cổ điển

Phật Quang Đại Từ Điển

(古典) Chỉ cho kinh Phật hoặc những tác phẩm của các bậc tổ sư, tiên đức. Phật giáo có rất nhiều kinh điển mà không một tôn giáo nào khác có thể sánh kịp, trong đó, đa số có những giá trị vĩnh viễn được bảo tồn. Ngoài ra, những trứ tác của các bậc tổ sư, tiên đức có thể sánh với Thánh điển cũng rất phong phú. Những tác phẩm này đều có thể được gọi là cổ điển của Phật giáo. Thông thường, tín đồ Phật giáo rất quí trọng các trứ tác của Phật, Bồ tát, Tổ sư, Tiên đức, gọi chung là Thánh giáo. Trong Pháp hoa văn cú kí quyển 10 phần dưới của ngài Trạm nhiên đời Đường (Đại 34, 395 hạ), nói: Một câu thấm thần, đều giúp bờ kia. Trong Phạm võng kinh khai đề, ngài Không hải, vị tăng Nhật bản, cũng nói (Đại 62, 2 trung): Mỗi một câu, mỗi một chữ đều là thân Pháp mạn đồ la của chư tôn. Trong những câu nói này đều có ý tôn trọng cổ điển. Kinh Duy ma cật sở thuyết quyển hạ phẩm Pháp cúng dường thì nói (Đại 14, 556 hạ): Y theo nghĩa, không y theo lời, y theo trí, không y theo thức , y theo kinh rõ nghĩa, không y theo kinh không rõ nghĩa, y theo pháp, không y theo người. Đó tức là Pháp tứ y . Trong Nhân minh, y theo lời dạy của Thánh hiền mà lượng biết nghĩa lí, gọi là Thánh giáo lượng, đây cũng là quan điểm tôn trọng cổ điển. Chủ trương của Thiền tông chẳng lập văn chữ, nhấn mạnh cái tệ hại của sự câu nê văn chữ, nhưng tuyệt nhiên không bài xích cái ý pháp mà văn chữ biểu đạt. Cho nên trong Tùng lâm, Phật điển, Tổ lục do cổ Phật, tiên đức truyền lại rất được tôn trọng, nếu người tu Thiền thấm nhuần được lời dạy của Phật hoặc của các bậc cao tăng và lấy đó làm tấm gương để soi tâm linh của chính mình, thì có thể bỏ tà về chính, bỏ chấp về chân, gọi là Cổ giáo chiếu tâm , hoặc Chiếu tâm cổ giáo.