cổ linh khai bội

Phật Quang Đại Từ Điển

(古靈揩背) Cổ linh kì (cọ) lưng. Tên công án trong Thiền tông. Là công án của Thiền sư Cổ linh Thần tán đời Đường, sau khi khai ngộ, hiển bày cơ phong của mình. Cổ linh bắt đầu xuất gia ở chùa Đại trung thuộc Phúc lâm, sau từ biệt thầy mình rồi đi tham học khắp bốn phương, khi gặp ngài Hoài hải ở núi Bách trượng mới khai ngộ đắc pháp. Sau khi được pháp lại trở về nơi thầy của mình. Một hôm, thầy tắm, sư Cổ linh kì lưng cho thầy, trong lúc kì cọ, đối ứng tự nhiên, phóng ra bắt lại, mặc sức tự do, không gì trở ngại, để lộ rõ cái cơ phong sau khi đã ngộ phép Thiền. Ngũ đăng hội nguyên quyển 4 chương Cổ linh Thần tán (Vạn tục 138, 63 hạ), nói: Một hôm, thầy tắm, sai Cổ linh kì lưng, Cổ linh bèn vỗ lưng thầy và nói: Nhà Phật đẹp quá! Mà Phật chẳng thiêng!. Thầy ngoái lại nhìn, Cổ linh nói tiếp: Phật tuy chẳng thiêng, nhưng có thể phóng ra ánh sáng. Trong tắc công án này, lúc đầu Cổ linh nói Nhà Phật đẹp quá là lấy nhà Phật làm thí dụ để ám chỉ lưng của thầy mình, tiếp theo nói Nhà Phật chẳng thiêng là có ý than thở tiếc rằng thầy chưa ngộ. Thầy không nói gì được mới quay lại nhìn Cổ linh. Đến đây, Cổ linh nắm lấy cơ duyên, nói ngay Phật tuy chẳng thiêng, nhưng có thể phóng ra ánh sáng. Như thế chứng tỏ cái cơ phong Thiền pháp của Cổ linh, buông ra bắt lại, không hề trở ngại, khi nói khi lặng, khi động khi tĩnh, rõ ràng là hiển bày cái cảnh giới đã siêu việt hẳn thầy mình.