chuyên tạp nhị tu

Phật Quang Đại Từ Điển

(專雜二修) Tức chỉ chuyên tu và tạp tu. Nói tắt là Chuyên tạp. Có nhiều giải thích khác nhau về hai cách tu này. Sa môn Hoài cảm lấy kinh Bồ tát xử thai làm căn cứ, nói giữ tâm không bền gọi là Tạp tu, dụng tâm kiên cố gọi là Chuyên tu. Những người tạp tu sinh vào nơi giải mạn, những người chuyên tu mới sinh nơi Cực lạc, đây là theo sự dốc lòng hay không dốc lòng mà bàn về chuyên, tạp khác nhau. Trạch anh và Nguyên không cho hai cách tu ấy là hai hạnh Chính, Tạp, bảo rằng, đem ba nghiệp thân khẩu ý mà lễ bái, nhớ nghĩ Phật A di đà, gọi là chuyên tu, dùng tâm tản mạn mà tu các pháp lành gọi là tạp tu. Chứng không thì căn cứ vào hai đường khó, dễ mà giải thích hai cách tu, bảo rằng Tạp tu là Nan hành đạo (đạo khó làm), Chuyên tu là Dị hành đạo (đạo dễ làm). Lại còn thuyết khác cho rằng, bất luận là chính hành hay tạp hành, chỉ căn cứ vào sự có đủ hay không đủ ba tâm, bốn tu mà chia thành hai cách tu. Ngài Thiện đạo chia sự tu hành cầu vãng sinh Tịnh độ thành năm chính hành và năm tạp hành, trong đó, năm chính hành lấy việc niệm Phật làm chính nghiệp, các hành khác là trợ nghiệp, mà ngoài việc niệm Phật ra, kiêm tu các trợ nghiệp và tạp hành khác thì gọi là tạp tu.Ngoài ra, còn bàn về sự hơn kém, được mất của hai cách tu mà bảo rằng, chuyên tu có bốn cái được, tạp tu có mười ba cái mất. Lại nói người chuyên tu chắc được vãng sinh là nghìn người không mất một người, người tạp tu chắc chẳng được vãng sinh, là trong nghìn người không có một người, trong muôn nghìn người không có một người vãng sinh [X.luận Thích tịnh độ quần nghi Q.4,Vãng sinh lễ tán kệ tiền tự (Thiện đạo), Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập – vãng sinh lễ tán yếu nghĩa thích quán môn nghĩa sao Q.3 – Niệm Phật danh nghĩa tập Q.thượng]. (xt. Chính Tạp Nhị Hành).