cơ đốc giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(基督教) Nói theo nghĩa rộng thì Cơ đốc giáo là chỉ chung các giáo phái thờ Jésus Christ làm Chúa cứu thế, bao gồm Thiên chúa giáo, Đông chính giáo, Tân giáo. Còn cái mà Trung quốc gọi là Cơ đốc giáo thì thông thường chỉ cho Tân giáo, là sản phẩm sau cuộc cải cách tôn giáo vào thế kỉ XVI, đó là nói theo nghĩa hẹp. Cơ đốc giáo là tôn giáo có tính thế giới, cùng với Phật giáo, Hồi giáo nói chung là ba tôn giáo lớn của thế giới. Tín đồ Cơ đốc giáo rải rắc khắp hoàn cầu, ảnh hưởng toàn thế giới, đặc biệt đối với lịch sử, chính trị, tư tưởng và nghệ thuật phương Tây, đã có ảnh hưởng rất lớn. Vào thế kỉ thứ I Tây lịch, Jésus người Do thái ở Palestine tuyên bố thế giới là do Thượng đế (chúa trời) sáng tạo. Cơ đốc giáo chủ trương từ khi thủy tổ của loài người đã phạm tội và phải chịu khổ trong tội lỗi, thì chỉ còn cách là tin vào Thượng đế và con của ngài là Jésus Christ thì mới có thể được cứu rỗi. Cơ đốc giáo lấy Cựu ước toàn thư (thừa kế kinh điển của Do thái giáo) và Tân ước toàn thư làm Thánh kinh. Nay chia một cách vắn tắt lịch sử phát triển của Cơ đốc giáo làm ba thời kì: Cổ đại, Trung cổ và Cận đại để khảo sát. 1. Cổ đại: tín đồ Cơ đốc vì không chịu tôn sùng hoàng đế La mã mà bị bách hại trong một thời gian dài. Đến năm 313 Tây lịch, Đại đế Quân sĩ thản đinh mới giải tỏa lệnh hạn chế đối với Cơ đốc giáo. Đến năm 337 thì Cơ đốc giáo trở thành quốc giáo của La mã. 2.Trung cổ: thế kỉ thứ V, đế quốc Tây La mã mất vào tay các bộ tộc mọi rợ, văn hóa châu Âu thời thượng cổ rơi vào thời đại đen tối. Thời kì này, Cơ đốc giáo lãnh trọng trách giáo hóa xã hội, bảo tồn văn hóa, và gián tiếp xúc tiến việc phục hưng nền kinh tế, đối với văn minh châu Âu đã có những cống hiến rất lớn. Sau vì đế quốc La mã chia thành Đông, Tây, giáo hội phương Tây cũng theo đó mà phân li: năm 1054 chia làm giáo hội Hi lạp phương Đông (Đông chính giáo) và giáo hội La mã phương Tây (Công giáo tức Thiên chúa giáo). 3. Cận đại: từ thế kỉ XIV trở về sau, Thiên chúa giáo La mã dần dần hủ hóa. Cho nên, năm 1517, Mã đinh lộ đức (Martin Luther) phát động phong trào cải cách tôn giáo, do đó mà đẻ ra Tân giáo. Về sau, Tân giáo là gọi chung các giáo phái li khai với giáo hội Thiên chúa giáo La mã phương Tây, như Lộ đức phái, Cải cách phái, Anh quốc quốc giáo phái, Trưởng lão hội, Công lí hội, Quí cách hội, Tẩm tín hội v.v… Qua những chấn động ấy, Thiên chúa giáo cũng ra sức sửa đổi, nên đã manh nha cuộc vận động cải cách khác đối lại với cuộc cải cách trước, trong đó có Da tô hội là nổi bật hơn cả. Đến thế kỉ XIX, XX có sự vận động thống nhất các giáo phái, cố gắng liên kết các giáo hội Cơ đốc trên thế giới, xúc tiến công cuộc hợp tác. Cơ đốc giáo tuy chia thành Thiên chúa giáo, Đông chính giáo, Tân giáo, nhưng cơ sở tín ngưỡng vẫn chỉ là một vị thần duy nhất, tức là chúa Jésus Christ. Nay trình bày giáo nghĩa, lễ nghi sai khác của ba giáo như sau: I. Thiên chúa giáo La mã. Còn gọi là Thiên chúa giáo, Công giáo, La mã công giáo, Gia đặc lực giáo, cũng gọi Cựu giáo, để phân biệt với Tân giáo (Cơ đốc giáo sau cuộc cải cách tôn giáo). Giáo nghĩa cơ bản: 1. Mười điều răn của chúa trời: sùng kính Chúa trời, không được nhân danh chúa trời mà phát lời thề dối trá, không bỏ ngày xem lễ, hiếu kính cha mẹ, không giết người, không gian dâm, không ăn trộm, không làm chứng láo, không chiếm vợ người khác, không tham của của người khác. 2. Bốn qui luật Thánh giáo: dự lễ ngày Chúa nhật và ngày đại lễ Misa, tuân thủ kì chay do giáo hội qui định, mỗi năm ít nhất xưng tội một lần và nhận Thánh lễ, hết sức ủng hộ các kinh phí của giáo hội. 3. Bảy việc Thánh: rửa tội, thêm sức, ăn bánh Thánh, giải tội, truyền chức Thánh, hôn nhân, xức dầu. 4. Đạo lí cơ bản mà giáo đồ phải tin: a. Thuyết sáng thế ba ngôi một thể, nghĩa là chỉ có một thể Thần, nhưng trong gồm có ba ngôi Thánh, tức Thánh cha (Thượng đế), Thánh con (Jésus Christ) và Thánh linh. Thần sáng tạo ra vũ trụ vạn vật. b. Nguyên tội và cứu chuộc, nghĩa là người đầu tiên của thế gian là Adam đã không tuân theo lời chỉ dạy của thần mà phạm vào nguyên tội, vì thế tội của Adam truyền cho mọi người sinh ra trên thế giới. Thần sai người con độc nhất của Thần là Jésus Christ xuống cứu chuộc hết thảy tội ác cho con người (bao gồm nguyên tội và các tội sau này vì xúc phạm luật pháp của Thần mà có). Khi ở đời, Jésus dạy loài người tin tưởng nơi Thần và thành thật ăn năn để được cứu vớt. c. Bản chất của giáo hội: nghĩa là giáo hội tiếp nối Jésus Christ Cơ đốc để hoàn thành sứ mạng cứu rỗi người đời. d. Đời sau, nghĩa là sau khi thân này chết, linh hồn sẽ sinh lên Thiên đường, vào hỏa ngục hay xuống địa ngục. II. Đông chính giáo. Năm 1054, Đông chính giáo thoát li khỏi Thiên chúa giáo La mã mà độc lập, chủ yếu truyền bá ở Hi lạp, Nga, Đông âu, Tây á. Thánh kinh và Thánh truyền thống là nguồn gốc của giáo nghĩa Đông chính giáo. Phái này cho rằng Thánh linh là do Thánh cha mà ra, khác với chủ trương của Thiên chúa giáo và các giáo hội hương tây khác cho rằng, Thánh linh là do Thánh cha và Thánh con mà ra. Trừ điểm này, còn các giáo nghĩa khác thì không sai khác mấy. Đông chính giáo cũng làm bảy việc Thánh, duy cách giải thích thì có hơi khác với Thiên chúa giáo. III.Tân giáo. Tức là Cơ đốc giáo theo nghĩa hẹp, bắt nguồn từ cuộc cải cách tôn giáo năm 1517. Bao gồm nhiều phái khác nhau. Cách thức lễ bái của các phái không phải là giống nhau hết, còn giáo nghĩa thì đại lược cũng giống với Thiên chúa giáo và Đông chính giáo, nhưng về mối quan hệ giữa thần và người thì Tân giáo có kiến giải đặc biệt khác. 1. Cho rằng con người muốn được cứu thì chỉ cần nhờ vào ân huệ của thần, chứ không như Thiên chúa giáo chủ trương tín đồ cũng có thể nhờ vào niềm tin và làm những việc thiện mà được cứu. 2. Cho rằng duy chỉ có Thánh kinh có đủ quyền uy chỉ đạo tín ngưỡng, còn Thiên chúa giáo và Đông chính giáo thì nhấn mạnh Thánh kinh và giáo hội truyền thống đều là cơ sở của tín ngưỡng. Cơ đốc giáo truyền vào Trung quốc, bắt đầu vào năm Trinh quán thứ 9 (635) đời Đường với phái Niếp tư thác lí, thời ấy gọi là Cảnh giáo (cảnh hàm ý là sáng sủa). Năm Hội xương thứ 5 (845), triều đình cấm tuyệt Phật giáo, Cảnh giáo cũng bị lây và tuyệt tích ở vùng trung nguyên. Đến đời Nguyên, Thiên chúa giáo và phái Niếp tư thác lí lại truyền vào, cả hai thông thường gọi là Dã lí khả ôn giáo, hoặc Thập tự giáo, nhưng không lưu truyền rộng, khi nhà Nguyên mất thì cũng đều dứt theo. Đến đời Minh, Da tô hội lại một lần nữa truyền vào. Đến đời Thanh, vào khoảng cuộc chiến tranh nha phiến, các tông phái Tân giáo cũng lục tục truyền vào. Giáo sĩ truyền giáo của các tông phái đi sâu vào nội địa Trung quốc để mở rộng phạm vi truyền đạo, thành lập giáo hội, đồng thời, họ mở trường học các cấp, trường dạy người mù, câm, mở các viện dưỡng lão, viện cô nhi, cũng tổ chức việc dịch kinh sách, nghiên cứu Hán học, rồi dịch Tứ thư Ngũ kinh ra tiếng Anh – khoa học phương Tây cũng theo chân các giáo sĩ truyền giáo mà du nhập Trung quốc, tóm lại, đối với cuộc giao lưu văn hóa và nghệ thuật, Cơ đốc giáo đã có nhiều ảnh hưởng sâu xa.