chuyển thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(轉識) I. Chuyển thức. Phạm: Pravfttivijĩàna. Tông Duy thức nói về bảy thức chuyển khởi, tức là bảy thức trước: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạt na. Chuyển, là nghĩa chuyển biến, chuyển đổi, chuyển khởi, chuyển dịch. Có nghĩa là bảy thức trước lấy thức A lại da làm chỗ nương tựa, rồi duyên theo các cảnh sắc, thanh… mà chuyển khởi, có khả năng chuyển đổi ba cảm thụ khổ, lạc, xả, chuyển biến ba tính thiện, ác, vô kí, vì thế gọi là bảy chuyển thức. Lại Nhiếp đại thừa luận thích, (bản dịch đời Lương), quyển 2 gọi đó là thức sinh khởi, nhưng chỉ là sáu thức trước, chứ không bao gồm thức thứ bảy. [X. kinh Nhập lăng già Q.2 – luận Du già sư địa Q.51, Q.63 – luận Thành duy thức Q.2 đến Q.4 – Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu]. (xt. Thất Chuyển Thức). II. Chuyển thức. Tên gọi khác của thức A lại da thứ tám. Tiếng dùng của tông Duy thức. Thức A lại da có hơn mười loại tên gọi khác nhau, vì thức A lại da là nơi các pháp nương vào mà chuyển khởi, cho nên có tên gọi này. [X. Duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.4 phần đầu]. III. Chuyển thức. Nói tắt của từ ngữ Chuyển thức đắc trí, Chuyển thức thành trí. Tông Duy thức chủ trương, chuyển đổi các thức hữu lậu là thức A lại da thứ tám, thức mạt na thứ bảy, ý thức thứ sáu và năm thức trước, lần lượt thành các trí vô lậu là trí Đại viên kính, trí Bình đẳng tính, trí Diệu quan sát và trí Thành sở tác, đó là nghĩa Chuyển thức đắc trí. [X. luận Thành duy thức Q.10]. (xt. Chuyển Thức Đắc Trí). IV. Chuyển thức. Là ý thứ hai trong năm ý được nói trong luận Đại thừa khởi tín. Chuyển tướng trong Môn vô minh được gọi là Chuyển thức trong Môn thức thể. Tức là chuyển đổi nghiệp thức vô minh căn bản (ý thứ nhất trong năm ý) thành thức năng kiến. Cũng tức là chuyển sinh tác dụng chủ quan sáng suốt đồng thời với sự sản sinh nghiệp thức. Trong Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí quyển trung phần cuối, Pháp tạng bỏ ý thứ hai trong năm ý ra, còn lại gọi là Chuyển thức, cũng gọi Sự thức là Chuyển thức. Nếu phối với tám thức, thì ý thứ hai trong năm ý là Chuyển thức thuộc về thức thứ tám – Sự thức là Chuyển thức thuộc về sáu thức trước. Lại trong Đại thừa nghĩa chương quyển 3 phần cuối, Tuệ viễn căn cứ theo ý của luận Khởi tín mà giải thích Chuyển thức là tên gọi khác của thức thứ bảy, điều này khác với thuyết của ngài Pháp tạng – nhưng bảo Sự thức là Chuyển thức thì đồng với quan điểm của Pháp tạng.