Con đường thực tiễn giải thoát
Pháp sư DIỄN BỒI
giảng tại Chùa Xá-Lợi, đêm rằm
tháng 2 Bính Ngọ (6-3-1966)
HUỲNH PHÁT TƯỜNG dịch

(Trích Phật Học Từ Quang Tập 2,3, 4)

        Hôm nay đáp lời mời thạnh tình của Mai Hội-Trưởng đến đây nói Phật pháp với chư vị, tôi thật hoan hỉ vô cùng.

        Đã một năm qua, tôi từng được đi thăm nhiều quốc gia như Hoa-Kỳ, Phi-Luật-Tân, Hương-Cảng chẳng hạn, tôi cảm thấy Phật pháp là một tôn giáo rất cần ích cho loài người.

        Từ Đông qua Tây, chẳng biết bao nhiêu người thành tâm tu học Phật đạo, đó là một hiện tượng hiếm có và tôi tin rằng sau khi nghe được tin tức tốt đẹp này, chư vị hẳn rất hài lòng.

        Được loài người quí trọng như thế này, ấy vì Phật pháp dạy về Chơn lý; ai muốn hiểu rõ chơn lý, lẽ cố nhiên hướng về Phật pháp vậy. Trên thế giới ngày nay lắm cuộc hỗn loạn đã phát sanh ở nhiều quốc gia; đặc biệt ở Á Châu chúng ta đây, cảnh loạn ly đồ thán phần lớn là do những phần tử không trắc trọng chơn lý tạo ra. Phật pháp là tôn giáo của chơn lý, nếu muốn cho nhơn loại trên thế giới được an định và cái hiện tượng rối loạn này không còn nữa, sự hoằng dương Phật pháp không trì hoãn được.

        Loài người nếu quả thật hiểu rõ chơn lý của Phật pháp, y theo ý chí của Phật pháp mà hành, thì sẽ không còn những tư tưởng và hành vi bất chánh.

        Trong Kinh, Đức Phật dạy kẻ nào có tư tưởng sai lầm và hành vi điên đảo đều do cái vô tri của họ sanh ra. Một khi đã có một nhận thức rõ rệt, một cái biết thấu triệt, con người nhất định không còn có những tư tưởng trái ngược và hành vi sai lầm nữa.

        Chánh giác của Đức Phật là kết quả của sự đánh đổ cái vô tri.

        Thiên hạ thường nói loài người trên thế giới ngày nay đang dụng tâm tự hủy diệt cuộc sống còn của mình; đó chẳng phải là lời nói huyễn hoặc hay quá đáng, mà là sự thật. Các con cháu Đức Phật, nếu có lòng cứu vớt loài người ra khỏi khổ kiếp, thì không lúc nào cho bằng bây giờ đây, nên ra gánh vác cuộc tuyên dương chơn lý của Phật pháp, đánh thức quần chúng đương ở trong cơn mê muội, dìu dắt họ vào con đường thênh thang của Chơn lý, để cho thân tâm họ được giải thoát. Ta không nên thản nhiên lấy mắt ngó loài người đi đến diệt vong.

        Chơn lý của Đức Phật quan sát vũ trụ nhơn sanh, bắt đầu sự tượng của hiện thực. Nhứt thiết sự tượng của vạn hữu hay thế gian, theo sự quan sát của đại trí Đức Phật, chẳng có một sự tượng nào là không phải là do nhân duyên kết hợp tạo thành.

        Tuyệt đối không có một vật nào được độc lập tồn tại, vì không có một vật nào được trường cửu không biến đổi. Đầy đủ nhân duyên kết hợp, là kết hợp; nhân duyên ly tán, là ly tán.

        Nhưng ít ai thấu đáo được lẽ này, vì vậy con người cứ tưởng vạn vật là hằng thường rồi chạy theo sự vật, để mong thỏa mãn cái họ khao khát, yêu chuộng. Trên thực tế, bất luận đối với ai, những việc cá nhơn hy vọng và mong cầu khó phù hợp được với sự thật, vì đó mà sanh ra bao nhiêu đau khổ.

        Ta nên biết cái đau khổ của loài người là hiện tượng của một điều kiện nào đó.

        Điều kiện ấy là tâm trạng do sự đợi chờ mong muốn nuôi dưỡng hằng ngày trong tinh thần tạo ra. Vì vậy, khổ là cái gì tự chúng ta tạo ra, chớ không phải bên ngoài đến. Đây là điều mà chúng ta cần nhận hiểu rõ.

        Trong cảnh giới tinh thần của loài người đã sẵn sàng có cái đau khổ, lẽ tất nhiên ta phải tìm cách giải trừ cái đau khổ ấy. Vì truy cầu hạnh phúc là bản năng của mỗi người, ta nên làm sao cho ta và người cùng hưởng hạnh phúc, đó mới là yếu tố ta cần phải có để thành tựu sự thật tiễn đức hạnh. Nói tóm lại, không gì khác hơn là lìa ác, hành thiện; phạm vi của Phật pháp không ngoài hai con đường Thiện và Ác. Đi vào con đường Thiện, là thực tiễn đức hạnh, đi vào con đường Ác, là làm điều phi đạo đức và tội lỗi. Bao nhiêu hoạt động hành vi của thân, tâm ta đều qua lại, lại qua trên hai con đường này; tuy biết lắm lúc có những hành vi phi thiện phi ác, trung dung vô ký, song đây không phải là trường hợp trọng yếu; vì vậy ta nên xét kỹ lại coi cái hành vi của mình phát triển về hướng nào; nếu là hướng về Thiện thì nên một mực phát triển về phía này, còn nếu hướng về Ác, thì phải tìm cách xoay nó về nẻo Thiện. Nhưng phải làm sao đây? Lẽ dĩ nhiên là phải y theo pháp của Đức Phật đã chỉ dạy.

        Đức Phật đã chỉ thị cho ta rất nhiều phương tu hành, cả thảy có tám vạn bốn ngàn pháp môn, không pháp môn nào mà ta không phải hành, nhưng căn bản nhất là con đường Chánh đạo, con đường Trung đạo hay Bát chánh đạo đã được đề cập khi Thế Tôn sơ chuyển Pháp luân.

        Theo Đức Phật, sự thực hành khổ hạnh chẳng phải là chánh đạo, mà con đường tìm vui sướng, buông lung, phóng túng lại càng không phải con đường mà đệ tử Phật nên đi.

        Lìa khỏi khổ và lạc, đó mới thật là chánh đạo mà các hành giả Phật pháp nên theo.

        Bất luận về phương diện thế gian hay xuất thế gian, Bát Chánh đạo đều là một đức mục trọng yếu không thể không có được. Hành Bát chánh đạo ở thế gian, ta sẽ trở thành con người đứng đắn; hành Bát chánh đạo xuất thế gian, tự nhiên ta sẽ được giải thoát. Bởi thế ta thấy Bát chánh đạo là phương duy nhứt rất cốt yếu, giúp ta lìa khỏi đau khổ đi vào cực lạc.

        Chánh Kiến là đạo mục đầu tiên của Bát chánh. Chánh Kiến là con mắt của đức hành mà cũng là lãnh đạo đức hành. Từ thuở giờ người ta nói: “Đại thừa chú trọng Bát-nhã, Tiểu thừa chú trọng Chánh Kiến, thật ra cả hai đều nhất quán thông toàn bộ Phật pháp.   

        Theo sự giải thích của một nhóm học giả, Chánh Kiến là chỉ sự thấy biết chánh xác, còn theo bây giờ Chánh Kiến có nghĩa là tư tưởng được chánh xác; chữ Kiến trong Phật pháp là một danh từ khác của hai chữ: Tư tưởng. Tất cả những hoạt động hành vi của ta đều vâng theo sự chỉ huy của tư tưởng. Tư tưởng được chánh xác, thì hành vi của ta được quang minh lỗi lạc; nếu tư tưởng của ta tà vạy thì nhứt thiết động tác của ta là mờ ám, dối trá, không thành tựu được sự nghiệp chánh đáng, đây là phần trọng yếu của Chánh Kiến. Ngày nay, có một nhóm người nuôi lấy tư tưởng thiên vị và quá khích, họ làm những việc thương tổn đến người khác mà cũng không ích lợi chi cho họ. Xét chung, thế giới ngày nay phải hỗn loạn như thế này, loài người phải bị đau khổ ngày càng thêm như thế này, nguyên nhơn chỉ vì tư tưởng bất chánh.

        Lúc còn tại thế, Đức Phật thường đả phá những tư tưởng bất chánh. Là đệ tử Phật, ai ai cũng hiểu sự nghiêm trì cấm giới là điều rất quan trọng; nhưng hành giả Phật pháp có lúc không sợ người khác chê họ phá giới mà chỉ sợ người ta bảo họ tri kiến bất chánh. Người xuất gia thiếu Chánh Kiến có thể không được dung nạp trong Tăng đoàn.

        Phép Lục Hòa của Tăng đoàn nói: “Kiến và Tín đồng một nghĩa”, lấy câu này mà xét, đủ thấy cái trọng yếu của chữ Kiến. Lại nữa hàng đệ tử của Phật, khi muốn đả kích đối phương hay đem bốn chữ “tri kiến bất chánh” để gán vào đối phương làm cho đối phương sợ sệt.

        Chánh Kiến là do nghe Chánh Pháp mà được tín giải nhơn quả một cách chánh xác, lấy Phật pháp làm sự kiến giải của mình.

        Ấn Thuận Luận sư nói: “Chánh Kiến là phân biệt tà, chánh, chơn, vọng, biết tà là tà, biết chánh là chánh, bỏ tà ác mà tin lãnh cái hoàn toàn chơn chánh”. Cho nên tu học Phật pháp, Chánh Kiến là căn bản của đức hành.
 

        hánh Kiến được rồi, tiếp theo phải khai phát Chánh chí. Chánh chí có chỗ dịch là “Chánh tư duy”. Đây là hóa Chánh Kiến thành tư tưởng để lập chí thực hiện.

        Chẳng hạn làm một việc chi, trước hết phải suy nghĩ kỹ lưỡng, trải qua giai đoạn này rồi, là tới lúc quyết định những gì phải làm; bước tới một bước nữa, là hành động, lấy Chánh Kiến làm căn bản; nếu sự xem xét không chánh xác, việc làm tự nhiên không hợp với lẽ phải ở đời.

        Chánh tư duy không phải chỉ có xem xét suy nghĩ mà còn phải lập ý thực hiện, có như thế mới tỏ ra mình đã suy gẫm được điều gì.

        Trong kinh có nói: Chánh Chí là phân biệt, là tự quyết, là ý giải, là cân nhắc, là lập ý, nghĩa thật là như vậy; cho nên khi ta được nghe Phật pháp, ta không nên nghe rồi thôi, ta còn phải tư duy kỹ lưỡng và do nơi tư duy ta phải lập chí thực hành.

        Thực hành không phải một danh từ trống rỗng mà phải là một hành vi. Chánh Chí phải làm sao cho thấy được, nơi thân, một cố gắng giữ giới, trên ba phương diện chánh nghiệp, chánh ngữ và chánh mạng.

        Chánh nghiệp là làm cho những hành vi, những hoạt động của thân thể được chơn chánh, đứng đắn. Người có nghiệp chánh không sát sanh, không trộm cướp và không dâm loàn. Tránh được ba điều này là được ba thiện hành.

        Sát sanh là sát hại sanh mạng của loài hữu tình, biết đau, biết sợ, là làm cho một sanh mạng đang sống vui, không được tiếp tục sanh sống nữa. Theo lập trường của Phật pháp, sát sanh là một tội ác nặng nề hơn hết trong các tội ác. Chẳng những Phật giáo, mà tất cả các tôn giáo ở Ấn-độ cũng chủ trương như thế, bởi lẽ kẻ sát sanh không làm nghịch lại cái lòng ham sống sợ chết chung của mọi loài. Trong Kinh có câu: “Bất năng sát sanh dĩ tuyệt nội mạng”, nghĩa là chẳng nên sát sanh mà làm dứt sự sống bên trong.

        Thứ hai, Đạo tặc là ăn cắp hoặc cướp lấy của người khác. Ta nên hiểu: Một sanh mạng mà được sống là nhờ tiền của, thóc lúa…, nói tóm những gì giúp cho sự sống tồn tại. Vậy cướp mất tài vật, làm cho sự sống của người ta bị uy hiếp, thì có khác nào cướp mất sanh mạng, vì vậy đó là một tội ác. Trên thế gian, biết bao người, vì sự sống còn của mình, quên hẳn sanh mạng của kẻ khác, cho nên không ngại trộm cắp của người để vinh thân phì gia. Phật giáo cho việc trộm cắp là một tội ác, vì vậy phải “bất du đạo dĩ đoạn ngoại mạng”, nghĩa là chẳng nên trộm cắp mà làm dứt sự sống bên ngoài của tha nhơn. Không trộm cắp của người là một đức lớn giúp người duy trì sự sống của họ.

        Về tội tà dâm, Phật pháp có hai thái độ, đối với hai hạng người. Đối với người tại gia, đức Phật cho phép nam nữ kết hợp đúng đắn, nhưng vượt khỏi sự quan hệ giữa vợ và chồng là một tội ác, trước Phật pháp, cũng như trước pháp luật thế gian.

        Biết bao tội ác trên thế gian đã xảy ra, do gian dâm, tà dâm làm phát sanh. Các Nho gia Trung Hoa nói: Vạn ác, dâm vi thủ (trong muôn ác, dâm đứng đầu). Thật là chí lý. Bài xích tội ác này, Phật giáo nói: Bất tà dâm dĩ phá gia đình chi hảo (đừng tà dâm mà phá hoại cái vui đẹp trong gia đình). Đúng như thế, ai giữ được không phạm tội tà dâm thì sự bảo tồn hạnh phúc hòa vui trong gia đình không thành vấn đề nữa. Đứng về Bát Chánh đạo mà xét, tà dâm thuộc về những cái nghiệp của thân mà con người phải sửa đổi cho chơn chánh, hợp pháp và hợp lý.

        Phần Chánh ngữ trong Bát Chánh đạo, nói về khẩu nghiệp, tức là những hành vi của miệng, của lời nói. Con người không thể không nói, nhưng lúc phải nói, nên nói những gì có ích lợi cho nhơn quần xã hội. Phàm những gì không quan hệ đến thế đạo nhơn tâm, chẳng những chúng ta nên nói ít, mà còn tốt hơn nữa, không nên nói. Vì không để ý, chúng ta thường không thấy sự hệ trọng của một câu chuyện. Muốn ly gián, muốn phá hoại cảm tình giữa hai người, ta không ngần ngại đem những lời nói giả dối để kích thích đôi bên, làm cho hai đàng thù hiềm nhau. Chư vị thử xem coi đó có phải là một tội ác không? Còn như nói bậy bạ, mặc dầu không có ác ý, hoặc nói chơi, nói nhảm, nói xàm để kích thích tư tưởng tà vạy của người khác, hay làm cho họ nhiễm những điều mê lầm, tất cả đều là tội ác cả. Đều như lấy lời lẽ cộc cằn, tục tỉu để thóa mạ làm cho người khó chịu, hoặc dùng lời vu khống tố cáo, gạt gẩm người, đó cũng chẳng phải là những lời nói đức hạnh.

        Về Chánh mạng trong Bát Chánh đạo, Đức Phật dạy các hàng Phật tử phải làm thế nào cho cuộc kinh tế sinh hoạt của mình được hợp lý. Đối với hàng tại gia, Đức Phật dạy trước tiên nên để ý suy nghĩ về công cuộc làm ăn sinh tài của mình, xem coi nó có chơn chánh không, bởi lẽ nó có liên quan với mình, với sự hòa lạc trong gia đình và với xã hội. Chẳng luận nói về kinh tế sanh hoạt thường lệ, hay là nói về kinh tế sanh hoạt hợp lý, Phật đều dạy chúng ta phải theo đuổi một sự nghiệp chánh đáng, là vì nghề nghiệp chánh đáng đem lại cho ta một đời sống êm xuôi. Không có nghề nào là hèn, đừng theo thói “giàu khinh nghèo, hèn khinh sang”, hai thái độ ấy đều sai cả. Đối với hàng Tỳ-khưu, thì xuất gia là lìa xa gia đình, tài sản, việc đời, gởi tâm vào mục tiêu duy nhất là tu hành, vì vậy mà phải đi ăn xin để duy trì sự sống, không được dùng một phương tiện nào khác để mưu sanh. Nói tóm, không luận đối với hàng tại gia hay hàng xuất gia, đức Phật xem như là một tội ác, nếu không biết sửa đổi sinh kế mình cho chơn chánh.

        Chánh tinh tiến là lìa ác hướng thiện, là nỗ lực dứt ác làm lành. Thật ra, dầu tu cái Chánh nào trong Tám chánh, chúng ta không thể bỏ Chánh tinh tiến được, bởi lẽ không hết sức cố gắng luôn luôn, thì không thành tựu được. Một hành giả lấy Chánh kiến làm đôi mắt sáng soi đường, lấy Chánh tư duy lập chí thực hành Chánh giới, lấy Tinh tiến nỗ lực tiến lên không ngừng, sẽ được, do nơi ta người hòa vui, thôi ác làm lành, rồi đi sâu vào chỗ tự tịnh và giải thoát thân tâm.

        Chánh niệm, đối với Chánh kiến, là một sự xác nhận Chơn lý, đối với Chánh Chí hay Chánh tư duy, là lập ý cầu Phật giúp mình thực hiện Chơn lý, với một quyết tâm vững vàng, niệm niệm không quên.   

        Chánh niệm là phương pháp trước phải thực hành để chuyên tâm nhất ý, cột chặt tư tưởng mình, nhiên hậu mới đạt đến nhất tâm bất loạn là Chánh định.

        Khai thị chúng sanh, Đức Phật đã đưa ra tám điều quan trọng, là tám cái Chánh của con đường giải thoát. Tám cái chánh ấy, thật ra chỉ là ba bậc trước sau của cái học gọi là Giới-Định-Huệ. Chánh nghiệp, Chánh ngữ, Chánh mạng thuộc Giới-học. Chánh niệm, Chánh định, thuộc Định-học. Chánh kiến và Chánh tư duy, hay Chánh chí, thuộc Tuệ học. Còn Chánh tinh tiến phải áp dụng cho cả ba cái học vừa kể. Đó là đường lối giải thoát chơn chánh của bậc Thánh giả.

        Như trên đã nói, ta có thể thêm rằng Bát Chánh đạo là con đường hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh, hướng giải thoát, mà không một đệ tử Phật nào không phải noi theo. Kẻ xuất gia, nhờ đi trên con đường này mà giải thoát; người tại gia cũng nhờ theo con đường này mà lần lượt đi đến giải thoát.

        Người tin tưởng Phật giáo mà muốn được giải thoát, không thể không tiến bước trên con đường Bát Chánh. Chưa hề có việc lìa tâm bất tịnh, giải thoát trí huệ, bằng một đường lối nào khác hơn đường lối của tám Chánh.

        Bát Chánh Đạo có hai loại: Một là thế tục, hữu lậu, hữu thủ, con đường của người hành đạo theo mơ ước của thế tình, lòng chưa rửa sạch và còn điều ham muốn, trong chỗ hướng về nẻo lành. Hai là Bát Chánh của hàng xuất thế, hướng về chỗ vô lậu, gạn lọc hoàn toàn tâm mình, không mong được một gì cả, không còn thấy lạc, thấy khổ nữa. Căn bản của sự sai biệt giữa hai loại là tại nơi Chánh kiến.

        Căn cứ trên cái Chánh kiến về nhơn quả, thiện ác, lưu chuyển luân hồi và giải thoát mà lập chí thực hành, đó là con đường Nhân, Thiên chánh hành của thế tục.   

        Thấy rõ một cách chơn chánh diệu lý của Tứ Đế, dùng cái Chánh kiến đó mà lập chí chơn chánh tu hành, thì năng hướng xuất thế mà thành bậc vô lậu, thành tựu Thánh quả.

        Tới đây, chúng ta thấy trong các pháp môn tu hành, Bát Chánh đạo trọng yếu như thế nào.

        Thưa quý vị,

        Người xuất gia và người tại gia đều là đệ tử của Phật và ai ai cũng biết, đại phàm học Phật, cốt yếu là phải lý giải, đồng thời phải thực hành. Giải và hành tương ứng là như vậy. Nếu chỉ có giải cho biết lý đạo mà không hành, thì rất khó mà thu dụng được Phật pháp.

        Trong thời khổ nạn trùng trùng này, nếu muốn cầu cho được thân tâm giải thoát, ta phải y theo Bát Chánh đạo của Đức Phật khai thị mà thực hành. Có như thế, chúng ta mới mong thoát khỏi trùng vây của khổ nạn. Đây chẳng phải vì sự lợi ích của thân tâm mình, mà còn vì sự an tịnh của cả thảy quần chúng đang âu lo. Chỉ khi nào người người đều lìa khỏi khổ đau, hưởng được lạc cảnh, mục tiêu của sự học Phật mới được xem là hoàn thành vậy.

        Thưa chư vị,

        Hôm nay, tôi chẳng có chi gọi là Phật pháp cao sâu để cống hiến quí vị. Tuy nhiên, những gì tôi vừa trình bày, thiết tưởng không thiếu phần thiết thực.
Tôi nguyện cùng chư vị gắng sức tiến tới trên Chánh đạo của Phật pháp, tu dưỡng thân tâm để hoàn thành sự tịnh hóa xã hội.

        Chót hết, tôi xin cung chúc chư vị thân tâm khang lạc phước tuệ tăng diên, đắc đại giải thoát./.