CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA

Dịch giả: Thích Hằng Đạt

Chương VI
Phụ lục (tiếp theo)

Thượng Nhân Tuyên Hóa Hoằng Truyền Phật Pháp Sang Tây Phương

(bài viết của ông Ron Epstein, vị đã giới thiệu rất nhiều người MỸ đến học đạo với Ngài (đa số những người xuất gia và tại gia thuở ban đầu tại MỸ). Hiện nay, ông ta là giáo sư, dạy tại San Francisco State University, thuộc phân khoa tôn giáo học).

I. Tạo Dựng Nền Móng

1/ Ý nguyện sơ khởi truyền pháp sang Tây Phương.

Tầm nhìn của Ngài rộng xa khắp pháp giới. Ngài độ khắp chúng sanh mà không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, v.v…Đời nay tuy là người Tàu, nhưng Ngài có thiện duyên đặc biệt với nước MỸ. Tuy đa số đệ tử là người Tàu, nhưng lịch sử sẽ nhớ mãi sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp đến với người tây phương của Ngài.

Khởi đầu, nơi phần mộ mẹ hiền, do hạnh hiếu thảo Ngài dựng am thủ hiếu trong ba năm liền. Khi ấy, Ngài vừa mới xuất gia làm Sa Di. Ngài tự xây chòi lá gần ngôi mộ người mẹ để hành thiền định. Ngày nọ, Ngài thấy Lục Tổ Huệ Năng đi thẳng vào chòi lá. Lục Tổ đàm đạo với Ngài rất lâu, rồi sau đó bảo:

Trong tương lai, con sẽ qua Tây Phương hoằng pháp… Năm tông phái thiền sẽ phân thành mười tông. Con sẽ gặp và giáo hóa rất nhiều người vô lượng vô biên, không thể tính đếm. Đó là bước đầu mở đường cho công cuộc truyền bá Phật pháp tại Tây Phương.

Đây là một đoạn huấn dụ ngắn gọn của đức Lục Tổ. Cuối cùng, Ngài đứng dậy tiễn đưa đức Lục Tổ ra ngoài chòi lá. Đến khi đức Lục Tổ đi mất, Ngài mới chợt nhớ là đức Lục Tổ đã nhập niết bàn lâu rồi (vào năm 713).

Dầu thấy điềm lành là đức Lục Tổ hiện ra và dạy bảo rằng sau này sẽ qua Tây Phương truyền bá Phật pháp, nhưng khi đó Ngài ít có mối liên hệ trực tiếp với người Tây Phương. Mãi cho đến lúc qua Hồng Kông, Ngài mới trực tiếp gặp gỡ, hiểu rõ truyền thống văn hóa của họ.

Sau khi chủ trì pháp hội Nhập Niết Bàn của tổ Hư Vân (1840-1959), vị đã truyền tâm ấn Thiền tông dòng Quy Ngưỡng cho Ngài, được viên mãn, Ngài tự nghĩ rằng cơ duyên hoằng pháp tại Tây Phương đã đến.

Năm 1960, Ngài qua Châu Úc để quan sát tình hình phát triển Phật giáo. Một năm sau, Ngài trở lại Hồng Kông. Vào năm 1958, một chi nhánh của giảng đường Phật giáo được các đệ tử của Ngài thành lập tại vùng Cựu Kim Sơn. Đáp lời thỉnh mời của họ, Ngài quyết định qua MỸ, đến thành phố Cụu Kim Sơn vào đầu năm 1962. Tại ngôi chùa nhỏ trong khu phố Tàu, Ngài giảng kinh A Di Đà. Khi ấy, có những người MỸ thích học đạo tham thiền như ông Richard Baker, cựu phương trượng trụ trì trung tâm thiền tại vùng Cựu Kim Sơn đến viếng thăm Ngài.

Mùa thu năm 1962, hiểm họa hỏa tiễn Cu Ba sắp xảy ra. Vì muốn đền đáp ân nghĩa quốc gia trong thời gian sống ở MỸ và thấy rõ hiểm họa hỏa tiễn Cu Ba, Ngài tuyệt thực trong ba mươi lăm ngày liền, chỉ uống nước lã. Ngài hồi hướng công đức tuyệt thực để cầu nguyện hiểm họa chiến tranh được tiêu trừ.

2/ Mộ trung tăng (vị tăng trong phần mộ).

Năm 1963, khi Ngài giảng kinh thuyết pháp có một số thính chúng không chịu lắng nghe mà chỉ nói chuyện nhảm. Mặc dầu được Ngài giáo huấn nhắc nhở phải nên sửa đổi tánh nết, nhưng họ vẫn không tín thành thọ nhận. Thế nên, Ngài dời Giảng Đường Phật Giáo từ khu phố Tàu đến một ngôi nhà một tầng tại góc đường Sutter và Webster, nơi giữa khu Filmore và khu phố Nhật tại Cựu Kim Sơn. Việc di chuyển của Ngài đánh dấu cho sự khởi đầu của thời kỳ ẩn cư. Từ thời gian đó cho đến năm 1968, Ngài tự gọi mình là Mộ Trung Tăng. Sau này, Ngài tiếp tục gọi chính mình với tên như thế và viết một bài kệ (xin xem lại bài kệ ở phần Mộ Trung Tăng).

Nơi đó, Ngài đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với thanh niên MỸ; họ thường thích tham thiền học đạo. Vài người đến chùa thường xuyên để tham dự lớp ngồi thiền tập thể từ bảy đến tám giờ mỗi tối. Vài người lại đến tham dự những buổi giảng kinh thuyết pháp. Mỗi khi giảng kinh A Di Đà, Kim Cang, Tâm Kinh, Pháp Hoa, Chứng Đạo Ca, Ngài thường dùng những câu kệ ngắn để chú giải cho dễ hiểu.

Năm 1967, vào tháng bảy, Ngài dời giảng đường Phật Giáo trở lại khu phố Tàu tại chùa Thiên Hậu, một ngôi chùa Tàu cổ kính nhất ở nước MỸ.

Tôi nhớ lại là trước khi đến trường đại học Washington ở Seattle để lấy bằng cao học, tôi có phụ giúp Ngài dời đồ đạc về chùa Thiên Hậu, trên tầng lầu thứ tư của một tòa nhà tại Waverly Place ở phố Tàu. Nơi đó, Ngài giảng những bài kệ truyền pháp của bảy vị Phật và phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa.

Nhờ có nhiều cơ hội được gần gũi Ngài, càng ngày tôi lại thích ngồi thiền hơn. Lại nữa, nhờ ngồi thiền bên cạnh Ngài nhiều lần, tôi bắt đầu biết rõ Ngài là ai. Qua những kinh nghiệm đặc biệt đó, tôi thường đến học đạo không phải chỉ vì Ngài là vị tăng già từ bi, mà còn là một vị có đức độ khác thường. Theo tôi nhận thấy, Ngài là một vị vô ngã, có định lực và lòng từ bi phi thường. Nhờ vậy, cách nhìn của tôi đối với Ngài và Phật giáo hoàn toàn thay đổi. Đối với đạo Phật, nhờ thích thú tu học, nên tôi vận dụng hết tâm tư để nghiên cứu giáo lý. Tuy nhiên, vào lúc ấy, tôi cũng chưa biết rõ về Phật giáo hay lý do quy y Tam Bảo.

Mùa thu năm đó, tôi viết thơ hỏi thăm Ngài và xin phép đến đó để tu thiền vào dịp nghỉ lễ giáng sinh. Ngài phúc đáp: Rất hoan nghênh. Nơi đây không lạnh cũng không nóng. Hy vọng sớm gặp lại Ông.

Năm 1968, vào dịp tết Nguyên Đán, Ngài tuyên bố hai điều trước đại chúng: Thứ nhất, Ngài tiên đoán rằng trong vòng một năm, hoa sen của Phật giáo tại MỸ sẽ nở rộ (tuy nhiên, vào lúc đó, dấu hiệu thanh niên MỸ tham học Phật pháp rất ít). Thứ hai, nhận thấy quần chúng đương thời đang hoang mang về một trận động đất có thể xảy ra ở vùng Cựu Kim Sơn, Ngài tuyên bố rằng nếu còn trú ngụ một ngày nào ở vùng đó, Ngài sẽ không để hiểm họa động đất gây phương hại đến dân chúng như bị tử thương, hay nhà cửa bị sụp đổ hư hoại.

Từ đấy vào những dịp tết Nguyên Đán, Ngài đều lập lại lời tuyên bố trên (khi trận động đất xảy ra ở vùng Cựu Kim Sơn vào năm 1989, Ngài đang trên đường hoằng pháp tại Đài Loan).

Những khi gặp ai thích tu học Phật pháp, tôi thường kể cho họ nghe về hạnh tích của Ngài. Do tánh hiếu kỳ, họ đến tham dự hai tuần thiền thất với tôi tại ngôi chùa đó. Sau này, tôi quyết định thọ giới quy y. John Babcock, người dịch giả trong pháp hội giảng kinh Lăng Nghiêm, cũng đồng thọ giới quy y. Lúc trở lại Seattle, chúng tôi sắp đặt vài nơi để cho những người khác có thể cùng nhau đến ngồi thiền. Kế đến, chúng tôi nhóm họp những người thích nghiên cứu tu học Phật pháp lại và viết thơ thỉnh Ngài lên đó để dạy thiền vào dịp nghỉ học trong mùa xuân. Khi nhận lá thơ này, Ngài trả lời là không thể lên Seattle để dạy thiền vào lúc đó được vì nếu Ngài đi thì tại vùng Cựu Kim Sơn sẽ bị động đất. Vì vậy, Ngài đề nghị rằng chúng tôi nên xuống vùng Cựu Kim Sơn để tu thiền.

Một số người thích đạo Phật đến vùng Cựu Kim Sơn cùng những người địa phương tham gia thiền thất. Cuối thiền thất, Ngài dự định mở khóa học kinh Lăng Nghiêm và tu thiền vào mùa hè năm đó.

3/ Mùa tu học và giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm vào hè năm 1968.

Sau kỳ tu học trong mùa xuân, Ngài đề nghị là sẽ có ba tháng tu học và giảng kinh trong mùa hè. Khoảng ba mươi người quyết định tham gia. Trong kỳ tu học chín mươi sáu ngày, Ngài giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm cho đại chúng mỗi ngày hai lần. Mỗi ngày bắt đầu từ sáu giờ sáng và chánh thức chấm dứt vào chín giờ tối. Bên cạnh giảng kinh, thời khoá biểu bao gồm những giờ ngồi thiền, học tập, thảo luận được xen kẽ nhau. Vì vậy, thời giờ tự do cá nhân rất ít.

Mặc dầu những người tham dự thuộc đủ trình độ và tuổi tác, nhưng đa số là thanh niên, sinh viên người MỸ giữa lứa tuổi hai mươi hoặc ba mươi. Hầu hết, họ hiểu rất ít hay chưa từng biết đến Phật pháp. Tuy nhiên, trong nhóm cũng có vài người đã từng học và nghiên cứu Phật pháp tại cấp cử nhân hay cao học. Một số cũng đã từng có kinh nghiệm ngồi thiền đôi chút. Một số có khả năng giỏi về việc phiên dịch tiếng Tàu ra tiếng Anh. Lúc đầu họ phiên dịch rất thô thiển, nhưng về sau thì rất lưu loát.

Những sự kiện đặc biệt đáng được ghi nhớ trong kỳ tu học vào mùa hè năm đó là lễ truyền tam quy y mà hầu hết tất cả người tham dự kỳ tu học đó đều chánh thức trở thành đệ tử của Ngài. Lại nữa, có lễ truyền giới vào cuối mùa hè mà đa số giới tử, những vị phát tâm thọ năm giới cấm hay giới Bồ Tát (mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh), đều phát nguyện hành trì theo giới luật. Lúc đó, có một vị phát nguyện giữ giới Sa Di. Trong kỳ tu học vào mùa hè năm đó, Ngài thường nhấn mạnh đặc biệt về sự trì giới vì đó là nền tảng căn bản của cuộc sống tâm linh. Cách giáo hóa này nhằm giải độc, chống lại xu hướng đồi trụy văn hóa, hút sách, tà dâm đương thời.

Khóa tu học vào mùa hè năm 1968 kéo dài trong 96 ngày liền. Trong thời gian này, Ngài rất nhẫn nại. Tôi thiết nghĩ phải cần nhấn mạnh điểm này. Đương thời, dẫu người MỸ không biết gì về đạo Phật hay lễ nghĩa căn bản, Ngài vẫn kiên nhẫn cố gắng chỉ dạy. Ngài không bao giờ lộ vẻ giận dỗi với ai. Ngài chỉ cách nấu ăn, ngồi thiền chung với chúng tôi, kể những mẫu chuyện đạo vui nhộn, và giúp đỡ giải quyết những vấn đề cá nhân của từng người. Thật là vi diệu, Ngài tổ chức thành công khóa tu học vào mùa hè năm đó.

4/ Năm người MỸ xuất gia.

Chẳng bao lâu, có năm người MỸ phát tâm xuất gia. Trong nhóm này, có ba người đã tham gia kỳ tu học vào mùa hè. Tháng chạp năm 1969, năm người MỸ, ba nam hai nữ, đồng thọ giới cụ túc tại chùa Hải Hội thành phố Cơ Long, Đài Loan. Họ trở thành những vị xuất gia đầu tiên ở MỸ. Ba vị tỳ kheo: Hằng Khiêm, Hằng Tịnh, Hằng Thọ. Hai vị tỳ kheo ni: Hằng Trì, Hằng Ẩn.

5/ Dự án cho sự phát triển Phật giáo ở MỸ

Thành lập tăng đoàn người MỸ xong, Ngài bắt đầu thiết kế chương trình phát triển Phật giáo tại MỸ. Ngài đã từng nhấn mạnh đến ba việc quan trọng nhất trong cuộc đời hành đạo: Thứ nhất, truyền bá chánh pháp Phật giáo đến Tây phương. Thứ hai, phiên dịch ba tạng kinh điển và mười hai phần giáo của nhà Phật ra tiếng Anh cùng các ngôn ngữ khác. Thứ ba, thành lập trường tiểu học, trung học, đại học, và đề xướng nền giáo dục chân chánh.

II. Thành Lập Tăng Đoàn Tại Tây Phương.

1/ Đại lễ Tam Đàn Đại Giới đầu tiên tại Tây Phương.

Vì số người phát tâm cầu xin xuất gia ngày một tăng, trong năm 1972 Ngài quyết định chính thức truyền tam đàn đại giới lần đầu tiên ở MỸ tại Kim Sơn Thiền Tự. Ngài cung thỉnh chư cao tăng đại đức đăng đàn truyền giới. Năm nam một nữ thọ giới tỳ kheo và tỳ kheo ni. Tiếp đến, tại Vạn Phật Thánh Thành, Ngài tổ chức Tam Đàn Đại Giới vào những năm 1976, 1982, 1989, 1991, 1992, và 1995. Hơn hai trăm giới tử khác biệt quốc tịch đã xuất gia, thọ giới dưới sự chỉ dạy của Ngài.

2/ Một nhà cách mạng tôn giáo.

Ngài quyết tâm đem chánh pháp Phật giáo truyền bá sang Tây phương. Dẫu khuyến khích các đệ tử tu học Phật pháp theo truyền thống của chư Tổ Sư, nhưng Ngài cũng thường nhắc nhở họ nên chú ý dẹp bỏ hủ tục, mê tín dị đoan đang làm lu mờ Phật pháp chân chính để tránh cho Phật giáo Tây Phương khỏi bị ô nhiễm bởi những hủ tục, tu hành thoái hóa hiện đang lan truyền trong Phật giáo của người Tàu. Ngài cũng khuyến khích họ nên hiểu những lý lẽ chánh đáng trong sự tu hành của người xưa.

Những cải cách của Ngài gồm có: Khôi phục giới luật do đức Phật chế ra như tăng sĩ phải đắp y ca sa để biểu thị giới tướng. Nhấn mạnh việc đức Phật dạy chư tăng ni thọ trai mỗi ngày một lần mà không nên ăn sau buổi trưa. Thật vậy, tự thân Ngài hành và khuyến khích các đệ tử phụng hành hạnh này. Ngài lại khích lệ các đệ tử nên hành hạnh ngồi thiền mãi không nằm vào ban đêm như mình. Những ngày đầu tại chùa Thiên Hậu, khu phố Tàu ở vùng Cựu Kim Sơn, một số đệ tử xuất gia vì muốn hành hạnh này nên ra đường tìm những thùng gỗ bỏ rồi đem về sửa lại, để làm chỗ ngồi vừa vặn và không duỗi chân ra được trong lúc ngủ. Ngài cũng thường trách mắng những người cư sĩ Tàu, thường đi quy y hay làm đệ tử rất nhiều thầy. Đối với cá nhân, Ngài không nhận những người đã từng quy y với các thầy khác, làm đệ tử của mình.

Có vài người MỸ bị Phật pháp và Ngài thu hút vì thích những cảm ứng cùng thần thông biến hóa. Họ muốn tìm hiểu về những cảm ứng thần kỳ. Một số có thần thông biến hóa cũng tự nhiên muốn gần gũi Ngài. Nhận thấy rõ tầm nguy hiểm của sự mong cầu thần thông biến hóa của quần chúng người MỸ, Ngài thường nhấn mạnh rằng những thần thông, cảm ứng phát xuất từ những cảnh giới của sự tu hành, chớ nên đắm chấp. Ngài nhắc nhở là đức Phật luôn ngăn cấm biểu diễn thần thông. Ngài cũng nói rõ là thần thông không biểu hiện trí huệ và cũng không nhất định hiển thị phẩm hạnh đoan chánh.

Tổng quát, Ngài rất lo lắng về động cơ xuất gia của những người đệ tử, nên thường xem xét coi tâm hạnh của họ có được thanh tịnh không. Ngài không muốn thấy tăng sĩ ở MỸ xuất gia vì những động cơ bất chính. Vì thế, Ngài lập ra gia phong cho chúng đệ tử:

Lạnh chết, không phan duyên

Đói chết, không hóa duyên

Nghèo chết, không cầu duyên

Tùy duyên không đổi, không đổi tùy duyên

Chúng ta quyết định thực hành ba tông chỉ này

Xả mạng vì Phật sự

Tạo mạng vì tăng sự

Chánh mạng vì bổn sự

Nơi sự hiểu lý, nơi lý hiểu sự

Luôn hành tổ sư nhất mạch tâm truyền.

Ngoài ra, Ngài định đặt tiêu chuẩn tu hành cho mình và cho chính các đệ tử xuất gia lẫn tại gia, tức là hành theo sáu tông chỉ: Không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỶ, không tự lợi, không nói láo. Một trong những hành động cởi mở là Ngài đã nỗ lực hàn gắn lại sự phân chia hơn hai ngàn năm của hai truyền thống Phật giáo, Nam tông và Bắc tông. Ngài thường cung thỉnh danh tăng Nam tông đến chùa truyền giới, cùng thương thảo và giải quyết những quan điểm dị đồng.

4/ Thành lập Hội Phật giáo Trung-MỸ và Tổng Hội PG Pháp Giới.

Ngài thấy rõ nhiều hiện tượng suy đồi trong các chùa chiền người Tàu, từ những đại tòng lâm huấn luyện tăng ni, nay giảm dần xuống thành các tịnh xá. Một hoặc hai người xuất gia sống đơn độc và thường làm những chuyện tùy theo ý thích. Để tránh tình trạng tu hành giải đãi này ảnh hưởng xấu cho Phật giáo phương tây, Ngài liên hợp tăng chúng và cư sĩ lại thành một tổ chức, hầu mong một mặt là duy trì tiêu chuẩn truyền thống tu hành thanh tịnh của tăng chúng, mặt khác ngăn ngừa sự cúng dường tăng chúng riêng biệt (thay vì cúng dường chung cho tăng đoàn.)

Do đệ tử người MỸ ngày càng đông, Ngài thành lập hội Phật giáo Trung-MỸ tại chùa Kim Sơn vào năm 1968 để gia tăng và tập trung hóa hệ thống tổ chức. Thành viên của hội ngày càng tăng thêm theo tầm vóc quốc tế, nên vào năm 1984 hội Phật giáo Trung-MỸ được đổi tên thành Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới.

5/ Những ngôi chùa và tự viện được Ngài thành lập ở Tây Phương.

Với làn sóng người MỸ muốn tu học Phật pháp ngày một đông đảo, ngôi chùa Thiên Hậu nhỏ hẹp không thể chứa đủ người. Thế nên, vào năm 1970 Ngài dời chùa qua một tòa nhà gạch đá lớn ba tầng, rồi được sửa chữa trở thành chùa Kim Sơn. Năm 1976, Ngài thành lập chùa Vạn Phật Thánh Thành với gần năm trăm mẫu đất tại vùng núi Diệu Giác phía bắc thành phố Cựu Kim Sơn. Bên cạnh đó, những tự viện, tịnh xá do Ngài thành lập là: Chùa Kim Luân ở Los Angeles, chùa Trường Đê ở Long Beach, chùa Kim Phật ở Vancouver, chùa Kim Đảnh ở Seattle, chùa Hoa Nghiêm ở Calgary, viện Nghiên Cứu Các Tôn Giáo tại Berkeley, trung tâm Hành Chánh của Tổng Hội và viện Phiên Dịch Kinh Điển Quốc Tế tại Burlingame, California.

III. Giảng Kinh Thuyết Pháp và Phiên Dịch Kinh Điển.

1/ Công nghiệp giáo hóa của Ngài.

Sự nỗ lực giáo hóa của Ngài tại Tây Phương rất thâm sâu quảng đại, khó có thể suy lường. Vào buổi đầu giáo hóa người Tây Phương, Ngài rất ít hay hầu như không được ai trợ giúp. Ngài tự nấu nướng rồi dạy họ nấu. Ngồi thiền chung để dạy họ cách thức ngồi thiền. Kể những mẫu chuyện Phật giáo hài hước cho họ vui vẻ. Dạy họ những phép tắc tu học và nghi lễ căn bản của Phật giáo. Chỉ họ học chữ Tàu cùng thư pháp. Giáo huấn họ những phương thức và cách sống theo tiêu chuẩn Phật giáo.

Khi các đệ tử người MỸ tiến bộ đôi chút về hai mặt hạnh và giải, Ngài vẫn không nghỉ ngơi chút nào. Không những tiếp tục giảng kinh thuyết pháp hằng ngày, Ngài lại dạy những lớp học khác. Ngài giảng giải hoàn toàn về bốn bộ kinh chính của Phật giáo Đại Thừa như kinh Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, và phần chính của kinh Niết Bàn. Ngài cũng giảng giải Tâm Kinh, Kim Cang, Pháp Bảo Đàn, Địa Tạng, Chứng Đạo Ca, cùng các kinh điển khác.

Ngài cũng huấn luyện những nhân tài phiên dịch kinh điển, cùng tự thân dạy các đệ tử cách thức giảng kinh thuyết pháp. Hầu hết trong những buổi giảng kinh chính thức, Ngài thường bảo các đệ tử thuyết pháp trước, rồi sau đó mới đến phiên mình.

Phương pháp giáo hóa của Ngài, bao gồm giảng kinh liên tục và cử hành những pháp hội tu hành trong năm, chiếu theo gương tu hành của kỳ tu học kinh Thủ Lăng Nghiêm lần đầu; lập ra tiêu chuẩn tu hành tinh tấn cho thiền thất và Phật thất; thường thuyết pháp khai thị trong các kỳ thiền thất; giải thích điểm trọng yếu của sự sám hối trong nhà Phật; khuyến khích lễ lạy bái sám như lạy Đại Bi Sám Pháp, Vạn Phật Bảo Sám, v.v…

Hầu hết những điều giáo huấn quan trọng của Ngài đều nằm trong những buổi giảng kinh thuyết pháp. Đối với Ngài, ngay trong mọi hoàn cảnh đều có cơ hội giáo hóa. Ngài không màng những người đối diện là đệ tử của mình hay không. Khi xử sự pháp thế gian, dầu là đệ tử hay các nhà chính trị, hoặc các nhà buôn bán đất đai, Ngài thường nhắc nhở họ rằng những công việc hằng ngày chính là những cơ hội tốt để giúp họ tự thấy lỗi lầm, tự cải đổi và tự phát triển trí huệ sẵn có. Ngài luôn cởi mở, thẳng thắn, thành thật với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Ngài đối xử mọi người bình đẳng, từ Tổng Thống MỸ cho đến các em nhỏ. Mọi việc làm đều vì lợi ích cho người khác, chứ không cho chính mình.

2/ Du hành hoằng pháp tại Tây Phương.

Ở mọi nơi, Ngài đều được cung kính thỉnh mời giảng kinh thuyết pháp. Ngài luôn tận tâm tận lực để đáp ứng, dầu cho có hại đến sức khỏe của mình. Không những đi khắp nước MỸ, Gia Nã Đại, và Á Châu để truyền bá Phật pháp, Ngài còn qua đến Châu Âu, Trung MỸ.

Năm 1973, Ngài qua Brazil, Argentina, Paraguay và những nước khác ở Trung MỸ. Mục đích chính của Ngài là gieo duyên lành với dân chúng địa phương, bằng cách bỏ rất nhiều thời giờ để tụng chú Đại Bi, rồi hồi hướng công đức cho dân chúng ở nơi đó.

Năm 1990, thể theo lời thỉnh mời của các đoàn thể Phật giáo tại Châu Âu, Ngài hướng dẫn phái đoàn hoằng pháp qua đó thuyết pháp. Biết rằng tuổi thọ sẽ bị rút ngắn vì bịnh hoạn, nhưng Ngài luôn vì pháp quên thân, xem nhẹ mạng sống. Những quốc gia mà Ngài đến hoằng pháp gồm có nước Anh, Pháp, Bỉ, Đức, và Ba lan.

3/ Viện Phiên Dịch Kinh Điển Quốc Tế và báo Kim Cang Bồ Đề Hải.

Năm 1970, Ngài thành lập hội Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo với mục đích chính là phiên dịch toàn bộ kinh điển nhà Phật từ tiếng Tàu qua tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Ngài nhận thấy rõ rằng việc phiên dịch kinh điển qua tiếng Anh bằng những lời chú giải và ngôn từ dễ hiểu ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiên cứu, tu học của người Tây Phương. Ngày nay, hội Phiên Dịch Kinh Điển đã xuất bản hằng trăm quyển kinh nhà Phật mà trong đó hầu hết có những lời chú giải của Ngài.

Lại nữa, trong năm 1970, Ngài cho ra nguyệt san của chánh pháp Phật giáo, Kim Cang Bồ Đề Hải được phát hành cho đến ngày nay. Lúc đầu, nguyệt san này được viết bằng tiếng Anh, rồi dần dần trở thành nguyệt san song ngữ, tiếng Anh cùng tiếng Tàu.

IV. Đề Xướng Giáo Dục.

Nhận thấy khuyết điểm của Phật giáo Trung Quốc là không chú trọng vào nền giáo dục, tức là không thể thiết lập một hệ thống trường trung học, đại học Phật giáo. Để bổ khuyết vào nền giáo dục suy đồi tại Tây Phương, Ngài sáng lập trường đại học Pháp Giới, trường trung học Bồi Đức, tiểu học Dục Lương và phát triển chương trình trợ cấp sinh viên học sinh nghèo khó.

Đối với Ngài, giáo dục thanh thiếu niên là nền tảng vững chắc và hay nhất của quốc phòng. Tại bậc tiểu học, Ngài đề xướng đạo hiếu thảo cha mẹ. Bậc trung học, đề xướng trung thành ái quốc. Bậc đại học, sinh viên không những học các ngành chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm cải đổi, phát triển, làm lợi ích cho thế nhân.

Ngài quân bình nền giáo dục truyền thống và nền giáo dục hiện đại. Ngài luôn đề xướng phương thức phát triển trí huệ sẵn có của mọi người, tức là dùng cách thức mới mẻ trong việc giáo dục. Cụ thể, Ngài tự viết vài bài ca bằng tiếng Anh, rồi khuyến khích các đệ tử dùng những phương pháp đó để giảng dạy Phật pháp.

1/ Đại học Phật Giáo Pháp Giới.

Năm 1976, Ngài thành lập trường đại học Phật Giáo Pháp Giới; cơ sở chính được đặt tại Vạn Phật Thánh Thành. Mục đích chính là xiển dương Phật giáo đến mọi tầng lớp, bồi dưỡng tâm linh, mang lại sự lợi ích cho xã hội, và giúp chúng sanh mau chóng được khai ngộ. Trường đại học hiện nay đang dạy những môn về Phật học và tu trì, phiên dịch kinh điển, giáo dục Phật học, tiếng Tàu, v.v…

Trong những lời di huấn cuối cùng, Ngài dạy các đệ tử rằng phải đặc biệt chú ý phát triển trường đại học để hoàn thành viễn kiến và hoài bão hoằng pháp của Ngài.

Qua bao năm, rất nhiều giáo sư đại học nổi tiếng thường đến thăm viếng và tiếp thọ những lời giáo huấn của Ngài như ông Edward Conze, P. Jaini, David Ruegg, Henry Rosemont, Jr. and Jacob Needleman, v.v…

Ngài cũng được thỉnh mời đến thuyết giảng tại các trường đại học như Stanford, Berkeley, University of Washington, University of Oregon, UCLA, University of California at Davis, University of Hawaii, San Francisco State University.

2/ Chương trình huấn luyện chư tăng ni và cư sĩ.

Năm 1982, Ngài thành lập chương trình huấn luyện tăng ni và cư sĩ với mục đích là nhấn mạnh vào việc tu trì học tập Phật pháp trong khuôn viên tu viện, dựa trên nền tảng của giới định huệ. Chương trình huấn luyện tăng ni chú trọng vào sự hành trì tôn giáo, luật lệ sinh hoạt và quản lý tự viện. Xuyên qua các chương trình này, Ngài đã huấn luyện được những nhân tài phục vụ cho Tổng Hội và cho Phật giáo.

3/ Trường tiểu học Dục Lương và trung học Bồi Đức.

Do sự đề nghị của cựu quản trị viên thành phố Cựu Kim Sơn, Carol Ruth Silver, Ngài thành lập trường tiểu học Dục Lương vào năm 1976. Để hỗ trợ việc bồi dưỡng mầm non thiện đức của trẻ em, trường tiểu học nhấn mạnh vào nền giáo dục có phẩm chất. Đề xướng chương trình song ngữ, tiếng Anh và tiếng Tàu, và dạy về căn bản văn hóa của đông phương cùng tây phương. Cô Terri Nicholson và các thầy, cô giáo khác dạy những lớp học đầu tiên bên dưới hầm nhà của viện Phiên Dịch Quốc Tế tại đường Washington, Cựu Kim Sơn. Trường học được dời về Vạn Phật Thánh Thành vào năm 1978. Trường trung học Bồi Đức được khai mở vào năm 1980. Học sinh nam và học sinh nữ được học hành riêng biệt vào năm 1981.

4/ Không phân biệt tôn giáo.

Ngài bảo rằng đối với Phật giáo, người ta thường dán nhãn hiệucho là giáo lý rất hạn hẹp. Ngài thường nhấn mạnh rằng giáo lý nhà Phật là dùng để giáo hóa chúng sanh. Ngài cũng phê bình sự phân chia trong Phật giáo, vì đó là điềm báo hiệu đời mạt pháp. Thêm nữa, Ngài nhắc nhở mọi người đừng nên quá chấp nê vào sự phân biệt giữa tôn giáo, trường phái. Ngài chủ trương các tôn giáo phải hỗ tương, học hỏi những điều hay lẽ phải và bổ khuyết lẫn nhau. Để thực hành thiết thực, Ngài mời hồng y Thiên Chúa giáo Vu Bình tại Đài Loan đến Vạn Phật Thánh Thành để thành lập và làm giám đốc trung tâm nghiên cứu tôn giáo thế giới trong khuôn viên của bổn tự. Ngài đề nghị rằng hồng y Vu Bình sẽ là người Phật tử giữa những người Thiên Chúa giáo, còn Ngài sẽ là người Thiên Chúa giáo giữa những người Phật tử. Chẳng may, hồng y Vu Bình qua đời đột ngột làm đình chỉ việc thành lập trung tâm đó. Sau này, vào năm 1994, viện Nghiên Cứu Các Tôn Giáo được thành lập tại thành phố Berkeley, California.

Năm 1987, Ngài chỉ đạo trường đại học Pháp Giới tổ chức những buổi hội thảo tôn giáo Quốc Tế tại Vạn Phật Thánh Thành. Trong năm 1987, Ngài cũng diễn giảng tại hội thảo Phật Giáo-Cơ Đốc Giáo Quốc Tế lần thứ ba tại Berkeley. Có lần, Ngài được thỉnh mời đọc bài điếu văn tại giáo đường Từ Ân ở vùng Cựu Kim Sơn.

Năm 1989, Ngài được hội Quaker thỉnh mời đến Pendle Hill ở tiểu bang Pennsylvania, để thuyết pháp hằng giờ tại trung tâm tu học đó. Năm 1992, Ngài là quý khách chủ trì pháp hội hằng năm của nhóm Vedata Society. Ngoài ra, tình đạo vị chân thật giữa Ngài và cha John Rogers, giáo sĩ trường đại học Humbolt State University, rất mật thiết.

V. Ngài để lại di sản bất hủ cho người tây phương.

Suốt cuộc đời, Ngài luôn khiêm cung vô ngã và tận tụy trãi lòng đại bi đến tất cả chúng sanh. Ngài hành đạo không nghỉ ngơi, chỉ muốn dẹp trừ màn vô minh ngu si đang che lấp bản tánh chân thật của chúng sanh. Ngài hành đạo cho nền hòa bình của tôn giáo, quốc gia, nhân loại, thế giới. Mặc dầu chú trọng vào việc phát triển Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới, nhưng sự cống hiến công sức truyền bá Phật giáo qua Tây phương của Ngài được tóm gọn như sau:

Phật giáo đã có mặt ở Trung Quốc trước khi ngài Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông, từ Ấn Độ sang. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều mê muội về giáo nghĩa chân chánh của Phật pháp, như không thể phân biệt gì là chân thật hay giả dối, gì là bề mặt hay thâm sâu. Tổ Bồ Đề Đạt Ma thắp ngọn đuốc trí huệ, làm sáng tỏ chân nghĩa của Phật pháp, bằng cách dạy họ tự rõ tâm thấy tánh (minh tâm kiến tánh), chứng thẳng đến quả vị Bồ Đề.

Đại lão hòa thượng Tuyên Hóa qua tây phương sau khi Phật giáo được truyền sang đây khoảng một trăm năm. Lúc đó, có rất nhiều người thích nghiên cứu học hỏi Phật pháp, nhưng họ cũng rất mù mờ với những hiểu biết sai lầm. Vì vậy, nhận thấy rằng chỉ khi nào tăng đoàn Phật giáo được thanh tịnh và vững mạnh thì Phật giáo tại quốc gia đó mới được hưng thịnh, nên Ngài trùng hưng cải cách chế độ của tăng đoàn, chú trọng việc giữ gìn giới luật tinh nghiêm của hai chúng đệ tử xuất gia và tại gia. Nhận biết bản tánh người MỸ rất thích thực tế, và nhờ tiếp thừa tinh thần của tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài đề xướng thật hành thiền định tinh tấn, để họ có thể trực tiếp tự chứng ngộ giáo nghĩa chân chánh của Phật giáo. Vì có một số người nhận thức sai lầm về Phật giáo, Ngài giảng giải kinh điển Phật giáo bằng phương pháp đơn giản dễ hiểu, và chỉ rõ sự liên hệ mật thiết giữa chân nghĩa kinh điển cùng việc tu tập thực hành trong đời sống hằng ngày. Sau đó, lại phiên dịch những lời chú giải ra Anh ngữ để giúp các độc giả tây phương tiện việc nghiên cứu học hỏi. Cuối cùng, Ngài quyết định chọn lựa Tây phương là nơi để giáo hóa, tức là dùng sự hành trì chân thật của mình mà hóa độ họ trong đời sống hằng ngày, hầu chỉ rõ chân nghĩa Phật giáo. Nhờ phương thức này, vô số người tây phương vô cùng cảm động, tri ân, và dần dà thực hành theo những điều Ngài đã giảng dạy. Ngài thật sự đã gieo mầm mống Bồ Đề vào trong tâm thức của họ.

VI. Cảm Nghĩ:

Terri Nicholson, em của giáo sư Epstein, viết:

Vào tháng giêng năm 1969, lúc mười lăm tuổi, vào lần bái kiến đầu tiên, tôi chỉ được gặp Ngài trong khoảnh khắc, nhưng vẫn nhớ câu: Ô! Con đã đến!

Ấn tượng sâu nặng nhất trong lần ấy là tôi thấy Ngài rất nhún nhường khiêm tốn. Trưóc đó, do được biết đến Ngài qua người anh ruột, nên tôi cảm giác rằng Ngài là vị rất đáng sợ và không thể gần gũi thân cận được. Tuy nhiên, lúc vừa đến chùa, tôi thấy Ngài mặc áo thun ngắn và quần sậm, đang phụ giúp khuân vác bàn ghế, hoàn toàn không có gì kỳ lạ. Tôi nghĩ rằng đây là ấn tượng sâu sắc nhất của mình: Ngài không hề phô trương mình là vị đại pháp sư, hoặc có nhiều đệ tử. Ngài chỉ làm việc chung với mọi người, không đặt mình vào vị thế đặc biệt. Tôi không trở lại chùa cho đến tháng giêng năm 1973 (ghi chú: Bà Nichoson sau này trú tại viện Phiên Dịch Kinh Quốc Tế, và trở thành hiệu trưởng của trường trung học Dục Lương tại nơi đó. Khi trường học được dời về chùa Vạn Phật Thành, bà ta cũng đi theo và tiếp tục hướng dẫn việc phát triển của trường).

***

Từ bi hỷ xả mãi mãi bảo tồn nền hòa bình (Hảo Cổ).

Trong thời đại vàng son của Phật giáo tại nước Tàu, hệ thống chùa chiền được thiết lập khắp mọi nơi như lưới võng. Giáo lý của Phật Thích Ca được thịnh hành khắp chốn. Chư đại Tổ Sư y theo đó mà tu hành, rồi hình thành các tông phái. Trong thời đại vàng son đó, Phật pháp tại nước Tàu được hưng thịnh là nhờ phần lớn chư tăng và cư sĩ biết áp dụng sự tu hành vào cuộc sống hằng ngày. Thế nên, Phật giáo không những hộ trì quốc gia mà còn cả thế giới.

Đến MỸ vào năm 1962, Ngài nhận thấy truyền thống tăng đoàn đối với người MỸ thật hoàn toàn xa lạ, vì tại tây phương chưa có một đại tùng lâm nào có thể bảo hộ tăng đoàn và các cư sĩ chánh tâm tu hành chân thật. Ngày nay, sau hơn ba mươi năm, đơn thân độc mã Ngài dùng tâm sức thiết lập chùa chiền Phật giáo nhiều như lưới võng, biến thành một hệ thống tự viện phức tạp trải dài từ đông sang tây, bao trùm khắp nước MỸ, Gia Nã Đại và liên kết với vùng Đông Nam Á. Đồng thời, Ngài cũng đào luyện các đệ tử hoằng hóa ở những ngôi chùa này, để họ có thể tự đứng vững độc lập cho đến khi Ngài buông tay ra.

Năm 1995, Ngài buông tay ra, khiến tín chúng khắp nơi đều thương tiếc. Những ai đã từng biết Ngài, thâm tâm đều cảm thấy đau xót vô vàn. Tuy nhiên, chúng ta những người đã biết rõ về Ngài, phải cương quyết tự lập, tiếp tục hoằng dương giáo pháp của Ngài để lại, gánh vác công việc Phật sự: Tại những đạo tràng thanh tịnh do Ngài đã kiến lập, phải tiếp tục khiến pháp âm vang mãi không gián đoạn, bằng cách thiết lập trung tâm huấn luyện những người sơ học Phật pháp; sống đời thanh tịnh tại các đạo tràng có tăng đoàn và cư sĩ; mỗi ngày tiếp tục tu hành, làm công quả; gầy dựng cộng đồng Phật tử, biết cúng dường và hộ trì Tam Bảo đúng chánh pháp; lập viện dưỡng lão, kính trọng niên trưởng, trọng vọng kinh nghiệm sống của họ; thành lập trường học, giáo dục lớp trẻ, khiến họ có căn bản về đạo đức nhân nghĩa, hầu mong họ sẽ trở thành những bậc lãnh đạo, làm lợi ích cho nhân loại sau này.

Hơn hai mươi năm về trước, một nhóm Phật tử tại vùng Los Angeles, do lòng mộ đạo nên phát nguyện tìm nơi để thiết lập đạo tràng Phật giáo, ngõ hầu thỉnh Ngài và tăng đoàn xuống miền nam California hoằng pháp lợi sanh. Cuối cùng họ tìm được một địa điểm, và được Ngài đặt tên là chùa Kim Luân. Từ đó, Ngài thường đến ngôi chùa này vì có rất nhiều trọng trách. Thứ nhất, Ngài dùng giáo pháp căn bản để dạy cho các Phật tử, hầu mong họ nhận ra và đối đầu với lỗi lầm cùng phiền não. Vừa ngưng việc xấu, Ngài dạy họ làm việc thiện. Nhờ sự giáo hóa không mệt mỏi của Ngài, số cư sĩ chân chánh, biết hộ trì chánh pháp ngày một thêm đông. Bên cạnh đó, Ngài cũng thường răn nhắc, cảnh tỉnh những đệ tử xuất gia, phải hành xử hợp với vị trí của một tăng sĩ tu hành đúng theo chánh pháp. Ngoài ra, Ngài còn bảo hộ vòng đai kiết giới, đất đai của vùng Los Angeles. Cả vùng biển phía tây thường được tiên đoán là luôn có những trận động đất, chưa nói gì về những thiên tai hoạn nạn do thiên nhiên và con người tạo ra không ngừng. Nhờ những phương tiện thiện xảo, sứ mạng của Ngài đã chu toàn, thành công mỸ mãn giải quyết những vấn đề đó.

Vào năm 1973, cuộc hành trình ba bước một lạy đầu tiên của hai vị tăng sĩ đệ tử Ngài, được khởi đầu từ vùng Cựu Kim Sơn và kết thúc tại thành phố Seattle ở tiểu bang Washington. Không phải là chuyện ngẫu nhiên mà cuộc hành trình ba bước một lạy bắt đầu khi dân chúng phát hiện sao chổi đang hướng thẳng đến quả địa cầu. Lạ lùng thay! Sao chổi đột nhiên chuyển hướng, khiến ai ai cũng đều an tâm vui mừng. Lúc mọi việc an ổn, Ngài hướng dẫn đệ tử cầu nguyện cho thế giới hòa bình tại thành phố Seattle.

Lại nữa, cũng không phải là việc tình cờ mà cuộc hành trình ba bước một lạy lần thứ hai của hai tăng sĩ đệ tử Ngài được phát khởi vào năm 1977, ngay sau khi buổi cầu mưa tại công viên cầu Kim Môn. Hai vị tăng sĩ, bắt đầu từ đạo tràng chùa Kim Luân ở thành phố Los Angeles, nam Cali, hành ba bước một lạy, lễ bái kinh Hoa Nghiêm theo từng bước chân. Họ đi ngang qua vùng đất khô cằn vì nạn hạn hán ở miền nam California. Nhờ thường trì tụng câu Nam mô kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêmmà những giọt nước pháp cam lồ xuất sanh từ giáo lý viên dung, đã thấm nhuần vùng thung lũng khô cằn, khiến được hồi sinh, tránh nạn đói khát. Từng bước lễ lạy, họ được các Phật tử Los Angeles hộ trì và cổ động. Bao nhiêu lần các Phật tử này đã từng lái xe trên đoạn đường dài để mang đồ đến cúng dường cho hai tăng sĩ, và cùng họ lễ lạy.

Ngài dạy dỗ, hướng dẫn tăng sĩ và cư sĩ hộ pháp hành trì đúng theo trọng trách của mỗi người. Cộng đồng Phật tử ngày một lớn mạnh, nên ngôi chùa Kim Luân thứ hai lại lớn thêm. Ngài tiếp tục bảo hộ vùng đất kiết giới bằng cách giảng kinh Địa Tạng vào những chuyến hoằng pháp hằng tháng tại vùng Los Angeles.

Luôn luôn tiết kiệm, Ngài thường xuống vùng Los Angeles bằng xe, thay vì đi máy bay. Bất cứ ai thường đi với Ngài phải chuẩn bị:

Thứ nhất, thuyết giảng tức khắc về những đề tài do Ngài đưa ra.

Thứ hai, đọc thuộc lòng những bài kinh được Ngài chọn lựa bất định.

Thứ ba, đọc thuộc vài phần trong kinh Lăng Nghiêm hoặc nguyên phần chú Thủ Lăng Nghiêm.

Thứ tư, không bao giờ ngủ gật từ lúc bước lên xe đến khi xuống xe.

Đi xe hàng giờ, Ngài thường đến chùa Kim Luân vào buổi tối. Đông đảo Phật tử ra đón tiếp Ngài cho dầu có trễ. Phật tử tại vùng, mỗi khi nghe tin Ngài xuống đó vào hàng tháng thì nhóm họp đông đảo tại chùa, bao xung quanh Ngài để nghe pháp và thưa hỏi những việc riêng tư. Ngài luôn kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp những vấn đề rắc rối, cùng khiến họ được pháp hỶ sung mãn, dầu giờ giấc có khuya đến mấy.

Tín chúng tại vùng ngày càng đông đảo, và ngôi chùa Kim Luân thứ ba lại lớn hơn. Đang lúc sửa chữa, Bồ Tát Quán Âm cỡi rồng phun nước hiện trên nền trời vào một buổi chiều. Người nghi ngờ hỏi: Ai bảo đó là Bồ Tát Quán Thế Âm?Vâng, những người dữ dằn nhất trên thế gian này bảo như thế; Quả Nhuệ, một tay anh chị ở vùng Cựu Kim Sơn đã từng bắn nhau tại nhà hàng Rồng Vàng, kể lại việc đó. Lúc Bồ Tát hiện hình, anh ta cùng bạn bè đang phụ giúp xây cất sửa chữa chùa Kim Luân. Họ ra ngoài chùa bần thần ngạc nhiên, nhìn thấy Bồ Tát Quán Âm đứng trên mây trắng. Ngay cả bác sĩ họ Hồ đang trên đường lái xe về nhà, sau một ngày trị liệu bịnh nhân mệt nhọc, cũng thấy hình gì lạ lùnghiện ra trên nền trời vào buổi chiều tối hôm đó.

Khi Ngài gởi tượng Ngọc Phật Thích Ca to và nặng xuống làm pháp chủ ngôi chùa Kim Luân, một số nam Phật tử tình nguyện khuân vác tượng nặng vài tấn này, nhưng cảm thấy không cách nào cáng đáng nổi. Tuy nhiên, từ từ họ cũng thỉnh tượng Ngọc Phật này vào chánh điện. Lúc họ hì hục khiêng tượng Ngọc Phật, chỉ còn vài thước là đến chánh điện, đột nhiên một con rồng xuất hiện, nổ tiếng sét lớn, khiến rung động cả nền chùa.

Ngài luôn luôn tu hành và làm việc không ngừng nghỉ để gia hộ sự an toàn của vùng nam California. Vào tháng tư năm 1978, Ngài chủ trì buổi lễ sám Dược Sư đầu tiên ở MỸ. Khi đó, Ngài viết những câu kệ như sau:

Pháp hội Dược Sư, tạo điềm lành

Thành phố Los Angeles tránh hiểm nạn

Đàn việt thiện tín đồng tinh tấn

Trời người hộ pháp đều bận rộn

Chí thành cảm ứng tăng phước thọ

HỶ xả từ bi khiến hòa bình

Rúng động đất trời sét mùa xuân

Trống chuông vang động, chuyển mười phương.

***

Kinh nghiệm cá nhân (Randolph Lum).

Tôi chính thức trở thành Phật tử vào tháng chạp năm 1984. Trước đó, tôi đã từng đọc rất nhiều kinh sách đạo Thiên Chúa. Tôi luôn có ý muốn học hỏi nhiều về tôn giáo và tâm linh. Nội tâm tôi luôn thích biết nhiều về chính mình, như việc gì sẽ đến sau khi chết, ý nghĩa về sự hiện hữu của thế giới này v.v… Do ước vọng hoàn thành sự nghiệp học vấn và phát triển nghề nghiệp trói buộc, tôi không thể tầm cầu nghiên cứu về tôn giáo vào lúc trẻ.

Năm 1984, sau khi cảm thấy mãn nguyện về việc thành công trong sự nghiệp, tôi quyết định tiếp tục tìm cầu học hỏi về tôn giáo. Duyên lành đưa đến, một ông chú hỏi rằng tôi có thích nghiên cứu học hỏi Phật giáo không? Ông ta bảo rằng đã từng gặp Ngài do nhờ những người bạn giới thiệu. Ông ta lại nói rằng vị cao tăng này rất đặc biệt, và được nhiều người trọng nể. Xin hãy hiểu cho, ông chú của tôi luôn thích học võ thuật và Khí công. Ông ta rất thích người có công phu võ nghệ, lại cũng nghĩ rằng các vị cao tăng thường có những loại công phu như thế. Ông ta bảo rằng Ngài đã thành lập chùa Kim Luân tại vùng Los Angeles, và đề nghị tôi nên đến đó tu học. Tháng chạp năm 1984, vừa đến chùa Kim Luân, ngay lập tức tôi bị linh khí của chùa thu hút. Tuy đạo tràng trông đơn giản mộc mạc, nhưng không khí nơi đây thật khó diễn đạt bằng lời mà chỉ cảm nhận qua trực cảm. Vì vậy, tôi liền thỉnh vài quyển kinh sách giảng giải đạo Phật cho người sơ cơ. Đọc qua sự tích của Ngài, tôi rất lấy làm cảm động. Lập tức, chẳng còn điều gì để nghi ngờ, tôi nhận rõ đây là tôn giáo mà mình tìm cầu bấy lâu nay và mình phải là Phật tử; đây là điều không thể dùng lời để giải thích.

Trong vòng một tháng, tôi bắt đầu ăn chay trường và thọ giới quy y với Ngài. Lần nọ, vào dịp tham vấn Phật pháp, tôi được một vị thầy phiên dịch, vì không hiểu tiếng Tàu. Ngài trả lời những câu hỏi rất chính xác trước khi tôi mở lời. Tôi rất kinh ngạc vì Ngài biết rõ tâm tôi trước buổi tiếp chuyện.

Tuy biết rằng hiện tại Ngài đã ra đi, nhưng tôi không tin là Ngài bỏ đi hoàn toàn. Vài lần, tôi mơ thấy Ngài đang lái xe chung quanh chùa Vạn Phật Thành như thuở xưa. Ngài vẫy chào tạm biệt khi chúng tôi bước lên xe buýt. Ngài lại giảng dạy thêm về cách tu hành: Hãy để tham, sân, si lại cho Ngài. Bấy giờ, trong giấc mơ không có ai ngoại trừ tôi và Ngài. Nói bằng tiếng Tàu, Ngài răn dạy tôi kỸ càng. Kỳ thật, mãi đến hôm nay, tôi không hiểu Ngài nói những gì vì không biết tiếng Tàu, nhưng những lời đó vẫn còn văng vẳng bên tai.

***

Nhớ lại nhân duyên xưa tại Giảng Đường Phật Giáo (Tim Testu, Quả Du).

Những hành vi của Ngài hàng ngày, ảnh hưởng lớn lao đến tôi, khiến tôi bị thu hút và phải cười ra nước mắt.

Vào một buổi trưa nọ, một bà với bộ mặt quái quắc cùng một đám đông bạn bè dữ dằn bước vào chùa nghe Ngài thuyết pháp. Họ không có tâm ý thiện cảm mà chỉ lộ những bộ mặt nóng nảy cau có. Vài người mang dây nịt to lớn với những cục đồng nhọn hoắc. Vì đã quen với những bộ mặt người MỸ lạ kỳ, Ngài vẫn thản nhiên thuyết pháp bình thường. Thuyết pháp vừa xong, Ngài bảo rằng có ai muốn hỏi điều gì. Bà kia liền đứng dậy hỏi:

Tôi có hai câu hỏi. Thứ nhất, trong hiện tại vào mỗi ngày trên thế giới có hàng ngàn người bị chết đói. Đạo Phật giải thích và lập trường của Ngài về việc này như thế nào? Thứ hai, thế giới đầy cả những thiết bị vũ khí nguyên tử. Các siêu cường quốc có những vũ khí nguyên tử nhiều hơn sự cần thiết dành cho quốc phòng. Những vũ khí nguyên tử này đủ để nổ tung trái đất vài trăm lần. Tuy nhiên, dường như họ cho rằng vẫn chưa đủ. Ngài nghĩ phải nên làm gì?

Ngài mỉm cười, kiên nhẫn chờ phiên dịch câu hỏi. Một lát sau, Ngài dí dõm đáp:

Có đáp án đơn giản cho hai câu hỏi này. Hãy lấy những quả bom nguyên tử dư thừa, thả xuống vùng đông dân cư nhất.

Bà ta giật mình, còn cả đại chúng đều cười rộ. Đợi mọi người im lặng xong, Ngài tiếp tục rằng đối với nhãn quan Phật giáo thì thật ra không có vấn đề chi. Kỳ lạ thay! Con người không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại, nên tạo ra những vấn đề rắc rối. Thật vậy, mọi việc vốn là tốt đẹp, nhưng chúng ta lại tự tạo ra những vấn đề rắc rối rồi tự trói buộc chính mình. Phật giáo dạy chúng ta đạt đến cảnh giới không có vấn đề gì. Lúc đang bị xoay quanh trong những vấn đề rắc rối mà hiểu rõ rằng không có gì là rắc rối, thì chúng ta đã đạt đến chân lý. Bổn chất Phật giáo vốn không liên hệ với chánh trị.

Buổi thuyết pháp kết thúc. Dường như mọi người đều hài lòng về những lời giải thích đó. Việc này khiến tôi nhớ lại một câu nói trong cuốn phim Tennessee Williams Night of the Iguana, Richard Burton hỏi Ava Gardner rằng tại sao đầu bếp người Tàu của bà ta luôn nói không sao đâu, mỗi khi được hỏi và bảo làm điều gì.

Ava xoay đầu, cười bảo:

Triết lý mấy ngàn năm văn hóa của người Tàu nằm trong câu Không Sao Đâu ấy.

Vậy thì nghĩa của câu này là gì?

Không có vấn đề gì.

Ngày nọ, lúc buổi công phu chiều vừa chấm dứt, mọi người đồng ngồi xuống để nghe giảng pháp, thì tôi chợt để ý đến lời nói nho nhỏ của Ngài với cư sĩ Jones rằng hãy để ý vì có kẻ định ăn cắp đồ. Jones dường như quên lãng đi, nhưng tôi vẫn nhớ rõ. Tôi cảm giác là có lẽ Ngài nói cho mình nghe. Ngài thường có nhiều cách hành sự rất độc đáo. Tâm Ngài không những thông đạt tất cả tánh tình của chư đệ tử mà còn biết nhân duyên với chúng sanh, cùng đọc rõ tâm niệm của mọi người. Giờ đây tôi xác thật nhận biết điều này.

Buổi giảng kinh vừa chấm dứt, chánh điện liền huyên náo ồn ào với những lời bàn tán xôn xao. Khi Jones dường như quên hẳn lời dặn dò của Ngài, tôi chợt thấy một người đàn bà trạc tuổi trung niên chen chưn vào chánh điện, rồi cố bưng thùng phước sương. Như trong mộng và như lời tiên đoán, mọi việc đều xảy ra. Tâm Ngài quán sát trong ngoài, hiện tại, vị lai không ngừng nghỉ. Ngài dẫn dắt đệ tử đến những cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Vừa được tôi báo tin, Jones lập tức chụp lại tiền và tống bà ta ra khỏi chùa. Dầu Ngài đã đi vào phòng đằng sau chánh điện, nhưng lời của Ngài vẫn văng vẳng bên tai tôi. Ngài biết rõ việc trước khi bà ta làm. Thật không thể nghĩ bàn! Tâm chúng ta nghĩ việc gì, Ngài đều biết hết, giống như tôi nói tiếng Anh lưu loát. Làm sao Ngài có thần thông như thế? Tại sao Ngài tiết lộ cho tôi biết? Nếu thật sự tu hành, tôi có thần thông không? Việc này khiến tín tâm của tôi tăng thêm muôn phần. Tôi chân thành tin tưởng Phật pháp nên quyết định học hỏi thêm nhiều về diệu pháp và vị thầy này.

Để bắt đầu nhập môn, vào một hôm, tôi nói với vị tăng chấp sự là mình muốn thọ giới quy y với Ngài. Vị tăng này bèn báo cáo với Ngài về ý định của tôi. Vài hôm sau, Ngài bảo rằng sẽ có buổi lễ truyền giới quy y trong vài phút, vậy tôi có thật muốn tham dự hay không? Tôi trả lời là rất muốn. Ngài mỉm cười rồi trở vào phòng nghỉ ngơi. Khi lễ quy y truyền giới vừa sắp bắt đầu thì một vị thầy người MỸ bước ra, vội vã bảo tôi rằng nếu muốn thọ giới quy y thì phải cạo râu tóc cho sạch sẽ. Đương thời, tôi rất thích búi tóc và để râu dài vì đó là hình dáng trai tráng sung sức của mình. Đột nhiên, tôi bị bắt buộc phải chọn lựa: Để râu tóc bờm sờm hay quy y Tam Bảo, việc nào quan trọng? Tôi lập tức chạy vào nhà tắm, cạo bỏ râu, cắt tóc ngắn lại. Tôi vừa bước trở ra thì buổi lễ quy y đang tiến hành.

Trong buổi lễ, có vài người MỸ thọ giới quy y. Ngài tự dùng những phương pháp riêng để cho chúng tôi pháp danh từ 50,000 chữ Tàu. Tôi phát giác ra rằng pháp danh của mỗi người, liên hệ kỳ diệu với căn tánh của mình. Có một đệ tử của Ngài, pháp danh là Quả Ly. Ông ta không biết nghĩa của Quả Ly là gì. Quy y thọ giới xong, ông cúng dường cho Ngài một viên đá bằng lưu ly mà ông đã giữ gìn bao năm trường. Không ai biết rõ ông ta có viên đá lưu ly này, hoặc ông ta sẽ cúng dường cho Ngài. Sau này, tìm trong tự điển chữ Tàu, ông thấy nghĩa của chữ Ly là lưu ly.

Tôi thọ giới quy y Tam Bảo, làm đệ tử Ngài với pháp danh là Quả Du (vượt qua giới hạn). Tôi rất thích và kiêu hãnh với pháp danh này vì mình đã vượt qua những giới hạn của cuộc đời mà không muốn ngừng nghỉ. Buổi lễ vừa chấm dứt, một số bà Tàu người Quảng Đông đi vòng quanh chánh điện. Ngài vừa bước ra thì họ bu theo như nam châm hút sắt. Ngài nhìn tôi rồi mỉm cười, bảo:

Hãy nhìn thằng MỸ ngu si này! Nó vừa cạo bộ râu láng để quy y với tôi!

Đôi má tôi ửng hồng vì xấu hổ. Tuy nhiên, tôi không thể làm gì được để lấy lại hàm râu. Tôi cúi đầu lạy xuống chiếc gối lạy để che dấu cảm giác hổ thẹn của mình. Tôi quyết chắc rằng sự chấp ngã của mình đã vơi đi phần nào. Hình tướng đã thay đổi rồi, còn gì để bám chấp !

Đa phần, tôi thấy Ngài rất niềm nở với mọi người. Tuy nhiên, đối với một số người, Ngài phải nghiêm khắc dạy bảo. Tôi đã từng nghe người khác bảo: Trước cho nếm mật ong, rồi sau mới cho nghe pháp.

Ngài dạy đệ tử tùy theo căn tánh của từng người. Ngài dùng pháp bất nhất địnhhợp lý lẽ trong phạm vi truyền thống tôn giáo mà không chấp nê.

Ngài thường bảo: Tại sao không có trí huệ? Vì ngu si đắm chấp tướng.

Dùng cách này, Ngài chỉ rõ hành vi ngu si của tôi. Tôi có vô minh từ vô lượng kiếp. Ngài phản ứng bằng tạng trí huệ thậm thâm mà không giải thích phương tiện thiện xảo của mình. Một phút trước, âm thanh Ngài vẫn còn vang dội tiếng la mắng người này. Một phút sau, Ngài tiếp đãi nồng hậu kẻ khác. Hầu hết, tình cảm của mọi người như nước nóng lạnh chảy qua vòi. Dường như, Ngài cố tình đưa tôi vào nơi vượt ngoài đối đãi, hay cảnh giới thoát ngoài sự hiểu biết, không thể nghĩ bàn. Sự nóng giận của Ngài dường như là thật nhưng không dính chút chấp trước. Ngài có thể hùng hổ la hét, khiến cửa sổ lung lay, tường vách rung động, nhưng lại biến ngay trong giây lát. Ngài giúp tôi dẹp trừ chấp trước, ngã mạn, tâm cuồng quỶ ma, để trở về chân tâm Phật tánh. Tôi tự nguyện thọ những sự giáo huấn đó. Ngài lại dùng gương trí huệ soi sáng, giúp tôi tự quán chiếu chính mình. Ngài từng bảo rằng nhiệm vụ của Ngài là giúp mọi người nhận ra những việc đối đãi như tốt xấu, thương ghét, buồn vui, trong ngoài, cho đến khi họ không còn bị pháp đối đãilàm mê hoặc. Nơi cảnh giới đối đãi, họ phải tìm ra trung đạo. Tuy nhiên, trong tự tánh chân thật, chẳng có gì gọi là trung đạohay cũng không có gì là tự tánh.

Ngài thường dùng radar bắt đàiđể chỉ dạy đệ tử tu từ ngay trong tâm. Phương pháp này vượt hẳn những cách thức giảng dạy của các vị thầy khác thường dùng, như dạy từ ngoài, vào trong. Làm sao có thể chỉ dạy nếu họ không biết đệ tử mình đang làm gì đằng sau lưng?

Ngài đã từng bảo: Đừng hiểu lầm! Thật ra, tôi chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt, giống như kẻ đã chết, chẳng ra gì. Quý vị đều muốn tranh địa vị bậc nhất. Tôi lại thích địa vị thấp nhất. Quý vị rất thông minh sáng suốt. Tôi chỉ là kẻ tu hành ngu si. Tuy nhiên, nên nhớ rằng quý vị có thể tự lừa dối chính mình và thầy mình, nhưng không thể lừa dối được chư Phật chư Bồ Tát. Nếu muốn thử, thì hãy tự tiện làm. Ngài cho rằng nhờ chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ, nên tất cả công đức đều được thành tựu.

Một chú sa di người MỸ thường bị Ngài quở mắng. Có lẽ chú tiểu đáng thương kia cảm thấy rất khó giữ giới luật và xả tâm hướng ngoại truy cầu. Câu chuyện như sau: Đêm nọ, chú tiểu khởi tâm mong muốn ra ngoàichùa chơi. Thật ra, chúng tôi cũng có những ý tưởng này, nhưng chú tiểu nhà ta lại dám làm thiệt. Mặc quần áo thường dân, đầu đội mũ len, chú ôm máng xối trèo từ lan can tầng lầu thứ tư xuống lan can tầng lầu thứ ba, rồi theo cầu thang lộ thiên, chạy ra ngoài chùa giữa đêm khuya. Đi ra ngoài khoảng vài giờ, chú làm những gì, chỉ có trời biết. Trước buổi công phu sáng, chú leo vào chùa theo lối đã đi.

Không ai thấy chú đi ra hoặc trở vào chùa. Chú cũng không kể lại cho ai biết về cuộc hành trình bí mật đó. Sáng hôm sau, Ngài bước đến trước mặt chú, hỏi:

Hồi hôm con đi đâu?

Run rẩy, chú đáp:

Bạch Thầy! Con không đi đâu cả.

Thế thì con làm gì trên xe buýt?

Như thường lệ, mỗi khi Ngài nói chuyện, ai ai trong phòng cũng chú tâm lắng nghe, vì đó là lúc Ngài giáo hóa chúng tôi.

Chú bật khóc:

Con! Con! Con không biết!

Ngài quát:

Ai là người không biết?

Con, con, con không biết!

Vậy ai đưa cho con thuốc lá?

Con, con không nhớ!

Tại sao con nói chuyện với con gái trên xe buýt?

Gương mặt chú tái mét vì sửng sốt, nên khóc lóc:

Bạch Thầy! Làm sao Thầy biết được?

Ngài quát:

Làm sao Thầy biết? Thầy sẽ nói cho con nghe lý do thầy biết được. Vậy con có biết không?

Chú đứng chết trân. Ngài lại quát:

Con có biết không?

Dạ con biết.

Ngừng một lát Ngài bảo:

Đó là việc Thầy biết! Con có thể lừa dối chính mình, chứ không thể lừa dối được đại chúng!

Ngài lại kể cho chúng tôi nghe rằng trong thời đại vàng son của Phật giáo Tàu vào đời Đường, chư vị tổ sư phải dùng gậy đánh đệ tử để khai ngộ cho họ. Tuy nhiên, Ngài bảo rằng tín tâm của người MỸ rất yếu vì Phật giáo quá mới mẻ đối với họ, dẫu Ngài biết chúng tôi rất cần để thúc đẩy sự tu hành. Tuy nhiên, nếu Ngài đánh, chắc chắn chúng tôi sẽ bỏ chạy hết. Vì vậy, Ngài đánhbằng tâm thức, tức là tâm đối tâm giống như chư Tổ Sư, nhưng không có gậy. Nếu muốn khai ngộ đắc tam muội chân thật, phải kiên cường thọ nhận gậy của bậc thiện tri thức. Hầu hết chúng tôi đều muốn được ăn gậy. Ngài có viết kệ:

Tất cả đều là thử nghiệm

Xem mình sẽ làm gì được

Trước mặt mà không nhận ra

Tức là phải làm trở lại.

Ngài thường bảo rằng trong tương lai sẽ thử thách các đệ tử, nhưng chúng tôi đâu biết lúc nào Ngài thử thật! Tuy nhiên, Ngài không giải thích cặn kẽ mọi việc mà chúng tôi phải tự tìm ra. Ngài báo trước là có những thử thách rất cay đắng, nhưng chớ sợ. Ngài tiên đoán hầu hết chúng tôi sẽ bỏ chạy, nhưng chẳng hề gì. Chúng tôi chạy đến đâu thì tùy ý, nhưng nào thoát khỏi vũ trụ ! Khi chúng tôi mệt mỏi, Ngài mở cổng chờ đợi tiếp đón. Ngài không bao giờ cầu xin chúng tôi bước vào hay bảo chúng tôi đi ra.

Vài đệ tử thâm niên hỏi Ngài xem coi họ có thể thử thách những huynh đệ mới, để giúphọ khai ngộ được không? Ngài mắng những kẻ điên rồ này, vì họ không đủ tư cách để thử thách kẻ khác. Ngài nhấn mạnh rằng chỉ có Ngài mới có thể thử thách được những người đệ tử. Ngoài ra, hầu hết những thử thách khởi sự từ tâm từ bi. Nếu không vượt qua thử thách thì phải bắt đầu lại. Hơn nữa, nếu ngộ đạo trong hiện đời, phải do sự ấn chứng của chư vị Tổ Sư, tức là phải được chư hiền thánh tăng trao truyền tâm ấn thì mới được xem là chân chánh khai ngộ.

Vì vậy, nếu tu hành chân chánh thì sẽ được. Những ai ở lại với Ngài thường được thử thách bằng những lời trách mắng chua cay hay dỗ ngọt, cùng những cái đánhrất thú vị, khiến được thúc đẩy đến bờ giác ngộ. Hầu hết chúng tôi đều nhận rõ rằng những cái đánhđó thể hiện lòng từ bi tột độ của Ngài. Những ai xả bỏ chấp trước và kiên nhẫn tu trì mà thành tâm thực hành thì sẽ được cảm ứng. Thật vậy, cảm ứng phát khởi từ sự thực hành. Những đệ tử ở lại với Ngài sẽ đạt được những cảnh giới không thể nghĩ bàn, tức là thấy những gì chưa từng thấy.

Giống như những người đến Phật giáo giảng đường vào cuối thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi, tôi mang theo rất nhiều tập khí xấu xa. Thật vậy, đạo tràng đó đã giặt giũ rất nhiều tập khí dơ bẩn của tôi. Chân thành cảm ơn Ngài. Hầu hết chúng tôi đều bỏ những tập khí hút thuốc, uống rượu, ăn mặn cùng những chấp trước xấu xa. Dùng những lời giáo huấn của chư vị Tổ sư, thiền ngữ, pháp thoại, cùng trí huệ sáng suốt, Ngài rót vào tâm linh chúng tôi, để thay cho những thói quen tật xấu. Dầu ngồi thiền hay nghe giảng kinh thuyết pháp, chúng tôi đều đạt ích lợi. Nhờ ngồi thiền, tâm tư chúng tôi lắng đọng, nên hiểu rõ những lời dạy của Ngài tường tận. Ngồi thiền, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều thanh tịnh. Lúc đó, có thể đạt chút ít tha tâm thông hoặc thần thông như biết sự việc trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Tuy nhiên, điều chủ yếu là có cơ hội nhập thiền định, ngộ đạo, cho đến thành Phật.

Nếu muốn thành Phật thì chớ nên để tâm đến những loại thiền Mc Donald phổ biến ở MỸ: Thân ngồi trên ghế, chân đong đưa lúc lắc, đầu gục ngủ khò. Dĩ nhiên là ngồi thiềnnhư thế thì rất thoải mái, nhưng chỉ sạt điện đôi ít. Ai thích tu pháp ngủ gật đó?

Ngược lại, Ngài thường dạy chúng tôi những phương pháp thoát khỏi sanh tử siêu việt. Sau vô số giờ ngồi thiền ngắn ngủi, bắp thịt tôi lần lần tự co giản. Đôi khi tôi có thể ngồi xếp bằng trong một giờ, dẫu có bị đau nhức. Tuy nhiên, bao gợn sóng vọng tưởng vụt trồi lên, không thể biết nơi chốn. Tôi cứ bị cuốn hút, mất mình trong vọng tưởng. Thất vọng không thể đình chỉ vọng tưởng, tôi lại muốn đối diện với chúng. Tôi dành vô số giờ để cảm nghiệm ý nghĩa của cuộc sống, nhưng vọng tưởng cứ bay ra như khói. Tôi chạy đuổi theo từng tâm niệm cho đến khi chúng mất dạng, rồi lập tức bám chấp vào vọng tưởng kế tiếp. Tôi cố gắng điều hòa hơi thở, đếm hơi thở, tụng chú, nhìn xuống sàn nhà, xoay tròn đôi mắt, cùng bao loại phương pháp. Tuy nhiên, vọng niệm vẫn nhả khóinhư thường. Dần dần tôi tìm ra phương pháp thanh tịnh tâm niệm. Ngài dạy chúng tôi phương pháp quét vọng tưởng. Thay vì chìm trong vọng tưởng, mỗi lần chúng khởi lên, chỉ cần quét trừ chúng. Công việc này rất tinh vi và khó khăn. Thỉnh thoảng, có những tâm niệm rất thâm sâu. Theo quan điểm của sự hành thiền, vọng niệm vốn là khách trần, nên chỉ việc quét trừ thì chúng sẽ mất hết thế lực.

Vì chỉ tu tập trong một giai đoạn ngắn ngủi, nên tôi thật chưa biết rõ tiến trình này như thế nào. Tuy là kẻ sơ học Phật pháp, nhưng tôi thâu hoạch rất nhiều lợi ích do hành trì thực tiển.

Ngài tập trung sức lực giáo hóa đệ tử xuất gia. Chúng tôi, những người tại gia, thường được nhiều lợi lạc khi học hỏi những điều sai lầm của các vị xuất gia. Nhằm chỉ rõ tự tánh thanh tịnh của các đệ tử xuất gia, Ngài thường xoay chuyển cách thức giáo hóa bằng cách nâng niu rồi đạp bản ngã của họ. Người ngoài nhìn xem thật rất vui. Thỉnh thoảng, Ngài dùng những việc nhỏ nhặt để dạy dỗ họ. Ví dụ, không ai có thể quên câu chuyện một đệ tử xuất gia người MỸ có thân hình vạm vỡ, dùng đầu lưỡi thiếc chìcầu xin một bà Phật tử cho bơ. Vài tuần sau khi sự việc xảy ra, Ngài thường nhắc lại câu chuyện này hầu mong chỉ rõ con đường tu giới định huệ để tẩy trừ những hành vi phan duyên, tâm niệm chấp trước, cùng tham sân si sâu dầy của họ. Thọ nhận những lời giáo huấn nghiêm nghị, họ thường cười ra nước mắt.

Đối với tăng ni, ngoài việc cắt ái từ thân, xả bỏ trần lao thế sự, họ phải sẳn sàng thọ nhận những lời giáo huấn.

Tôi ganh tị đôi chút, vì muốn Ngài chú ý đến mình. Tuy nhiên, trong hiện tại tôi hài lòng, chỉ ngồi đằng sau sân khấu để nhìn xem tuồng kịch. Tương lai, có ngày tôi sẽ biểu diễn trên màn ảnh đôi chút.

Ghen ghét phát sanh từ nhiều hình thức. Như những người bạn đồng đạo của Ngài, họ mong muốn có được những khả năng như Ngài. Hình thức ganh tỴ thứ hai là phát xuất từ những người đệ tử của Ngài; họ không muốn ai biết đến Ngài. Có anh độc thân tuổi khoảng ba mươi đến cầu xin học đạo vì nghĩ rằng Ngài có thần thông và công phu. Đối với những người thường gần gũi thân cận, Ngài luôn cố gắng dùng những phương tiện thiện xảo để cứu độ họ. Do đó, đối với anh thanh niên này, Ngài cho phép anh ta đi theo và tham dự những việc Phật sự. Ngày nọ, anh ta cùng với Ngài đến vùng tây nam nước MỸ để viếng thăm bộ lạc da đỏ, Hopi. Ngài rất thương xót và lo lắng cho hoàn cảnh sinh sống của bộ lạc này. Nhà của họ không khác gì những chuồng nuôi gia súc. Theo truyền thuyết của bộ tộc Hopi, sẽ có một đấng cứu rỗi đến cứu độ họ trong tương lai. Vị cứu tinh đó sẽ mặc áo bào màu đỏ, đầu đội nón đen, trên ngực có khắc chữ Vạn. Lạ lùng thay! Khi được họ mời đến thuyết pháp, Ngài hiện diện trước họ với bộ y ca sa màu đỏ, đầu đội mũ đen, và chữ Vạn khắc trên ngực hiện rõ ra (vì thời tiết sa mạc nóng nực, Ngài để lộ ngực ra), khiến tâm tư của họ sợ hãi xen lẫn với niềm vui tột bậc. Ngõ hầu xoay chuyển nghịch duyên vì ngôn ngữ bất đồng, Ngài tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm để ban phước cho họ, khiến cả bộ tộc rất cảm động. Sau này, vì muốn thân cận gần gũi Ngài, họ đến gặp anh thanh niên kia, xin hẹn ngày giờ để được trực tiếp diện kiến với Ngài. Tuy nhiên, vì tâm ganh tị, anh ta không ghi tên tuổi địa chỉ, lại không sắp đặt cho họ được tiếp chuyện với Ngài, và ngăn trở họ quy y thọ giới (ghi chú: Vài năm sau khi sự kiện này xảy ra, anh ta qua đời. Vì không mở rộng lòng từ và không thích làm việc thiện, nên anh ta không tránh khỏi cái chết bất thình lình).

***

Pháp không đơn độc mà khởi, chỉ nương cảnh mà sanh. Đạo chẳng hành, gặp duyên tức có cảm ứng (Hoàng Khả Thái).

Rất nhiều người nghĩ ngợi về việc Ngài nhập tịch. Vì nghe Ngài có thần thông nên trong số đệ tử quy y, phần lớn họ đến cầu thỉnh niềm linh ứng. Thật sự, trong đời tu hành, nhiều chuyện thần kỳ xảy đến với Ngài. Tuy nhiên, đối với bổn phận của người Phật tử chân chánh, tôi cảm thấy phải buộc lòng giải thích đôi lời. Tôi quy y Ngài đã hơn bốn mươi năm, từ lúc mười một tuổi. Theo tôi biết, Ngài không nhấn mạnh về thần thông. Nếu có người bị bệnh trầm trọng đến cầu cứu giúp, Ngài chỉ bảo:

Hãy cầu chư Bồ Tát. Phải thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.

Có vài người đệ tử, tự bảo thấy những điềm linh ứng. Nếu gặp những người đó, Ngài thường bảo:

Nếu tự bảo có thần thông, vậy con nhìn xem người khác tại sao họ lại bị bịnh tật?

Những người đó sẽ đáp:

Ô! Vì những nguyên do (này nọ) mà người ấy bị bịnh như thế!

Ngài sẽ bảo:

Nếu như thế, con hãy thường niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát nhiều hơn.

Nhiều người nghi hoặc: Nếu cứu giúp người khác tiêu tai giải nạn được, tại sao chính Ngài không thể tự chữa bịnh cho mình?Lại có người nghi ngờ: Ngài bị bịnh gì?

Ngài đã từng phát nguyện sẽ thay thế tất cả chúng sanh chịu mọi khổ não. Vậy thì Ngài bị bịnh gì? Bịnh nào Ngài cũng có hết. Tuy nhiên, Ngài không bao giờ nói cho ai nghe hoặc nhờ bác sĩ chữa trị. Thân do bốn đại giả hợp thì làm sao mãi mãi tránh khỏi bịnh hoạn? Chư đại đức cao tăng trong quá khứ có ai mà không bịnh? Phật Thích Ca thị hiện tướng bịnh rồi mới nhập Niết Bàn. Do đó, chớ nên quá lo lắng về lý do tại sao Ngài bị bịnh mà phải ghi nhớ những lời giáo huấn quý báu của Ngài để lại: Chớ nghĩ rằng thần thông là vạn năng. Hãy nhìn đây! Tôi cũng bị bịnh.

Lúc Ngài lâm bịnh, nhiều đệ tử sốt sắng dẫn rất nhiều người đến chữa bịnh cho Ngài, như vài vị tự xưng có khí công hoặc có thần thông. Vì lòng từ bi, chiều ý các đệ tử Ngài để những người đó trị bịnh cho mình. Thậm chí có kẻ dùng những phương pháp lạ lùng, Ngài vẫn tùy duyên tiếp thọ. Sau này, có người đưa lầm thuốc mà Ngài vẫn uống trong mười ngày. Cuối cùng, những vị thị giả hầu Ngài, vì nhẫn không nổi phải hỏi:

Bạch Thầy! Tại sao Thầy lại dùng hết những loại thuốc đó?

Ngài đáp:

Có một tấc đất nào mà chư Phật và chư Bồ Tát không xả thân bố thí chăng?

Ngài dùng lòng từ bi để nhiếp thọ họ. Do đó, Ngài viên tịch mà không thọ nhận thuốc thang trị liệu gì cả. Bên cạnh đó, Ngài để lại lời di huấn: Không thể dựa vào thần thông.

Những kẻ tự xưng là có thần thông và khả năng trị liệu, nhưng có cứu chữa được Ngài không? Tôi xin đáp: Nếu có ai tự nghĩ rằng mình có thể chữa trị bịnh của Ngài thì đó là trò đùa, vì không thể nào làm được.

Nhiều người nghĩ lầm rằng tôi không tin có thần thông. Không phải vậy! Tin tưởng Phật pháp mà không tin có thần thông thì chưa hẳn là tin Phật, vì thần thông chắc chắn có thật. Ngược lại, nếu tin thần thông thiên biến vạn hóa thì cũng chưa hẳn là tin tưởng Phật pháp. Người Phật tử chân chánh phải có chánh tri chánh kiến. Dầu gặp cảnh giới nào đều phải dùng ba pháp ấn chứng (tam pháp ấn):

Thứ nhất, các pháp vô thường, tức là có sanh thì phải có tử. Hiện tượng sanh già bịnh chết là lẽ tất nhiên. Nếu dùng thần thông để tránh khỏi già bịnh chết thì không phải là Phật pháp.

Thứ hai, các pháp vô ngã. Cái ngã của mình vốn do bốn đại năm uẩn hợp thành, chẳng có gì là độc lập tự chủ, nên chớ chấp trước thái quá vào thân tướng. Có thể nói rằng Ngài đã đạt đến cảnh giới vô ngã, tự tại mọi nơi. Cần làm gì thì Ngài sẽ làm việc đó, vì muôn việc đều vô ngại. Nếu bảo uống thuốc thì Ngài sẽ dùng. Nếu bảo không uống thì Ngài sẽ không dùng. Ngài sẵn sàng làm theo những gì các đệ tử mong muốn.

Thứ ba, Niết Bàn là tịch tĩnh. Do có thân tướng, nên Ngài cũng hiện thân tướng già bịnh chết, vì đó là Phật pháp. Phật Thích Ca cũng đã thị hiện nhập diệt. Nếu nghĩ rằng không bao giờ Ngài sẽ nhập tịch, đó không phải là Phật pháp. Dẫu thân xác có tan hoại, nhưng tinh thần tức pháp thân của Ngài không sanh không diệt, vì xưa nay chưa từng biến đổi.

Tất cả tướng, đều là hư vọng. Nếu thấy tướng, không phải tướng, tức thấy Như Lai.

Vì vậy, chớ bám chấp vào thân tướng của Ngài, hoặc chớ cho là không có thần thông thiên biến vạn hóa, khiến mất tín tâm đối với Phật pháp. Thật ra, thần thông không phải là cứu cánh. Tu học Phật pháp, chúng ta phải khai mở trí huệ, xoay lại về nguồn tâm, đạt đến giải thoát cứu cánh. Những việc khác đều là cành nhánh. Nếu cứ tìm cầu cành lá, tức dụng công trên cành nhánh, quên mất mục đích học Phật chân chánh thì là việc bỏ gốc tìm ngọn.

Khi chư đại đức cao tăng viên tịch, đôi khi có những điềm lành như để lại xá lợi. Tuy nhiên, tôi được biết, Ngài không thích hiển hiện gì cả. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm tư. Đầu thập niên 90, lúc vào nằm bệnh viện ở thành phố Cựu Kim Sơn, Ngài bảo:

Ai ai cũng nghĩ rằng các vị cao tăng đạo đức tu hành, sau khi nhập diệt sẽ hóa hiện những điềm lành như có mùi hương lạ bay khắp gian phòng. Tuy nhiên, khi tôi đi thì mùi hôi tràn ngập cả hư không.

Cuối năm 1994, trong những lời di chúc, Ngài có bảo: Tôi từ hư không đến và sẽ trở về hư không.

Lúc đến, Ngài không mang gì. Lúc đi, Ngài không thích để lại gì cho các đệ tử tranh giành. Sau khi làm lễ trà tỳ, Ngài cũng không muốn các đệ tử xây tháp hay điện đường kỶ niệm mà chỉ muốn tro mình được rải trong hư không, chứ không thích lưu lại chút gì. Qua bao thập niên, Ngài luôn dạy pháp chân thật: Đừng chấp trước gì cả.

Không chấp vào người và vào pháp, vì chấp trước vào chân như cũng là tà kiến.Do đó, nếu Ngài không để lại gì hoặc không thị hiện điềm lành thì niềm tin Phật pháp của chúng ta vẫn không biến đổi.

Sự ra đi của chư vị Tổ Sư không giống nhau. Có các vị thị hiện điềm lành. Có các vị không thị hiện gì hết. Có vị nhập tịch khi ngồi trên sàng thiền. Có vị nhập tịch trong khi nắm cành cây. Tổ Huệ Khả bị người khác chặt đầu mà tịch. Tổ Hám Sơn nhập diệt vì lưng bị ung độc. Thế nên, không thể dùng biểu tướng thị tịch mà phán đoán là cao tăng đại đức hay không. Ngược lại, chúng ta phải suy xét sự hành trì, ngôn hạnh, lời dạy của các ngài trong thuở bình sanh mới xác quyết cảnh giới tu hành. Suốt đời, Ngài tu hành khổ hạnh, hy sinh vì người. Ngài luôn có tinh thần hoằng pháp lợi sanh, không tiếc nuối thân mạng. Mọi người đều thấy rõ tinh thần này của Ngài. Suốt đời, hòa thượng Hư Vân xiển hưng các tông phái của thiền tông, rồi sau đó chọn Ngài kế thừa trao truyền mạch pháp. Tiếp nhận pháp nhũ xong, Ngài trở thành vị tổ thứ chín dòng Quy Ngưỡng. Hôm nay tôi xin viết câu kệ:

Linh Sơn tâm truyền nhất phái Quy Ngưỡng.

Ta Bà hóa pháp, Bồ Tát trở lại.

Đây là lời giải thích sự truyền thừa và giáo hóa của Ngài. Hòa thượng Hư Vân truyền cho Ngài pháp gì? Truyền nụ cười Linh Sơn, tức là mạch pháp tâm truyền tâm. Vì không có túc mạng thông nên tôi không biết Ngài là ai và từ đâu đến? Ngài có phải là Bồ Tát vì nguyện lực mà trở lại cõi Ta Bà hay không? Những điều này, chỉ có Ngài tự biết thôi. Tuy nhiên, bàn đến sự phát nguyện, tinh thần đại bi, và làm việc vì lợi ích của chúng sanh, nhiều người tin tưởng rằng Ngài là vị Bồ Tát vì nguyện lực mà đến cõi này. Trong bốn mươi chín ngày đêm sau khi nhập diệt, Ngài sẽ trở lại. Nếu việc này xảy ra, ai ai cũng đều vui mừng. Ngược lại, hy vọng rằng mọi người hãy tùy theo cơ duyên. Có câu: Phật pháp tại thế gian, không rời thế gian giác.

Pháp thế gian là sanh già bịnh chết. Chư Phật và chư Bồ Tát đều ứng thân, thị hiện sanh già bịnh chết. Nếu chúng ta tìm cầu những dị tướng thù đặc, đó là không phải Phật pháp. Có xác thân tức có bịnh. Có bịnh thì phải dùng thuốc thang trị liệu. Lúc xưa, khi một vị tỳ kheo bị bịnh, đức Phật tự thân săn sóc thuốc thang. Với thần thông diệu dụng, Phật Thích Ca có thể chữa trị hết mọi căn bịnh của tất cả chúng sanh, nhưng sao lại phải nhọc nhằn lo lắng? Vì Phật muốn dạy chúng ta rằng mọi việc phải tùy duyên. Bất cứ ai bị bịnh đều phải dùng thuốc thang. Lại nữa, bác sĩ chữa trị bịnh nhân đều nhờ thần lực của chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ. Do vì: Pháp không tự khởi, chỉ do cảnh mà sanh. Đạo không tự hiện hành mà gặp duyên nên được cảm ứng.

Đối với chư Phật chư Bồ Tát, nếu có cầu tức có cảm ứng, chứ không phải vô duyên vô cớ mà hiện biến quyền thuật. Thuốc thang chỉ là trợ duyên bên ngoài. Khi bịnh hoạn, nếu thường niệm Phật thì sẽ gặp thầy thuốc hay. Nhờ tài năng và sự linh cảm, thầy thuốc sẽ chẩn bịnh cho thuốc đúng. Vì vậy, thầy thuốc trị bịnh được lành, đó là do sự gia hộ của Phật pháp. Chớ mong cầu quá lắm, phải nên nhất tâm niệm Phật. Ví như ngài Hám Sơn, Hoằng Nhất, cùng chư đại đức cao tăng, khi bị bịnh đều dùng thuốc như người thường. Lúc thời điểm thị tịch đến, các ngài liền xả bỏ muôn duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ.

Giả sử, vào lúc làm lễ trà tỳ có tướng lành hiện ra như thâu nhặt nhiều xá lợi thì điều này rất hay. Ngược lại, nếu không có gì hiển hiện thì chớ khởi tâm phân biệt. Lời này chắc khiến nhiều người không thể chấp nhận, vì đa số tuy tin Phật pháp nhưng đều còn tâm mong cầu và chấp trước. Nếu người nào tự bảo rằng có thể dạy người khác niệm thần chú này nọ để trị lành bịnh, hoặc tu pháp nào đó để mở ngũ nhãn hay đắc thần thông thì mọi người nhất định sẽ chấp nhận tán thành. Nếu bảo rằng pháp ấn của Đại Thừa là thật tướng vốn vô tướngvà không trí cũng không có chứng đắcthì e rằng mọi người khó chấp nhận. Chư Phật và chư Bồ Tát trong lúc tu hành nhân địa, không cầu mong hay tham luyến cảnh giới nào. Cảnh giới không phải cảnh giới, mới thật là cảnh giới tối cao. Tiếc thay, rất ít người trên thế gian nhận rõ thật tướng này. Vì vậy, Phật Thích Ca dạy: Người sống trong đời ác năm trược ở cõi Ta Bà, đối với pháp chân thật rất khó tin. Người tín thọ phụng hành lại càng hiếm có.

Bàn về thứ lớp từ tiệm nhập vào thâm, Tâm Kinh thuyết rằng chỉ có chư đại Bồ Tát mới chứng được cảnh giới không có chứng đắc. Vì vậy bảo: Vì không có chứng đắc, Bồ Tát y theo pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không quái ngại. Vì tâm không quái ngại, không sợ hãi, nên xa rời được mộng tưởng điên đảo, đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

Chư Thanh Văn, A La Hán, Duyên Giác, chưa đạt đến cảnh giới vô sở đắc, vì các Ngài còn chấp vào pháp, nên phải tiến thêm một bước nữa mới đạt đến địa vị Bồ Tát viên giác, quy nơi không chỗ chứng đắcthì mới được xem là thành công tu đạo, viên mãn Phật quả. Thế nên, trên quá trình tu đạo từ phàm đến thánh, phải quét trừ tâm cầu danh, cầu lợi, cầu cảnh giới. Khi đạt đến nơi không còn gì, tức là đến cảnh giới tối cao. Nếu Ngài không để lại gì, nghĩa là tự thuyết pháp này. Người Phật tử chân chánh phải y nơi nghĩa, chớ y nơi lời. Y nơi trí, chớ y nơi thức. Y nơi kinh liễu nghĩa, chớ y vào kinh chẳng liễu nghĩa. Y nơi pháp, chớ y nơi người.

Chúng ta tin tưởng Phật pháp, chớ nên hoàn toàn đặt kỳ vọng vào một người. Nhờ cảm nghiệm được những cảnh giới của Ngài mà mình mới tin Phật pháp thì sẽ không qua khỏi thử thách. Hiện tại, Ngài thị hiện bịnh hoạn mà nhập tịch; đối với những người thường tin tưởng vào thần thông của Ngài thì chắc chắn sẽ thất vọng. Thật ra, họ tin Ngài chứ không phải tin tưởng Phật pháp. Lúc Ngài thị tịch chính là cơ hội để chúng ta tự phản tỉnh. Mọi người phải tự hỏi chính mình rằng mình có chân thật tin tưởng Phật pháp, chỉ y theo trí mà không y theo thức, chỉ y theo pháp mà không y theo người không? Chớ ngộ nhận rằng tôi không tin Ngài hoặc không tin thần thông. Vì tin Ngài và tin có thần thông nên mới nói lời này. Không thể phủ nhận việc Ngài dùng thần thông linh ứng mà tiếp độ rất nhiều người bước vào cửa Phật. Tuy nhiên, nếu không muốn Ngài phải khổ nhọc xoay chuyển trong sanh tử để độ mình thì phải tự cần cầu tiến bước, không nên dừng ở cảnh giới pháp hữu vi, và phải tự dụng công.

Xưa kia, biết ngài Triệu Châu muốn lên núi Ngũ Đài, một vị pháp hữu liền gởi đến một bài kệ: Chỗ núi xanh nào không phải là đạo tràng? Cần gì xách tích trượng, vân du đến lễ bái núi Thanh Lương? Dẫu trong mây hiện sư tử vàng cũng chưa phải là điềm lành.

Bài kệ này muốn hỏi rằng chỗ nào không phải là đạo tràng để tu hành? Nhất định muốn đến núi Ngũ Đài để gặp Bồ Tát Văn Thù ư? Đến nơi đó, thấy ngài Văn Thù cỡi sư tử vàng hiện trên mây. Nếu nhìn bằng mắt chánh pháp thì đây không phải là hiện tướng điềm lành. Kiết Tườnglà danh hiệu của ngài Văn Thù. Vì vậy, tuy nhìn thấy cảnh giới đó, nhưng chưa hẳn là thấy được ngài Văn Thù. Pháp tánh vốn không phải cảnh giới của thức, tức là không phải nhờ sáu căn hợp với sáu trần mà sáu thức mới có thể liễu giải. Vì vậy, đối với người có cặp mắt chánh pháp, dẫu chấp vào bất cứ cảnh giới nào thì đều là sai lầm.

Trong thời đại văn minh tiến bộ khoa học phát triển, phải gieo giống Phật pháp vào tầng lớp trí thức. Cách giải thích Phật pháp cho tầng lớp trí thức là phải xiển dương chân lý thâm sâu của Phật đà.

Muốn lưu truyền chánh pháp, phải bảo tồn chân thân xá lợi của Phật. Chân thân của đức Phật không phải là ba mươi hai tướng tốt mà là giáo lý chân thật. Xá lợi của Phật không phải những miếng xương nhặt lại sau khi trà tỳ mà là tinh thần của đức Phật. Xá lợi quý báu của Phật cũng sẽ có lúc tan hoại. Hiện nay, còn được bao nhiêu hạt xá lợi của Phật? Tuy nhiên, những chân lý thuyết giáo, tinh thần của Phật đều tồn tại như xưa không khác. Ngày mai, trăm ngàn năm sau, cho đến vô lượng vô số kiếp cũng vẫn như thế. Đó mới là xá lợi chân thật của Phật. Nhận rõ được xá lợi chân thật của đức Phật thì chúng ta mới là người Phật tử chân chánh. Cũng vậy, nếu luôn phát dương tinh thần và lời dạy bảo của Ngài thì chúng ta mới thật sự là đệ tử chân chính. Ngược lại, nếu chấp trước vào xác thân, nghĩ rằng Ngài sẽ không bao giờ nhập tịch thì lạc vào cảnh giới mà kinh Kim Cang miêu tả: Nếu lấy sắc cầu ta, lấy âm thanh cầu Ta, người này thường hành tà đạo, không thể thấy Như Lai.

Không có cách nào để giữ Ngài lại trên thế gian. Trừ phi chúng ta phát dương tinh thần và lời dạy của Ngài rộng rãi thì Ngài sẽ trụ mãi trong tâm của hàng Phật tử. Như thế mới chân chánh cung kính Ngài. Nếu hành được như thế, chúng ta không hổ thẹn làm đệ tử của Ngài.

***

Tưởng nhớ Ngài

(Chu Quả Hà)

Vì phước bạc, tôi chỉ biết đến Ngài trong năm năm ngắn ngủi. Năm 1963, di cư từ Hồng Kông sang MỸ, rồi qua nhiều lần thay đổi nhà cửa, cuối cùng tôi chuyển về định cư gần chùa Kim Luân vào năm 1989. Đương thời, vào mỗi buổi trưa, có năm phút thuyết giảng của các vị Pháp Sư tại chùa Kim Luân trên đài truyền hình người Tàu tại Los Angeles. Nhờ đó, tôi mới biết Phật pháp. Vì muốn giải trừ nghiệp chướng, tôi tụng kinh Địa Tạng mỗi ngày trong ba năm kể từ năm 1985. Ngài thường bảo rằng chùa Kim Luân là đạo tràng của Bồ Tát Địa Tạng, nên tôi tin tưởng là nhờ tụng kinh Địa Tạng mới được gặp vị thiện tri thức cùng đạo tràng chánh pháp.

Năm 1991, tôi may mắn được thọ giới quy y Ngài tại chùa Vạn Phật Thành. Dầu tôi rất ít được dạy trực tiếp nhưng trí huệ càng ngày tăng trưởng, nhờ đọc và nghe những lời thuyết giảng của Ngài qua kinh sách và băng giảng. Tâm trí cởi mở và biết nhẫn nại, nên tính nóng nảy giảm dần. Mỗi lần nhớ đến mười tám đại nguyện của Ngài, tức luôn hành hạnh Bồ Tát vô nhân vô ngã, chỉ vì lợi ích chúng sanh, khiến tôi rất cảm động rơi lệ. May mắn thay, tôi gặp được vị minh sư và nghe được chánh pháp. Trên thế gian này còn có bao nhiêu vị đại hành giả như Ngài?

Lúc nhỏ, vì bị bịnh tê liệt nên đến năm bốn tuổi, tôi vẫn chưa đi nổi. Sau này, nhờ lòng từ bi của Ngài gia bị, chân phải tôi đi được và có thể đứng dậy. Tuy nhiên, vì nghiệp chướng thâm trọng, chân trái của tôi vẫn còn bị tê liệt. Đến năm 1992, trong lúc mọi người đang lễ lạy Ngài tại Tổ Đường, tôi thưa:

Bạch Thầy! Xin Thầy tha lỗi cho con. Vì chân trái bị tê liệt, nên không thể lễ lạy.

Vừa nghe lời này, Ngài liền dùng gậy vỗ nhẹ vào chân trái của tôi ba lần. Từ đó, tôi có thể đi lẹ hơn và nhanh hơn lúc trước mà không bị khập khểnh. Chân trái ngày càng mạnh hơn. Mỗi khi lễ Phật, tôi có thể tự quỳ xuống hay đứng dậy. Điều này tôi chưa từng làm được trong bảy mươi năm vừa qua. Dầu định luật tự nhiên khiến thân thể già yếu mỏi mòn khi tuổi cao, nhưng tôi cảm thấy khí lực dồi dào, đôi mắt sáng tỏ, ít đau nhức bịnh hoạn hay nói năng ngập ngừng. Những sự thay đổi không thể nghĩ bàn này, đều do lòng từ bi của Ngài gia hộ, khiến tôi được toại ý tu hành khi tuổi về chiều.

Lúc Ngài viên tịch, chư đệ tử mất đi một vị lương sư và một người cha hiền từ. Ngài ban cho tôi pháp thân huệ mạng. Nhờ bịnh tê liệt mà tôi trồng được duyên lành, chuyển họa thành phước. Đại ân đại đức, muôn vàn khó báo đền, chỉ y giáo mà phụng hành, lại nguyện rằng đời đời kiếp kiếp sẽ theo Ngài tu hành, không bao giờ thối chuyển đạo Bồ Đề.

***

Nhân duyên với Ngài

( Thích Khai Chứng)

Vài thập niên về trước, lần đầu tiên từ MỸ sang Đài Loan hoằng pháp, ít có ai biết đến Ngài, và Ngài cũng ít biết về hiện tình Phật giáo ở Đài Loan. Vì vậy, rất ít Phật tử Đài Loan lo lắng và hỗ trợ Ngài. Ngày nọ, Ngày dẫn sáu đệ tử người MỸ đến chùa Hoằng Pháp ở Cao Hùng. Tôi thỉnh Ngài ở lại chùa Hoằng Pháp và Lễ Tướng, cùng an bài hỗ trợ Ngài hoằng pháp tại Cao Hùng. Ngài rất hoan hỶ về việc này và có ấn tượng tốt về chùa Hoằng Pháp.

Tôi thiết nghĩ: Chúng ta phải tận tâm tận lực vì Phật giáo, nhất là phải ủng hộ những vị Pháp Sư đang hoằng pháp ở tây phương.

Lúc đó, tuy không hiểu nhiều, nhưng tôi biết là Ngài đang hoằng pháp tại nước MỸ; một công việc không dễ dàng. Tôi rất khâm phục tài năng độ người MỸ xuất gia của Ngài, vì thời đó chưa có người tây phương nào xuất gia theo Phật giáo Tàu. Ngài có thể được xem là vị hòa thượng đầu tiên độ người tây phương.

Thật vậy, Ngài là một vị pháp sư đã gieo hạt giống Phật giáo Tàu vào tâm người MỸ. Ngài cũng được xem là vị tiên phong hoằng dương Phật pháp tại MỸ. Do Ngài nhẫn nhục hóa độ người tây phương, khiến tôi rất khâm phục. Đây là những nhân duyên đầu tiên khiến tôi biết đến Ngài.

Để khảo sát hiện tình Phật giáo Tàu tại MỸ cùng quảng kết pháp duyên, vào năm 1988 tôi đến MỸ lần đầu tiên. Mồng hai tháng bảy, năm 1988, từ Seattle, tôi đáp máy bay đến Cựu Kim Sơn tham bái Ngài. Hôm sau, Ngài bảo đệ tử đưa tôi về chùa Vạn Phật Thành. Lúc ấy, tuy có diện tích lớn, nhưng chùa Vạn Phật Thành chưa được phát triển cho lắm. Vì đã từng trú tại chùa Hoằng Pháp, Ngài đối đãi tôi rất nồng hậu tử tế. Ngài dùng xe đánh gôn ba bánh, chở tôi đi vòng quanh chùa Vạn Phật Thành.

Ngài là một vị tăng tu hành khổ hạnh, nên cuộc sống rất đạm bạc. Mặc y phục thô sơ. Mỗi ngày thọ trai một buổi, với cơm chay đạm bạc. Tối không hề đặt lưng xuống giường. Các đệ tử cũng tập tu hành khổ hạnh theo Ngài. Đây là nét đặc thù của chùa Vạn Phật Thành.

Lúc trẻ, Ngài thân cận hòa thượng Đàm Hư, tu học cùng thâm nhập, liễu giải kinh Lăng Nghiêm và trì tụng chú Thủ Lăng Nghiêm cẩn mật. Do đó, xuất hiện vài sự tích linh ứng kỳ dị. Thỉnh thoảng, vì cứu độ chúng sanh, Ngài hàng phục tà ma chữa trị bịnh tật bằng thần chú Đại Bi và Thủ Lăng Nghiêm. Chư đệ tử đều biết Ngài có thần thông. Những kỳ tích này thường được kể trong quyển sự tích của Ngài. Thỉnh thoảng Ngài nói vài điều dường như Ngài có thần thông. Sau những buổi đàm thoại, tôi khám phá ra rằng những lời như có thần thông, chỉ là phương tiện thiện xảo độ chúng sanh. Chúng ta nên biết rằng Ngài đã trải qua bao khổ nhọc để hoằng pháp độ người tại MỸ. Đương thời người MỸ ít biết về Phật giáo Tàu. Vì vậy, dễ dàng cảm thông những khó khăn của Ngài trong buổi đầu hoằng pháp tại MỸ. Từ đây, chúng ta nhận thấy ý chí kiên nhẫn, nghị lực kiên quyết của Ngài rõ ràng.

Quan niệm tu hành của Ngài là luôn nhấn mạnh và chú trọng vào sự hành trì chân thật, giữ giới đức và oai nghi tế hạnh. Ngài rất đau lòng khi nhìn thấy hàng Phật tử không tu hành đúng như pháp. Đối với những tập quán xấu trong nhà Phật, Ngài thẳng thắn phê bình. Kết quả, giới Phật tử xem Ngài rất khác thường. Thậm chí, trong những lần đầu qua Đài Loan, Ngài không được chào đón hoan nghinh. Vì quan tâm tha thiết, mong mỏi các đệ tử tu hành tiến bộ, Ngài thường trách mắng đệ tử xuất gia và tại gia. Thật ra, quá nghiêm khắc cùng yêu cầu quá mức, thì làm sao tránh khỏi sự hiểu lầm và bất mãn !

Theo sự hiểu biết riêng, tôi nhận thấy Ngài đơn thân độc mã đến MỸ, mở đường cho Phật giáo tại nước này. Ngài đạm bạc khổ hạnh, phấn đấu khắc khổ, trang nghiêm đạo tràng, chấn chỉnh đạo phong, phiên dịch kinh điển, giáo hóa chúng sanh. Công đức này không thể cùng tận.

Tánh khí của Ngài rất chất trực, thường thẳng thắn phê bình người khác. Có lần tôi đề nghị: Qua Đài Loan hoằng pháp, xin Ngài hãy kết thiện duyên rộng rãi, bằng cách nói nhiều lời hay, bớt đi những lời phê bình.

Ngài cười khiêm nhượng, đáp: Tôi xin y giáo phụng hành. Việc này hiển hiện tánh chất ngay thẳng của Ngài. Vì có tâm thiết tha muốn bảo hộ giáo lý Phật đà, nên Ngài mới nói ra những lời chỉ trích. Người khác nghĩ như thế nào, tôi không thể biết. Song, đối với Ngài, tôi rất khâm phục kính trọng, và hết lòng ngưỡng mộ.

Ngài đã viên tịch rồi. Tôi hy vọng các đệ tử của Ngài hãy duy trì gia phong nghiêm cẩn của Vạn Phật Thành. Đương nhiên, nếu có những sáng kiến mới thì hãy hành theo đúng như pháp. Đặc biệt, những đệ tử người MỸ của Ngài, hãy truyền bá rộng rãi pháp đã được thọ nhận, khiến ánh sáng Phật đà chiếu soi vào mỗi gia đình trong xã hội MỸ, để lịch sử Phật giáo nơi đây ghi nhận trang sử vàng về chùa Vạn Phật Thành.

***

Báo mộng

(Trang Xuân Liên)

Tuy đã học Phật pháp rất nhiều năm, nhưng tôi chưa từng tham gia pháp hội hay gia nhập vào các đoàn thể Phật giáo, mà chỉ niệm Phật hoặc tụng chú tại nhà vào mỗi khi rảnh rỗi.

Ngày mười sáu tháng mười một năm 1988, tôi nghe tin có một pháp hội đang được cử hành tại chùa Diệu Pháp. Hôm đó, hỏi thăm đường sá, tôi đi vài chuyến xe buýt để đến chùa Diệu Pháp. Vừa bước vào đại hùng bảo điện, tôi chợt gặp một vị Pháp Sư từ chánh điện bước ra. Theo sau vị Pháp Sư đó là một nhóm Phật tử. Trên gương mặt của họ đồng hiển lộ niềm vui và tâm tư hòa kính. Tôi vừa đến thì pháp hội đã kết thúc; thật buồn cho phước bạc của mình. Lần đầu tiên đến tham gia pháp hội, mà chỉ kịp dự vào giờ chót. Thấy có người điền đơn, tôi cũng bắt chước làm theo.

Qua mười ngày, tôi nhận tờ giới điệp thọ giới quy y Tam Bảo. Tôi chỉ nhìn thoáng qua, rồi bỏ vào học tủ. Tháng mười năm sau, vào một đêm nọ tôi mơ thấy mình đang đi vào một căn nhà có rất nhiều người. Tò mò, tôi chen chút trong đám đông để xem việc gì xảy ra. Đến nơi, tôi thấy một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm cây phất trần màu trắng, đang ngồi xếp bằng và nhắm mắt, trên mặt nở một nụ cười. Khi ấy, ông lão phất cây phất trần nhè nhẹ, rồi một làn khói mỏng bay lên từ đỉnh đầu của ông. Ông chẳng phải là người phàm, vậy chắc là tiên nhân!…Liên, sau lưng tôi có tiếng người gọi

Em muốn quy y không? Em nhất định phải quy y vị Pháp Sư này!

Tôi hỏi:

Vị đó là ai?

Xoay lưng lại, tôi thấy người gọi mình chính là bà chị dâu, đang cầm quyển sổ tay quy y, và đưa cho tôi xem hình của vị Pháp Sư đang cầm cây phất trần. Tôi nghĩ ngợi, vị Pháp Sư này thật là quen thuộc. Đang cố nhớ lại coi mình đã gặp Ngài ở đâu, tôi liền tỉnh dậy. Khi đó, tôi nhớ lại quyển sổ tay giới điệp quy y, mà mình đã nhận vào năm trước, và chưa từng nhìn kỸ càng. Tìm kiếm một hồi lâu, tôi tự hỏi rằng có phải vị Pháp Sư ngồi xếp bằng, cầm cây phất trần trong quyển sổ quy y, giống như vị thầy trong mộng mà chị dâu tôi khuyến khích mình phải quy y không? Đúng vậy! Vị đó là ngài Tuyên Hóa.

Hôm sau, tôi chợt nghe tin Ngài sẽ đến Đài Loan cử hành đại lễ Hộ Quốc Tiêu Tai. Lần đó, tôi đến chùa Diệu Pháp sớm. Cuối cùng, tôi chính thức dự lễ thọ giới quy y, trở thành đệ tử của Ngài thực sự. Tôi cũng hành theo lời dạy của Ngài, lễ lạy mười ngàn vị Phật. Ba năm sau, tôi dẫn hai đứa con trai đến quy y với Ngài.

Tôi nghĩ rằng vị thầy từ bi này phát giác ra người đệ tử ngu si, chỉ có danh chứ không thực thể. Thế nên, Ngài hiện trong giấc mộng, để răn nhắc tôi là chớ lừa đảo Tam Bảo. Hiện tại, Ngài đã viên tịch. Tôi phải chuyển niềm đau thương thành sức mạnh, để luôn luôn nhớ đến và hành theo những lời giáo huấn cùng sáu đại tông chỉ của Ngài.

***

Đối diện với Bồ Tát mà không nhận ra

(Trần Quả Mai)

Tại phòng mổ, sau khi cô y tá đặt mặt nạ tẩm thuốc mê lên trên mặt, tôi mất hết tri giác. Song, lúc ấy tôi lại thấy Ngài đang đứng trong phòng mổ. Pháp tướng Ngài oai nghi lẫm liệt, không giống như người trên thế gian. Trong lúc mơ màng, tôi chợt nhớ đến việc mình chưa báo tin cho Ngài biết về cuộc mổ xẻ này.

Vì biết phòng mổ trong bịnh viện vốn là nơi không sạch sẽ, nên tôi thưa:

Bạch Thầy! Tại sao Thầy biết con đang ở trong phòng mổ này? Chỗ này rất dơ bẩn, sao Thầy đến đây?

Ngài khoát tay xua đuổi câu hỏi vớ vẩn của tôi. Ca mổ bắt đầu. Tôi nhận thấy bác sĩ mổ xẻ điên cuồng làm sao. Ông ta cứ cắt sâu mãi mà chẳng tìm ra manh mối chữa trị căn bịnh. Nằm trên giường mổ, thấy bác sĩ mổ xẻ, như lạc lối trong rừng, khiến tôi cảm thấy thân mạng quá mỏng manh. Khi đó, Ngài thầm nhắc tôi rằng vì nghiệp chướng nặng nề nên tôi mới bị mổ xẻ. Vì nghiệp chướng của tôi, bác sĩ giải phẩu không thể tiến hành một ca mổ tương đối đơn giản nhứt. Nhờ sự gia trì của Ngài mà bác sĩ giải phẩu mới mổ xẻ thành công. Thật vậy, Ngài hoàn toàn hướng dẫn cuộc mổ xẻ này. Trong những giây phút khó khăn nhất của ca mổ, Ngài trợ giúp tôi tụng chú Đại Bi, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật Dược Sư.

Tuy có nhiều chúng sanh không nghe và hành theo lời dạy, nhưng Ngài luôn từ bi, không ngừng nghỉ cứu độ họ.

Ngài thường bảo: Bất cứ những gì cần biết, đã được nói và ghi lại trong những quyển sách của tôi. Tuy nhiên, chúng sanh không tin tưởng hoặc chỉ tin tưởng phân nửa, thậm chí chẳng màng ngó ngàng đến những quyển Khai Thị của Ngài.

Ví như trong kinh Pháp Hoa, Phật Thích Ca cố thuyết phục chúng sanh thoát ra khỏi nạn hiểm nguy trong căn Nhà Lửa. Vì chấp trước nặng nề, chúng ta không thèm đoái hoài đến lời dạy của Phật. Vì thế, chúng ta sanh ra làm người và sẽ tiếp tục tái sanh trong sáu đường luân hồi khổ nhọc, cho đến khi nhận ra căn nhà lửanày; nhờ nghe và tu hành theo lời dạy của Phật, nên biết rằng mọi việc đều dựa trên lý nhân quả, và nghiệp báo không sai chạy; không ai tránh khỏi. Một khi đã hiểu rõ, chúng ta nên nhắc nhở lý nhân quả cho người thế gian. Ngài bảo:

Chân thật nhận lỗi mình

Chớ luận bàn lỗi người

Lỗi người tức là lỗi mình

Đồng thể gọi là đại bi.

Khi tan thuốc mê, tôi tỉnh lại và muốn nói: Bồ Tát hiện trước mặt, mà chúng ta không thể nhận diện.

Sau này, khi gặp lại Ngài, tôi thuật lại những gì xảy ra trong phòng mổ, Ngài chỉ mỉm cười.

Tệ lắm là chúng ta phải hộ trì và thực hành sáu đại tông chỉ cùng những lời khai thị của Ngài. Đặc biệt về lý nhân quả, hằng ngày chúng ta phải thọ trì kỸ càng. Hành được như thế thì chúng ta mới thường thọ nhận nụ cười từ bi của Ngài. Chúng ta biết chắc rằng pháp thân của Ngài tiếp tục từ bi cứu độ chúng sanh, như Ngài đã cứu giúp tôi trong phòng mổ. Vậy, chúng ta có muốn Ngài cứu giúp không?

  1. Phụng Hiến Sanh Mạng Hoằng Dương Phật Pháp- Phiên Dịch Kinh Điển

(ủy viên hội phiên dịch Kinh Điển cùng đề bạt)

Tôn Giả La Thập vì bảy đời Phật dịch kinh độ vạn dân thoát khổ hải.

Đại Sư Huyền Trang thay bá tánh cầu pháp khiến chúng sanh đến lạc bang.

Thời đại hiện tại, văn minh vật chất của nhân loại phát triển tột độ và cuộc sống vật chất xa hoa của con người thật xưa nay chưa từng có. Tuy nhiên, nếu nhìn xem cảnh tượng của thế gian, chỉ thấy khổ nạn của chúng sanh càng thêm tăng trưởng. Nơi nơi đều xảy ra nạn chiến tranh, đói khát, hạn hán, cùng bao thiên tai hoạn nạn. Các quốc gia trên thế giới phung phí biết bao tài nguyên thiên nhiên cùng sáng tạo những phương thức mới mẽ hầu mong đối đầu với những vấn đề phức tạp trong xã hội, nhưng thật ra chỉ giải quyết tạm thời, mà không có cách để giải trừ cội gốc đau khổ của nhân loại. Ngài từng nói:

Có thể bảo rằng hiện tại thế giới đang bị băng hoại, mà chỉ Phật giáo mới có khả năng cứu độ thế gian. Nếu mọi người đều hiểu rõ Phật pháp thì mới mong vãn hồi được ác kiếp cho thế giới, bằng ngược lại thì e rằng thế gian sắp đến thời kỳ diệt vong. Đạo Cơ Đốc nói: Ngày (phán xét) tận thế gần kề!Nếu chúng ta phiên dịch kinh điển Phật giáo ra Anh-ngữ để giúp cho mọi người đều hiểu rõ Phật pháp, cùng không làm biếng giải đãi, và tiến bước phát tâm tu đạo, thì Ngày Tận Thế trong tương lai rất xa xăm, nào biết đến bao nhiêu đại kiếp. Thật ra, không có ngày nào được gọi là Ngày Tận Thế cả. Vì sao? Một khi đại pháp luân (bánh xe pháp lớn) của Phật pháp chuyển động, thì ngay cả vầng thái dương cũng bị cuốn hút theo và không thể tự xoay chuyển nổi, nên nào có Ngày Tận Thế!

Các quốc gia trên thế giới đều tranh nhau bắt chước theo nền khoa học kỸ thuật của Tây Phương. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, nhiều nhân sĩ người Tây Phương thường tầm cầu Phật pháp vì muốn đìều phục tâm tánh. Tuy vậy, không những bị khó khăn về việc tìm cầu chư thiện tri thức tu hành đúng theo truyền thống chánh pháp, mà họ còn bị trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Quán sát cơ duyên đã thành thục, Ngài mang chánh pháp sang Tây Phương, và bắt tay vào việc cứu vãn thế giới. Ngài nói:

Không vì tự kỶ, tôi đến đây để cứu người MỸ. Hiện tại, Phật giáo ở MỸ đang trên đà phát triển thịnh vượng. Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, Khổng Tử chu du khắp các tiểu quốc nên nước Tàu mới dần dần được sáng sủa, và nhân dân mới được sống trong cảnh thanh bình an lạc. Ngày nay, xã hội nước MỸ đang rối loạn. Giả như người MỸ không tin Phật giáo và không dựa vào Phật pháp để cải tạo thế gian thì xã hội này sẽ bị suy đồi.

Thời niên thiếu, Ngài đã từng nghiên cứu làm thế nào để đưa giáo nghĩa Phật pháp phổ cập khắp nơi trên thế giới, hầu mong cứu vãn thế nhân. Ngài nói:

Lúc xuất gia, tôi muốn tìm ra lý do tại sao giáo lý viên mãn của Phật giáo chỉ được một số ít người trên thế gian tu học, còn giáo lý của đạo Tin Lành cùng Thiên Chúa được phổ cập toàn cầu? Nghiền ngẫm nghiên cứu mãi, tôi phát giác ra rằng vì các đệ tử của Phật Đà chưa phiên dịch kinh điển Phật giáo ra ngôn ngữ văn tự của các nước trên thế giới. Ngược lại, đạo Thiên Chúa và Cơ Đốc đã phiên dịch Thánh Kinh của họ ra ngôn ngữ của mọi quốc gia, khiến ai ai đọc qua liền hiểu ngay. Nếu kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra mọi ngôn ngữ thì Phật giáo sẽ tự nhiên được phổ cập khắp nơi mà không cần cầu mong. Do đó, vừa xuất gia, tuy không biết một ngôn ngữ ngoại quốc nào, tôi vẫn phát nguyện rằng nếu còn sống ngày nào thì tôi sẽ giúp kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra mọi ngôn ngữ văn tự. Đây là chí nguyện của tôi, và sẽ tận dụng mọi khả năng để thúc đẩy (thực hiện) công tác này.

Phật giáo được truyền từ Ấn Độ sang Trung Quốc là nhờ vào chư Tổ Sư và hiền thánh tăng suốt bao đời, không quản ngại gian nan khổ ải để mang kinh điển và phiên dịch kinh tạng. Nhờ công đức của các ngài mà chúng sanh ở đông độ có cơ duyên hiểu rõ diệu nghĩa thâm sâu bất tư nghì của Phật pháp. Ngài lại nói:

Ngày nay, hiểu rõ kinh điển, chúng ta phải tri ân cảm tạ vị phiên dịch. Nếu không có vị phiên dịch, thì e rằng chúng ta sẽ không thấy một bộ kinh nào và ngay cả danh tự của bộ kinh đó cũng không thể nghe được. Nếu như thế thì làm sao chúng ta biết y chiếu vào đâu để tu hành? Thật khó mà tìm ra con đường tu đạo. Thế nên, chúng ta phải biết ơn của những vị phiên dịch kinh điển. Từ khi kinh điển được phiên dịch cho đến nay, trải qua bao thời đại, người người đều thọ nhận sự giáo hóa từ bi của vị phiên dịch. Vì vậy, công đức phiên dịch kinh điển thật không thể nghĩ bàn, và rất phi thường vĩ đại. Bây giờ, công việc phiên dịch qua ngôn ngữ Tây Phương đều do quý vị. Công đức này thật vô lượng, vì không những một đời được lợi lạc mà sanh sanh thế thế người Tây Phương luôn mãi tri ân. Công tác phiên dịch, ai ai cũng có thể tham gia. Vì vậy, tôi hy vọng không ai sẽ đi chậm bước, mà hãy mau học tiếng Tàu để phiên dịch kinh điển ra Anh văn. Mọi người hãy tận lực cố gắng cống hiến công sức của mình cho người Tây Phương.

Với tầm nhìn sâu rộng về tương lai, Ngài thấy rõ chìa khóa cứu vãn thế giới, nên mới lập hoằng nguyện phiên dịch kinh điển. Tuy nhiên, công việc này thật rất khó khăn. Xưa kia tại Trung Quốc, nhờ quốc vương, đại thần dùng tài lực và nhân lực của quốc gia để thực hiện công tác phiên dịch. Hiện tại, ở Tây Phương, hiếm có cơ quan chánh phủ nào ủng hộ Phật giáo. Ngài nói:

Tôi không dám bàn luận về việc này với ai cả, vì vừa nói đến là mọi người đều sợ hãi do cảm thấy công tác này quá to tát mà xưa nay chưa ai dám thực hiện. Công tác này không phải đơn giản vì cần rất nhiều nhân lực, tài lực, cùng bao điều kiện thuận tiện, nên không ai dám đứng ra chịu trọng trách. Ngay cả các đệ tử của tôi, không ai chân thật nhận ra tầm vóc quan trọng của công tác này.

Thế nên, với tinh thần đại vô úy, Ngài đứng ra lãnh trọng trách khó khăn này. Ngài nói:

Phiên dịch kinh điển là công nghiệp của chư thánh hiền vì mãi mãi được lưu truyền thiên thu vạn thế. Phàm phu chúng ta làm công việc của chư thánh hiền. Đây là nghĩa vụ đầy ý nghĩa vì không những lợi sanh mà còn lập công đức. Xưa kia, chư quốc vương, hoàng đế dùng lực lượng của quốc gia để thực hiện công tác phiên dịch. Ngày nay, chúng ta chỉ dùng lực lượng quần chúng mà làm. Nếu có đạt được đôi chút thành tựu gì thì tôi hy vọng rằng trong tương lai, những vị nguyên thủ của các quốc gia dần dần sẽ tham gia vào công tác này. Hiện tại, chúng ta phải đặt nền móng vững chắc. Trước hết, chúng ta hãy dùng lực lượng quần chúng.

Ngay cả như thế, Ngài không tự nghĩ rằng chính mình phát khởi công nghiệp vĩ đại này. Ngược lại, Ngài tự khiêm nhường nói:

Tôi chỉ là công nhân, giúp mọi người quét dọn và san bằng đường xá. Trong tương lai sẽ có người khác đổ đá, tráng nhựa. Ngày nay chúng ta làm công việc mà không ai dám và thích làm. Từng bước, chúng ta sẽ khai mở đạo lộ cho Phật pháp.

Ngài cũng từng bảo các đệ tử:

Đối với công tác này, chúng ta không thể lơ là xao lãng. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình để thực hiện trọng trách này. Tuy nhiên, có sức lực đến đâu thì chúng ta làm đến đó. Hãy tiến bước mà hành sự. Chúng ta phải tự gánh vác trọng trách hoằng dương Phật pháp trong cuộc đời này.

Tinh thần Xả Mạng Vì Phật Sự là tông chỉ suốt đời của Ngài. Sở hành và sở tác trong cuộc đời của Ngài đều biểu hiện qua tinh thần cụ thể và rất thực tiễn. Tất cả đều phát xuất từ tấm lòng bi mẫn, lợi ích chúng sanh. Ngài nói:

Hiện tại, chúng ta dùng trí huệ của mọi người để phiên dịch kinh điển. Dầu cho có kéo dài cả bao thập niên, chúng ta cũng phải làm những gì lợi ích cho hậu thế, hầu mong họ có thể nghiên cứu Phật pháp, tụng đọc kinh điển, chứ không phải như bây giờ, kinh điển bằng tiếng Anh rất ít ỏi, nên khiến cho những người muốn nghiên cứu Phật pháp không biết đường đâu mà bắt đầu. Hãy cùng nhau phiên dịch kinh điển để giúp người Tây Phương được khai mở nguồn trí huệ, hầu mong sau này người Đông Phương lẫn Tây Phương đều thông hiểu Phật pháp. Mọi người phải lấy đó làm mục tiêu của mình. Chúng ta không thể nghĩ rằng làm việc này cho chính mình, mà phải nghĩ đến việc giúp đỡ người sau hiểu rõ và tu học Phật pháp dễ dàng trong trăm ngàn năm kế. Đây là mục đích của chúng ta. Đó là lý do mà tại sao chúng ta phải khổ cực cáng đáng và chịu muôn vàn khó khăn ở nơi đây.

Phiên dịch kinh điển có ý nghĩa trọng đại như thế, nhưng nếu không biết tiếng Anh hoặc không hiểu những ngôn ngữ ngoại quốc khác thì làm sao dịch kinh được? Ngài nói:

Dẫu không biết một ngôn ngữ ngoại quốc nào, tôi cũng lập chí nguyện là phải thực hiện và dám làm công tác này. Chỉ cần khởi tư tưởng này thì chư Phật đã hoan hỶ rồi. Ngay cả người không biết ngôn ngữ ngoại quốc như tôi mà dám làm, còn nói chi đến những người biết nhiều ngôn ngữ lại chân thật tận lực thực hiện công tác này!

Đa phần, tại các quốc gia Tây Phương, Phật pháp rất ít được biết đến. Hầu hết dân chúng đều chưa từng nghe qua Phật pháp. Từ Hồng Kông sang Hoa Kỳ vào năm 1962, nhiệm vụ đầu tiên của Ngài là giảng kinh thuyết pháp. Ngài giảng về kinh Kim Cang, Tâm Kinh, Pháp Bảo Đàn, Địa Tạng, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, cùng những bộ kinh ngắn như Bát Đại Nhân Giác, Phật Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, v.v… Hầu như ngày nào, Ngài cũng đều thuyết pháp. Ngài nói:

Chí nguyện của tôi là ngày nào còn một hơi thở nào thì tôi sẽ mãi thuyết pháp.

Nhìn dòng lịch sử, chúng ta biết rằng lúc còn tại thế, Phật Thích Ca thường đề xướng việc dùng ngôn ngữ của người ở từng địa phương để hoằng dương giáo lý của Phật đà. Đức Phật không thích giáo nghĩa Phật pháp được tồn trữ trong ngôn ngữ hoa mỸ mà các tôn giáo khác thường dùng vào đương thời. Đức Phật hy vọng rằng thường dân với trình độ trung bình có thể hiểu rõ giáo pháp. Thể theo tinh thần này, khi giảng kinh thuyết pháp, Ngài dùng những ngôn từ rất đơn giản và dễ hiểu.

Những lời chú giải của Ngài trong các kinh điển đều được gọi là Thiển Thích, tức là những lời giảng giải đơn giản, vì Ngài hy vọng rằng người thường hầu hết có thể hiểu được những lời giảng giải của mình. Ngoài ra, vì người phiên dịch cũng chưa hiểu rõ tiếng Tàu cho mấy nên khó mà hiểu được những ngôn từ cao siêu phức tạp. Vì những người đệ tử Tây Phương chỉ biết đơn sơ về Phật pháp, họ cần phải có sự giúp đỡ đặc biệt trong việc hiểu rõ các danh từ Phật học và danh tự tiếng Tàu. Ngài dùng lời văn đơn giản để thuyết pháp hầu mong cứu độ chúng sanh, giáo hóa rộng khắp, và chỉ dẫn dịch giả phiên dịch chính xác. Nhờ những lời chú giải này mà họ có kiến thức căn bản về Phật pháp, rồi y chiếu theo đó để hành trì, đặt nền móng vững chắc trong việc tu hành. Phàm phu không thể dùng tri kiến và trí tuệ để suy lường lời nói của chư thánh nhân. Ngài thường nói:

Tôi không biết tiếng ngoại quốc gì cả.

Tuy nhiên, có vài lần, dịch giả cố rặn óc tìm tòi câu nào cho hợp với lời dịch hoặc không biết phải dịch như thế nào, thì trong tức khắc, Ngài tự nói những câu hay những chữ bằng tiếng Anh hợp với lời chú giải. Lắm khi vì phiên dịch quá nhanh nên dịch giả có sai lầm đôi chút thì Ngài bèn bảo: Không đúng.

Khi mới giảng kinh Lăng Nghiêm, trong chúng hội chỉ có năm người là hiểu tiếng Tàu, còn những người khác thì phải dựa theo lời phiên dịch bằng tiếng Anh. Người MỸ vốn rất khó giáo hóa, nên đang giảng giữa chừng thì người dịch lại đình công. Chẳng còn cách nào, Ngài tự phiên dịch lấy. Ngài nói:

Thật ra, tôi không hiểu tiếng Anh. Nghe họ nói năng, tôi chỉ hiểu được vài câu và tự dịch những câu đó. Nếu không thể nhớ được, tôi bảo họ hãy tự nghiên cứu tìm tòi lấy. Tuy rất ngu si, nhưng tôi có phương pháp giảng dạy riêng biệt.

Kể từ ngày mà Ngài tự diễn giảng và tự phiên dịch, bốn người đệ tử dịch giả không còn dám đình công nữa vì thấy rằng việc này thật vô dụng, không ích lợi. Đối với những lời giảng giải đơn giản của Ngài, một số người trí thức cảm thấy quá đơn sơ và thô thiển vì ngôn từ không hoa mỸ trau chuốt, lại cũng không có trình độ học vấn. Ngài thường bảo:

Tôi chỉ được đến trường học trong hai năm rưỡi thôi.

Nếu muốn sửa đổi nhuận sắc câu văn của Ngài, thì quý vị sẽ thấy là tuy câu văn giản dị nhưng luôn chân thật diễn đạt nghĩa lý thâm sâu. Kết cấu tổ chức của những câu văn đó thật rất thâm mật, thứ tự. Nếu muốn nhuận sắc thì sẽ làm mất đi cấu kết của nguyên văn. Sự uyên bác của Ngài về cổ văn cùng kiến thức về y học, bói toán, chiêm tinh học, v.v… vượt hơn những giáo sư đại học. Thuyết giảng nghĩa lý kinh điển, Ngài thường dùng ngôn từ chính xác linh động. Một người thất học không thể làm được như thế. Ngoài ra, văn phạm và cấu trúc của tiếng Anh rất tinh tường cẩn mật hơn tiếng Tàu. Tuy nhiên, khi dịch lại những lời giảng giải của Ngài, nhiều người đều nhận thấy rằng kết cấu văn phạm rất cẩn mật và dễ dàng phiên dịch. Đôi khi Ngài lại dùng kết cấu văn phạm tiếng Anh để dùng cho tiếng Tàu, nên khiến dễ dàng cho những đệ tử không thông thạo tiếng Tàu học được và dịch được.

Lúc Ngài bắt đầu giảng kinh, chỉ có ba người MỸ đến tham dự. Trong ba người, người thứ nhất ngồi xuống nghe giảng; người thứ hai dựa mình trên cầu thang mà ngủ; người thứ ba nằm xuống đất, gác hai chân lên bàn. Đây là cách nghe kinh của họ. Song, Ngài kiên nhẫn, không mắng nhiếc họ sai trái, chỉ kiên tâm giảng giải kinh điển. Ngài đã từng bảo:

Nếu có một người nào muốn nghe thuyết pháp, thì tôi sẽ thuyết. Thậm chí không có người nào thích nghe, tôi cũng giảng thuyết cho quỶ, thần, và tất cả hàm linh.

Cứ như thế cho đến mùa hè năm 1968, khi một nhóm hơn ba mươi sinh viên cùng với các cao học, tiến sĩ, thạc sĩ người MỸ từ vùng Seattle đến Cựu Kim Sơn để cầu thỉnh Ngài giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau chín mươi sáu ngày lắng nghe Ngài giảng kinh Lăng Nghiêm, năm sinh viên trong nhóm đó phát tâm theo Ngài xuất gia, đánh dấu kỶ nguyên sơ khởi thành lập tăng già tại MỸ.

Từ đó, nhiều vị trí thức lần lượt đến quy y hoặc xả tục xuất gia. Mặc dầu một số có trình độ cao và có bằng cao học hay tiến sĩ, nhưng họ rất tài tử khi dịch kinh điển. Lại có một số hiểu đôi chút hoặc không biết gì về tiếng Tàu. Do đó, trong hai năm 1968-69, vào mỗi buổi tối, tại Giảng Đường Phật Giáo, Ngài mở lớp học tiếng Tàu. Mỗi ngày, trước buổi công phu và giảng kinh tối, Ngài viết lên bảng khoảng hai mươi bốn chữ Tàu theo từng nét, từ một đoạn văn kinh Lăng Nghiêm, trong khi các đệ tử vây xung quanh nhìn xem. Bằng cách này, không đầy một năm, những ai tham dự lớp đó đều viết chữ Tàu đúng theo thứ tự của từng nét. Đồng thời, Ngài cũng khích lệ các đệ tử học thuộc lòng hai mươi bốn chữ trong kinh Lăng Nghiêm vào mỗi ngày. Sau khi dời qua chùa Kim Sơn (góc đường mười lăm ở thành phố Cựu Kim Sơn), Ngài mở lớp học ngôn ngữ vào mỗi ngày. Trong năm đó, các đệ tử học tiếng Phạn, tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Nhật. Ngài luôn dùng phương tiện thiện xảo để khích lệ các giáo sư và học sinh chuyên tâm giảng dạy cùng học tập.

Để phát triển trí huệ sẵn có của mọi người, Ngài mở một lớp học đặc biệt. Mỗi lần đến lớp, một người nọ lên viết chữ Tàu (sau này có thêm tiếng Anh) trên bảng trước. Kế đến, người phụ giảng sẽ đọc qua một lần, rồi hướng dẫn cả lớp đọc bài học theo từng câu. Đọc xong ba lần, học sinh tự nguyện hay sẽ được chọn bất chợt để giải thích bài học bằng song ngữ. Thông thường có trên mười người lên giảng giải, nên khi đến lượt Ngài thuyết giảng thì mọi người đã nghe nhiều sự giải thích khác nhau. Nghe qua những lời giải thích của các đệ tử, chắc chắn Ngài nhận ra những điểm thiếu sót hay sai lầm, nên dễ bề đính chính và giảng giải rộng thêm. Những buổi lên lớp như thế kéo dài khoảng năm sáu giờ. Sau này, phương thức giảng giải được thay đổi vì có thêm lời phê bình của học sinh vào gần cuối giờ học. Danh xưng của lớp học là Chủ Quán Trí Năng Thôi Động Lực. Phương thức này giúp học sinh có cơ hội học tiếng Tàu và tiếng Anh, cùng huấn luyện tánh kiên nhẫn. Quan trọng hơn hết là xuyên qua sự thực hành và lắng nghe người khác giảng giải, trí năng sẵn có của mỗi người khai mở và phát triển theo chiều hướng mới.

Ngài thường răn nhắc các đệ tử là phải dùng trí huệ chân chánh để phiên dịch kinh điển. Ngài cũng bảo rằng nếu thấy có phần nào dịch không đúng nghĩa thì hãy đưa ra để mọi người cùng nhau nghiên cứu thảo luận. Nhờ sự nghiên cứu thảo luận công khai mà các bản dịch lại càng thêm chính xác. Bằng cách này, cách thức phiên dịch thuở xưa được truyền sang Tây Phương. Ngài nói:

Trước khi chính thức phê chuẩn, hiến pháp được đọc ba lần để xem coi ai còn có ý kiến. Chúng ta phải áp dụng phương pháp này để phiên dịch kinh điển. Phiên dịch xong, mọi người lại cùng nhau nghiên cứu một lần nữa để xem coi có vấn đề gì chăng. Dùng trí huệ của mọi người để phiên dịch. Nếu ai có ý kiến gì đều được mang ra bàn thảo. Khi hỏi thăm ý kiến, chúng ta phải theo pháp Yết Ma. Đọc qua một lần, thì hỏi xem có ai cho ý kiến để sửa chữa. Lần thứ hai đọc lại và hỏi, rồi lần thứ ba cũng như thế. Bản dịch phải được đọc chậm rãi để được nghe rõ ràng. Đọc ba lần theo pháp Yết Ma để hỏi xem còn ai có ý kiến. Nếu không còn ý kiến gì tức là mọi người đều đồng ý, nên sau này không ai có thể bàn cãi hay phản đối: Phần phiên dịch này không hay, và vẫn còn sai.

Thế nên, mọi người đều phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào mọi người đều đồng ý thì bản dịch mới được thông qua. Phương thức phiên dịch của chúng ta ngày nay sẽ làm gương cho người sau để họ y cứ theo đó mà hành. Không thể nào chỉ có một bản dịch cá nhân. Chúng ta chung sức để làm công việc này.

Bên cạnh tài năng về ngôn ngữ vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, Ngài cũng hiểu tinh tường về nguyên tắc và tác pháp trong sự phiên dịch. Trong ba nguyên tắc Tín, Nhã, Đạt thì tính trung thật là quan trọng bậc nhất. Ngài nói:

Việc quan trọng nhất của sự phiên dịch là phải chính xác, chứ không thể tương phản với nguyên văn. Khi dịch bản văn của người khác thì phải trung thực y chiếu theo lời của người đó, mà không thể xen ý kiến của mình vào được. Nếu văn phạm có chỗ nào không thông suốt thì có thể trau dồi lại, nhưng không thể thêm lời chú giải hay ý kiến của mình vào đó.

Tiếc thay, vài người cho rằng phương thức giảng giải của Ngài là thiếu học vấn, hoặc muốn tự làm nổi bật lên, nên tự thêm ý kiến hay xen những lời chú giải của người khác vào những bản văn chú giải kinh điển mà bỏ ra phần giảng giải chánh của Ngài. Ngài thuyết giảng những lời giản dị đơn sơ với dụng ý giúp những kẻ sơ cơ cùng các dịch giả theo đó mà học tập để có kiến thức căn bản về Phật pháp, rồi y cứ theo đó mà tu hành. Ngài không chấp trước vào lời giảng giải của mình, chỉ khiêm tốn bảo:

Nếu muốn, quý vị có thể dùng lời giải thích sơ đẳng của tôi. Hiện tại, vì mới bắt đầu, chúng ta nên lập nền móng vững chắc, rồi sau đó khai triển cùng phiên dịch những kinh điển khác.

Phiên dịch là công nghiệp cả trăm ngàn năm. Theo lập trường tiên phong của Ngài:

Hiện tại, việc phiên dịch chỉ cần văn nghĩa thông suốt là đủ rồi. Chúng ta không cần phải tô điểm trang sức loè loẹt như tấm vải thêu. Tương lai, nếu có ai nhận thấy rằng những bản dịch đại khái của chúng ta không hay cho lắm, thì họ có thể trau chuốt sửa chữa lại.

Phiên dịch kinh điển để mọi người đồng hiểu rõ. Vì thế Ngài nhấn mạnh:

Phải phiên dịch kinh điển đơn giản và rõ ràng. Không nhất định phải dùng tiếng Phạn. Nếu tiếng Anh không có chữ phù hợp thì bất đắc dĩ mới dùng tiếng Phạn. Ngược lại, phải dùng lời văn mà người ở nước này dễ dàng hiểu được. Nếu chỉ dùng tiếng Phạn, thì không cần dịch ra tiếng Tàu, rồi tiếng Anh. Thế thì chỉ cần dùng bản tiếng Phạn thôi! Mục đích của việc phiên dịch là giúp cho kinh điển được phổ thông để mọi người khi đọc qua liền hiểu ngay. Được như thế thì đã quá đủ rồi. Quý vị cố ý dịch bằng những lời lẽ văn hoa cao siêu thì khi đọc qua, người khác sẽ cảm thấy rắc rối, ngờ vực. Chúng ta phải dùng trí huệ để xem coi lời văn có hợp lý hay không, rồi mới dùng; được như thế là quá đủ. Ngôn ngữ tiến hóa từng bước theo dòng thời gian. Bây giờ có thể họ chưa hiểu, nhưng trong tương lai, khi đọc qua nhiều lần thì họ sẽ hiểu. Điều thiết yếu nhất, nếu lời lẽ và ý nghĩa đầy đủ là được rồi.

Lúc theo nguyên tắc văn nghĩa thông đạt và trung thực, phải lưu tâm đến sự dung hợp hoàn toàn tất cả sự khác biệtvì Phật pháp là viên dung vô ngại. Ngài nói:

Trong khi phiên dịch văn kinh, không thể chỉ lưu ý đến phần chú giải. Văn kinh như biển cả. Lời chú giải chỉ như sông ngòi ở khắp nơi, tùy theo dòng mà đổ vào biển cả. Không thể xem sông ngòi như biển rộng. Kinh điển rất sống động chứ không chết cứng, và luôn viên dung vô ngại mà không chỉ đơn thuần giới hạn trong một nghĩa. Bất cứ lời giảng giải nào, miễn có đầy đủ lý lẽ thì được rồi. Đừng chấp nê là phải dịch theo cách này hay cách nọ, mà chỉ cần giữ nguyên ý nghĩa của lời kinh là được. Chớ bỏ quá nhiều thời giờ vào điểm này. Càng bỏ thời giờ vào việc chọn lựa lời lẽ thì càng xa ý kinh, và bản dịch sẽ không được hay cho lắm. Cần phải phiên dịch kinh điển một cách sống động và uyển chuyển. Không thể bướng bỉnh chấp theo ý mình, chỉ miễn sao ý nghĩa của kinh văn được thông suốt là đủ rồi.

Đối với việc phiên dịch kinh điển, không những phải ứng dụng sự khéo léo, mà còn rèn luyện và giúp phát triển trí huệ chân chánh. Ngài nói:

Dẫu là người nào, nếu tự dùng tâm tư để phiên dịch kinh điển thì trí huệ ngày một khai mở. Ngày ngày chuyên tâm chú ý học hành thì trí huệ sẽ được triển khai.

Để đảm bảo việc phiên dịch được chính xác mà không sai lầm và chân chánh phù hợp với ý Phật đà, Ngài thường răn nhắc các đệ tử:

Phiên dịch kinh điển phải có chánh tri chánh kiến, và nhất định phải giữ được chánh nghĩa, mà không nên thiên tư hoặc dùng lời hoa mỸ thuận theo nhân tình. Phải quyết định mau mắn và dùng lời quả quyết, cùng có tinh thần phán xét như phán quan (chánh án). Phải khởi tâm thành khẩn và dùng tri kiến chân thật thâm sâu, cùng có tánh quả quyết. Phải khách quan mà phiên dịch, chứ không thể nghiêng về phần văn tự chữ nghĩa. Phải dùng trí huệ chứ không dùng tình cảm mà phiên dịch. Dẫu là lời của ai, nếu nghĩ rằng không chính xác thì phải cứng rắn xét đoán vô tư. Phải vô tình và lạnh lùng để phiên dịch kinh điển. Nếu dùng tình cảm thì sai lạc rồi. Khi phiên dịch, phải mường tượng về hình ảnh, hoàn cảnh, tâm lý, và dụng ý của Phật Thích Ca vào đương thời. Phải tự hỏi rằng tại sao đức Phật thuyết bộ kinh này? Phải vận dụng tư tưởng để nắm rõ đạo lý mà đức Phật thuyết giảng trong bài kinh đó. Làm được như thế thì quý vị sẽ thông đạt diệu nghĩa thâm sâu của lời kinh.

Kẻ có chí hướng cao xa, đầu tiên phải tu đức, rồi tự luyện văn chương, nghệ thuật.

Theo tiêu chuẩn của Ngài, dịch giả dẫu có khả năng khéo léo về ngôn ngữ, hay thông minh tài trí liễu giải lời diễn giảng của Ngài, thì cũng chưa được xem là hoàn hảo. Ngài lập ra tám quy tắc căn bản cho người phiên dịch kinh điển. Chân chánh phụng trì tám quy tắc căn bản này thì công tác phiên dịch mới hàm dưỡng đạo đức cao tột. Những ai tham gia vào công tác phiên dịch kinh điển phải tuân thủ Tám quy tắc căn bản:

1/ Dịch giả phải thoát ra ngoài động lực vì danh lợi cá nhân.

2/ Dịch giả phải có thái độ thành khẩn cung kính và tránh sự cống cao ngã mạn.

3/ Dịch giả không thể tự tán thán mà bêu xấu người.

4/ Dịch giả không thể cho mình là tiêu chuẩn rồi chèn ép người khác bằng cách tìm những lỗi lầm nhỏ nhặt.

5/ Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.

6/ Dịch giả phải vận dụng trạch pháp nhãn để phân biệt đạo lý chân chính.

7/ Dịch giả phải khẩn cầu chư đại đức trưởng lão ấn chứng cho bản phiên dịch.

8/ Dịch giả phải nỗ lực hoằng dương, lưu thông kinh, luật, luận, cùng các kinh sách khác sau khi được ấn chứng, để khiến cho Phật pháp được phát triển rộng rãi.

Qua tám quy tắc căn bản, chúng ta thấy rõ mỗi người dịch giả phải có tâm lượng quảng đại cùng phẩm cách cao tột thì mới gánh vác trọng trách về công tác thánh thiện. Ngài khuyến khích các vị dịch giả:

Tâm lượng của chúng ta phải đồng như hư không, biến mãn khắp hà sa pháp giới, bao quát cùng dung thông tất cả. Còn nghi ngờ điều gì thì phải đưa ra. Thấy việc đó đúng thì phải giải thích cặn kẽ. Mọi người cùng đồng nghiên cứu và thương lượng, chứ không thể tranh luận cãi vã. Không nên bảo rằng mình thắng, còn kẻ khác thì thua. Trong chúng ta, không ai thắng cũng không kẻ thua. Luôn luôn bình đẳng, chúng ta nhất tề tiến bước.

Công tác phiên dịch trong thời đại này có ý nghĩa rất trọng đại, nhưng đặc biệt khó khăn muôn vàn. Ngài nói:

Chúng ta hiện nay rất ít người hiểu tiếng Tàu, và cũng không biết nhiều về tiếng Anh, nên công việc phiên dịch kinh điển thật là khó khăn gian nan. Dẫu rằng như thế, chúng ta vẫn dự bị truyền huệ mạng của Phật đà, đốt lên ngọn đuốc chánh pháp. Đối với nhân loại trên thế giới, ảnh hưởng của công tác phiên dịch thật lớn lao. Nỗ lực không ngừng, chúng ta phải gánh vác công tác thánh thiện. Không thể hàm hồ cẩu thả, mà phải đặc biệt nghiêm túc trịnh trọng thực hành công tác đó. Phải tự suy nghĩ: Là một phần tử của Phật giáo, nếu không hoàn thành trọng trách thì đợi ai làm? Tôi nếu không làm thì ai làm đây? Tất cả trọng trách hoằng dương Phật pháp đều do tôi gánh vác.

Xưa kia, bút, mực giấy và những vật dụng khác để dùng vào việc phiên dịch kinh điển rất khó tìm. Ngày nay, thời hiện đại tiến bộ hơn lúc xưa nhiều. Cơ duyên tham gia vào công tác này trong trăm ngàn vạn kiếp thật rất khó tìm cầu. Ngài lại nói:

Lúc phiên dịch kinh điển, phải phát khởi tâm pháp hỶ sung mãn (niềm vui pháp lạc tràn đầy), chứ đừng có tâm tranh đấu ganh đua. Phải dùng trí huệ quyết đoán, mà chẳng nên dùng ngu si lưỡng lự. Phải nghĩ rằng công tác này thật khó gặp: Tôi được tham gia pháp hội phiên dịch kinh điển. Thật là một việc may mắn và khó được trong vạn kiếp. Không thể diễn bày tâm tình hân hoan.

Trong những lần bắt đầu phiên dịch kinh điển, chúng ta phải tĩnh lặng tâm tư, rồi mặc niệm (chớ không niệm ra tiếng): Nam mô thường trụ thập phương Phật. Nam mô thường trụ thập phương pháp. Nam mô thường trụ thập phương Tăng.

Trong tâm cũng phải suy tưởng: Chúng con quy y mười phương hư không khắp pháp giới, vô lượng vô tận thường trụ Tam Bảo. Ngưỡng mong Tam Bảo gia hộ, khiến chúng con có được chánh tri chánh kiến, khai mở trí huệ rộng lớn để phiên dịch kinh điển.

Mỗi khi làm công tác phiên dịch kinh điển, mọi người phải tự cầu chư Phật gia hộ. Không thể dùng tâm phàm phu mà phiên dịch kinh điển. Phải dùng ý tưởng chân chánh hợp với Phật pháp. Khi làm việc Phật sự, phải tự suy nghĩ: Nghĩa lý này có tương hợp với ý của đức Phật hay chăng? Có tương phản với lời Phật dạy hay không? Phật đà thuyết kinh này với dụng ý gì?

Lại phải chú ý thêm một điểm: Tuy khởi niệm, nhưng nếu chân thành đó là tâm niệm chân chánh. Tâm niệm quán tưởng nếu chân thật thì sẽ hợp với Tam Bảo thành một nhất thể.

Trí huệ và tầm nhìn của Ngài tuy vượt xa người thường, nhưng dẫu ở nơi nào, Ngài cũng đều đi sau, để dành cho các người đệ tử bước trước, vì suốt đời luôn muốn bồi dưỡng nhân tài cho Phật giáo, hầu mong đặt nền tảng vững chắc cho Phật pháp tại Tây Phương. Ngài nói:

Tôi có thể tự cán đáng lấy dẫu là việc gì, nhưng lại không muốn làm. Một mình tôi làm thì không có ý nghĩa gì hết. Phật pháp là của chung cho mọi người. Phải rèn luyện nhiều nhân tài cho Phật giáo. Mục đích của tôi là bồi dưỡng nhân tài chứ không phải tự bồi dưỡng chính mình.

Dòng mồ hôi nước mắt của Ngài luôn đổ xuốngchỉ do việc này. Luôn luôn, trong những trường hợp khác nhau, Ngài vận dụng những phương thức đa dạng để huấn luyện các đệ tử. Ngày qua tháng lại, Ngài bồi dưỡng nhân tài ưu tú phiên dịch kinh điển cho Phật giáo.

Công tác phiên dịch kinh điển của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới được phát khởi vào năm 1968. Đương thời giảng đường là nơi phiên dịch. Ngài giảng kinh vừa xong thì các đệ tử bèn phiên dịch thành Anh văn trong cùng ngày. Mãi đến năm 1973, Ngài mới chính thức thành lập Viện Phiên Dịch Kinh Điển tại đường Washington ở vùng Cựu Kim Sơn. Đến năm 1977, viện lại được sát nhập vào trường đại học Phật Giáo Pháp Giới, với danh xưng Học Viện Phiên Dịch Kinh Điển Quốc Tế. Ngài lại nới rộng và dời Viện về thành phố Burlingame ở phía nam vùng Cựu Kim Sơn vào năm 1990.

Để quản lý và tiến hành công tác phiên dịch, Ngài thành lập ủy viên hội và phân làm bốn ban: Ban phiên dịch, ban kiểm thảo, ban nhuận sắc, và ban chứng minh. Bốn ban này cung ứng phương thức tuyệt hảo cho việc huấn luyện những người mới đến ngay trong tiến trình phiên dịch. Việc quan trọng nhất là người người nên tập lấy tâm Phật làm tâm mình đang khi phiên dịch và thể nhập vào những lời pháp ngữ của Ngài, để khai triển tâm tánh cùng kiên trì quyết định tiến đến đạo Bồ Đề vô thượng.

Phiên dịch kinh điển với mục đích giúp chúng sanh có cơ hội hiểu rõ, và tu hành Phật pháp. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, mục đích của Ủy Viên hội Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo là muốn mang nghĩa lý chân thật của Phật pháp truyền vào xã hội Tây Phương, hầu mong người Tây Phương biết rõ đường hướng, tức là y chiếu vào giáo pháp của Phật đà để tu hành. Điểm đặc sắc của Ủy Viên Hội Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo là dịch giả đều tiếp thọ sự huân tập truyền thống chánh pháp của Phật giáo, cùng chân thật cống hiến cuộc đời mình để hành trì Phật pháp, tức là ngôn hạnh hợp nhất, chứ chẳng phải đơn thuần nghiên cứu văn tự. Những kinh sách do hội xuất bản đều xiển dương sự chân thật hành trì Phật pháp.

Dưới sự chủ tọa của Ngài, hội được cải tổ lại. Tiến trình phiên dịch và xuất bản được chính thức xác định. Ngài dạy rằng những kinh sách do hội xuất bản trong tương lai phải được in ấn bằng song ngữ.

Tiến trình phiên dịch kinh điển của hội trong hiện tại phải theo từng bước như sau (lấy tiếng Anh làm tiêu chuẩn):

1/ Chuyển (những lời thuyết pháp của Ngài) từ băng cuộn qua băng ghi âm.
2/ Sao chép lại (lời giảng thuyết của Ngài).
3/ Viết tiếng Tàu vào máy điện toán.
4/ Kiểm duyện bản sao chép bằng chữ Tàu.
5/ Đọc và sửa chữa nhiều lần bằng chữ Tàu.
6/ Nhuận văn chữ Tàu.
7/ Chứng minh văn chữ Tàu.
8/ Dịch qua tiếng Anh.
9/ Đối chiếu tiếng Tàu và Anh.
10/ Nhuận văn tiếng Anh.
11/ Chứng minh bản dịch tiếng Anh.
12/ Đối chiếu bản văn tiếng Tàu và Anh.
13/ Chứng minh bản văn tiếng Tàu và Anh.
14/ Đánh và sắp đặt bản văn tiếng Anh vào máy điện toán.
15/ Đọc và sửa chữa nhiều lần bản văn tiếng Anh.
16/ Sửa chữa trên máy điện toán.
17/ Sắp đặt bản văn bằng tiếng Anh vào máy điện toán lần thứ hai.
18/ Đọc và sửa chữa nhiều lần.
19/ Sửa chữa trên máy điện toán.
20/ In mẫu.
21/ Trình bày.
22/ Ấn hành.

Mỗi bước ở trên đều dùng rất nhiều thời giờ và nhân lực. Mỗi giây phút, mỗi sự nỗ lực đều có giá trị vì nhằm vào sự chính xác trong công việc phiên dịch. Những hội viên của Hội gồm có quý vị xuất gia và cư sĩ. Họ là những người tình nguyện phát tâm cống hiến công sức cho công việc này. Ngài nói:

Công tác của chúng ta chẳng phải là công việc bình thường của thế nhân. Đừng hỏi rằng tôi sẽ được tưởng thưởng và thu hoạch gì trong tương lai khi làm công tác này?

Công tác phiên dịch, không có phần thưởng hay thu hoạch được gì cả; hoàn toàn chỉ vì Phật giáo mà tự nguyện tận tâm làm việc này. Hoàn toàn hy sinh cuộc đời mình để làm việc Phật sự, mà không cần tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ. Công tác này phải phù hợp với sáu tông chỉ rõ ràng như không tranh, không tham, không cầu, không ích kỶ, không tự lợi, không nói láo. Làm công việc này, chúng ta không cầu xin phần thưởng hay bất cứ vật gì, mà chỉ đơn thuần muốn phiên dịch kinh điển Phật giáo. Như thế là đủ lắm rồi. Hội phiên dịch kinh điển đã xuất bản kinh sách bằng tiếng Anh kể từ năm 1972. Hội đang tiếp tục phát hành kinh điển đã được phiên dịch từ tiếng Tàu qua tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, v.v… Hiện tại, năm quyển Khai Thị và Pháp ngữ đã được xuất bản bằng song ngữ. T.H.P.G.P.G cũng phát hành tạp chí nguyệt san Kim Cang Bồ Đề Hải vào hằng tháng với mục đích truyền bá tuyên dương chánh pháp. Tạp chí nguyệt san đã được hai mươi bảy năm tròn kể từ năm 1970. Ngõ hầu phù hợp với nguyên tắc ấn bản song ngữ của tổng hội, tạp chí nguyệt san phải vượt qua nhiều khó khăn về kỸ thuật và đã trình bày mọi bài văn bằng song ngữ kể từ năm 1992. Giữa những tập san Phật giáo, phương thức xuất bản đối chiếu song ngữ của tạp chí nguyệt san Kim Cang Bồ Đề Hải thật là đặc thù, độc đáo. Ngài nói:

Tự tu tự hành là điều rất quan trọng. Dĩ nhiên là sẽ trợ giúp lớn lao cho Phật giáo nếu có thể tu đắc chứng quả thành đạo, nhưng chỉ là sự cống hiến tạm thời. Phiên dịch kinh điển Phật giáo qua ngôn ngữ của mọi quốc gia và mang Phật pháp thẳng vào tâm của mọi người thì đó là công nghiệp vĩnh hằng. So với sự hoằng dương chánh pháp thì công việc phiên dịch kinh điển quan trọng hơn. Những ai chí đồng đạo hợp, hãy cùng nhau đứng dậy, dùng trí huệ của mọi người, chung sức nỗ lực phiên dịch kinh điển Phật giáo.