cố tư nghiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(故思業) Phạm: Saôcitanika-karman. Chỉ các nghiệp thân, khẩu được tạo tác một cách cố ý, đối lại với Bất cố tư nghiệp. Còn gọi là Cố tác nghiệp, Cố tư tạo nghiệp. Nói đủ là Cố tư sở tạo nghiệp. Nói tắt là Tác nghiệp. Đối với một việc có nên làm hay không thì trước phải suy xét, cân nhắc, nếu quyết định nên làm, thì lúc đó mới phát ra lời nói và hành động mà làm, một việc làm như thế, gọi là Cố tư nghiệp – trái lại, một việc vô tình mà làm, thì gọi là Bất cố tư nghiệp. Luận Du già sư địa quyển 90 (Đại 30, 807 hạ), nói: Cố tư sở tạo nghiệp, có nghĩa là trước đã suy nghĩ tính toán cẩn thận rồi mới làm. Lại có tình huống thác loạn, không thác loạn. Thác loạn có nghĩa là ở chỗ nào đó, nghĩ muốn giết hại, muốn cướp đoạt, muốn nói lời chia lìa, muốn nói dối và lừa gạt v.v… Nghĩ như thế rồi liền đem thực hiện ý nghĩ ấy ở chỗ khác. Nên biết rằng, ở đây do ý muốn, tư tưởng mà gọi là nặng, chứ không phải do việc làm mà gọi là nặng. Còn không thác loạn thì trái ngược với điều nói trên. Nếu khác với việc làm này, thì gọi là Phi cố tư tạo (không cố ý làm). Cố tư nghiệp sẽ chiêu cảm quả dị thục thiện ác, còn Bất cố tư nghiệp thì không. Cứ theo luận A tì đạt ma tạp tập quyển 7 chép, thì Cố tư nghiệp có năm thứ: 1. Tha sớ giáo sắc, nghĩa là mình không muốn làm, nhưng do người khác ra lệnh bắt phải làm. 2. Tha sở khuyến thỉnh, nghĩa là mình không muốn làm, nhưng do người khác khuyên lơn, dỗ dành, rồi cho là có lợi ích mà làm. 3. Vô sở liễu tri, nghĩa là không rõ được, mất, không chấp trước gì, theo ý muốn làm mà làm. 4. Căn bản chấp trước, nghĩa là bị tham, sân, si, che lấp tâm tính, chấp trước mạnh mẽ mà làm một cách hăng hái, say sưa. 5. Điên đảo phân biệt, nghĩa là vì ưa thích tà pháp, muốn được quả dị thục khả ái trong vị lai mà làm. Trong năm thứ kể trên, ba thứ trước là nghiệp cố tư nhẹ, là nghiệp bất định, cũng gọi là Bất tăng trưởng nghiệp. Còn hai thứ sau thì nghiệp nặng, nghiệp quyết định, cũng gọi là Tăng trưởng nghiệp. [X. kinh A hàm Q.44 – luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.4 – Du già luận kí Q.5 – Tạp tập luận thuật kí Q.8, Bách pháp vấn đáp sao Q.3].