cổ xã tự bảo tồn pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(古社寺保存法) Là pháp luật được chế định vào năm Minh trị 30 (1897) tại Nhật bản, mục đích nhằm bảo vệ kiến trúc và cổ vật của các chùa. Trong cuộc Minh trị duy tân, khuynh hướng Âu hóa phát triển mạnh, những văn vật cũ không được coi trọng, đến nỗi hủy bỏ thần Phật, các nghệ thuật phẩm và các chùa viện cổ kính phần nhiều bị hủy hoại. Những nhà thức giả hết sức than phiền, chính phủ mới thành lập cục giữ gìn vật báu, tiến hành điều tra, giám định các bảo vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật trên toàn quốc. Nhưng vì thiếu sự cưỡng chế về mặt luật pháp, nên hiệu quả của việc giữ gìn bảo vật không có bao nhiêu. Năm Minh trị 30, Cổ xã tự bảo tồn pháp được công bố, dưới Nội vụ tỉnh (năm Minh trị 44 giao sang Văn bộ tỉnh), đặt hội Cổ xã tự bảo tồn, phụ trách việc bảo hộ cổ vật, giám định cấp bậc. Lại các chùa đều có chỉ định người giám hộ, nếu để mất mát hoặc tổn hại, thì cứ theo luật pháp xử trị. Phí tổn đều do ngân sách nhà nước chịu. Kèm theo luật này, có vài khoản pháp qui, qui định chức giám đốc (Nội vụ đại thần) của hội Cổ xã tự bảo tồn, tổ chức biên chế và các loại dự toán. Tính đến năm Chiêu hòa thứ 3 (1928), hơn một nghìn tòa kiến trúc được liệt kê vào hạng đặc biệt bảo hộ, hơn ba nghìn sáu trăm vật kiện quốc bảo. Sau khi luật này được thành lập, đã mấy lần sửa đổi pháp qui, đến tháng 3 năm Chiêu hòa thứ 4, đính lập Quốc bảo bảo tồn pháp, mới bỏ Cổ xã tự bảo tồn pháp.