cổ thanh lương truyện

Phật Quang Đại Từ Điển

(古清凉傳) Gồm hai quyển. Do vị tăng đời Đường là Tuệ tường soạn. Sách được hoàn thành vào niên hiệu Vĩnh long năm đầu (680) đời Cao tông đến khoảng niên hiệu Hoằng đạo năm đầu (683). Thu vào Đại chính tạng tập 51. Trong kinh Hoa nghiêm phẩm Bồ tát trụ xứ có chép, bồ tát Văn thù sư lợi trụ nơi núi Thanh lương để thuyết pháp, giới Phật giáo bèn cho núi Ngũ đài ở tỉnh Sơn tây là núi Thanh lương của bồ tát Văn thù sư lợi cư ngụ. Về các sự tích của núi Ngũ đài, trừ sách này ra, còn có Quảng thanh lương truyện do Diên nhất đời Tống soạn, Tục thanh lương truyện do Trương thương anh soạn, và bộ sách này được xem là bộ sách xưa nhất, cho nên gọi là Cổ thanh lương truyện. Đầu sách có lời tựa của Sa môn Quảng anh đề năm Đại định (1181) đời Kim. Toàn sách chia làm năm tiết, quyển thượng: 1. Lập danh tiêu hóa, nói rõ nguồn gốc tên núi Ngũ đài hoặc núi Thanh lương, và nguyên do mà Phật giáo đồ coi núi này là Thánh địa của Phật giáo. 2. Phong vực lí số, nói rõ về vị trí địa lí của núi Thanh lương. 3. Cổ kim thắng tích, tường thuật những thắng tích, chùa, hang đá của Phật giáo xưa và nay trên núi này. Quyển hạ: 4. Du lễ cảm thông, ghi chép sự tích linh cảm của những người đi hành hương núi Ngũ đài. 5. Chi lưu tạp thuật – thu chép bốn sự tích linh dị của các cư sĩ tại gia ở núi Ngũ đài. Từ sách này, người ta có thể biết cái tình hình tín ngưỡng núi Ngũ đài ở thời kì đầu, để rồi toàn thịnh vào thời đại Tùy, Đường.