CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Hồi mới lên núi, cùng tuổi tôi chỉ có Hạnh pháp, Hạnh Khiết. Lúc đó tổng số dân ở Bát Nhã chưa đến bốn mươi người. Già nhất, lớn nhất là cô Bảo. Có lẽ vì vậy mà một vài chị đem cô ra hù dọa tôi:

– Cô Bảo khó lắm đó, tu được, ở yên đây hay không là tùy cổ đó nghen!

Nghe vậy, mỗi lần đi ngang cô tôi lấm la lấm lét, không dám thở mạnh vì sợ cô sẽ đuổi mình xuống núi, và hễ tránh cô được là tôi tránh liền. Nhưng tránh thế nào mà một hôm bất chợt tôi chạm trán ngay cô, chưa kịp tháo lui thì cô đã lên tiếng:

– Này! Bao nhiêu tuổi rồi?

Tôi đáp khe khẽ:

-Dạ thưa, con mười sáu! Cô gật gù:

– Vậy là nhỏ hơn Hạnh Thiện ba tuổi! Tôi giật mình nhìn nụ cười mỉm của cô, âm vang về lời đe dọa vẫn còn ám ảnh. Rồi những lần gặp sau, cho tới lúc bắt gặp nụ cười lần thứ ba, thứ tư của cô, tôi mới phát hiện ra ánh mắt cô thật hiền và bao dung. Kể từ đó tôi hết lấm lét và thấy cô thật dễ mến.

Hồi đó chị Minh Anh trông còn rất trẻ, ăn bột xong chị vét sạch tô, để nó lên đầu rồi ngồi trên cái võng đu đưa hết ga, thấy cái tô trụ vững trên đầu chị không hề chao đảo nghiêng rớt gì, tôi rất thán phục. Tôi ước lượng chiều cao, vóc dáng, tính cách nghịch ngợm của chị rồi ngẫm nghĩ: -“A! cái người này mình kết bạn được đây! Chắc chỉ độ mười ba tuổi là cùng! Trang lứa với nhau tất nhiên là dễ chơi hơn rồi!” Và tôi bật ngửa khi biết mình kém chị đến bảy tuổi. Nhưng không sao, nụ cười vô tư của chị làm tôi cảm thấy yên tâm. Hạnh Pháp sốt sắng hướng dẫn tôi cách bày xếp bồ đoàn, còn chị Thanh Tịnh thân thiện dẫn tôi đi thăm các nơi trên núi. Khóa ngồi thiền đầu đời của tôi tại Bát nhã nhằm vào buổi trưa, chỉ có một tiếng mà dài như thế kỷ. Mới chân ướt chân ráo lên núi thì gặp ngay giờ tu. Tôi chẳng biết gì, thấy người ngồi thì mình ngồi theo. Cho nên giờ tĩnh tọa đối với hạng lính mới như tôi quả là khổ hình. Đau nhức cực kỳ mà người chung quanh cứ điềm nhiên bất động, tôi liếc lén cô Hương đăng, người nắm giữ cái chuông, người định đoạt khổ vui của tôi trong giờ phút khó quên đó là cô Như Tuệ, mà ác cái nữa là … dường như cô rung chuông xả thiền hơi trễ ? Cơn chờ đợi đăng đẳng đã biến tôi thành đệ tử trung thành miên mật với Đức Quan thế Âm, tôi thành khẩn niệm hồng danh ngài:-“Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ

Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát!” Khi tiếng chuông “cứu rỗi” ngân lên, từ đầu tới chân tôi mồ hôi tuôn như tắm, chị Thanh Tịnh nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thông cảm, bởi vì hình như “ cầu đoạn trường” này ai cũng một lần qua…

Sau đó chúng tôi trao đổi kinh nghiệm, chị cười vui vẻ:

– Thấm thía hết biết hả? Lúc Tịnh mới ngồi lần đầu ấy nghen, trông xả thiền quá trời! Tịnh niệm gì có biết không?

– Niệm gì?

– Tịnh niệm… Nam mô rung chuông!

Thuở ấy tôi chưa có ý niệm rõ rệt là mình thích núi hay đồng bằng, nhưng khí hậu trên núi quả là tuyệt. Bát Nhã nằm ngó ra biển, mặc dù thành phố phía dưới chi chít đường, đầy xe cộ qua lại, song tiếng ồn khó mà vọng lên núi. Tôi có thể nhìn bao quát khắp, nhưng thu hút nhất vẫn là biển. Buổi sáng ngắm mặt trời lên trong lúc sương mù còn giăng khắp mặt biển khiến cảnh vật có vẻ mờ ảo nên thơ. Ngay cả vì sao hôm trên núi cũng tỏa sáng rạng rỡ và thu hút. Tôi dùng từ “thu hút” vì tôi là kẻ lười ngắm cảnh, ít khi chú mục vào trăng sao. Vậy mà nhắc tới Bát Nhã là tôi nhớ ngay vì sao hôm đứng độc lập tỏa sáng, dường như chẳng nơi nào thấy nó rực rỡ hơn bằng trên núi, sao hôm nằm về hướng nhà vệ sinh Bát Nhã, đó là lý do nó đập vào mắt tôi thường xuyên, trước khi ngồi thiền và sau khi xả thiền xong, trên đường ra “phía sau chùa” hình như mắt tôi luôn dán vào vì sao hôm quyến rũ, thay vì nhìn xuống đất để bước cho khỏi té. Phật chứng đạo ngay lúc nhìn sao mai mọc, còn tôi thì cứ mê một vì sao hôm trên núi và chẳng có tí tẹo cảm ngộ nào.

Cho tới khi xuống Viên Chiếu, tôi vẫn để tâm tìm kiếm vì sao hôm “của mình” nhưng nó lu mờ quá. Chẳng có tí cuốn hút nào nên tôi thôi không thèm để ý đến nó nữa. Nhưng hễ nhắc tới Bát nhã là tôi lại nhớ đến vì sao hôm và có cảm giác như một chút hồn mình đã…nằm ở trỏng, vì nó rực rỡ quá, nên thơ quá! Hèn gì mà người ta nói ở trên núi ngắm trăng sao thú vị hơn đồng bằng rất nhiều. Mỗi lần thấy con trăng lả lơi trên mặt biển, chị Huệ cao hứng ca:

“Trăng lên … sáng ngời, treo trên biển trời… tình ơi! Một đàn con gái ra ngồi nhìn … trăng…” Vâng! Xả thiền xong đố ai mà không nán lại dán mắt vào trăng, câu hát của chị Huệ càng làm tôi đực mặt ra nhìn trăng đến ngẩn ngơ… tôi có cảm giác như mình đang ngự ở “cõi trên” khi nhìn mây trắng bềnh bồng trước mặt lướt trên biển khơi nhuộm đầy sắc trăng lóng lánh.

Đó là cảnh trên trời, còn dưới đất chẳng có gì thơ mộng lắm. Nhất là khi tôi và chị Minh Ánh giữ nhiệm vụ xeo đá trong lòng núi, phải dùng xà beng nạy để bứng nó lên, có khi tôi phải đu, ấn cả thân mình lên cây xà beng thì tảng đá to đùng mới chịu nhúc nhích chút đỉnh, moi được nó lên để xô nó lăn xuống núi thì bàn tay học trò của tôi cũng rộp phồng, rướm máu. Coi bộ muốn có đất mềm để lên vồng trồng khoai chẳng dễ dàng gì.

Hồi ấy ở Bát Nhã chiều nào cũng ăn bột gạo lức với muối. Nhưng gặp lúc khách đông, chuyện tính khẩu phần nhầm vẫn xảy ra nên bột khuấy thường bị dư, có khi tối kiểm tra lại thấy dư đến hai ba tô. Mà bột để tới ngày mai thì ăn rất ngán. Cô Minh Tứ (đương kim tri khố lúc đó, Trụ trì chùa Bửu sơn hiện giờ) thường đưa ra chiêu bài dẫn dụ tôi:

– Này cưng! (Giọng cô ngọt như mía) cưng ăn bột dư không? Chị cho nửa tán đường…

Dễ gì được ăn bột có đường, thấy cũng quyến rũ đó, nhưng tôi còn trả treo:

– Nhưng mà bột dư tới ba tô, vậy thì đường…

– Được rồi! Chị cho một tán!

Sẵn lúc đó chị Phượng ra chơi lâu, tôi rủ chị làm đồng minh. Hai chị em chia nhau tán đường và thanh toán sạch ba tô bột. Chiều mà dư một hai tô thì đừng hòng ra giá, trả treo, nhưng dư từ ba tô trở lên thì coi như màn dụ dỗ thường xuyên xảy ra. Kết quả là, sau thời gian ăn bột dư tôi với chị phượng mập tròn như hai bao gạo. Có lần chị Như Pháp mò lên núi nghe kinh, chợt chị khe khẽ rỉ vào tai chị Phượng:

– Phượng nì! Mai mi về chùa sư bà, có lên núi lại thì nhớ mang cho tau mấy tán đường hỉ?

Chị Phượng về ăn cắp ba tán đường của sư bà gói giấy cẩn thận rồi cho vào túi áo nhật bình, đến khi trao tay được cho chị Như Pháp thì đường đã chảy tùm lum ướt cả áo, nhưng không sao, chị Pháp vui vẻ đón lấy bằng gương mặt cực kỳ rạng rỡ, chỉ có gương mặt chị Phượng là méo xệch khi bị sư bà la vì tội chôm đường.

Trước thiền đường Bát Nhã là cái hồ to. Nắp hồ tráng xi măng phẳng rộng nên chúng tôi có thể ra đó tĩnh toạ để hít khí trời thoáng mát lồng lộng gió biển thổi lên, thay vì ngồi trong thiền đường cửa lưới bít bùng ngột ngạt. Chị Minh Anh là vua ngủ gật nên chị quyết định chọn nơi tĩnh toạ khá cheo leo – ngồi sát thành hồ để răn mình – nếu lỡ ngủ gật thì sẽ té nhào thẳng xuống phía dưới. Đương nhiên chị ngồi ngay trước mắt chúng tôi, cô đơn nơi một góc hồ trước bao nhiêu cặp mắt đang nhắm tít “nhập định”. Nhưng tiếng “lạch cạch” của chị làm tôi tỉnh giấc. A không! – “xuất định”!- Hình như đa số đều mở mắt trao tráo trước kiểu gục “ phi phàm” của chị, nghĩa là chị gục tha hồ, thậm chí ngã ngửa người ra sau hoặc sàng ra hai bên, chị cứ “xoay” đều đặn theo hình bán nguyệt, nhưng trong vô thức chị vẫn khôn ngoan ngã ngược ra phía sau, tuyệt đối không hề nhào ra phía trước. Có “nhập định” kiểu này tới … sáng, thì tính mạng chị vẫn an toàn vô hại. Khi xả thiền, trước nụ cười của bè bạn chị cười ngỏn ngoẻn nói:

– Công nhận thức Mạt-na mình mạnh ghê hỉ? Nó nhất định bảo vệ mình đến cùng!

Đến lúc xuống Viên Chiếu, dù có là “Đệ nhất tinh tấn” thì chị vẫn được xếp vào hàng cao thủ ngủ gật. Căn gác chật hẹp chỉ đủ sức chứa dăm sáu người ngồi trước bàn Phật, hầu hết mọi người đều ngồi trong mùng để tránh muỗi sốt rét đang hung hăng tìm mồi. Tôi đang tĩnh tọa trong mùng thì bỗng hết hồn vì có ai đó vạch mùng mình lao thẳng vô – Hoá ra là chị Phượng!- Chị ra chơi, ngủ lại và tiếng động khác thường của buổi thiền khuya làm chị kinh hoảng nên vội lủi đại vào nép cạnh tôi cho đỡ run. Chị chỉ vào giường kế bên lắp bắp:

– Có bị bịnh gì không mà sao … làm ghê quá ?!

Tôi định thần nhìn theo hướng chị, thấy chị Minh Anh đang gục ngã nghiêng, chao đi lắc lại hai bên, tay đập xuống đơn liên hồi như nện trống, tôi không nín được cười. Thật ra thì chuyện gục gặc lúc ngồi thiền là lẽ thường, nhưng do chị Phượng ít khi chứng kiến cảnh này, chưa quen nên mới hoảng sợ như vậy.

Hồi mới xuống Viên Chiếu cô Từ Thanh làm Quản viện (khi đó chưa có Huynh trưởng), nếu ngồi thiền thi với cô thì bảo đảm sẽ thua, vì cô ngồi thẳng đuột, vững như chuông úp, từ đầu tới cuối, cô không hề gục, không nghiêng ngã gì, chỉ có một điều duy nhất để nhìn ra sự khác lạ, đó là… tiếng ngáy của cô! – không to- nhưng đủ để người bên cạnh nhận ra được. Tôi chẳng phải là kẻ khám phá ra kỳ tích này, nhờ chị Thanh Tịnh méc, tôi mới biết và phải gật gù đồng ý với câu phẩm bình của chị Tịnh: -“ Đúng là tuyệt chiêu! Chẳng ai ngồi thẳng, đẹp như cổ! Có ngủ cũng không ai biết! Hay thiệt!”

Bát Nhã nằm cạnh Chân Không, nhưng tôi vẫn thấy Bát Nhă có nét gì đó hoang dại chứ không trầm mặc trang nghiêm như Chân Không. Có lẽ là khung cảnh, nhất là con đường đi từ dưới chân núi lên tới Bát Nhã, đường bên Bát Nhã dốc đứng lồi lõm nhưng ngắn và mau tới hơn. Còn đường lên Chân Không dài, lài lài, vòng vèo, dễ đi và cảnh trí thơ mộng cực kỳ, leo hết mấy bậc thang thì đã thấy Chân Không hiện ra hùng vĩ, đẹp như… mơ! Muốn thưởng thức nét đẹp trên núi thì những lúc rảnh rỗi tôi thường lang thang thám thính khắp đồi núi bên Chân không, bởi vì cảnh trí Bát nhã chẳng làm sao tuyệt bằng cảnh Chân Không, vốn đã được Hoà thượng gầy dựng công phu từ thời Bát Nhã chưa chào đời.

Lên núi, tôi bắt đầu nếm mùi “cắt ái” từ chị Thủy. Hồi ở nhà tôi là út nên có gì chị cũng nhường cho tôi. Tôi đã quen mửng đó nên rất ngạc nhiên khi thấy tính cách “cao thượng” này biến mất, không nhịn được, có lần tôi buột miệng hỏi:

– Hồi đó cái gì chị cũng nhường em, sao giờ… lủm hết trơn vậy?

Chị lột viên kẹo bỏ nhanh vào mồm, đáp:

– Phần tao ăn còn không đủ, có đâu cho mày?!

Tôi ngẩn người, hiểu ra và bật cười. Thời đó thiếu thốn đủ thứ, một tán đường cũng thuộc loại xa xí phẩm, mà cái tuổi hai mươi lăm đang độ thanh xuân của chị rất cần “nạp” nhiều nhiên liệu để có đủ sức mà lao động nặng. Bà chị trước mặt tôi giờ đã không còn là một thư sinh ăn uống nhỏ nhẻ, một liễu yếu đào thơ nữa rồi. Mà hình như ai đặt chân vào Bát Nhã, Viên Chiếu, thì tất cả cốt cách trang đài đều bay biến, đa số đều biến thành dân võ biền, ăn uống như hạm, nếu không thế thì làm sao vỡ núi phá rừng? Có lần cùng nhau đi dạo, chị Thủy chỉ cái cốc nhỏ nằm phía trên cao bảo tôi:

– Đó là cốc của cô Bảy, má cô Tuệ Đăng! Có lần cô Bảy mời chị lên đó ăn chè, chị mừng quá hí hửng đi, leo lên gần tới nơi thì…

– Thì sao hả chị?

– Chị nghe bên trong có tiếng cười nói râm ran của quí thầy nên đứng khựng lại, bất ngờ nghe tiếng cô Bảy cất lên:-“ Quí thầy biết hôn, hôm trước tôi mời cô Thủy lên đây ăn chè, cổ thích chè xôi nước lắm nghen, cổ ăn tới… mười ba viên!” Bên trong quí thầy cười rần rần, chỉ nghe bấy nhiêu thôi là chị đã cuống cuồng quay đầu “bay” trở xuống, dọt thiệt lẹ!….

Trên núi nước khan hiếm nên khi nghe chị Thủy thông báo là có thể… “nửa tháng sẽ tắm một lần” y theo giới Phật định, tôi đã nhăn nhó rất ư là đau khổ. Dòm cái mặt chẳng hoan nghinh điều luật này của tôi, chị cười giải thích:

– Biết sao Phật chế giới nửa tháng tắm một lần không? Vì hồi đó bên Ấn Độ nhà vua có cái ao tắm rất tuyệt, ngài có nhã ý cho các tu sĩ của Phật đến tắm tự do, dĩ nhiên là hồ tắm của vua chúa rất quyến rũ nên các tu sĩ mình cứ mê mải tắm suốt, đến độ vua và người trong cung đình chẳng còn cơ hội để tắm táp, vì vậy Phật mới chế ra giới này…

Nhưng dù gì thì cũng phải tiết kiệm nước tối đa, dù muốn hay không, chúng tôi buộc phải áp dụng nghiêm nhặt điều lệ này – nghĩa là nửa tháng chúng tôi tắm …biển một lần – cho đỡ …hao nước trên núi.

Trước giải phóng chị Thủy và cô Đức thường viết bài cho báo Từ Quang, văn phong rất được người ái mộ. Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc mà người ta biết tin hai “ nữ sĩ” của mình đã gác bút và đang ẩn cư trên núi, họ bèn rủ nhau lên chiêm ngưỡng dung nhan … thần tượng!

Chị Thủy khoái chí bảo tôi:

– Hên là ngày hôm đó chị đi tắm biển theo chúng nên “thoát nạn”, chỉ có già Đức là… lãnh đủ! Già Đức bị nổi mề đai không thể ra gió nên phải ở nhà “trấn giữ sơn lâm”, mà khách thì nôn nóng yêu cầu:

– Không có Phan thanh Yên ở đây thì phải cho tụi tôi gặp mặt cô Tịnh Tâm!

Kể tới đây chị Thủy cười ngặt nghẽo:

– Khốn khổ thân già Đức! Hi hi! … Em biết không? “Cổ” nổi mề đay cái mặt sưng vù, hai con mắt bụp lại hấp him, đâu có thấy được gì nhiều!? Khi đi ra trình diện cổ còn phải quờ quạng sờ soạng… vừa trông thấy cổ, độc giả ái mộ đã vội la lên: – “ Tịnh Tâm đây sao??…Í, chời chời!”…

Xuống Viên Chiếu, ngày tháng đầu ai nấy đều làm tối tăm mặt mũi vì công việc dí sau lưng, nội lo dựng chỗ ở cũng đủ bận rộn rồi. Đêm xuống, tình cờ giở lịch cô Từ Thanh la lên:

– Chèn ơi! Hôm qua vía Bồ tát mà mình quên không nấu chè cúng…

Giọng chị Thủy nghe thật thảm thiết:

– Đó! Chị đó! Có bấy nhiêu mà cũng không nhớ nữa! Có cái ngày vía Phật không mà cũng quên…

Cô Từ Thanh gãi đầu cười hiền lành. Chị Thủy vẫn chưa hết ấm ức, cằn nhằn mãi, giọng chị càng lúc càng thê lương, có vẻ như bất bình giùm Phật ghê lắm, cho đến lúc cô Từ Thanh chịu hết nổi buông lời dỗ dành:

– Thôi được rồi! Để mai chị nấu chè cúng bù…!

Chị Thủy mới chịu …tắt đài.

Buổi sáng nồi chè nếp đậu phọng được nấu lên, vì “cúng bù” nên chúng được thưởng thức rộng rãi, chè được múc lưng chừng cái thau nhỏ (đường kính độ tấc rưỡi), chia cho mỗi người, chị

Thủy bày tỏ lòng hiếu để với Phật bằng cách ăn tới…ba thau! Ai cũng suýt xoa:

– Đúng là nội lực thâm hậu!

Hồi ấy chúng tôi ăn chực ké đồ Thường Chiếu rất nhiều, thấy Thường Chiếu có gì cũng dòm dèm, nói gần nói xa, thậm chí cà lăm mãi một từ mình cần, miễn sao Thường Chiếu động lòng trắc ẩn “bá thí” cho thì thôi. Đó là lý do vì sao dân Thường Chiếu đa phần đều ốm nhom, chỉ có chúng tôi là mập mạp. Xin mãi cũng biết mắc cỡ, mặt nào cũng đã quá quen, thèm ăn nhưng đã biết ngượng, đã biết ngại chường mặt ra… Thời may, lúc đó có cô Tuệ Đăng và chị Phượng đến học kinh, hai gương mặt mới này chưa có tiền án xin xỏ nên được Viên Chiếu cầu viện, ủy thác nhờ …ra Thường Chiếu xin đu đủ xanh về ăn. Thường Chiếu vẫn rộng tay và tỏ ra cực kỳ nhẫn nhục trước cái nết “xin dai chai mặt”… của Viên Chiếu.

Có lần, Hạnh Pháp quét dọn trong bếp na cái ổ có bốn con chuột con ra để tạm ở cửa ra vào. Tôi từ ngoài ruộng vô lấy nước xớn xác đạp nhằm, chuột con khổ đời, còn tôi đứng khóc hu hu. Chị Huệ bình:- Chuột con lâm nạn dưới gót…một cao ni! (bởi vì thước tấc chị kém tôi) Còn cô Đức thì xoa đầu tôi an ủi:- Hạnh Đoan biết không? Chị sợ chuột nhất đó, vậy mà tối chui vô mùng ngủ, sáng thức dậy chị thấy mình… đè nhẹp một con chuột con!

Bây giờ tiếp khách, có thể mặc áo tràng rộng tay nghinh đón, hướng dẫn họ đi tham quan. Nhưng hồi đó vải đâu có nhiều nên quần áo chúng tôi rách tả tơi, rách tới vá không kịp, mà vừa vá lành thì nó … tẹt nữa. Bởi thế cô Đức hướng dẫn khách đi thăm quanh vườn với trang phục chẳng có vẻ mỹ quan lắm, có điều gương mặt chủ lẫn khách đều tươi roi rói. Khi khách về chị Huệ liền báo “hung tin” cho cô Đức:

– Quần cô rách kìa cô ơi!

– Hả? Đâu? Đâu?

– Chỗ này nè!

– Ối trời đất ơi! Hèn gì mà chị dẫn khách đi họ cứ nhìn chị tủm tỉm cười hoài, chị tưởng là mình ăn nói có duyên chứ… ai dè!…

Chùa vừa sắm được cái phảng để phảng cỏ thì Giải Thanh cũng tỏ ra là một tay thiện nghệ, cầm cái phảng trong tay, Giải Thanh cao hứng bảo mọi người:

– Xem này! Xem em làm nè!

Giải Thanh lấy thế, nhún người đưa phảng ra xa định đánh một đường thiệt ngọt, nhưng lúc xoay người lại rơi thẳng vào cái hố sâu, đành lóp ngóp bò lên trước tiếng cười dòn của đại chúng.

Ruộng lúa rất cần phân bón, mà tiền của đâu được dồi dào để đủ mua phân? Thế là có thêm công tác hốt phân bò. Mỗi lần được cử làm việc này, tôi thích lắm, vì nó nhẹ nhàng phong lưu nhất trong tất cả công tác, làm ruộng thì phải cuốc đất tắm bùn, làm vườn thì gánh nước oằn vai. Còn hốt phân thì chỉ cần lôi cái xe ba bánh ra, người kéo người đẩy, đem theo cái bay, gặp phân đâu thì hốt đó. Ra khỏi chùa thì chẳng thấy “mây trên đầu và nắng trên vai” mà cứ cắm cúi theo chân những đống phân bò và phiêu lưu theo nó. Quần áo chúng tôi vá chùm vá đụp giống hệt dân cái bang mạt hạng.

Hành trình của tôi đi dài dài qua khỏi Thường Chiếu, quẹo vô bất cứ hẻm hóc nào. Có lần thấy con đường nhiều phân quá tôi cắm cúi theo hốt mãi cho tới khi nghe tiếng thét lanh lảnh:

-A há! Cái đồ điêu! Hết chỗ rồi sao mà vô tận chuồng người ta ăn cắp phân?

Tôi giật mình ngẩng lên, thót tim khi nhận ra mình đang đứng trước cổng một chuồng bò chứa phân chất đống phía sau nhà người, chỉ còn biết cuống quít xin lỗi và trả lại những gì đã hốt được.

Rồi chùa cũng có rủng rỉnh tiền để mua phân, có hai ông cha ở Hiền Hòa bán phân bò cho chùa giá rất phải chăng. Có lần tôi tình cờ đi ngang nghe chị Hạnh Nhã trò chuyện với họ mà bắt tức cười.

Ông cha nói:

– Một tuần nữa thì tôi có phân cho cô!

Giọng chị Nhã:

– Dà! Quí hóa quá!

– Nhưng mà phân tôi ướt chứ không được khô!

Dạ không sao! Miễn có được phân của mấy chú là quí rồi!

Chờ khách về, tôi nhắc lại nguyên văn cuộc đàm thoại, chị Nhã đấm vào vai tôi thùm thụp:

– Cái con nhỏ này! Mắc lo mua bán chị có để ý gì đâu!

Sau đó chị ngẫm nghĩ, thấm ý… rồi cười chảy cả nước mắt.

Hồi ấy xe cộ thưa thớt, tuyến đường từ thành phố đi Vũng Tàu ít ỏi, tối đón rất khó. Chị Như Đoan đi Huế về phải xuống xe tại cổng Thường Chiếu để vào bái kiến sư phụ. Lúc đó trời đã nhá nhem. Tình cờ chị gặp tôi đi công tác về, dĩ nhiên tôi phải làm tài xế đèo chị vì không thể để chị một mình cuốc bộ lầm lủi trong đêm. Điều đáng nói là chiếc xe đạp không có chỗ ngồi phía sau, hai đứa cứ nhìn nhau, động não mãi… cuối cùng tôi buột miệng hỏi:

– Chị dám đứng trên… cánh chuồn không?

Chị bật cười, nụ cười sảng khoái muôn thuở mà tôi rất thích nghe, nụ cười làm xua tan âu lo và khiến người ta phải vui lây:

– Có còn cách nào khác nữa đâu? Phải rứa thôi! Nhưng…nì, có dám chạy không?

– Chị đủ can đảm đứng thì em dám chạy!…Chị đừng sợ gì nghe? Nhớ nắm chặt vai em cho chắc! Giờ mình lột nón khăn ra hết cho người ta đỡ dị nghị…

Thế là tôi cắm đầu cắm cổ đạp, chiếc xe lao vun vút, gió đêm cuồng nộ tạt mạnh vào mặt tôi, áo hai đứa bay phần Phật. Tôi lái như bay và ráng căng mắt ra nhìn để tránh những tốp người đang nằm chơi giữa đường. Tiếng người lao xao hỏi nhau lọt vào tai tôi:

– Ê mậy! Mầy nhìn xem gái…hay trai??

Lúc ấy đầu tôi thoáng qua ý nghĩ, không biết vào thời Phật, ngài sẽ có phải chế thêm giới nào nữa vì chuyện này không!?

Cuối cùng chị em tôi cũng về tới chùa an toàn. Đó là lần duy nhất tôi làm “yên hùng”. Sau này khi “thời oanh liệt” tàn phai, tôi không sao tưởng tượng được có lúc mình lái giỏi đến thế, giờ chính tôi chở mình còn không nổi, lái mà cứ đảo tới đảo lui.

Có lần cô Cẩm Vân, vốn là một giáo sư quen đứng lớp ở các trường đại học, tình cờ ra Viên Chiếu chơi, cô xung phong vào bếp nấu cho đại chúng ăn. Chẳng biết cô hành nghề như thế nào, nhưng tôi nghe cô kể lể chuyện rên rỉ với Đại Sư Phụ như thế này:

-Thầy ui! Cái bếp Viên Chiếu củi thì ướt mem, khói tỏa mịt mù, con vừa ngạt thở lại thêm nuớc mắt nước mũi chảy ràn rụa. Đã vậy, xin gia vị nêm nếm, cô Tri khố đong cho con có mấy muỗng dầu phọng nhỏ xíu và phát cho ba tán đường để nấu nướng. Cái nồi canh chua to đùng, đường kính hơn nửa thước, nêm nếm như vậy thì nấu làm sao mà nấu? Ăn làm sao mà ngon cho được?

Sư phụ cười:

– Ờ, thì vô cho biết bếp núc của người ta!

Cái thời “đường đong dầu lường” ấy, mọi thứ đều phải tiện tặn tối đa. Tôi lén gởi một keo chanh muối trong cốc cô Hoa, mỗi lần làm mệt thường mò ra đó múc một muỗng cà phê nước chanh muối hòa vào ly nước lạnh không đường, uống cho đỡ thèm, nên chuyện “khát” ngọt là lẽ đương nhiên. Vài năm sau Hạnh Huyền vào nhập chúng, để bày tỏ thiện cảm với tôi, một lần đi công tác về tối, vừa buông xe ba gác ra em đã réo tôi inh ỏi:

– Chị Hạnh Đoan ơi! Thức dậy ra ăn đường cho đỡ thèm nè! Em có mang về cho chị nửa tán đây này!

Tôi nằm trong mùng vừa tức cười vừa tội nghiệp, giọng em réo lanh lảnh ba làng cũng nghe, kiểu này thì ăn chùng ăn lén chỗ nào được chứ?

Còn chị Như Đoan, người có vẻ lơ là với “ngũ dục” nhất, khi thấy chị Hạnh Thanh lập vườn cũng hăng hái đốc thúc:

– Nì, chị phải trồng chuối thiệt nhiều, làm sao để đủ chia cho tụi em mỗi người một nải hỉ?

Thế là vườn Viên Chiếu xanh rợp lá chuối, mỗi người chưa lãnh được một nải như giấc mơ của chị Đoan, song phần lỡ bữa cũng ra vẻ hào phóng lắm, có tới bốn năm trái chuối già chứ không ít. Vậy mà vẫn còn thòm thèm, nhất là hạng kiện tướng như tôi với Hạnh Kiên. Hạnh Kiên mạnh dạn kiếm những ai ăn nhỏ nhẻ để khất thực, rốt cuộc cũng được vài cô khuê các rủ lòng thương.

Còn tôi, gánh xong mấy chục đôi nước tưới vườn thì mấy trái chuối như tiêu đâu mất hết, trận đòn đau ngày nhỏ tôi nếm phải vì cái tật xin xỏ vẫn còn ám ảnh, nên tôi đành “nuốt” nỗi buồn vào tim, càng buồn biết bao nhiêu, khi liếc thấy cô Thuần Trí ngưng chằm nón, ngồi ẹo qua ẹo lại trước dĩa chuối, cô ăn không muốn nổi, rõ ràng là một trang khuê các đang hiện lồ lộ trước mắt tôi.

Lúc đó tôi ước gì trái chuối trên dĩa cô rớt xuống, không! – rớt… vào miệng tôi chứ! – Mà sao có chuyện rớt như thế được? Vậy thì (mơ một chút)… cô sẽ ngoắc tôi tới và…
… tôi thở dài đánh sượt, quảy đôi thùng đi, cố dập tắt mộng mơ…

Vậy chứ khi tôi bịnh, tình cờ gặp cô ngoài đường, tự dưng cô ngoắc tôi lại, dịu dàng bảo:

– Nè cho Hạnh Đoan hai chục, nhớ mua hủ tíu ăn nghen.

Lòng tôi dạt dào cảm động, lời cảm ơn ngắn ngủi không chở được hết nỗi niềm tri ân, không phải tôi cảm động vì món tiền, mà vì tình người!

Trong những lúc bịnh hoạn hay buồn cực cùng, chính tình người nồng ấm đã giúp sức đưa tôi đi lên. Nó hiện diện ở bất cứ ai, không câu nệ thân sơ, đời hay đạo! Có ranh giới khác biệt nào đâu khi trái tim trong lòng mỗi người vốn cùng một bản chất, khi tính nguyên sơ của con người vốn hiền thiện? Có một lần lên núi dưỡng bịnh và dự lễ thỉnh nguyện giữa đông đảo chúng tổng hợp nơi thiền đường Chân Không, cô Hạnh Chứng bước ra thưa:

– Tâm con vẫn còn bất an!

Câu nói của cô làm tôi nao lòng, chưa “đáo bỉ ngạn” thì tâm con người vẫn còn nhiều trăn trở bất an. Nhưng điều này vẫn không ngăn người ta xử tốt với nhau, tử tế với nhau. Tan buổi lễ tôi chặn cô lại với nụ cười:

– Công nhận sư phụ đặt tên cô nghe hay há?

– Giá mà được hay như vậy, tưởng chứng đắc, ai dè chứng tật không hà!

Chứng đắc chứng tật gì, cô vẫn niềm nở giúp đỡ tôi, ngay cả chị Thuần Hoà ốm nhom gầy guộc cũng sốt sắng chia xẻ những gì mình có với tôi, Còn cô Cảnh lăng xăng hỏi tôi có nón len chưa để cô đan tặng, riêng cô Bảo thì dành cho tôi ánh mắt hiền dịu ấm áp…Đặc biệt, thầy Phước Hảo mỗi lần gặp tôi là nụ cười hoan hỉ muôn thu luôn xuất hiện, ngoài những lời bảo ban ôn tồn, thầy còn cho tôi vài trái cam hay quà bánh gì đó, niềm bình an của thầy truyền sang làm tôi có cảm giác giải thoát, nhẹ nhàng khi diện kiến thầy.

Núi cao hay đồng bằng, thôn quê hay phố thị, nơi đâu tôi cũng luôn là kẻ nhận và choáng ngợp vì những bàn tay từ ái, những tấm lòng bao dung rộng mở, và khi dưỡng bịnh nơi nhà chị Thuần Tuệ tôi càng thấm thía hơn về điều này. Tôi cứ nhớ mãi một câu: “Có nhiều cái ân lớn đến nỗi người ta chỉ còn cách là … vô ơn! Quên nó đi!” nghe thật lạ lùng mà sao chí lý quá đối với tôi. (Có vẻ như tôi rất thích hợp với hành tung bội bạc, cho dầu có những cái ân nặng đến nỗi, phút lìa đời mình cũng khó mà quên) Do vậy, bất kể lòng an hay không an, tình của nhân gian đối với tôi thật là đẹp.

Tôi nhớ trong buổi thỉnh nguyện ở Chân Không, quí cô cốc núi bẽn lẽn thưa mình có lúc mê ngủ quên mất buổi thiền khuya, riêng một bà già lụm cụm đã bước ra trình:

– Bạch thầy, con có cái lỗi là khi thì tu thiếu, lúc thì tu lố…

Sư phụ không nhịn được cười, dịu dàng dạy:

– Ừ, tu thiếu thì lỗi nhưng tu lố thì không sao hết, thầy cho … tha hồ, không trách đâu!… nhưng ráng tu cho đủ đừng tu thiếu nhiều nghe!…

Ở Viên Chiếu có lần quí thầy Đại Tùng Lâm ghé thăm và buột miệng châm chọc:

– Mấy cô ở đây mà tu cái gì! Nếu không phải vậy thì sao con chim nó cứ gào: “Tu hú! Tu hú!” vậy?

Hạnh Huyền lúc đó lẹ mồm cải chính liền:

– Dạ không, không phải đâu! Nó ca ngợi tụi con là: “Tu đủ! Tu đủ!” đó chứ!

Kể lại hành trạng của chư thiền sinh cách nay ba mươi năm hay gần đây nhất, có lẽ độc giả sẽ thấy sao mà chẳng có chút gì đạo vị, chẳng siêu thoát như chư thiền sư, chư cổ đức, hoặc chí ít cũng phải như trong kinh đã dạy? Xin thưa rằng thiền sinh chỉ là những người đang tập sự, chưa thành thánh, vẫn có những buồn vui rất trẻ con, rất đời thường. Nhưng tôi lại cho đó là nét đẹp vì nó gần gũi với cuộc sống. Người ta nói phải viết tự do thì ngòi bút mới tuôn chảy mượt mà, tôi xin cảm ơn Viên Chiếu đã cho tôi cái tự do đó, cái tự do không câu nệ danh xưng, cái tự do được nói thật mọi điều mà không e dè. Thật là thích vì quí cô sinh ra chưa là thánh, để người sau nhìn vào cảm thấy gần gũi và dám hi vọng mình có phần. Tôi thì vốn hay bươi móc khuyết điểm… (khoái nhất là khuyết điểm của những bậc trưởng thượng). Người ta nói: “trăng đến rằm thì tròn”, nhưng những chuyện tôi kể, lại ở vào thời điểm trăng chưa tròn! Thế nên, nếu ai đó thích sự hoàn hảo, muốn ngắm nét đẹp trọn vẹn của ánh nguyệt thì xin hãy chờ đến… rằm! Hãy chờ đến khi ai nấy đều…tu đủ!

VIẾT XONG -1979