huống gì lại thêm những khổ não bên ngoài nữa. Nghĩ thân như vậy, thường khởi sầu lo. Nhưng kẻ phàm phu, tự cho an ổn, chẳng nghe chẳng hiểu. Vì sao? Vì chẳng thấy sự thật.

Bài tụng rằng:

Tóc lông, các móng, răng
Tim, thịt cùng da xương
Tinh huyết, hàn, nhiệt sinh
Tủy, não, mỡ sinh, thục
Nước mắt cùng mũi, dãi
Đại tiểu tiện thường chảy
Thật cực kỳ bất tịnh
Người ngu cho là quý.

Nghĩ về thân người, bao phủ bằng một lớp da mỏng, như dồn các cây táo, cây gai lại bọc một lớp rất mỏng; vì được che lại nên con người chẳng biết. Giả sử lột hết lớp da ra như khối thịt bất động thì cái gì có thể gọi là thân người. Các đốt xương chống đỡ nhau như xích sắt nối liền. Xem xét kỹ như vậy còn chẳng đủ để nhàm chán, huống là gần gũi để nhìn ngắm ư?

Khi ấy, dùng kệ mà than:

Nghĩ vốn là dơ uế
Ví như cây vữa thối
Chẳng khác các trần cấu
Trùng trong thân cũng vậy.
Như tô vẽ tranh đẹp
Rốt cuộc sẽ hư hại
Sự thật thấy vốn không
Đâu đáng để gần gũi.

Người đời đã tạo ra điều họa phúc, có kẻ chưa hết tuổi thọ đã chết yểu. Ví như thợ đồ gốm, làm các đồ bằng đất nung, có cái mới làm thì bị bể, có cái khi muốn sửa lại để nung bị bể, hoặc có cái bị bể trên lò nung, có cái bị bể khi đưa xuống, có cái để xuống đất bị bể, có cái va chạm bị bể, có cái dòn quá bị bể, có cái bể trong lò, có cái nung chín bị bể, có các bị bể khi di chuyển, có cái sử dụng bị bể, dù không sử dụng lâu ngày cũng bể.

Con người cũng vậy, có kẻ vừa mới khởi ý đi đầu thai, nhưng chưa đi đã chết. Hoặc có kẻ hai căn tại thai mới như kem, có kẻ như bơ, như miếng thịt, cục thịt, đầy đủ sáu tình, hoặc chưa đầy đủ mà đã chết. Hoặc có kẻ khi sắp sinh, hoặc vừa mới sinh một ngày, trăm ngày, một tuổi, mười tuổi, trưởng thành thì chết. Hoặc có kẻ hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi tuổi thì chết; từ một tuổi cho đến trăm tuổi mới chết, tuy trường thọ nhưng rồi cũng chết. Năm ấm như vậy vốn là không, lần lượt nương nhau, khoảnh khắc có, rồi khoảnh khắc mất, cất chân lên, hạ chân xuống đều là vô thường. Người ngu si chẳng nghe, chẳng biết, ngược lại cho là có thân. Từ trẻ cho đến già đều cho là ngã sở, bảo là thuần chất, chẳng biết luôn biến đổi vô thường. Người tu hành nên tư duy quán xét điều ấy. Từ như thế đến như thế, không như thế thì không có gì.

Thế nào gọi là từ như thế đến như thế?

Do hành nghiệp gốc đã tạo ra họa, phúc cho nên đến khi chết ở tại thân Trung ấm, rồi đến thần thức ở trong bào thai, hình trạng như váng sữa mỏng, cục thịt, khúc thịt dần dần đến thịt cứng, rồi có sáu căn, sáu căn đầy đủ thì sinh ra. Từ thân trẻ thơ đến trung niên, cho tới già bệnh, rồi lại trở về cõi chết. Năm ấm ấy cứ xoay vần trong sinh tử, mãi mãi như dòng sông không ngừng nghỉ, tất cả đều không, giống như huyễn hóa. Cứ đảo lộ như vậy cho đến già, bệnh, chết. Ví như có thành lớn, cửa phía tây phát hỏa, từ đó tuần tự thiêu đốt cho đến cửa phía Đông đều thành tro tàn, bảo là lửa nơi cửa Đông chẳng phải là lửa lúc phát khởi. Nhưng sự thiêu cháy đó chẳng lìa ngọn lửa gốc. Con người cũng vậy, do nhân duyên gốc rồi tùy theo đó mà có họa, phúc. Nên quán xét thế này, do như vậy mới có như vậy.

Thế nào gọi là không như vậy thì không có?

Không có họa hay phước và các trần lao khác thì chẳng về cõi chết, đã không chết thì không có thân Trung ấm, nếu không có thân Trung ấm thì do đâu có sinh. Đã không có sinh thì gia, bệnh, chết do đâu mà có. Nghĩ về gốc ngọn của dòng sinh tử như thế, người tu hành nên quán về chỗ phát xuất, sự hình thành và tiêu hoại của năm ấm.

Bài tụng rằng:

Biết rõ nghĩa trí tuệ
Tâm tịnh như trăng tròn
Giữ chí cho chuyên nhất
Thương yêu người ba cõi…
Như hoa sen trong nước
Mọc lên đẹp mềm mại
Miệng nói ra lời nói
Người nghe được vui mừng.
Diễn rõ gốc phát khởi
Hiểu rồi dứt hết sạch
Đạt năng nhân rốt ráo
Vì thương xót chúng sinh.
Nên ta từ kinh Phật
Lược chọn mà chép ra
Do giảng thuyết Phật pháp
Nên tạo kinh tu hành.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7