chuyển y

Phật Quang Đại Từ Điển

(轉依) Phạm: Àzraya-parivftti hoặc Àzrayaparàvftti. Nghĩa là chuyển đổi chỗ sở y (chỗ nương tựa). Còn gọi là Sở y dĩ chuyển, Biến trụ (đổi chỗ ở). Chuyển, là nghĩa chuyển bỏ, chuyển được – Y, là khiến chỗ sở y của các pháp nhiễm tịnh mê ngộ được thành lập. Chuyển y, tức chuyển bỏ chỗ sở y của pháp kém cỏi, mà chứng được chỗ sở y của pháp tốt hơn. Như tông Duy thức nói, nhờ tu Thánh đạo, đoạn diệt phiền não chướng, sở tri chướng, mà chứng được quả Niết bàn, Bồ đề, hai quả này tức gọi là hai quả chuyển y hoặc là hai quả chuyển y mầu nhiệm, đó là cảnh giới thù thắng nhất của sự tu tập. Trong điều trình bày trên, hai chướng phiền não và sở tri bị đoạn trừ, tức là pháp bị chuyển bỏ – hai quả Niết bàn và Bồ đề mầu nhiệm được chứng, tức là pháp chứng được. Trong luận Thành duy thức quyển 9, có hai thuyết giải thích về Chuyển y: 1. Y, là chỗ nương tựa của các pháp nhiễm tịnh, tức chỉ tính y tha khởi. Chuyển, là chuyển bỏ tính biến kế sở chấp trên tính y tha khởi, mà chuyển được tính viên thành thực trong tính y tha khởi. Đây là đứng trên quan điểm ba tính để thuyết minh tư tưởng người ta phải như thế nào để từ trong thế gian chuyển hướng ra khỏi thế gian, đối với các hiện tượng duyên khởi không nên chấp là thực ngã, thực pháp, mà nên thấu đáo chân tính duy thức. 2. Y, chỉ chân như duy thức là chỗ nương tựa của sinh tử và Niết bàn: Chuyển, là diệt trừ sinh tử nương nơi chân như duy thức, mà chứng được Niết bàn nương nơi chân như duy thức. Đây là trực tiếp đứng trên lập trường nhận thức mê, ngộ về chân như duy thức mà thuyết minh làm thế nào để từ cái khổ sống chết đạt đến niềm vui Niết bàn. Loại chuyển y này đều thông qua sự tiêu trưởng sinh diệt của chủng tử trong thức A lại da mà được thực hiện, chuyển bỏ chủng tử phiền não chướng liền chuyển được quả Niết bàn, chuyển bỏ chủng tử sở tri chướng liền chuyển được quả Bồ đề. Luận Thành duy thức quyển 10 lại còn nêu lên bốn nghĩa chuyển y nữa: 1. Năng chuyển đạo, chỉ trí chứng ngộ chuyển y – tức là đạo năng phục, áp chế thế lực chủng tử của hai chướng phiền não, sở tri, khiến chúng không sinh được tác dụng, tức vô hiệu hóa các chủng tử, và đạo năng đoạn, đoạn diệt hết các chủng tử. 2. Sở chuyển y, chỉ chỗ nương tựa khi chuyển y. Có thức căn bản (trì chủng y) giữ gìn chủng tử của các pháp mê ngộ. 3. Sở chuyển xả, chỉ cái phải chuyển bỏ. Có các chủng tử của hai chướng phải chuyển bỏ, và chủng tử của các pháp hữu lậu khác cùng chủng tử vô lậu kém cỏi cũng phải chuyển bỏ. 4. Sở chuyển đắc, chỉ cái phải chuyển được. Tức là chuyển được Niết bàn và Bồ đề. Ngoài ra, Phật địa kinh luận quyển 7, cứ theo ý sở chuyển đắc mà giải thích Chuyển y, cho rằng chuyển y là tướng của Pháp thân. Nhiếp đại thừa luận bản quyển hạ, căn cứ theo ngôi vị chứng được có khác nhau mà chia Chuyển y làm sáu thứ, gọi là Lục chuyển y. Luận Tam vô tính quyển hạ, thì y theo giai vị tu hành mà chia làm năm thứ chuyển y, tức là: 1. Nhất phần chuyển y, có nghĩa là người Nhị thừa diệt hết ngã kiến ngã ái, được vô lậu tương tục mà khác với phàm phu. 2. Cụ phần chuyển y, có nghĩa là các Bồ tát Sơ địa chứng được nhân không, pháp không. 3. Hữu động chuyển y, Bồ tát dưới Thất địa có quán ra, quán vào (tức là hơi thở) cho nên gọi là Hữu động. 4. Hữu dụng chuyển y, Bồ tát dưới Thập địa, có việc chưa làm xong, chưa bỏ công dụng, cho nên gọi là Hữu dụng. 5. Cứu kính chuyển y, đến ngôi vị Như lai, được quả tròn đầy rốt ráo. Luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 10, liệt kê ba loại chuyển y: 1. Được đạo Vô học, chứng pháp tính, gọi là Tâm chuyển y. 2. Việc cần làm đã làm xong, đạo quả tròn đầy cùng tột, gọi là Đạo chuyển y. 3. Vĩnh viễn xa lìa hết thảy phiền não tùy niệm, gọi là Thô trọng chuyển y. Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 3 phẩm Bồ đề thì nêu lên sự chuyển y của Như lai có mười thứ khác nhau. [X. kinh Giải thâm mật Q.5 – Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.7 – luận Câu xá Q.15 – luận Du già sư địa Q.51, Q.74, Q.78 – luận Hiển dương thánh giáo Q.16 – Giải thâm mật kinh sớ Q.9]. (xt. Lục Chuyển Y).