CHUYẾN ĐI BẤT NGỜ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Tôi quanh năm cấm túc chẳng đi đâu nên việc đi chơi đó đây dù là trong nước xem như rất hiếm.

Một ngày đẹp trời điện thoại reo vang, bạn bè gọi điện tới, thúc hối tôi nên làm một chuyến viễn du cho mở rộng tầm mắt và còn bảo rằng đây là chuyến đi cực kỳ thú vị, bỏ qua rất uổng.

Giá chuyến đi rất cao, mà đồng lương viết báo của tôi các em thường bảo là “nuôi không nổi… hai con chó và mấy con mèo”. Thế thì làm sao tôi dám mơ đi một chuyến dài hơn cả tuần, phí tổn được tính bằng tiền đô?

Tôi ít thọ hưởng tiền đàn na tín thí, dẫu có thọ nhận, thì “của tín thí nan tiêu”, nhận một hạt gạo cũng phải cẩn trọng, phải lo tu hành để đền đáp những cái ân như núi – Người ta vì lòng tin mà nhường cơm xẻ áo, mong mình tu đàng hoàng để Phật pháp được trường tồn, rộng truyền, giúp ích chúng sinh… Hơn nữa, hạng phước đức cạn mỏng như tôi làm sao dám tơ tưởng đến chuyện viễn du, hưởng thụ?…

Do vậy mà tôi đành từ chối. Các bạn tôi chẳng thèm đá động gì tới vụ này nữa. Nhưng sau đó họ báo tin: Đã đăng ký đóng tiền vé cho tôi. Và tôi chỉ còn mỗi một việc là thu xếp hành lý lên đường. Không thể để họ tốn kém nhiều, tôi moi hết tiền trong con heo đất ra, bàn: Tôi sẽ phụ nộp nửa số tiền vé, phần còn lại để họ bao! Thấy tôi chịu đi, bạn bè vui lắm, gọi điện chúc mừng hòai.

Cái cốc tôi ngoài lũ chó, mèo và tôi với nhỏ Hương ra thì chẳng còn ai khác. Nếu tôi đi xa, Hương phải ở lại trông nhà. Thêm nữa, dù có muốn đi thì Hương đào đâu ra số tiền lớn để mà mua vé song hành cùng tôi? Nên chuyện đi chung là điều chỉ có trong… mơ!

Vậy mà “mộng” bỗng thành “thực”, vài ngày trước khi xuất phát, một hành khách do người thân bệnh nặng nên bắt buộc phải hủy chuyến đi, chịu nhượng lại vé với nửa giá tiền. Diệu Ân, một hảo bằng hữu của tôi, rất quý Hương, âm thầm đóng tiền cho Hương đi. Thế là ngay ngày khởi hành, không hẹn mà tôi, nhỏ Hương và Diệu Ân đồng có mặt tại điểm xuất phát. Diệu Ân là người bận trăm việc, khó bỏ gia đình để đi đâu quá hai ngày. Còn chúng tôi chưa bao giờ vì viễn du dài hạn mà bỏ mặc cái cốc không ai coi. Thế nhưng tất cả những điều này lại đồng loạt xảy ra, khiến tôi cảm thấy chuyến đi có vẻ hi hữu… Nhất là kề cạnh mình toàn là những người thân thiết, hảo thiện nhân!

Phục vụ tuyến du lịch chúng tôi là công ty du lịch Vietravel. Diệu Ân nói Vietravel là một công ty rất tuyệt, nổi tiếng chăm lo chu đáo, luôn bố trí và sắp xếp chỗ ăn chỗ nghĩ tốt nhất cho khách… nếu đi công ty này thì không có gì phải phàn nàn. Theo dự định, chúng tôi sẽ đáp máy bay ra Huế, rồi từ Huế đi xe tham quan tà tà Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang… đến Cam Ranh thì đi máy bay vào lại Sài Gòn. Tất nhiên chúng tôi sẽ ghé thăm các thắng cảnh suốt lộ trình.

Chiếc xe Vietravel to đùng chở 17 hành khách (chỉ có mình tôi là tu sĩ) ra phi trường. Nguyễn Nhật Trình – Hướng dẫn viên du lịch – kiểm lại danh sách lần chót và bảo chúng tôi hãy cho biết ai ăn chay, ai ăn mặn? 11 ngón tay đưa lên đăng ký ăn chay, Trình ngạc nhiên lẩm bẩm:

– Lạ, đoàn khách này sao mà ăn chay đông quá?… Và em gọi điện đăng ký suất ăn cho chúng tôi.

Ra tới phi trường Tân Sơn Nhất thì trời đổ mưa lất phất. Lúc này đang mùa bão: Huế, Đà Nẵng vừa mới bị mấy trận mưa ngập cả đường sá. Hiếm ai thực hiện chuyến ngao du giữa mùa dông gió khác thường như thế này. Tôi nói nho nhỏ: Chẳng ai giống mình, trời mưa tầm tã, mưa vùi, mà đi xa…

Trình mỉm cười bảo:

– Đi thế này hay đó cô, vì không ai đi nên đoàn mình tha hồ thong thả, có chăm lo gì cũng tiện…

Trình vui là phải (vì không có khách đi du lịch thì hướng dẫn viên chỉ có nước nằm nhà ngáp gió).

Tôi hỏi: Những lúc ế không có lịch làm việc, Trình buồn không?

– Buồn chết được, đi riết quen rồi!

Tôi chưa đi máy bay bao giờ, những tưởng là tới… chết cũng chưa biết mùi máy bay. Vậy mà khi khổng khi không được thỏa nguyện, thấy cái gì cũng lạ cũng vui, tôi và Hương giống hệt Tư Ếch lên Sài Gòn.

Chúng tôi đi hãng hàng không Vietnam Airlines. Diệu Ân nói hãng này tuy cao giá nhưng tổ chức phục vụ rất tốt.

Vào máy bay, tôi ngồi cạnh cửa sổ, Hương an vị kế tôi. Thắt dây an toàn xong, tôi yên tâm ngắm cảnh. Máy bay từ từ cất cánh, ở trên cao nhìn xuống, thấy nhà cửa đường phố gì cũng bé tí hệt như các mô hình đồ chơi. Chẳng biết có phải vì mới cất cánh? – Mà phi cơ bay… nghiêng quá lâu, lâu đến tôi sợ nổi… da gà, ngắm dáng bay chẳng… thăng bằng này cộng với những hình ảnh xa tít phía dưới càng khiến tôi chóng mặt, cảm thấy… không an toàn và trỗi dậy những ý niệm lo sợ vẩn vơ… Hương cũng ngồi quan sát với tôi một hồi, cùng có chung nỗi sợ ấy… nhưng không ai nói ra, cuối cùng Hương nhắm tít mắt lại… chắc chắn là không phải để ngủ. Tôi biết thế nào nó cũng… niệm Đức Quan Âm miên mật để tự trấn an. Nếu đi máy bay mà không nhìn ra ngoài trời, chẳng mục kích hình dáng chao đảo quá lâu của nó thì rất dễ bình thản, an tâm. Nhưng dù sợ, tôi vẫn cứ nhìn qua cửa sổ, không bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng cảnh vật từ trên cao. Tôi rất muốn nghiêng người, chồm ra sát cửa sổ để nhìn cho mãn nhãn, nhìn cho rõ tất tần tật những gì đang xảy ra ngoài bầu trời, nhưng tôi sợ nếu mình chồm lên, nghiêng người như vậy… biết đâu sẽ làm máy bay mất thăng bằng rồi nó… nghiêng theo thì nguy, rất tội nghiệp cho hành khách. Sau này, khi nghe tôi thổ lộ ý nghĩ đó, bạn bè đều cười. Diệu Ân nói: Mình cô nghiêng người thì không sao, nhưng tất cả hành khách đều nhòai ra như vậy hết thì mới sợ…

Càng lên cao, cảnh càng đẹp, da trời xanh ngắt, mây trắng nằm rải rác phía dưới giống hệt những cụm tuyết.

Hồi 7,8 tuổi có lần tôi ngắm chiếc máy bay đang lượn qua bầu trời và hỏi một anh lính đóng quân gần nhà:

– Anh có đi máy bay lần nào chưa?

– Đi rồi!

– Có thấy mây không?

– Thấy!

– Thế… sao không lấy mây về?

– Mây làm sao mà lấy được?

– Vậy là anh chưa từng đi máy bay! – Tôi vênh mặt, nói một cách quả quyết. Lòng khóai chí thầm, tự nghĩ chắc anh lính đang nể tôi lắm. “Đừng có tưởng tôi bé, dễ bị gạt mà lầm!”… Rõ là mây đang nằm lớp lớp, giăng đầy trên bầu trời, máy bay thế nào cũng phải ngang qua mây, vậy mà dám nói là “không thể lấy mây được”, thế có phải vô lý lắm không? Bây giờ, ngồi trên máy bay, nhớ lại chuyện hồi nhỏ… tôi không khỏi buồn cười.

Hương đã mở mắt và lấy lại bình tĩnh, không thèm nhìn ra cửa sổ nữa. Nó trao cho tôi ly nước ngọt cô tiếp viên vừa phát và thì thầm vào tai tôi:

– Mấy người quanh đây cứ tưởng cô là… Việt kiều đi du lịch, đừng có ngắm ngơ ngẩn, lộ bộ mặt… Hai Lúa quá mức như vậy!

Bên dưới, thành phố Huế đã hiện ra, uớt sũng nước, trông rất buồn. Nghe nói lúc máy bay hạ cánh cũng ghê lắm – không khéo sẽ bị ù tai. Tôi vội bịt tai lại khi thấy máy bay đáp xuống. Nhưng có lẽ tôi bịt tai kín quá nên chẳng thấy đáng sợ và chẳng có cảm giác ù gì.

Khi chúng tôi xuống được tới đất, Hương đấm vào vai tôi thì thầm:

– Cô thỏa nguyện đi máy bay rồi nhé!

Tôi khe khẻ ngâm:

Thuở bé, chưa từng đi máy bay…
Cho nên ấm ức, “tiếc, hận” hòai
Đi rồi, thấy cũng… không gì khác
Nhưng hết còn mơ… chuyện trên mây!

Xuống phi trường Huế, chúng tôi lội bộ một đoạn ra đến chỗ xe Vietravel chờ đón, con đường ngoài sân bay loang lổ nước, nơi ngập nơi không, nước chỉ sấp sấp mắt cá chân. Mưa sụt sùi, ai cũng phải giương dù che. Lên xe, thấy an lòng hơn ở trên máy bay. Xe đổ về khách sạn Parkview (nghe nói khách sạn này thuộc loại bốn sao). Cho dù có nhiều sao đến mấy thì tôi chỉ có thể ngắm và nhìn!… bởi cái hồ bơi xinh đẹp quyến rũ kia càng khiến tôi thở dài… vì đâu thể tắm trong đó? Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ở đây một chút, sau đó sẽ đi ăn tại nhà hàng cung đình Huế rồi dạo du thuyền ban đêm.

Huế mộng huế mơ

Nhà Hàng Cung Đình bài trí trang nhã và cổ kính, chúng tôi bước lên cầu thang gỗ vào phòng ăn thượng hạng trên lầu. Nơi đây phục vụ dọn từng món và chúng tôi được thưởng thức tới ba mươi mấy món. Trình giải thích là dự tiệc ở đây, chúng tôi sẽ biết hồi xưa vua ăn như thế nào. Để tăng thêm phần thú vị, nhà hàng đề nghị thực khách mặc y phục vua chúa ngồi dự yến. Phái đoàn gồm nửa Việt kiều nửa… Việt Nam. Hầu hết chúng tôi chẳng quen nhau, nhưng cũng dễ làm thân. Mọi người xung quanh tôi xôn xao thay y phục, khóac áo vua, hoàng hậu, công chúa, cung nữ… tha hồ dự yến ẩm và chụp hình.

Đồ ăn thật ngon, bộ ba chúng tôi gồm: Hương, Diệu Ân và tôi, cứ nhìn nhau cười, trố mắt nhìn những món ăn chay lạ liên tục dọn ra. Ban nhạc và ca sĩ Huế vừa hát vừa đàn, tất nhiên tôi nghe rất lạ tai, nhưng mà vui. Ngày đầu tiên đến Huế, Nhà hàng Cung Đình đã khiến chúng tôi thật ấn tượng và có mỹ cảm nhiều về tài nấu ăn khéo léo của họ.

Dạo du thuyền

Ban đêm sông Hương rực rỡ sắc đèn hoa, xa xa cầu Trường Tiền đẹp lộng lẫy mờ ảo với muôn ánh đèn lấp lánh. Gió từ sông thổi lên mát rượi. Chúng tôi ngồi trên du thuyền thưởng thức các nghệ nhân hát dân ca Huế, hò Huế. Đa phần lời bài hát nghe không rõ, vì lỗ tai tôi nghe âm điệu Huế chưa rành lắm. Các cô ca sĩ người nào dáng cũng mảnh khảnh, đẹp dịu dàng thanh tao. Một cô hát bài “Mười Thương” thật mượt mà du dương. Hương tha hồ bấm máy chụp hình đủ cảnh đủ kiểu. Nhưng… Hai Lúa mà chụp hình ban đêm thì ảnh chỉ có màu đen và mơ huyền (mờ) mà thôi.

Về lại Parkview, nhận phòng, nhận phiếu ăn sáng. Hai người một phòng, Diệu Ân được sắp ở chung với chị Liên nhưng bộ ba chúng tôi đi đâu cũng có nhau nên cùng đổ dồn về một phòng, bỏ chị Liên ở một mình giữa căn phòng rộng. Diệu Ân than nhỏ: – Cái chị Liên này ngó bộ khó khăn quá, người không dễ cảm chút nào.

Đúng là trong đoàn, ai cũng vui vẻ tươi tắn. Chỉ duy chị Liên là mặt nghiêm và khó vì không có lấy một nụ cười. Tia nhìn thật sắc và lạnh lùng của chị dễ khiến người ta e ngại không dám thân gần. Chị Liên chỉ tươi cười và trò chuyện với những người chị quen, có vẻ không muốn giao tiếp với người lạ.

Sáng sớm, chúng tôi xuống phòng ăn. Đồ chay nơi khách sạn Parkview phải nói là ngon cực kỳ, có đủ thứ, đủ món… Dân ăn chay mà đến Huế thì đúng là như cá gặp nước. Nếu Nhà hàng Cung Đình làm chúng tôi thán phục thì đồ chay trong khách sạn Parkview khiến tôi phải “lưu luyến” đến… tương tư. Nghe chúng tôi khen, Trình bảo: Huế là “vua đồ chay”, là “xứ của Phật” mà!

Chị Liên bất ngờ bưng tô hủ tiếu đến bàn tôi, ngỏ lời:

– Sư cô cho mình ngồi chung với nhé? Chị Cúc trưởng đoàn cũng ngồi xuống cạnh tôi. Chị có vóc dáng và gương mặt oai phong lẫm liệt, hôm qua ở Nhà hàng Cung Đình chị mặc đồ Hoàng hậu, nhìn giống y chang. Tôi hỏi chị:

– Trông chị oai như Hoàng thái hậu, vậy giữa Từ Hy và Võ Tắc Thiên, chị muốn tụi em gọi chị là bà nào?

Chị Cúc cười to:

– Võ Tắc Thiên!

Nhưng sau bữa “dự yến” nơi “cung đình”, đa số người trong đoàn thường gọi chị Cúc là Hoàng thái hậu. Chị Liên chợt bật cười. Tôi nhìn chị đăm đăm, ngạc nhiên một hồi lâu, rồi mở lời:

– Cho em… góp ý chút được không?

– Dạ, cô cứ nói đi ạ!

– Chị có nụ cười rất tuyệt. Tại sao chị không cười? Chị không thấy là nụ cười làm mặt chị sáng bừng và làm ấm cả không gian hay sao?

– Thế ư?…

Diệu Ân nói nhỏ:

– Cô nói đúng thiệt, chị Liên cười trông thật khả ái, nhìn rất dễ gần.

Sau khi tôi góp ý thì chị Liên hết vẻ khó đăm đăm. Chị cười thường xuyên, niềm nở hơn. Thực ra chị cười trông rất đẹp, duyên dáng.

Sau đó tôi mới biết, hóa ra chị Liên luôn dọn bộ mặt hình sự để hù người lạ, dọa người chưa quen. Bản tính chị nghịch ngợm và pha trò rất có duyên, chị mà trổ tài là chúng tôi cười đau bụng.

Sau khi đã quen thân, Hương nhạy đến nỗi hễ gặp chị Liên là nó bật cười.

Chị Liên kể: Hôm qua em có nghe loáng thóang Diệu Ân nhận xét lén: “Trông tướng em giống bà bộ trưởng nào đó”… và còn phê bình em khó khăn… nên sẵn dịp em làm “bộ trưởng” luôn, nồ thiên hạ cho vui…

Chị Liên nhái giọng các miền rất hay, chị đóng vai quý phái, nhà quê, uy quyền gì đều rất đạt.

Chị kể hồi xưa ở Việt Nam, bị một anh cảnh sát xét hỏi, chị bèn vào vai con ông lớn, quát nạt, bắt bẻ cứng cỏi dữ tợn, làm anh ta tưởng thiệt nên cư xử xuôi xị hiền khô.

Có lúc chị giả làm gái nhà quê, đi đứng ra chiều lóng ngóng ngớ ngẩn, khi bị công an thổi phạt, chị khúm núm thưa: Dạ, dạ, em đã… “neo nên nề” rồi mà anh cứ “na na”… em mãi!

Chúng tôi phá lên cười. Từ ấy không còn thấy chị xa cách nữa. Chiếc mặt nạ khó đăm đăm đã rớt xuống.

Trong đoàn có cô bé Song Hương, tuổi khoảng 25 nhưng trông cứ như 18. Tính em xốc vác, nhiệt tình, nên thoạt đầu tôi tưởng lầm em là người của công ty Vietravel – đồng nghiệp của Trình – Hễ muốn ca cẩm chia phòng, tách nhóm không ưng ý gì, chúng tôi thường kiếm em. Sau này, mới vỡ lẽ ra em cũng là khách. Trước đây em du học ở Nhật, giờ đã tốt nghiệp và hiện đang làm việc ở Nhật. Em bay từ Nhật về đây để phụ giúp chuyến đi cho chu toàn. Chính em yêu cầu công ty Vietravel cho hướng dẫn viên giỏi nhất đi theo phái đoàn và phải tổ chức sao cho hành khách trong chuyến đi này không ai có thể phàn nàn. Vì vậy mà chúng tôi được hưởng mọi điều kiện tối ưu, đến – đi đều đẹp dạ.

Song Hương có giọng nói ngọt ngào, nụ cười dễ cảm. Nghe em cười là muốn cười theo. Gương mặt em lúc nào cũng tươi tắn, hoan hỉ nên rất dễ chinh phục tình cảm người đối diện, thêm vào đó em lại có tính hay giúp người.

Tôi thường trêu:

– Cái mũi Song Hương là… giàu lắm đó nhen, ai muốn mượn tiền thì cứ kiếm cô nương này!…

Nghe tôi nói, em bật cười ha hả.

Vài người liền vây quanh em… xin đất, xin nhà… Song Hương càng cười tít mắt, tinh nghịch hứa hẹn đủ điều…

Diệu Ân nói nhỏ vào tai tôi:

– Con gái nhà ai mà dễ thương, phúc đức thế! Anh chàng nào tốt số lắm mới gặp được Song Hương…

Tôi cười:

– Người tốt số hiếm lắm nên Song Hương cứ ở chèo queo, ở một mình, tha hồ ngự trên nửa thiên đường, tha hồ tận hưởng sung sướng…

Câu nói của tôi làm Diệu Ân thấm ý, tủm tỉm cười.

Chúng tôi lên xe đi thăm lăng. Chiếc xe 50 chỗ ngồi chở có mười mấy người nên rộng rinh. Tôi cầm cái máy chụp hình kỹ thuật số, khều vai Song Hương, bảo: Chỉ cô cách dùng đi, chức năng nhiêu khê quá, cô không rành sử dụng…

Song Hương kéo tôi qua ngồi cạnh em, vừa há miệng định giải thích thì Trình chợt cầm micro, lên tiếng thuyết minh. Song Hương bảo nhỏ: Đợi hướng dẫn viên ngưng nói, em sẽ chỉ…

Tôi cầm viết, giấy sẵn nơi tay chờ đợi và chờ mãi… vì Song Hương đã chìm vào giấc ngủ mê ly. Tôi cũng vào mộng nối tiếp theo sau. Mãi đến khi nghe tiếng Trình vang vang trên xe: Mời các anh chị mình xuống xe thăm lăng… tôi và Song Hương mới giật mình tỉnh giấc.

Cả hai đứa cùng ngó nhau cười:

– Cái ghế này là ghế ngủ hay sao ấy, ngồi vào là ngủ quá trời!

Đi thăm lăng, tham quan thành nội nhằm lúc trời mưa như trút, ai nấy đều ướt như chuột lột. Hai mươi mấy năm trước tôi từng đến đây vãn cảnh rồi nên chẳng ấm ức vì mưa khiến mình tham quan mất tự do. Chỉ có Hương là đi thăm lần đầu nên nó quan sát cảnh vật chăm chú hơn tôi. Ngắm chỗ triễn lãm hình hoàng tộc, Hương chau mày ngạc nhiên:

– Sao mà hồi xưa hoàng thái hậu, vua, cung nữ… mặc đồ xấu quá, còn quê hơn mình bây giờ nữa?

Tôi mỉm cười: Hoàng thành hồi xưa là chốn đế đô tức nhiên phải lộng lẫy nhất nước, những gì triều đình hưởng đều phải tuyệt mỹ, tối ưu. Nhưng bây giờ mình đang xem di vật, di ảnh thuộc mấy trăm năm trước, tất nhiên nó phải cũ kỹ, không hợp, không văn minh tân tiến bằng thế kỷ 21 này. Cho nên, cứ hãnh diện là người thời nay sướng hơn thời xưa đi em!

Lỗ mũi Hương phập phồng, hinh hỉnh ra điều khóai chí. Nó mua một cây kem ăn và kết luận:

– Chắc gì hồi xưa vua chúa được ăn kem như mình, cô há?…

ĐÀ NẴNG

Thăm lăng xong, phái đoàn trả phòng, lên xe đi Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng thì trời đã sụp tối. Nhân viên khách sạn Riverside nồng nhiệt đón chào chúng tôi. Khách sạn Riverside là cao ốc 12 tầng hướng ra biển, thang máy trong suốt được thiết kế nằm ngay mặt tiền, nên khi đi thang máy chúng tôi tha hồ ngắm toàn cảnh biển từ trên cao. Chúng tôi ở tầng sáu, nhưng chú Thịnh trong đoàn đã nhiệt tình giới thiệu cảnh Đà Nẵng và bấm cho thang lên tận lầu 12 để chúng tôi tha hồ ngắm cảnh cho mãn nhãn. Chúng tôi lưu lại đây ba đêm. Trong phòng, mỗi ngày khách sạn đều có tặng hai gói cà phê cho khách dùng miễn phí nhưng tôi không biết uống cà phê, đành chịu. Sáng nào chúng tôi cũng dùng điểm tâm nơi Restaurant của khách sạn. Dù thức ăn chay ở đây không nhiều bằng khách sạn Parkview nhưng mỹ vị rất tuyệt. Tôi tưởng Đà Nẵng hiếm đồ chay, nhưng nếm qua thực đơn ở đây rồi thì cũng có thể xếp loại chỗ này đáng mặt “tể tướng đồ chay” lắm lắm. Tôi thích nhất món rau trộn ở đây, ngon cực kỳ. Hình như buổi sáng ở các khách sạn, thức ăn toàn là buffet, (khách tha hồ tự chọn, lấy dùng tùy thích). Yên chí là rau ở khách sạn luôn sạch và an toàn nên sáng nào tôi cũng ních ba dĩa rau trộn bự.

Giám đốc khách sạn là ông Nguyễn Quang Vinh, ngày nào cũng hỏi thăm chúng tôi: Quý vị ngủ có ngon, ăn có vừa miệng không?…

Cả đoàn ai cũng khen ông dễ thương, còn trêu rằng ông chắc người ở thượng giới, vì chúng tôi đi khắp các khách sạn, chỉ duy nhất có mình ông là quan tâm hỏi thăm và ân cần đón nhận những lời góp ý. Tất nhiên chị Liên không bỏ qua cơ hội chọc ghẹo người lạ, ráng kiếm ra điều gì đó để phàn nàn, ông Vinh luôn tươi cười tiếp thu: Dạ, vâng!…

Đêm đầu tiên, Trình giới thiệu ở Đà Nẵng có cầu quay sông Hàn, nửa đêm nhịp giữa sẽ tách ra xoay ngang để cho thuyền bè tiện việc qua lại, ai muốn ngắm thì ra xem. Nhưng chả ai chịu thức tới 12 giờ khuya.

Buổi sáng đầu tiên ở Đà Nẵng chúng tôi đi tham quan Ngũ Hành Sơn. Chị Cúc leo được nửa núi thì mặt xanh như tàu lá, khó thở, ói và suýt xỉu. Mọi người đều lo chị sẽ “nhập Niết bàn” tại đây.

Thế là chị đành dừng lại lưng chừng núi để dưỡng sức. Tôi thì không đến độ xỉu, ói như chị Cúc nhưng leo cao hết nổi, thế là tôi đành ngồi cạnh chị, nhìn mọi người leo núi đi tham quan khắp nơi.

Hôm sau chúng tôi đi Bà Nà. Tôi rất thích. Khi vào trong cáp treo, vừa hồi hộp vừa thú vị – vì cảm giác mình được lơ lửng trên không, tha hồ ngắm phong cảnh rừng cây, ghềnh đá, suối và các thác nước tuyệt mỹ… phía dưới – cảnh đẹp đến độ chúng tôi không ngừng xuýt xoa và cứ mở to mắt nhìn, như muốn… ngốn hết vào mắt. Hương tiếc rẻ không thể quay phim. Nhưng dù có quay phim hay chụp hình, thì ảnh được ghi lại không thể nào tuyệt vời bằng toàn cảnh sống động mình đang chiêm ngưỡng. Càng lên cao, lỗ tai tôi càng ù, nhỏ Lý Diệu Linh bày:

– Cô uống một ngụm nước là hết ù ngay. Tôi làm theo, thật hiệu quả. Ngồi cáp treo chừng sáu cây số thì lên đến đỉnh núi.

Trên đỉnh Bà Nà dù nhiệt độ chỉ 22-23 nhưng lạnh buốt, vì gió thổi mạnh, áo chúng tôi bay phần Phật. Thời tiết đang mùa bão nên không thấy ánh mặt trời. Mới đầu tôi không thấy Đại Phật lộ thiên ngồi trên cao vì tượng màu trắng bị mây sương bao phủ mịt mù. Sương giăng dày đến nỗi tôi có cảm giác nơi này giống cõi tiên. Nếu mọi người ở đây đều mặc y phục cổ, giắt sau lưng vài thanh kiếm, bảo đảm giống y.

Tôi thích khí hậu, nét thanh thóat và cảnh trí cực kỳ quyến rũ ở đây. Có lẽ cái gì không thể sở hữu, không thể với tới thì nó càng đẹp.

Lúc ngồi cáp treo đi xuống, tôi không thấy thú vị bằng đi lên, bởi không còn cảm giác háo hức, và có lẽ vì tôi phải chia tay Bà Nà.

Phố cổ Hội An

Đêm đầu tiên ở Đà Nẵng chúng tôi nhận được tin Lạt ma Hùng Kha (Hungkar) từ Mỹ qua thăm Việt Nam, đang dừng chân ở Hội An. Lạt ma Hùng Kha là vị cao tăng, do vậy mà cả phái đoàn đều muốn đến thăm. Tôi cũng tò mò muốn biết ngài ra sao? Lạt ma hiện đang ở khách sạn The Nam Hai Hội An.

20h30, chúng tôi ghé The Nam Hai, ban đêm, khách sạn hiện ra đẹp huyền ảo lung linh nhờ những hồ nước phản chiếu màu xanh ngọc. Trong khách sạn xài toàn nến. Chủ nhân khách sạn này là người Mỹ nhưng thiết kế xây dựng là người Nhật. Khách sạn mang đầy tính chất thiên nhiên, thơ mộng, hữu tình.

Tất nhiên giá thức dùng ở đây đều tính bằng ngoại tệ. Chúng tôi bước vào khách sạn, phục vụ mang khăn lau mặt còn nóng ấm thoảng mùi hương xả. Vào đây ngồi mà không ăn uống gì thì kỳ, mà ẩm thực thì tiền tốn không nhỏ, chúng tôi… bấm bụng gọi thức uống. Phần đông đều kêu nước suối, Hương còn làm sang, gọi cho tôi ly nước táo ép. Khi ngồi nơi bàn chờ, nó nhón một hạt điều nhai thử, tôi liền nhắc: Tiền đô không đó, coi chừng!

Hương toét miệng cười, bỏ thêm một hạt điều nữa vào miệng. Chốc lát có phục vụ viên người Mỹ đến nói một tràng tiếng Anh với Hương, nó điếc tịt, đực mặt nhìn…. Các Việt kiều bàn bên vội trả lời thay và chúng tôi cùng lên xe điện đi đến chỗ của Lạt ma.

Lạt ma Hùng Kha ngự trong căn nhà bằng gỗ với hai vị sư tùy tùng (nghe nói cũng là những bậc hóa thân bốn – bảy đời gì đó). Hai vị sư đi kèm này một già một trẻ, vị già mặt rất hiền đức, vị trẻ nhìn hơi nghiêm. Còn Lạt ma Hùng Kha là người giản dị, hoan hỉ. Một điều tôi nhận thấy ở các vị Lạt ma là dù được sùng kính trọng vọng nhưng các ngài hoàn toàn không có ý thức tự ngã hay ra vẻ ta đây.

Lạt ma nói đôi điều về đạo, vui vẻ hứa sẽ dành buổi sáng để chúng tôi dùng cơm chung với ngài tại khách sạn.

Nhưng mỗi khẩu phần điểm tâm ở đây giá 50 USD. Tôi nói nhỏ với Trưởng đoàn: Chị Cúc ơi dân Việt Nam cỡ tụi em không ai dám dùng điểm tâm sáng tới 50 USD đâu!

Chị Cúc cười: Việt kiều như tụi này cũng không dám! Buổi sáng bên Mỹ mình cũng ăn có mấy đô hà!

Thế là chị gãi đầu, cười lỏn lẻn, thưa với Lạt ma: Thầy ơi, dân Việt Nam tụi con bên đây túi tiền khiêm tốn, không ai dám dùng điểm tâm ở khách sạn cao giá nước ngoài… Lạt ma bật cười to – vì hiểu ra – tỏ vẻ rất đồng tình, cảm thông. Thế là bữa ăn chung được dời sang hôm sau tại một tiệm chay Việt Nam giá phải chăng. Và lần này chúng tôi được các đệ tử Việt Nam của Lạt ma khoản đãi. Dùng cơm xong chúng tôi sẽ cùng đi bộ, ngắm phố cổ Hội An.

Lạt ma dạo khắp phố cổ, ngài có vẻ thích thú. Tôi và Hương còn ráng dừng lại mua mười hai con giáp được làm bằng đất nung ở các tiệm ven đường, chúng dùng làm kèn thổi, âm thanh phát ra ngộ nghĩnh, rất to và hay.

Đi bộ chung, tôi cảm nhận Lạt ma bình dị, thân thiện, từ trường các ngài tỏa ra trong sáng, mát mẻ.

Hôm sau, dùng điểm tâm ở khách sạn Riverside xong thì đoàn trả phòng, “rời bến”. Giám đốc Nguyễn Quang Vinh và các nhân viên đồng ra trước khách sạn tiễn chúng tôi.

Chị Cúc mỉm cười ngâm:

Đoàn đi rồi giám đốc đứng ngẩn ngơ
Lặng lẽ ngó theo, mặt thẩn thờ…

Giám đốc bật cười, người đi kẻ ở cùng vẫy tay chào nhau. Phần tôi, dẫu có lưu luyến cũng không thể nói “See you again” (hẹn gặp lại), vì tôi biết đây là chuyến đi hãn hữu, hiếm có dịp tái lai.

TRÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ

Buổi sáng rời Đà Nẵng nhưng gần một giờ trưa rồi mà chưa tới chỗ dùng cơm, phái đoàn ai cũng than đói. Riêng tôi thì “bình chân như vại”. Bởi tôi luôn… phòng xa, tự bảo vệ tốt cho mình. Tôi biết thức ăn ở khách sạn rất sạch, vì có dân ngoại kiều cư trú, nên tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phải đứng đầu. Những khách sạn cao cấp phải giữ uy tín cho mình nên thường đặt mua rau, thức ăn tại những nơi sản xuất cực kỳ bảo đảm. Do vậy mà tôi rất an tâm khi dùng bữa ở khách sạn. Mỗi ngày tôi đều hỏi Trình về việc sắp tới, nếu được báo có leo núi hay lội bộ nhiều hoặc sẽ đi rất xa… là tôi lo nạp nhiên liệu “bù” đầy đủ. Tôi nhớ trong phim hoạt hình “101 Con Chó Đốm”, có con chó nhỏ mập núc ních thường xuyên than đói. Mẹ nó bảo: – Con mới vừa ăn đấy mà, sao lúc nào cũng than đói thế?… Chó nhỏ liền trả lời: Mẹ ơi con đói tới có thể ăn… một con voi lận! Tôi rất thích câu trả lời này, ví von như vậy là đủ nghĩa. Ý tôi cũng muốn nói rằng – sáng nào tôi cũng điểm tâm cỡ một… con voi. Các bạn đồng hành do không biết phòng xa giống tôi, nên chưa tới giờ ăn hoặc gặp cảnh ăn muộn thì họ bị bủn rủn, hoa mắt… Buổi tối lẫn khuya, có vài vị ruột bị cào phải lội bộ xa thật xa mới kiếm ra tiệm chay ăn lót dạ. Riêng tôi thì lúc nào cũng an ổn, không biết đói là gì, bởi một con voi luôn đủ sức nuôi tôi tỉnh táo cho đến bữa tiếp theo, cho dù có bị lâm vào cảnh ăn rất muộn.

Bây giờ, quá trưa rồi mà đoàn chưa được ăn, ai nấy bủn rủn. Chị Liên bị hoa mắt chóng mặt, may mà có vài cái bánh tráng Diệu Ân đưa lót lòng, chị xúc động cảm ơn rối rít. Cuối cùng xe cũng tấp vào được một tiệm ăn ven đường để dùng trưa.

Lúc này, tới phiên tôi ăn nhỏ nhẻ – vì món nào cũng mặn dộp lưỡi. Đĩa phù chúc ướp muối chiên cao nhồng không ai đụng đũa tới. Quán lại… đầy ruồi, còn có mấy con cẩu lông xác xơ, mình ghẻ chốc… ngồi quanh ngó chực. Tôi nhìn ruồi bu chó rồi bu… lên đồ ăn, thì… nuốt không trôi. Tôi vốn hảo rau, người ta có dọn rau sống, nhưng tôi không dám ăn (vì sợ rửa không sạch) đành chan canh ăn với cơm, hi vọng canh nóng, chân ruồi chưa kịp bám vào. Dùng cơm xong, bụng tôi rất khó chịu. Diệu Ân cũng vậy, may là tôi ăn rất ít. Hi vọng buổi tối sẽ khả quan hơn.

Quy Nhơn

Đến Quy Nhơn, chúng tôi ghé thăm bãi tắm Hoàng Hậu (còn gọi là Bãi Trứng) và mộ Hàn Mặc Tử. Lúc này đã hơn 3 giờ chiều. Nơi đây là khu du lịch có cảnh trí khá đẹp, nhưng phần đông chẳng ai muốn tắm vì bãi đầy đá lổm nhổm, đa số là đá hình trứng. Trình giải thích: – Ngày xưa Nam Phương hoàng hậu từng ghé qua đây và chọn nơi này làm chỗ tắm nên giờ nó có tên là bãi tắm Hoàng Hậu. Còn mấy viên đá hình trứng này, quý khách có thể lượm về để… kỳ lưng…

Thấy Diệu Ân đứng lẻ loi nơi bãi trứng làm dáng để Hương chụp hình, chúng tôi liền phụ đề: “Một mẹ trăm con!”.

Cách bãi tắm một đoạn không xa là mộ Hàn Mặc Tử. Mọi người đều ghé vào thăm và mua vài bức tranh thư pháp thơ ông Hàn. Tôi không thích thăm mộ, cũng không rành đọc chữ thư pháp nên đi thơ thẩn bên ngoài.

U CUNG

Trời đã hoàng hôn, chúng tôi lên xe về chỗ nghỉ. Xe đỗ lại trước một khách sạn có bề ngoài lộng lẫy với từng chuỗi dây ánh đèn màu đan kết từ trên đỉnh xuống tận đất. Bên trong, khắp nơi khách sạn đều trải thảm, màu sắc và hoa văn thảm khiến tôi tưởng như mình lạc vào cung điện Ai Cập, vì vậy tôi gọi khách sạn này là U Cung. Mặc dù chỗ nào cũng có đèn chiếu sáng nhưng tôi vẫn cảm thấy bầu không khí xung quanh âm u lạ kỳ. Mùi mốc ẩm thum thủm phả ra đến khó chịu. Hương ngạc nhiên nói: Nặng mùi như vầy làm sao dân ngoại quốc đến đây có thể chịu nổi…?

Diệu Ân bảo:

– Vậy chứ dân ngoại quốc cũng có nhiều người ở dơ và nhẫn chịu mùi hôi giỏi hơn dân mình nữa đó!

Buổi tối chúng tôi dùng cơm tại khách sạn. Dân Quy Nhơn hiếm người theo đạo Phật nên hình như người ta không biết nấu chay. Thức ăn không hợp khẩu, một người bạn múc canh ăn, nhai nhằm xương con gì đó và vội lè nó ra. May là tôi chưa đụng tới món canh. Để an toàn, tôi chỉ dùng rau sống chấm nước tương. Nhưng rau chỉ có lèo tèo mấy cọng, (vài khoanh dưa leo – cà chua). Những ngày qua chúng tôi đã hưởng sung sướng, đã được như ý rất nhiều rồi, cho nên hôm nay gặp… “cảnh chẳng chìu mình” cũng không sao.

Phía trước mặt chúng tôi là biển rộng mênh mông, cách khách sạn ước chừng hai ba đại lộ. Nhưng hôm đó, mới 7 giờ tối mà trời mưa tầm tã nên không thể đi bách bộ ngắm cảnh. Chúng tôi đành rút về phòng, trò chuyện.

Buổi tối, trước khi ngủ, mọi thành viên trong đoàn đều chí thành tụng niệm, mạnh ai nấy tu pháp môn của mình. Dù là Thiền, Tịnh, Mật… mỗi người đều thực hành cho xong thời kinh cá nhân rồi mới đánh giấc.

Suốt thời gian du lịch, tôi luôn ngủ rất ngon, nằm xuống là ngủ, ít mộng mị, thanh lương. Ở “U Cung” cũng vậy, tôi ngủ rất yên lành. Nhưng sáng ra, mấy người bạn tôi kể, họ tụng xong thời kinh, vừa đi ngủ thì nhìn thấy ma và bị đè…

Tôi hiếu kỳ hỏi: Ma ra sao?

– Một bóng đen – đàn ông! (Hình như là người ngoại quốc da màu)

Vừa thấy ma, bạn tôi liền tụng chú… con ma lập tức rời khỏi họ, nhảy sang giường kế, đè người bên cạnh. Người này cũng vội niệm Phật, thế là nó biến mất. Các thành viên trong đoàn tôi rất dạn, chuyện ma cỏ đối với họ chẳng có gì đáng sợ. Gặp thì cứ nhìn, không thích thì trục đi, vậy thôi.

Tôi đã hiểu vì sao khi bước vào U Cung mình có cảm giác âm u. Cái bóng đen bạn bè tả, tôi tin. Vì tôi cũng từng thấy một bóng đen cao lớn mặc giáp trụ tiến đến chỗ tôi với ý đồ xấu, thế là tôi niệm Quan Âm, đọc chú Phật, nó biến ngay cấp kỳ.

Kinh Phật tả có sáu cõi, cõi quỷ là một trong sáu cõi. Các nhà ngoại cảm bây giờ cũng chứng minh về sự hiện diện của cõi âm. Tôi là chúa sợ ma, vì hồi bé bị nhát ma nhát kẹ quá nhiều. Nhưng nếu nằm ngủ mà thấy ma hiện chỉ là bóng đen thì không đáng sợ lắm, bởi chỉ thấy bóng đen, không thấy rõ mặt mày sẽ đỡ khiếp hơn. Cách trị và xua đuổi những bóng đen này thật đơn giản, tôi chỉ cần niệm danh hiệu Đức Quan Âm một hai lần, hoặc đọc chú Phật, thì chưa hết câu là nó đã biến mất.

Bộ ba chúng tôi ở chung phòng, do chỉ có hai giường nên chúng tôi phải xô giường lại gần nhau để nằm cho thoải mái. Diệu Ân luôn nằm giữa và trở đầu để phòng xa lỡ có ngáy, không phải… “tra tấn” lỗ tai đồng bạn… Nhưng lần này khi vào U cung, Diệu Ân không dám trở đầu mà nằm đồng hướng với tôi. Diệu Ân nói:

– Tại em sợ quá… vừa bước vào đây là em có ngay cảm giác rờn rợn lạ kỳ…

Buổi sáng đoàn dùng điểm tâm ở khách sạn, thức chay chẳng có gì. 8giờ 30 chúng tôi rời U cung, xe đi thẳng về hướng Nha Trang.

PHỐ BIỂN NHA TRANG

Trên đường, chúng tôi dừng chân ở khu Whitesand Resort Doc-Let (Dốc Lết), dùng trưa và tắm biển ở đây.

Đồ chay nơi này nấu cũng rất ngon, phục vụ chu đáo, lịch sự. Bãi tắm ở đây chắc là sạch, đẹp nhất. Mặt biển phẳng lặng dịu êm, màu nước xanh ngắt, trong leo lẻo. Tôi tắm táp tha hồ. Hồi nhỏ nhà ở trước con sông, tôi mê tắm đã đành – giờ gặp biển sạch, đẹp mê ly như thế này thì dù tắm một lần cũng đủ… tương tư! Whitesand Resort Doc-Let hoàn toàn chinh phục trái tim tôi; nên khi chia ly, cảm thấy tiếc ơi là tiếc.

Trời nhá nhem tối, Xe chúng tôi đỗ vào khách sạn Quê Hương, nghỉ lại đây hai đêm và sáng nào cũng dùng điểm tâm ở đây. Rau ở khách sạn Nha Trang rất ít, đồ chay không dồi dào bằng Đà Nẵng nhưng hơn Quy Nhơn nhiều. Anh chỉ huy phục vụ cũng rất lịch sự. Mỗi sáng, vừa thấy mặt tôi là đã vội ra hiệu cho đầu bếp xào mì chay mang đến. Ngoài mì, tôi còn có thể dùng thêm các món khác tùy thích. Yaourt ở đây rất ngon, có đủ thứ trái cây tráng miệng và nước ép cam, chanh… tha hồ giải khát.

Buổi sáng, chúng tôi xuống thuyền đi thăm khu du lịch Hồ Cá Trí Nguyên. Buổi chiều đoàn nhận tin Lạt-ma Hùng Kha đang hiện đang ở ngoài đảo Six Sense Hide Away, chúng tôi bèn xé tour, mướn ca-nô đi ra đó thăm ngài. Chuyến hải trình giữa sóng nước mênh mông làm ai cũng ngây ngất, Hồng ngồi kế tôi, xúc động gào lên: Quê hương mình đẹp quá, Việt Nam mình đẹp quá cô ơi!… Tôi mỉm cười đồng tình.

Thật ngộ, tôi ước tính đảo Six Sense Hide Away cách Nha Trang chừng 45 phút (chạy Ca-nô) vậy mà múi giờ ở đây lại chênh lệch với đất liền cả tiếng. Lạt-ma được các đệ tử Việt Nam sắp xếp thỉnh các ngài ra nghỉ ngoài đảo này. Nghe nói đây là khu du lịch cao cấp. Một đêm giá tới… bốn ngàn đô, tôi nghe mà không tin vào lỗ tai mình. (Chi phí thuê phòng lo cho các vị Lạt-ma đều do gia đình Song Hương đài thọ). Tôi thật nể Song Hương, vì em “miệng kín như bưng”, không hề khoe khoang về chuyện này, nhờ các thành viên trong đoàn kể, tôi mới biết. Bữa ăn ở phố cổ Hội An cũng là gia đình em khoản đãi.

Vừa đặt chân lên đảo Six Sense Hide Away, tôi thật ngỡ ngàng vì nơi này quá hoang vắng. Các ngôi kiến trúc đa phần là nhà gỗ, nhìn giống các ngôi tịnh thất ẩn tu. Ở đây có điện, hồ bơi. Cảnh giống trên núi Chân Không (Vũng Tàu), chỉ khác đây là miền biển. Ngồi trên cái nhà sàn bắc ven bờ biển, có thể nhìn thấy cá bơi phía dưới, nước trong leo lẻo. Xung quanh vắng tanh, không thấy chợ búa gì, tất cả thức dùng đều được chuyên chở, tải về bằng ca-nô. Tôi nói nhỏ: Nơi này nhìn coi bộ hợp cho người tu hơn, hoang vắng dường ấy, người thế gian bản tính ưa vui nhộn, mấy ai chịu ra đây mà tiền phòng mắc dữ?…

Diệu Ân thì thầm vào tai tôi:

– Khu này toàn là để cho khách nước ngoài, dành cho các đại gia hoặc những ai ưa yên tĩnh tìm đến, hạng tầm thường như mình… với không tới đâu!

Lạt-ma ở trong ngôi nhà gỗ trên đồi đá, ngài bước xuống các bậc tam cấp, tiến ra căn nhà sàn ven biển tiếp chúng tôi. Trời vừa đổ mưa, sóng biển vỗ lên đá nghe róc rách, giọt mưa và mùi muối biển hòa quyện bắn vào chúng tôi, không khí mát lạnh là lạ.

Lạt-ma kể quê hương ngài cũng có cảnh đẹp, nhưng ngài chưa đi hết. Khi đất nước Tây Tạng bị chiếm, việc tu bị kiểm soát, bị nghiêm cấm rất căng. Các sư không được lần chuỗi và thắp đèn. Các bậc tôn sư khả kính phải trốn lên núi cao ẩn tu, sau đó bí mật truyền lại cho đệ tử, nhờ vậy mà pháp môn Mật Tạng được tồn tại, trụ vững và không hề bị thất truyền. Chính phủ cấm làm đèn, nhưng mẹ ngài đạo tâm rất mạnh, bà vẫn liều lĩnh, lén làm đèn cúng dường. Bà làm tới năm trăm ngọn đèn, nếu bị bắt sẽ rất nguy hiểm cho bản thân. Nhưng mẹ ngài bất chấp hết, chỉ mong được thể hiện tấm lòng tôn kính đạo. May mắn là bà thực hiện tâm nguyện được thành công suôn sẻ. Lạt-ma ca ngợi Việt Nam rất đẹp, rằng các đệ tử Việt Nam rất có lòng thành và cực kỳ tử tế.

Ngài nhắc nhở: Tu phải phát tâm bồ đề, không nên mưu cầu hạnh phúc riêng cho bản thân mà phải cầu cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc, nguyện độ tất cả chúng sinh đạt đến giác ngộ. Ngài nhấn mạnh: Pháp môn nào cũng vậy, luôn cần chuyên tâm miên mật. Ngay bản thân ngài vẫn miên mật, cả đến trong mơ cũng phải miên mật…

Phái đoàn từ biệt ngài ra về. Đó là lần cuối tôi gặp ngài Hùng Kha. Các vị Lạt-ma lưu cho tôi ấn tượng tốt vì nét giản dị hiền thiện.

Các thành viên trong đoàn ái mộ Lạt-ma cực kỳ, nghe tin sáng mai ngài rời đảo ghé Tuy Hòa, hầu hết đều bàn nhau tạm xé tour, cùng hùng tiền mướn xe đi đến chỗ ngài. Tối đó, Diệu Ân tâm sự với tôi: Hai lần diện kiến Lạt-ma nhưng em chưa hỏi được gì, cũng như chưa cảm nhận điều gì đặc biệt nên lòng rất ấm ức… Em nhận thấy một điều: những người bạn Việt Nam mình, hễ ai là đệ tử các Lạt-ma, họ đều chí thành tinh tấn, công phu không bê trễ phút giây, không bỏ thời khóa một ngày nào. Em muốn biết “cái gì” đã khiến họ nhiệt thành, nhiệt tâm như vậy? Nhất định ngày mai em phải đến gần Lạt-ma thưa hỏi, xem có thu thập được chút gì bổ ích chăng?

Tôi nhận xét: Bên Tây Tạng truyền pháp hay ở chỗ là ngoại đạo không tài nào chen vào được, đệ tử các ngài thường hành trì miên mật tinh tấn… thật ra pháp môn Mật, Tịnh, Thiền… đều hay, chỉ là mình thiếu sự miên mật giống họ (Dù tất cả pháp môn đều đòi hỏi sự tinh tấn miên mật!) Chị ủng hộ ý định Diệu Ân. Em cứ đi gặp ngài theo ý định…

(Nhưng bây giờ thì Diệu Ân đã rất tinh tấn rồi, công phu không hề bê trễ, cũng chẳng nghỉ ngơi hay bỏ sót thời khóa ngày nào.Dễ hiểu thôi, tôi có nhiều bạn dù không đi gặp vị Lạt ma nào, song nếu đã vững niềm tin vào pháp mình đang hành trì, đã nếm pháp hỷ sung mãn, thì không cần ai bảo, họ cũng tự động tinh tấn, siêng năng ngoài sức tưởng! )

Lúc đó, tôi không thể hủy tour nhiều giống như mọi người, bởi nếu tôi có xé tour thì Diệu Ân luôn giành trả tiền thay, mà Diệu Ân đã tốn kém vì tôi quá nhiều, tôi thật xót xa và không muốn Diệu Ân phải “viêm túi” thêm nữa. Có lẽ nhờ mấy mươi năm ở chùa đã giúp tôi không khởi ấm ức hay thắc mắc gì để phải tìm Lạt ma hỏi thêm nữa, giáo pháp Phật tiếp thu bao năm dài đã đủ để giải đáp và giúp tôi thỏa nguyện. Còn ngọn lửa tinh tấn và miên mật? Tôi biết chính mình phải tự nhóm lên và… Phải tự bước đi bằng đôi chân của mình! Đích đến gần hay xa, tùy thuộc vào sự siêng năng của tôi mà thôi. Do Diệu Ân mới tập tu nên rất cần sự hỗ trợ của bè bạn, minh sư. Vì những lý do đó nên tôi quyết định ở lại nhàn du theo lịch trình Vietravel đã ấn định chứ không xé tour như đa số bạn đồng hành.

Chú Thịnh do bận dự đám cưới người em nên tối nay phải đi xe tốc hành về Sài Gòn trước. Ngoài trời đang mưa râm râm. Chỉ còn 1 tiếng nữa là chú phải lên đường, nhưng chú cứ nằn nì rủ đoàn cùng đi hát Karaoke thay cho tiệc chia tay, chú cứ bịn rịn và biểu lộ nghĩa tình quyến luyến thắm thiết với đoàn. Ai cũng cười bảo: Thôi! Trời mưa mà đi đâu? Ông hãy mau mau lo thu xếp hành lý lên đường, coi chừng trễ xe bây giờ!

Thế là chú ngoan ngoãn vâng lời, đưa tay tỏ dấu hiệu từ giã.

LỢI ÍCH THU ĐƯỢC

Khi Bộ tứ chúng tôi về lại khách sạn, thì đoàn đi Tuy Hòa cũng vừa về đến. Thấy Diệu Ân, tôi tội nghiệp thầm, nghĩ chắc là em khó tiếp cận Lạt-ma như chị Liên nói… tuy vậy tôi cũng ráng hỏi:

– Bữa nay đi có được gì không?

– Để lát nữa em kể…

Buổi tối, trước khi ngủ Diệu Ân thì thầm vào tai tôi:

– Cô biết không, bữa nay đúng là em đi không uổng công… Mới đầu, do có quá đông người, em chỉ đứng từ xa, khó thể chen vào tiếp cận Lạt-ma, thêm nữa, thấy dân làng Tuy Hòa dễ thương quá, họ nghèo nhưng mộ đạo chí thành, kính cẩn nghe Lạt-ma nói, dù chỉ nghe được lõm bõm qua phiên dịch, em thật không dám vào làm phiền ngài. Nhưng tới hồi gần ra về, ngài như đoán được ý em, ngoắc em đến gần và tự dưng ngài… đặt tay lên đầu em ngót 15 phút. Sau khi ngài đặt tay trên đầu em xong, kể từ đó em cảm thấy mình rất dễ định tâm, trì kinh niệm Phật gì cũng không còn bị loạn tưởng nhiều như trước đây nữa, đầu óc tự nhiên sáng ra, rất dễ tiếp thu, hễ nghe giảng là nhớ liền. Thiệt tuyệt vời đó cô. Đây chính là điều em cần, mong muốn… em không thể hỏi nhưng ngài Hùng Kha đã cho em lời đáp, em thật là vui và mãn nguyện, không còn ước ao gì hơn nữa…

Tôi mỉm cười, chúc mừng Diệu Ân.

Diệu Ân chợt nhớ ra, khều tôi kể tiếp:

Có chuyện này vui lắm, lúc ngồi trên xe, chú Cảng chắc là ấm ức đã lâu, nên buông lời phàn nàn:

– Nè mấy cô, tôi chỉ 60 tuổi, hơn mấy cô chẳng có bao nhiêu? Vậy mà người thì kêu ông, người thì kêu chú! Tôi không có ý gì, nhưng mình là pháp lữ nên chỉ muốn các cô xem tôi như người anh trong đạo…

Tụi em phá lên cười, đồng hiểu ra, đúng là mình kêu hơi… lố thiệt. Từ đó ai cũng gọi “anh Cảng, anh Cảng” nhặng xị cả lên. Ảnh vui lắm. Mà thật ra anh Cảng tốt tính, thích che chở, rất… đáng mặt anh!

Thông thường trong chùa quý cô đều kêu các cư sĩ nam là chú. Vì vậy tôi vẫn gọi chú Cảng. Chú Cảng tính tình dễ thương, rất giàu đạo tâm và ham tu. Bản tính hay giúp đỡ bao che. Tuy mới lục tuần nhưng tóc bạc trắng, tôi thường gọi lén chú là “Ngài hội trưởng”.

Đêm nay là đêm cuối của tour du lịch. Mọi người rủ nhau đi hát Karaoke. Tôi và Hương ở lại phòng. Khi đám “ca sĩ” về, tôi nghe họ nói chuyện rôm rả ngoài phòng khách. Chị Cúc cười khóai chí vì chị hát lúc nào cũng được điểm rất cao. Nghĩa là những ai có âm thanh lớn thảy đều đạt điểm cao. Riêng nhỏ Lý Diệu Linh giọng hát rất du dương mượt mà, vốn là ca sĩ chính hiệu (trước đây Linh thường biểu diễn ở sân khấu Trống Đồng tại Thành phố) nhưng lại bị máy Karaoke cho điểm thấp nhất. Linh ra bộ tiu nghĩu nói:

– Phen này về, chắc em giải nghệ, bỏ hát quá!

Chị Cúc cười to:

– Còn tui, chắc phải đăng ký xin làm… ca sĩ, ai ngờ mình có tài mà không hay, may nhờ đi Karaoke mới phát hiện ra!

Tôi thì thầm vào tai Diệu Linh:

– Cô nghe mấy ông tài xế nói có loại máy Karaoke chấm… HÉT, ai mà có tài COCA COLA thì nó cho điểm rất cao, chắc là máy này!…

Linh thích chí, bật cười ha hả.

NGÀY VỀ

Buổi sáng, dùng điểm tâm xong chúng tôi rời Nha Trang, lên xe đi Cam Ranh.

Ở trên xe chúng tôi cùng hát những bài biệt ly để từ giã… Trình lẩm bẩm một mình: “Đoàn du lịch này dễ thương quá, chưa thấy đoàn nào như đoàn này, thắm thiết nghĩa tình, không gây gỗ, cư xử còn hơn ruột thịt! Có nhiều đoàn gia đình đi chung mà họ xung đột tá lả, lâu thật lâu mới thấy có một đoàn dễ thương như đoàn này”…

Hồi đi thăm lăng Tự Đức, mưa lớn mà Trình cứ đứng ngoài trời thuyết minh. Kết quả là Trình bị cảm. Tôi trách:

– Đáng lẽ em không nên dầm mưa thuyết minh làm chi!

Trình đáp: Bổn phận mà, em phải làm cho tròn!

– Mưa thì phải kiếm chỗ núp chứ, cứ đứng ngoài trời “hành nghề”, rồi tất cả đều ướt nhẹp, cái này gọi là… tròn… bệnh thì có!

Giọng Trình khàn khàn, lại ho húng hắng… Tôi lục túi xách, đưa Trình hai vĩ thuốc cảm, quảng cáo: Thuốc Úc đấy, Uống vô đỡ liền!

Chị Liên vội chìa lọ thuốc Mỹ, ân cần bảo: Thuốc này hiệu quả lắm! Uống hết nhanh cấp kỳ!

Song Hương thì căn dặn: Xuống xe nhớ ghé nhà chị lấy thuốc ho! (Thuốc Song Hương là thuốc Nhật).

Tôi kết luận: Trình cứ nốc hết một lần tất cả thuốc được cho đi! Bảo đảm sẽ…

… Sẽ thành người ngẩn ngẩn ngơ ngơ, ai hỏi gì cũng không trả lời mà cứ cười cười, ngó lên đọt cây?! -Trình vui vẻ tiếp lời tôi.

Chúng tôi đối với nhau nghĩa tình? – Bởi vì chúng tôi đều là đệ tử Phật – Chính tâm đạo này đã duy trì bầu không khí thân thiện, nồng ấm trên xe, gắn kết chúng tôi lại với nhau và biến giây phút tao ngộ thành “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, MÀ ĐÃ HÀNH TRÌ PHÁP PHẬT THÌ KHÔNG THỂ NÀO CƯ XỬ XẤU, TỆ VỚI NHAU ĐƯỢC.

Tôi nhớ có lần sau một buổi mua sắm ở Đà Nẵng, ngồi trên xe Diệu Ân bực dọc bà bán hàng ranh ma tráo đồ nên thốt lời phàn nàn, chị Cúc liền nhắc: Đừng để tâm mất thanh tịnh vì những điều này!

Vừa nghe nhắc, Diệu Ân tỉnh ngay. Tới hồi xuống xe, Diệu Ân tiến lại chỗ chị Cúc, nói nhỏ:

– Em cảm ơn chị đã nhắc nhở! Cảm ơn rất nhiều!

Sau đó Trình hỏi Diệu Ân có muốn kiếm bà hàng bắt đền lại đồ đã tráo không? Diệu Ân lắc đầu: Thôi khỏi, xí xóa!

Tôi chứng kiến mà âm thầm cảm động, người nhắc, người phục thiện đã cùng vẽ nên một bức tranh rất đẹp về cuộc sống. TÔI CÓ CẢM GIÁC VÀ TIN TƯỞNG CHUYẾN ĐI NÀY AN LÀNH, VÌ NGỒI TRÊN XE LÀ NHỮNG NGƯỜI BIẾT CANH CHỪNG TÂM, KHÔNG ĐỂ CHO Ý BẤT THIỆN DẤY KHỞI, KHÔNG CHO PHÉP NÓ TỒN TẠI…

Tôi nhớ chị tôi thường khuyến cáo: Nếu em đón xe đi đâu mà gặp xe ăn giá mắc, hay ra giá chém… thì đừng đi, vì xe đó rất xui. BỞI CHẲNG BIẾT TÍCH PHÚC MÀ CỨ HAM TÍCH TIỀN KHÔNG CHÂN CHÁNH THÌ RẤT DỄ GẶP RỦI RO – nếu xe không lâm cảnh bể bánh thì cũng gặp nạn tai… vì “của thiên trả địa” mà!

Tôi từng thí nghiệm thử và thấy lời này không sai. Có lần tôi gặp lơ và chủ xe đều hung dữ, ăn hiếp khách, khinh thường khách… toàn lấy giá cắt cổ… Tôi vẫn leo lên đi thử. Kết quả: Mới đi hơn nửa lộ trình thì xe bể bánh, khi họ vá xong đi tiếp một quảng nữa thì bánh thứ ba bên trái lại rung cà lọc cọc, báo hiệu… sắp rơi ra, khiến chủ xe phải dừng lại sửa. Khách phải xuống xe ngồi dài chờ đợi thật tội. Còn tôi hãi quá, không dám tiếp tục ngồi chờ để đi chiếc xe đó nữa, mà vội ngoắc chiếc khác để đi.

Đây không phải là thuyết hoang đường, nó chứng minh rằng “ở hiền gặp lành, người tích đức luôn có thừa niềm vui” Một người thiện, chiêu cảm quả tốt. Cả xe đều thiện? – Sẽ càng tốt hơn. Do vậy mà suốt lộ trình viễn du, lúc đi trên đường tôi luôn có cảm giác bình an nhẹ nhàng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc khách sạn Riverside Đà Nẵng từng nói với tôi: Phái đoàn cô đi rồi tôi rất buồn, chỉ ước mình là hướng dẫn viên du lịch để được theo cùng. Quý vị cư xử tình cảm như ruột thịt, có bà con với nhau không vậy?

Tôi đáp: Phần đông chúng tôi chẳng biết nhau trước, lên xe rồi mới quen.

Suốt lộ trình, tôi thường phát biểu mình chưa bao giờ được đi một chuyến hay, lạ như thế này!

Chị Cúc nói:

– Bọn này cũng vậy! Chưa ai được đi vui như thế này bao giờ!

Diệu Ân bảo tôi:

– Lâu lâu cô phải đi ra ngoài du lịch cho đầu óc thông thóang, về viết báo mới hay. Hổm rày cô có đủ vốn để viết chưa?

Tôi cười:

– Lo đi chơi, được hưởng thụ sung sướng quá thành ra… mụ mẫm cả người, đầu óc trống rỗng, chẳng viết gì được!

– Vậy thì cứ tận hưởng cho hết cái thú viễn du này đi!

Đến sân bay Cam Ranh, Trình phải ở lại để tiếp đoàn khách du lịch khác sắp đến, không thể về chung với chúng tôi nên em cúi chào từ biệt…

LẠT-MA SONAM 

Xuống phi trường Tân Sơn Nhất, xe Vietravel đến đón chúng tôi về công ty. Tại đây chúng tôi chia tay nhau. Diệu Ân đang gọi điện thuê xe bốn chỗ đến rước mình về. Tôi thì thuận đường quá giang. Trước khi từ giã, Mai Thy tha thiết bảo tôi và Diệu Ân:

– Đúng 14 giờ Lạt-ma Sonam sẽ làm lễ ở chùa Pháp Hoa, cô ráng đến đó dự nhé!

Tất nhiên tôi không thể tự quyết định, vì tôi có đón xe buýt hay ngoắc taxi đi đến Pháp Hoa, e rằng thời gian không còn kịp. Tôi cũng không thể làm phiền, chèo kéo Diệu Ân đi để mình được ké theo tới đó. Tôi nghĩ: “Thôi đành tùy duyên, có duyên thì gặp, không thì thôi!”… Lúc này đã 13g45. Đang trên đường về, Diệu Ân bỗng đột ngột ra quyết định, sẽ cùng tôi đi tới chùa Pháp Hoa gặp Lạt-ma. Thế là chúng tôi gấp rút dùng trưa, vì buổi lễ kéo dài tới 4 tiếng, không thể ôm cái bụng đói meo tới dự. Nhưng kiếm ra tiệm chay trên đường cũng mất thời gian. Chúng tôi vào tiệm, dùng trưa quýnh quáng, rồi thúc tài xế lái nhanh đến chùa.

Chúng tôi đến nơi hơi trễ một chút, đã 14g10. chùa đông như hội, chánh điện nằm ở lầu hai, chật ních người. Tôi e dè đứng ngoài hành lang đầy nhóc người, nghĩ là mình đứng đây dự thính cũng được, chỉ cần tôi có thể nhìn Lạt-ma qua cửa sổ… là đủ rồi.

Buổi lễ sắp bắt đầu, thì một cư sĩ nam tuổi trung niên bước ra, lễ phép chào tôi, nói giọng miền Trung thật nhẹ:

– Thưa sư! Lạt-ma bảo tu sĩ hãy vào bên trong, chúng con không dám để Tăng Ni ở ngoài…

Tôi cảm ơn và xin được đứng ngoài, vì tôi đến muộn. (Tôi mới từ máy bay xuống, còn mặc áo đi đường không đủ lễ nghi). Nhưng vị cư sĩ cứ năn nỉ và đẩy tôi vào tận bên trong. Rốt cuộc tôi ngồi ở phía trước, hàng đầu (gần vách tường bên trái), rất gần Lạt-ma. Còn Diệu Ân là cư sĩ, không được vào vì đến sau, có chen vô cũng bị hàng trăm cánh tay đưa lên cản. Biết bao cư sĩ đang phải ngồi ở ngoài dự thính… Buổi lễ đã bắt đầu, và tôi không nhìn thấy Diệu Ân đâu nữa…

Tôi nhiếp tâm nghe lời Lạt-ma giảng, vị nữ phiên dịch nói rất hay, âm thanh chân phương, rõ ràng. Lạt-ma kể về lòng từ của Phật, nhắc nhở chúng ta tu không nên chỉ biết cầu cho bản thân, quyến thuộc, mà phải biết cầu cho tất cả, phải xem mọi chúng sinh đều là ruột thịt của mình.

Lạt ma ngồi trên pháp toà, ngài cười tôn nghiêm, giảng pháp cũng rất tôn nghiêm. Ngài thuyết pháp, tụng kinh bằng tiếng Tây Tạng nhưng lại làm tôi xúc động không cùng. Tôi hiểu được tâm trạng và câu Mai Thy nói: “Ruột gan lộn lên lộn xuống”… vì tôi cũng khóc, khóc không cầm được, khóc không mắc cở, khóc mà không hiểu tại sao? Hình như… từ tâm Lạt-ma toả ra khiến tôi chấn động… mỗi âm thanh của ngài đều làm tôi cảm xúc, nao nao, lúc đó tôi chỉ có khóc và nhìn ngài thành kính.

Tan lễ, tôi đi theo thứ tự, Tăng Ni ra cửa trước, xuống tới tầng trệt, không biết Diệu Ân ở đâu nên tôi đành ngồi chờ. Phải một tiếng sau mới gặp được Diệu Ân. Hóa ra Diệu Ân cũng chen vào được trong chánh điện, ngồi ở hàng thứ 5-6 gì đó trước Lạt-ma, nhưng tôi không nhìn thấy.

Sự găp gỡ này đúng là kỳ duyên, dù tôi rất tôn kính, cực kỳ quý mến Lạt ma Sonam, nhưng tôi không kiếm, hay tìm cách đeo theo ngài. Có lẽ trong dòng đời tôi sẽ còn gặp lại, mà có lẽ không, cũng chẳng sao. Tôi đọc tiểu sử biết ngài là một vị hóa thân ưu việt, một Thánh tăng khả kính.

Tôi chợt nhớ đến lời đức Đạt-lai Lạt-ma: “NẾU VÌ LÝ DO NÀO ĐÓ MÀ CON GẶP CÁC VỊ THẦY ĐỨNG ĐẦU CÁC GIÁO PHÁI KHÁC NHAU, THÌ CON HÃY HẾT LÒNG TÔN KÍNH VÀ HIỂU RẰNG CÁC VỊ ẤY VÌ LÒNG TỪ BI ĐỘ SINH VÀ ĐỪNG KHỞI TÂM PHÂN BIỆT, CÔNG KÍCH”… Vâng! CÁC TÔNG PHÁI TRONG PHẬT GIÁO ĐỀU LÀ PHÁP MÔN CỦA PHẬT, CHÊ MỘT TÔNG NÀO ĐÓ THÌ CŨNG ĐỒNG VỚI PHỈ BÁNG GIÁO PHÁP PHẬT. Nhìn ngài Sonam, tôi hiểu được Tăng đoàn ngày xưa thanh tịnh, đáng kính như thế nào.

Chuyến đi này tôi không hề cố ý tính toan, dự định gì, nhưng tình cờ cứ gặp các vị Lạt-ma, ngay cả trong ngày về cuối cùng. DÙ RẤT QUÝ TRỌNG CÁC VỊ LẠT MA, TÔI VẪN KHÔNG CÓ Ý ĐEO THEO CÁC NGÀI… TÔI LUÔN CHỦ TRƯƠNG “MỌI SỰ TÙY DUYÊN”, HÃY AN HƯỞNG VÀ CHẤP NHẬN NHỮNG GÌ MÌNH ĐANG CÓ… Song thú thật là những cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi mở lòng ra nhiều hơn. Vì nếu tôi quên yêu thương tất cả chúng sinh, quên tu miên mật, thì các ngài luôn nhắc tôi điều đó. Các ngài đã khiến tôi cảm nhận sâu sắc rằng: THẬT DIỄM PHÚC KHI ĐƯỢC LÀM TU SĨ, ĐƯỢC HÀNH TRÌ GIÁO PHÁP PHẬT, ĐƯỢC LÀ ĐỆ TỬ CỦA PHẬT.

Đây là một chuyến đi tình cờ, lạ lùng, ngộ nghĩnh, nhưng mãi 9 tháng sau tôi mới có đủ cảm hứng để viết ra, xin được chia sẻ kỳ duyên này cùng với mọi người, mong rằng bài viết này sẽ đem đến cho độc giả chút niềm vui, lợi ích về mặt tâm linh, và xin cầu chúc cho những ai chưa từng viễn du: Sẽ có dịp được đi chơi xa, được “bay trên mây” giống như tôi vậy!